Đi xem hầu đồng…

KHÁNH LINH - YÊN HOA

Hẳn ai cũng đã từng có ít nhất một lần trong đời đi… xem bói. Có người xem… cho vui, nhưng cũng không ít người bỏ ra rất nhiều tiền ngồi ngay ngắn, nghiêm trang nghe thầy bói phán, nếu chẳng may đúng thì tin sái cổ, có sai vẫn cứ ngẫm nghĩ rồi chuốc lấy mối lo ngại vào người. Trong tất cả những trò đồng bóng bị các cơ quan quản lý văn hóa coi là mê tín dị đoan cần được dẹp bỏ thì hầu thánh (thực chất là hầu đồng) là trò khiến thân chủ phải móc hầu bao nhiều nhất, khoa trương nhất và, dĩ nhiên, cũng tốn kém nhất. Đây chính là hoạt động văn hóa dân gian (VHDG) cần được gìn giữ hay là trò mê tín dị đoan nên xoá bỏ, hẳn còn gây nhiều tranh cãi. Theo chân những đoàn đi lễ cầu may đầu năm chúng tôi tham dự một số buổi hầu đồng và có những ghi nhận từ thực tế…

SINH HOẠT VĂN HÓA DÂN GIAN…

Chị bạn làm nghề buôn chuyến đường dài mà tôi đã “giao kèo” từ trước gọi điện cho tôi rủ tham dự một buổi hầu đồng. Địa điểm diễn ra buổi lễ là ngôi đền Đồng Bằng (thuộc huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Đúng hẹn, tôi có mặt ở nhà chị cũng là nơi tập kết, đã thấy khoảng gần ba chục người cả già lẫn trẻ đầy đủ ban bệ, thành phần, có cả hai vị quan chức đang làm tại một sở của tỉnh đang tất bật chuẩn bị đồ sính lễ.

Gương mặt ai cũng phấn khởi, hồ hởi, nói cười râm ran. Một thanh niên khoảng ngoài hai mươi tuổi quần bò áo phông, da trắng như trứng gà bóc trông hơi giống con gái, tóc để dài xịt keo láng mượt, miệng nhai trầu ngỏn ngoẻn, giọng uốn éo, liên tục đưa tay chỉ trỏ bảo mang theo cái này, cầm theo cái nọ, thỉnh thoảng lại giục: “Các bà kiểm tra thật kỹ xem còn thiếu hay có quên gì không? Quên là chết tôi đấy…”. Chị bạn ghé tai tôi bảo: “”Cậu” L. đấy! Cậu sẽ là người chủ trì buổi lễ (hầu đồng) hôm nay…”.

Theo quốc lộ 10 đi Hải Phòng độ hơn chục cây số, nhìn sang tay trái đã thấy ngôi đền Đồng Bằng sơn xanh đỏ nằm ở khu đất giữa cánh đồng. Đoạn đường vào đền độ năm trăm mét ô tô, xe máy nối đuôi nhau đậu san sát. Người ra kẻ vào tấp nập. Thường xuyên tổ chức các buổi hầu ở đây và đã hẹn từ trước nên đoàn chúng tôi không phải đợi lâu. Chờ chừng nửa giờ đồng hồ, đoàn khách từ Hải Phòng lui ra thụ lộc chia cho các con nhang đệ tử, “cậu” L. dẫn chúng tôi vào.


“Cậu” T. trong một buổi “lên đồng” tại Đền Đồng Bằng - Thái Bình.
Ảnh: Khánh Linh

Đập vào mắt tôi, gian chính điện được trang hoàng rực rỡ, long đình (ban thờ) nghi ngút khói hương. Bốn chiếc chiếu đôi được trải ra trước long đình, hai bên tả hữu dành cho ban nhạc lễ. Khung cảnh hơi giống với những chiếng chèo thường được tổ chức giữa sân đình làng tại các tỉnh đồng bằng Bắc bộ ngày xưa, nhưng xa hoa rực rỡ hơn. Rất nhanh “cậu” ngồi vào chiếu, bốn phụ đồng gồm có hai nam, hai nữ giúp “cậu” thay “xiêm áo”, tô son điểm phấn và chuẩn bị lễ lạt. Các con nhang, đệ tử ngồi quây kín xung quanh và rất đông những người của các đoàn khác chưa đến lượt ngồi “chầu rìa” xin lộc rơi lộc vãi.

