Thời chống Pháp, từ những năm 1947-1948 ta đã có điện ảnh bưng biền Khu 8, với những gương mặt lão thành xây dựng những viên gạch đầu tiên cho nền điện ảnh Nam Bộ: đó là các bác Khương Mễ, Mai Lộc, An Sơn, Vũ Sơn, Lý Cương… Năm 1954 hầu hết đều tập kết ra Bắc. Những tay quay phim chiến trường vang danh của Đồng Tháp Mười ngày xưa lại bắt đầu bằng những bộ phim truyện chính quy của một nền điện ảnh đang dần đi vào quy củ của thời bình. Vợ chồng A Phủ là sự hợp tác của hai chàng trai miền Nam Mai Lộc - Khương Mễ trong những năm đầu của Xưởng phim truyện Việt Nam. Đồng khởi 1960, lá cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam tung bay cũng bắt đầu những kế hoạch dài lâu cho một nền điện ảnh miền Nam hồi sinh ngay giữa lòng lửa đạn chiến trường. Cục trưởng Cục Điện ảnh Hồ Văn Lái chiêu sinh cấp tốc lớp quay phim chiến trường. Và năm 1961, Nguyễn Hiền, người đã tốt nghiệp khóa quay kỹ xảo từ Đức về đã dẫn đầu mười mấy anh em đi bộ trên đường Trường Sơn, về lại mảnh đất quê hương, bắt tay xây dựng xưởng phim cho chiến trường miền Nam. Một năm gian khổ, lặn lội trên đường trở về. Vừa đặt chân đến mảnh đất Nam Bộ, họ đã dựng bảng và thành lập ngay một cơ ngơi mới cho điện ảnh miền Nam. Xưởng phim Giải Phóng ra đời từ đấy. Mười mấy người tỏa ra khắp các chiến trường, những viên gạch đầu tiên ấy chỉ còn Trần Nhu trở về sau 1975. Năm 1962, khóa chiêu sinh quay phim toàn miền Nam đầu tiên đã để lại nhiều khuôn mặt tên tuổi trong giới điện ảnh hiện nay: Phạm Khắc, Thanh Hùng, Huỳnh Trảng, Đoàn Quốc… Và rồi khóa quay phim mở ra với Lê Văn Duy, Mai Hồng Sơn, Huỳnh Chí Thắng, Minh Trí, Việt Linh, Bằng Phong, Lê Dũng, Mỹ Hà. Năm 1964, Mai Lộc và Hồng Sến vào Nam, đội ngũ của Xưởng phim Giải Phóng ngày càng hùng hậu với nhiều tác phẩm để đời trong máu lửa. Ngày xưa, khi cầm máy ra chiến trường, tất cả đều chỉ có một mục tiêu duy nhất là giành cho được những thước phim sôi bỏng nhất. Ở đây, không ai có ý nghĩ mình sẽ làm phim. Và người xem cũng không nghĩ mình đang xem phim. Người xem chỉ muốn được nhìn thấy, được hiểu thấu những gì đã và đang diễn ra nơi chiến trường. Một Trần Nhu với Nữ du kích Củ Chi, Hạt lúa vành đai, Nữ pháo binh Long An. Một Hồng Sến với Đường ra phía trước, Nghệ thuật tuổi thơ, Chiến thắng Tây Ninh… Và Lê Văn Duy, Mai Hồng Sơn với Trường Quân chính Nguyễn Thị Minh Khai, Những ngày ở Bảy Núi… Mỗi đợt ra quân, có ai biết chắc mình sẽ còn được trở về cùng đồng đội, nỗi buồn ứ đọng bên chén trà chia tay... Và cứ thế, sau mỗi chiến dịch trở về, anh em lại ngồi bên nhau đếm lại những chiếc bồng thủng nát còn lâm thâm vết máu.Đó là những thước phim được trả bằng máu. Là những bộ phim không có kịch bản, vì kịch bản chính là những đồng đội bằng xương bằng thịt đang chiến đấu với quân thù, là chiến trường đặc khan máu lửa, đạn bom, mà người nghệ sĩ điện ảnh chỉ có vũ khí là chiếc máy quay trên tay…
