Một năm trôi qua, thường thì người ta vẫn nhìn lại để có cái nhìn tổng quan về nhiều vấn đề, trong đó mảng Điện ảnh- Truyền hình vẫn luôn được quan tâm nhất trong thời đại nghe - nhìn hiện nay…
PHIM LỊCH SỬ KỶ NIỆM 1000 NĂM THĂNG LONG - NHỮNG NGỌN LỬA RƠM…
Đây là năm sôi động nhất với nhiều cuộc thi, nhiều trại sáng tác, nhiều giải thưởng cho những bộ phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long hoành tráng. Bộ máy chuyển động dành cho phim kỷ niệm đã bắt đầu hoạt động từ 10 năm trước. Báo chí đã đưa tin kịch bản này, đạo diễn kia, hãng phim nọ được giao cho trọng trách làm phim với kinh phí cao ngất ngưởng. Tất cả đều ngóng đợi với niềm hy vọng dù khá mong manh rằng, Việt Nam sẽ có một bộ phim lịch sử hoành tráng về Lý Thái Tổ, vị vua gắn liền với đất nghìn năm Thăng Long. Nhưng cuối cùng, không thấy phim đâu, chỉ thấy nhộn nhạo những pha cãi vã, bôi đen nhau trên mạng để cốt tranh nhau “chiếc áo long bào đáng giá 300 tỷ” của vua Lý Thái Tổ.
Quá nhiều dự án làm phim kỷ niệm được duyệt, nhưng rốt lại chỉ còn có bộ phim truyền hình do tư nhân bỏ vốn “chui lọt cửa”, và rần rần kéo nhau sang Trung Quốc mướn phim trường, mướn đạo diễn, biên kịch, rồi mướn luôn trang phục và quần chúng Trung Quốc làm phim lịch sử Việt Nam. Phim được ca ngợi là hoành tráng, hấp dẫn không thua phim Trung Quốc, chắc không ngoa, vì đó là phim Trung Quốc nhưng nói được tiếng Việt, vì diễn viên chính là người Việt Nam?! Phim dự định chiếu kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, nhưng cuối cùng vì làn sóng phản ứng trong công chúng và báo chí quá lớn, nên phải ách lại sửa chữa cho có chất thuần Việt. Nhiều người cho rằng, điều này thực quá khó cho các nhà làm phim, vì cái chất thuần Việt ấy chính là bản sắc dân tộc thấm sâu trong từng thước phim, làm sao có thể biến báo ra để “dàn trận” trên phim khi mà bản thân nó ngay từ đầu đã bị lai tạp.
Một bộ phim truyền hình cũng ra quân không kém phần ồn ào và tốn nhiều giấy mực của báo chí, đó là phim Trần Thủ Độ, bởi sự ra đi của á hậu Dương Trương Thiên Lý… Nhưng vì sao lại kỷ niệm 1000 Thăng Long bằng phim Trần Thủ Độ, người đã ra tay tiêu diệt cả họ tộc nhà Lý? Câu hỏi này các nhà duyệt phim đã không trả lời được, vậy là đành phải gác lại dù phim đã hoàn tất…

Cảnh trong phim Long thành cầm giả ca. Nguồn: Giải Phóng Film.
Cuối cùng, bộ phim được chiếu chính thức kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long lại chính là bộ phim lặng lẽ nhất Long thành cầm giả ca (KB: Văn Lê). Trong khi báo chí dồn tất cả chú tâm đến phim Lý Công Uẩn thì Đào Bá Sơn thong thả ra quân và thong thả về đích… Mọi người cũng thở phào vì may mà Nhà nước còn có một bộ phim đậm chất Thăng Long để kịp chiếu kỷ niệm. Dù trước đó ai cũng nghĩ rằng Khát vọng Thăng Long, một bộ phim về Lý Công Uẩn do tư nhân bỏ vốn sẽ cán đích đầu tiên, ngờ đâu mãi đến gần 1 tháng sau ngày kỷ niệm, phim mới ra mắt báo chí và công chiếu trên mạng lưới rạp. Nhưng tiếc rằng, công sức ấy chỉ cháy lên rồi phụt tắt. Và rồi vào phút chót, bộ phim truyền hình Lý Công Uẩn - Đường về Thăng Long mãi đến tháng 1/2011 mới ra mắt khán giả màn ảnh nhỏ.
Như vậy, trong cùng thời điểm mà điện ảnh Việt Nam dường như đang vực dậy thể loại phim Lịch sử, thể loại phim mà trước nay vẫn là chỗ yếu nhất, vì kinh phí và sự công phu của nó. Vì vậy, có thể gọi đây là công lớn nhất của lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đối với điện ảnh, dù ai cũng hiểu đó chỉ là ánh lửa bùng lên trong phút chốc…
PHIM TRUYỀN HÌNH TRÊN ĐƯỜNG RAY TUỘT DỐC…
Theo Nghị định 96 của Chính phủ, các đài phải lấp đủ 30% phimViệt trên sóng truyền hình, năm 2010 có thể được gọi là năm của phim truyền hình. Hàng trăm đầu phim truyền hình nhiều tập với thời lượng từ vài chục đến trăm tập đua nhau xuất xưởng. Chưa thể ước tính nổi trên 200 kênh truyền hình cả nước sẽ phát sóng mấy ngàn tập phim truyền hình mỗi năm? Chỉ biết rằng, phim làm ra ào ào, nên tất nhiên sẽ xảy ra tình trạng quá tải từ khâu kịch bản, đạo diễn, diễn viên đến tất cả các công đoạn làm phim: quay phim, thiết kế, hóa trang, phục trang, thư ký trường quay, dựng phim, âm thanh…
Số lượng người làm nghề có giới hạn nhưng số lượng phim thì càng ngày càng phát triển đến chóng mặt. Và vì vậy, con số ngàn ấy ngày càng có xu hướng tỷ lệ nghịch với chất lượng phim. Và đương nhiên muốn có khán giả đông đảo không gì hơn là làm lại từ những phim đã nổi tiếng của Hàn Quốc, điều đó là chắc chắn nhất để được sự quan tâm của khán giả và chắc chắc nhất để thu lợi nhuận từ quảng cáo.