Chị bạn tôi bảo: “Hôm nay là ít, mọi lần đông lắm cơ, có khi lên đến cả trăm người…”. Tôi hỏi: “Mỗi buổi hầu như thế này có tốn kém lắm không? Khoảng bao nhiêu tiền thì đủ? Và, tiền đó do các con nhang đệ tử đóng góp hay “cậu” bỏ ra? Có phải trả công cho “cậu”?…” nhưng chưa kịp nghe câu trả lời thì cánh cung văn nổi nhạc. Tiếng đàn cất lên khoan thai, trống phách dồn dập, giọng hát văn réo rắt khi bổng khi trầm.

“Cậu” mặc áo lụa trắng, chân đi hài, má phấn môi son bắt đầu “hóa thân” vào từng giá đồng. Khi thì là một vị tướng uy nghi trấn giữ miền biên ải; vừa mới là một ông quan lớn oai vệ thoắt đã biến thành một cô gái vùng cao tung tăng nhảy múa, hát ca… Giọng hát văn thay đổi liên tục, khi réo rắt tươi vui, lúc chán chường buồn bã, khi ưu tư. Tâm trạng của các con nhang đệ tử vì thế cũng liên tục thay đổi, thỉnh thoảng cao hứng “cậu” lại cất tiếng… hú khiến con nhang đệ tử vỗ tay rào rào.

Mỗi lần nhập vai là một giá đồng. Sau mỗi giá, “cậu” lại ban lộc thánh là tiền, hoa quả, rượu bia… cho các con nhang đệ tử trong đoàn, hiếm khi nào “cậu” ban sai vì tất cả, “cậu” đều đã biết mặt. Nghe nói, mỗi buổi hầu thánh như thế nếu đầy đủ thủ tục phải qua 36 giá!

… HAY LÀ TRÒ MÊ TÍN DỊ ĐOAN?

Chị bạn tôi cho biết, mỗi buổi hầu đồng như thế ít nhất cũng phải tốn năm triệu, dân làm ăn buôn bán thì nhiều hơn, có buổi hầu đồng mà các con nhang đệ tử đóng góp số tiền lên đến năm chục triệu đồng không phải là chuyện hiếm. Tiền đó “khoán trắng” cho “cậu” đứng ra tổ chức. Sau khi chuẩn bị lễ lạt, xe cộ, ăn ở (nếu hầu ở tỉnh xa) và tiền để “cậu” ban lộc cho mọi người, còn lại “cậu” đút túi riêng. Ngoài ra còn phải trả công cho “cậu”, số tiền bao nhiêu không được tiết lộ nhưng nghe nói cũng phải vài ba triệu mỗi buổi hầu như thế!?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày trước, những buổi hầu đồng thường chỉ diễn ra vào ngày lễ của làng. Việc tuyển chọn các cô đồng diễn ra rất nghiêm ngặt và phải do làng họp lại quyết định. Thường thì là trẻ con, tuổi lên sáu trở lên và là con nhà tử tế mới được chọn. Cô đồng có ý nghĩa biểu tượng như tuổi thanh xuân và tinh khiết của làng. Cô bé được chọn sẽ được cô đồng đi trước truyền dạy cho tất cả các cách thức múa may, tế lễ để có thể nhập đồng.

Những cô đồng thường chỉ “hoạt động” đến năm 25 tuổi thì “giải nghệ”, lấy chồng và buộc phải trao lại “vinh dự” ấy cho cô đồng mới lớn lên, vừa được làng tuyển chọn. Theo thời gian, cái ý nghĩa thiêng liêng đó đã bị phá vỡ. Đội ngũ những người hầu đồng không chỉ là những cô gái đồng trinh nữa mà có cả đàn ông, đàn bà. Thậm chí, có cả những kẻ vô công rỗi nghề không biết làm gì, một ngày đẹp trời nào đó liền phao tin mình được “thánh cho ăn lộc” nhằm lôi cuốn những người nhẹ dạ, cả tin để kiếm tiền. Những cô đồng như thế, chị bạn tôi cho biết, bây giờ nhan nhản. Thậm chí không cần phải đi lễ đình chùa đâu cho xa, cô đồng có thể đến tận nhà “phục vụ tận tình, chu đáo”.