Bắt đầu từ năm 1960, từ bộ phim truyện đầu tiên Chung một dòng sông, điện ảnh Việt Nam đã sống và góp phần to lớn vào cuộc trường chinh của dân tộc.Thời chiến tranh, tất cả đều làm việc vắt cạn sức mình mà không hề đòi hỏi, không màng thù lao, không biết đến cuộc sống vật chất. 10 năm sau chiến tranh, đất nước bị cấm vận, cả nước phải chịu đựng những thách thức lớn, nghệ sĩ vẫn hưởng lương như công chức, phải ăn độn mà sáng tạo. Vậy mà chính những bộ phim hay đã được ra đời từ những năm gian khổ này: Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Ván bài lật ngửa, Về nơi gió cát, Ông Hai Cũ, Xương rồng đen… Khán giả cả nước xếp hàng rồng rắn để được xem phim do Thành phố Hồ Chí Minh sản xuất. Diễn viên điện ảnh lúc bấy giờ không hề biết đến từ “ngôi sao”, họ làm việc hết mình dưới nắng gió, băng đồng, lội suối, ngâm mình trong giá rét để hoàn thành cảnh quay…

Cảnh trong phim Cánh đồng hoang
Bắt đầu từ thập niên 90, ngọn gió thị trường đã chạm ngõ cùng điện ảnh… Hãng phim nhà nước lúc bấy giờ từ chỗ được tài trợ hàng năm để làm phim, bỗng dưng bị cắt gần hết kinh phí. Điện ảnh Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt phim bom tấn của Mỹ. Số đầu phim sản xuất từ các hãng phim nhà nước teo tóp dần trước làn sóng Hollywood cuồn cuộn tràn trên các rạp chiếu thành phố… Nhưng vấn nạn này không phải chỉ riêng ở ngành điện ảnh còn non trẻ của nước ta mà ngay ở những nước có nền điện ảnh lớn cũng không kém phần lao đao. Những cường quốc điện ảnh như Pháp, Ý, Anh... còn phải rúng động vì luồng sóng dữ khó lòng chống đỡ của phim Mỹ, châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh tất yếu sẽ không thể nào thoát ra được con trốt xoáy khổng lồ ấy.
Vấn đề chính ở đây trước hết là Nhà nước phải có một sự chuyển biến về nhận thức, biết xác định vị trí của điện ảnh đối với văn hóa như thế nào để đầu tư cho thích đáng. Một sản phẩm điện ảnh ra đời phải theo đúng “dây chuyền sản xuất” của nó: đầu, đời, đẹp, đắt, đúng. Nghĩa là phải được đầu tư, phải gần gũi cuộc sống, đảm bảo tính nghệ thuật và thực sự đi cùng dân tộc…Và tiêu chí ấy phải được thẩm định chính xác từ một cái đầu kinh tế, một tri thức thâm sâu về văn hóa và một trái tim phải đập cùng nhịp đập với dân tộc. So với nhiều nước trên thế giới, điện ảnh Việt Nam chịu tác động nhiều nhất giữa cơn lốc thị trường hiện nay. Bởi đó là nền điện ảnh sinh ra từ trong chiến tranh, nghệ sĩ từ cái nôi cách mạng khi bước vào thực tế của thị trường tất nhiên không khỏi hoang mang, bối rối. Điện ảnh là loại hình nghệ thuật tác động trực tiếp đến con người với một sức mạnh bùng nổ của thời đại nghe nhìn. Ảnh hưởng qua lại giữa con người và điện ảnh là một gắn bó có sức hút của một lực đẩy hai chiều. Con người tạo ra điện ảnh. Và điện ảnh tác động trực diện vào chính con người. Phim sẽ là người thầy tốt nhất cho cả hai thái cực xấu và tốt trong cuộc sống con người. Đó là điều mà những người làm phim phải nhận lấy trách nhiệm và thấu hiểu hơn ai hết về sự phản hồi từ con người đối với tác phẩm của chính mình. Điện ảnh Việt Nam hiện tại không thiếu những nhà biên kịch tâm huyết. Nhưng để một bộ phim Việt Nam thực sự có chỗ đứng trên trường quốc tế, điều đó không nằm trong khả năng của những người làm phim mà là trách nhiệm của những nhà quản lý điện ảnh.
Khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, 1975, người Sài Gòn bắt đầu biết đến Chị Tư Hậu, chị Dịu của Vĩ tuyến 17- ngày và đêm, rồi chị Vân của Nổi gió, anh Núi của Đường về quê mẹ… Những cái tên diễn viên Trà Giang, Lâm Tới, Thế Anh, Thụy Vân, Minh Đức… bắt đầu bước vào tình cảm mọi người. Nhưng đó là những câu chuyện của thời chiến tranh. Còn bây giờ, ngay tại thành phố vừa được giải phóng, còn biết bao cảm xúc ngập tràn trong tấm lòng của người dân đối với Cách mạng. Phải làm sao khắc họa được chân dung người thành phố hôm nay trước những bộn bề thay đổi. Đó là công việc phải làm và cần làm trong một điều kiện vô cùng eo hẹp về tài chính của một hãng phim vừa từ chiến khu chuyển về với những con người còn xanh bủng bởi những cơn sốt rét rừng hôm qua…
Đất nước thống nhất nghĩa là thống nhất giữa hai lực lượng làm phim của Sài Gòn cũ và những người cầm máy quay từ chiến khu trở về thành phố. Xưởng phim Tổng hợp, cái tên mới nhiều ý nghĩa của Xưởng phim Giải phóng từ chiến khu ra. Đó là sự hòa hợp giữa hai lực lượng làm phim ở hai miền. Những đạo diễn tên tuổi của Sài Gòn cũ như Lê Hoàng Hoa, Lê Mộng Hoàng, Bùi Sơn Duân, Lê Dân cùng ê kíp quay phim, in tráng chuyên nghiệp của các hãng phim tư nhân Alpha, Mỹ Vân của Sài Gòn cũ đã ở lại đất nước, cùng chịu gian khổ, cùng ăn độn, sát cánh cùng các nhà làm phim cách mạng để làm nên những tác phẩm điện ảnh để đời. Bộ phim Giữa hai làn nước sản xuất năm 1978 là sự kết hợp giữa nhà văn cách mạng Trần Thanh Giao và đạo diễn Bùi Sơn Duân (Lam Sơn), người đã từng làm nhiều bộ phim lãng mạn, trữ tình của Sài Gòn cũ. Đó là bộ phim có sự góp mặt của những diễn viên tại chỗ như Nguyễn Chánh Tín, Băng Châu và cả ê kíp làm phim của Sài Gòn cũ. Họ đã nhiệt tình lao vào công việc, cùng chọn một con đường cho chính mình chứ không hề đứng giữa hai làn nước như nhân vật Dũng trong phim. Đó cũng là thời gian bộ phim Mối tình đầu của đạo diễn Hải Ninh và Hoàng Tích Chỉ ra đời như một cách tiếp lửa cho miền Nam của Hãng Phim truyện Việt Nam với sự góp mặt của dàn diễn viên nổi tiếng miền Bắc như Trà Giang, Thế Anh, Như Quỳnh… Cũng ngay trong năm 1978, bộ phim Tình đất Củ Chi được bấm máy do Lê Văn Duy chấp bút và đạo diễn Mai Lộc thực hiện với dàn diễn viên Sài Gòn như Nguyễn Chánh Tín, Thùy Liên, Thiên Kim… Từ tiểu thuyết Mùa gió chướng, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã nhập cuộc cùng điện ảnh với bộ phim Mùa gió chướng do ông chuyển thể và cùng với đạo diễn Hồng Sến lăn lộn ở vùng Đồng Tháp Mười để làm nên bộ phim truyện đầu tay với những khung hình đẹp như thơ… Và phân đoạn diễn viên Lâm Tới trong vai ông Tám Quyện khi bị địch chôn sống đã trở thành cảnh kinh điển có trong giáo trình của các trường đại học Điện ảnh Việt Nam. Từ thành công đầu tiên này, nhà văn Nguyễn Quang Sáng tiếp tục hợp tác với đạo diễn Hồng Sến với kịch bản Cánh