Đôi vợ chồng nghệ nhân duy nhất ở Tây Nguyên

XUÂN THÂN

Ai đã từng một lần đến thăm khu du lịch Thanh Hà ở làng đảo Bản Đôn (xã Ea Wel, huyện Buôn Đôn, Đắc Lắc) sẽ được thưởng ngoạn khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên và đắm mình theo giai điệu bru ngọt ngào, hay làn điệu Ay Ray mượt mà của vợ chồng nghệ nhân Y Gông B’dap và H’Uinh Byă. Đây là đôi vợ chồng nghệ nhân duy nhất ở Tây Nguyên vừa được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam trao bằng công nhận Nghệ nhân dân gian.

Từ một mối tình chung

Chúng tôi về bên dòng sông Srê Pốc hùng vĩ với mong muốn được gặp vợ chồng nghệ nhân Y Gông và H’Uinh. Cho dù đã bước vào “tuổi xưa nay hiếm” nhưng hai già vẫn hết sức tình tứ mặn mà trong từng làn điệu dân ca véo von của người Ê Đê.

Cái tình tứ trong con người nghệ nhân đã thổi hồn vào lời ca, điệu nhạc lúc bay bổng vút cao, lúc truyền cảm lắng đọng đã làm say mê lòng người. Có biết bao nhiêu người đã đến thăm làng đảo Bản Đôn để được nghe vợ chồng nghệ nhân biểu diễn những tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc Ê Đê.


Vợ chồng nghệ nhân Y Gông B’dap và H’Uinh Byă

Dù không hiểu tiếng Ê Đê nhưng chúng tôi cũng hiểu được nội dung lời ca tiếng nhạc qua phong cách biểu diễn độc đáo của vợ chồng nghệ nhân.

Già YGông không chỉ có diễn tấu mà ông còn chế tác các nhạc cụ truyền thống như bru, đinh năm, đinh tặc tà, đinh buốt…Bên cạnh đó, người bạn đời của ông thổi hồn vào những làn điệu dân ca rất khó thực hiện như Ay Ray, Vay Vay và Hơh Cư Jú…

Vợ chồng nghệ nhân Y Gông đều sinh ra và lớn lên ở buôn Khít (xã Ea Blốk, huyện Krông Ana, Đắc Lắc). Đây là cái nôi sản sinh ra nhiều nghệ nhân biết diễn tấu nhạc cụ truyền thống và biểu diễn dân ca. Chính vì lẽ đó, tuổi thơ của hai nghệ nhân gắn liền với những lời ca, điệu nhạc của ông bà, cha mẹ…

Họ quen nhau từ những lần biểu diễn văn nghệ ở buôn xã. Lời ca, tiếng hát và điệu nhạc làm cho chàng trai Y Gông và sơn nữ H’Uinh say đắm nhau trong tình yêu rồi nên vợ nên chồng.

Nghệ nhân H’Uinh nhớ lại: “Ngày ấy, mình mê nhất Y Gông khi ông ấy thổi đinh năm réo rắt tựa suối reo, thổi bru véo von như chim hót buổi sáng”. Cuộc sống ngày đó khó khăn, bận bịu nhiều công việc gia đình và cộng đồng, nhưng trong nhà Y Gông lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười, cùng với điệu nhạc của chồng, lời ca của vợ.

Ông Y Gông cho hay: “Ngày ấy, mấy đứa con của mình còn nhỏ, khi vợ bận việc ở trên nương rẫy, mình ở nhà chăm con và ru con ngủ bằng điệu ru bru đó”.

Bên bếp lửa, già Y Gông giải thích cho chúng tôi mỗi nhạc cụ có không gian diễn tấu riêng biệt: Gẩy chinh kram trên rẫy để xua đuổi con thú để không cho chúng vào phá cây trồng; riêng tiếng đinh năm chỉ tấu lên trong những cuộc vui, hội ngộ của buôn làng…

Nghệ nhân H’Uinh là người có khiếu âm nhạc từ thuở nhỏ; chỉ cần nghe người lớn hát một vài làn điệu là cô bé H’Uinh đã thuộc ngay lời và biểu diễn trơn tru. Năng khiếu cộng với đam mê đã giúp nghệ nhân H’Uinh là người thuộc nhiều dân ca Ê Đê nhất ở tỉnh Đắc Lắc khi diễn xuất thật hay, thật chuẩn cả 3 làn điệu Ay Ray, Hơh Cư Jú và Vay Vay.

Còn Y Gông ngày thuở nhỏ đã đam mê âm thanh huyền bí của ki păh vang xa, bị hút hồn vào tiếng réo rắt của đinh năm mỗi khi nghe người già diễn tấu.

Đưa âm điệu Tây Nguyên đi xa

Trong ngôi nhà sàn bên bếp lửa bập bùng của khu du lịch Thanh Hà, nghe vợ chồng nghệ nhân Y Gông biểu diễn những lời ca điệu nhạc, chúng tôi được đắm mình trong âm thanh huyền bí của đất rừng Tây Nguyên và như cảm nhận được các lễ hội vui nhộn, hội ngộ có, chia ly có, cũng như không khí lao động hăng say của đồng bào nơi đây.


Nhà rông ở Tây Nguyên

Già Y Gông tâm sự: “Cái bụng mình rất ưng khi làm việc ở khu du lịch Thanh Hà. Nhờ đó mình mới có điều kiện được biểu diễn các loại nhạc cụ của đồng bào mình để giới thiệu cho khách trong và ngoài nước biết đến nét văn hóa, cũng như phong tục, tập quán của người Ê Đê”.

Ngoài ra, vợ chồng nghệ nhân Y Gông còn say mê giới thiệu cho du khách về cách quay tơ, dệt thổ cẩm, về cồng chiêng, ghế kpan, gùi, về rượu cần, nhưng sinh hoạt đặc sắc hơn cả là lễ hội săn voi của đồng bào Ê Đê.

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng tâm huyết và nỗi khát khao giữ gìn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc vẫn luôn cháy bỏng trong vợ chồng nghệ nhân H’Uinh.

Hằng ngày, hai già hướng dẫn con cháu trong gia tộc cách chế tác, diễn tấu nhạc cụ và dạy chúng hát những làn điệu dân ca Ê Đê. Nghệ nhân Y Gông bộc bạch: “Khi nào truyền hết cho con cháu những vốn văn hóa dân gian của người Ê Đê mà mình có được thì lúc đó vợ chồng mình mới yên lòng đi gặp tổ tiên”.

Ghi nhận về công lao đóng góp của vợ chồng nghệ nhân Y Gông trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa dân gian của đồng bào Ê Đê là nhiều giấy chứng nhận, giấy khen và các huy chương vàng bạc của địa phương đến trung ương đã trao tặng cho hai già.

Đến lúc phải chia tay vợ chồng nghệ nhân, tâm hồn mỗi người chúng tôi còn xao xuyến, bước chân níu kéo bởi làn ca Ay Ray và điệu nhạc đinh năm réo rắt như suối chảy làm mê hoặc lòng người.