“Thần thánh đang nhập hay… chỉ là trò bịp?”. Ảnh: K.L

Chúng tôi tìm đến nhà “cậu” T., nguyên là nhạc công của Đoàn chèo Thái Bình nay đã xin nghỉ việc, để “thỉnh giáo”. Sau một hồi “nắn gân, nắn cốt” xem hầu bao của chúng tôi “dày, mỏng” thế nào, “cậu” T. ra giá: “Nếu hầu tỉnh xa chúng tôi phải lo xe và nơi ăn chốn nghỉ còn lại đưa cho “cậu” 5 triệu, “cậu” sẽ “bao” trọn gói. Sau khi giao tiền, chỉ cần đợi “cậu” điện thoại là lên đường. Chị bạn tôi cho biết, đó là giá trung bình.

“Thực chất, “hầu bóng” là một sinh hoạt văn hóa tâm linh thuộc về văn hóa dân gian có từ lâu đời, có ý nghĩa tôn vinh các nhân vật lịch sử cùng với công trạng của họ dưới hình thức nhập hồn và hát văn. Về nghệ thuật diễn xướng dân gian, đây là một tổng hợp nhiều diễn xướng khác. Có toàn bộ dàn nhạc dân tộc; có nghệ thuật hát chèo, hát văn; có kịch múa, nhảy, hóa trang và nghi lễ… Một người hầu bóng mỗi buổi lễ phải diễn 36 giá đồng, hóa thân thành 36 nhân vật với những tâm trạng diễn xuất khác nhau…” - ông Nguyễn Khắc Minh, trưởng Ban quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, nơi thường xuyên diễn ra các buổi hầu đồng cho biết.

Tuy nhiên, mời “cậu” T. chủ yếu là những người không biết hoặc con nhang đệ tử tỉnh xa mới theo, còn dân Thái Bình ai cũng biết tiếng “cậu” đã từng trải qua hai “đời” vợ, giờ sống một mình nhưng những khi “cậu” ở nhà không khi nào nhà “cậu” vắng bóng các kiều nữ “chân dài”. Tìm đến Đoàn chèo Thái Bình, hỏi về “cậu” T. thì lãnh đạo đoàn cho biết do “cậu” đã nghỉ việc nên đoàn không quản lý. Nhưng có vị tiết lộ, ngay tại Đoàn chèo Thái Bình, ngoài các vở diễn kinh điển thì trong các buổi biểu diễn ở các vùng nông thôn hay lưu diễn tỉnh xa, tiết mục “tủ” nhất vẫn là tiết mục biểu diễn nghệ thuật… lên đồng!?

Ông Nguyễn Thanh, giám đốc Sở VH - TT Thái Bình cho biết: “Lên đồng hay còn gọi là hầu bóng chính là nghi lễ phổ biến nhất của đạo Mẫu. Trong nghi lễ này, người ta tin rằng linh hồn của các vị thần sẽ nhập vào người các cô đồng để nghe lời cầu khấn của các con nhang đệ tử đi lễ. Đạo Mẫu là một tín ngưỡng dân gian Việt Nam thờ các nữ thần (thường gọi là các Thánh Mẫu).

Đạo Mẫu là một phần quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng dân gian, được thờ tại các đền, phủ. Ở các tỉnh miền Bắc, các chùa cũng có bàn thờ Mẫu (tiền Phật, hậu Mẫu). Đạo Mẫu không chú trọng vào cuộc sống sau khi chết mà quan tâm đến cuộc sống hiện tại, và làm thế nào để đạt được một cuộc sống hạnh phúc và đầy đủ trên trần gian…

Ở Việt Nam, đạo Mẫu có hai lễ hội quan trọng vào các dịp kỷ niệm ngày mất của Đức Thánh Trần và Liễu Hạnh công chúa thể hiện ở câu ca: “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”… Với giai tầng văn hóa vốn sâu và rộng như thế, nhưng rất tiếc tín ngưỡng dân gian là hầu đồng ngày nay đã bị làm cho lệch lạc đi rất nhiều. Thậm chí, nhiều người còn dựa vào đây để kiếm tiền trên sự cả tin của người khác khiến một thời gian, các cơ quan quản lý văn hóa coi đây là nạn mê tín dị đoan cần phải dẹp bỏ!