đồng hoang, một trong những tác phẩm điện ảnh kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Xuyên suốt bộ phim là sự giằng co chiến đấu giữa hai bên, một bên là gia đình đầm ấm của Ba Đô, với cảnh vợ chồng âu yếm nhau bên đứa con nhỏ và một bên là cảnh gầm rú và bắn phá khốc liệt của máy bay Mỹ. Đó chính là hình ảnh thu nhỏ của đất nước Việt Nam, tuy nghèo nhưng vẫn chống lại và chiến thắng một thế lực lớn, giàu có hơn gấp bội. Với hai hình ảnh này, tác giả truyện phim đã chứng minh sinh động một nghịch lý vẫn được xem như là bản sắc độc đáo và nổi bật trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Cảnh trong phim Chung một dòng sông
Có thể nói đây là thời kỳ vàng son của điện ảnh Việt Nam, nhất là điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Bảng hiệu Xưởng phim Tổng hợp trở thành một địa chỉ đầy uy tín trong lòng nhân dân cả nước. Nhiều bộ phim hay được xuất xưởng với sự hợp tác chặt chẽ của những nhà làm phim cách mạng và nhà làm phim Sài Gòn cũ đã tạo nên một phong cách mới lạ và được công chúng ủng hộ nhiệt tình. Mỗi bộ phim trình chiếu ở rạp, người xem xếp hàng rồng rắn để được xem phim. Tất cả các đạo diễn tại chỗ đều có phim hay như đạo diễn Lê Mộng Hoàng có Mùa xuân cho em (kịch bản: Cổ Tấn Minh Thu) nói về bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, đạo diễn Lê Dân có phim Con mèo nhung, Pho tượng (KB: Phạm Thùy Nhân), Xương rồng đen (KB: Ngụy Ngữ), đạo diễn Huy Thành từ miền Bắc về có phim Về nơi gió cát (KB: Huy Thành), Xa và gần (KB: Nguyễn Mạnh Tuấn), đạo diễn Bùi Sơn Duân có phim Ông Hai Cũ (KB: Nguyễn Trương Thiên Lý), đạo diễn Lê Văn Duy có phim Phượng (KB: Lê Duy Hạnh), đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến có phim Người trong cuộc (KB: Ngụy Ngữ)… Nhưng có lẽ nổi bật nhất ở thập niên 80 vẫn là 8 tập phim Ván bài lật ngửa của đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện từ kịch bản của nhà văn Trần Bạch Đằng (Nguyễn Trương Thiên Lý). Đây là bộ phim làm nên tên tuổi của diễn viên Nguyễn Chánh Tín. Nhân vật Nguyễn Thành Luân đã trở thành cái tên gắn liền với sự nghiệp nghệ thuật của anh, sau này anh cũng vào rất nhiều vai diễn khác, nhưng vẫn khó lòng thoát ra được cái bóng quá lớn của nhân vật Nguyễn Thành Luân. Ván bài lật ngửa là một cuộc đấu trí cam go giữa một tình báo chiến lược của Cách mạng cài vào tận trong ruột của chế độ Ngô Đình Diệm. Bằng mưu trí và những kế sách cực kỳ thông minh, Nguyễn Thành Luân đã vượt qua tất cả những trận đồ bát quái giăng mắc của CIA, của Cục tình báo, Tổng nha cảnh sát Sài Gòn và nhất là những thử thách đầy mưu mô của chính Ngô Đình Nhu đối với anh. Ngay đến phút cuối cùng của cuộc đời, ở tập Vòng hoa trước mộ, hai anh em Ngô Đình Diệm vẫn không thể ngờ người mà họ tin tưởng nhất, người duy nhất đem vòng hoa đến viếng mộ mình lại chính là một đại tá của Cộng sản, kẻ thù số 1 của họ.