Con đường đi của phim truyền hình đang có báo động đỏ về sự lệch pha của nó. Từ những tín hiệu đáng mừng khi phim Việt Nam đã đẩy lùi được phim nước ngoài trên những giờ vàng, người Việt được xem phim Việt thì bây giờ chính sự tăng tốc để chạy theo lợi nhuận tối đa của các nhà làm phim xã hội hóa đã và đang đẩy chất lượng phim ngày càng tuột dốc, bên cạnh sự dễ dãi của các nhà đài trong khâu duyệt phim. Bước vào năm 2011, nếu không có một sự cải tổ toàn diện về qui chế liên kết làm phim từ các nhà đài thì e rằng ý nghĩa tích cực từ Nghị định 96 của Chính phủ sẽ chỉ là bức bình phong để kiếm lợi nhuận từ quảng cáo, hơn là cung cấp cho khán giả màn ảnh nhỏ những bộ phim có giá trị về nghệ thuật và mang đậm tính giáo dục.
TRÀO LƯU TRỞ VỀ NGUỒN CỦA CÁC ĐẠO DIỄN VIỆT KIỀU
Hiện nay, chuyện các đạo diễn Việt kiều từ các nước trở về quê hương làm phim đã không còn là điều lạ trong công chúng Việt Nam nữa. Phần lớn những đề tài mà các đạo diễn Việt kiều chọn đều mang sắc thái đặc biệt Á Đông, vì đó là con đường vô cùng thuận lợi để đến với các Liên hoan phim Quốc tế. Đó là kinh nghiệm Việt Linh rút ra từ sự thành công của Gánh xiếc rong, bởi nhiều năm sống ở nước ngoài, chị biết rõ những dạng đề tài nào được ưa thích và dễ dàng xin tài trợ nhất… Kinh nghiệm ấy cũng được Trần Anh Hùng nắm bắt khi anh chọn đề tài cho bộ phim tốt nghiệp của mình là Thiếu phụ Nam Xương, và tiếp theo là bộ phim đặc sệt không khí cổ kính của một gia đình Việt Nam trong Mùi đu đủ xanh, bộ phim đã được đề cử giải Oscar cho phim nước ngoài, đó là một thành công mà khó có đạo diễn trẻ nào ở phương Tây dám mơ ước.

Cặp đôi Kathy Uyên và Dustin Nguyễn trong phim Để mai tính.
Nguồn: vnexpress.net.
Và rồi sau đó là sự trở về của Tony Bùi với phim Ba mùa, thể hiện Việt Nam theo mắt nhìn của một người nước ngoài. Nhưng như thế cũng đủ cho Tony Bùi nhận giải thưởng lớn ở LHP Sundance. Nguyễn Võ Nghiêm Minh với phim Mùa len trâu thể hiện bằng cái tứ Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam trên bối cảnh chính là đồng nước nổi. Và bộ phim đầu tay này đã mang lại cho Nghiêm Minh những thành công liên tiếp trong các LHP Locarno (Thụy Sĩ), LHP Chicago (Mỹ) và LHP Amiens (Pháp).
Trong mấy năm qua, thành công về doanh thu của các phim Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, Chuyện tình xa xứ và bất ngờ hơn hết là bộ phim hài lãng mạn Để mai tính (doanh thu 30 tỷ), của nhóm Việt kiều Charlie Nguyễn, Dustin Nguyễn và Kathy Uyên đã như một chất xúc tác cho dòng chảy trở về quê hương làm phim ngày càng mạnh mẽ. Các loại phim này hầu hết đáp ứng thị hiếu của khán giả trẻ với phong cách mới mẻ nên hầu hết đều thành công. Tuy nhiên với vụ tai tiếng của phim Giao lộ định mệnh (Victor Vũ) được xem là chép nguyên một phim Mỹ đưa về Việt Nam phần nào đã làm giảm sút niềm tin nơi công chúng đối với dòng phim này.
Hầu hết những nhà làm phim Việt kiều khi trở về quê hương từ Trần Anh Hùng, Tony Bùi, Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Charlie Nguyễn, Jhonny Trí Nguyễn, Trọng Khoa, Victor Vũ… đều chỉ mới bập bẹ tiếng Việt, nghĩa là quê hương đối với họ dường như vẫn còn xa lắm trong tiềm thức. Cho nên không lạ khi sau đó, Trần Anh Hùng đã tiếp tục con đường của mình bằng phim Xích lô, một cái nhìn méo mó về đất mẹ của mình, và cao hơn, Tony Bùi sau thành công từ Ba mùa đã quay lưng 180 độ để bôi đen đất nước bằng phim Rồng xanh. Đất mẹ Việt Nam vẫn là nơi chốn trở về an bình và yêu thương với những đứa con xa trở về. Chỉ mong khi sánh vai cùng bè bạn năm châu, xin đừng quay lưng lại với những gì mình đã nhận được từ quê hương…