Cũng có nhiều đạo diễn tự viết kịch bản và đã thành công như đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Kịch bản Mùa len trâu được anh viết từ những gợi ý từ quyển Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam. Và đây là tác phẩm anh tâm huyết từ nhiều năm. Phim ra đời năm 2004, nhưng kịch bản đã được anh nhen nhúm hình thành từ rất lâu. Lần đầu tiên, trên từng thước phim của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, vùng tứ giác Long Xuyên được thể hiện thô ráp như chính những con người nơi đây. Một vùng đất cứ mỗi năm đến tháng 9, bỗng trở thành biển nước mênh mông, và con người cứ điềm nhiên sống cùng với nước, điềm nhiên lặn ngụp trong nước với những nỗi cơ cực mà họ phải chịu đựng từ thế hệ này đến thế hệ khác. Có nơi nào trên thế giới, con người sống giữa biển nước, và bám chặt lấy nước để tồn tại như ở đây. Không còn một chút đất, không còn một ngọn cỏ cho trâu ăn, và vì thế, phải lùa trâu đến nơi còn có đất để đợi chờ đến mùa khô… Đó là mùa len trâu, cái mùa mà mỗi nhà phải gửi gấm sự sống của mình qua con trâu yêu quý để nó về với miền đất sống, còn người thì cố trụ lại và sống cùng với nước. Từng bầy trâu lội băng mình giữa đồng nước đen rợp cả một góc trời là cái tứ rất dữ dội và hoang dã mà người làm phim đã để lại dấu ấn khó quên trong lòng người xem.
Với phim Lời thề của đạo diễn Nguyễn Tường Phương (kịch bản: Trầm Hương), đó là câu chuyện của một lớp trẻ tràn đầy lý tưởng cứu nước. Trước lá cờ Tổ quốc, họ có thể lao mình vào lửa và dâng trọn tuổi xuân mình cho đất nước. Họ có chung cùng nhau một lời thề trong tim. Nhưng trong hòa bình, đối diện với chính mình, với vật chất, phù phiếm và quyền lợi, mới là lúc soi rọi thật sự bằng cái lăng kính kim cương của Lời thề. Và sự đối mặt giữa người cha với đứa con mới chính là ý nghĩa thâm sâu của nó. Thế hệ của nhân vật Hòa Bình lớn lên, với một trách nhiệm không giống cha anh mình. Nhiệm vụ của lớp trẻ bây giờ cũng hết sức nặng nề, họ phải biết bảo vệ chân lý và cùng chân lý ấy để vững vàng trước mọi cám dỗ, vững vàng lao vào cuộc chiến mới đầy phức tạp, cam go của thời hòa bình, dựng xây.
Do đặc trưng riêng của điện ảnh, nên phim và kịch bản văn học nhiều lúc không phải lúc nào cũng song hành với nhau. Có khá nhiều bộ phim tác giả không còn nhận ra đứa con của mình, nhưng cũng có những kịch bản được sự chăm chút và nâng cao hơn nhờ tài năng của đạo diễn. Nhưng rõ ràng một bộ phim hay phải có điểm xuất phát từ kịch bản hay, có tầm vóc. Xem phim lịch sử Trung Quốc, từ Tam quốc diễn nghĩa, Võ Tắc Thiên, Đường Minh Hoàng đến Lã Bất Vi, Vương triều Ung Chính..., người xem không phải là ngồi xem chuyện lịch sử bằng những hình ảnh minh họa, mà là được nhìn lại người xưa bằng lăng kính của người hiện đại. Vì thế, phim lịch sử Trung Quốc đắt nhất là lời thoại, mỗi lời là một dấu khắc chạm nên tính cách nhân vật, là sự kiếm tìm cho đời sống hôm nay những bài học nhân sinh, những cách hành xử thông minh và sâu sắc đối chọi với bao mưu toan, bao hằn thù, ganh ghét... Cho nên, cái làm nên tầm vóc của bộ phim lịch sử đầu tiên là tư tưởng lớn của người biên kịch. Tất cả những vụ tranh giành quyền lực đẫm máu, tất cả những khổ đau bi hận của người xưa phải được nhìn bằng đôi mắt lớn hơn, cao hơn và thấu hiểu hơn của người hiện đại, và bằng sự thể hiện tuyệt vời của những tài năng cộng lại... Vì thế, Việt Nam muốn làm phim lịch sử, vấn đề đầu tiên không phải chỉ là kinh phí mà chính là ở cái đầu của người biên kịch. Phim lịch sử Việt Nam lâu nay đã phải dừng lại ở màu sắc cổ trang mà không có được tầm vóc cao chính vì sự hạn chế này. Có thể xem Ván bài lật ngửa là bộ phim lịch sử cận đại thành công nhất của điện ảnh Việt Nam vì nó có sự hòa hợp giữa tài năng đạo diễn + cái đầu của người biên kịch + ngoại hình và tài diễn xuất của diễn viên chính.