Điều chưa từng xảy ra trong lịch sử chiến tranh thế giới

Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại, một cuộc chiến tranh kéo dài suốt 30 năm với vô vàn hy sinh gian khổ để giành lại độc lập và thống nhất đất nước như cuộc chiến tranh của dân tộc Việt Nam kết thúc vào buổi trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 của thế kỷ trước, không có một tiếng súng nổ. Lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập của ngụy quyền Sài Gòn, một chế độ sụp đổ, nhưng Sài Gòn còn nguyên vẹn. Xích xe tăng Quân Giải phóng đè nát cánh cửa dinh Độc Lập, nhưng không làm gãy một cành hoa. Người Sài Gòn đổ ra chào đón các chiến sĩ Quân Giải phóng dưới bóng mát vườn cây trước dinh Độc Lập như những người thân lâu ngày gặp nhau với bao nước mắt, nụ cười như lời trong bài hát của nhạc sĩ Xuân Hồng: “Xa ba mươi năm nay mới gặp nhau, vui sao nước mắt lại trào”. Cảnh tượng vui như ngày hội lớn ấy đã làm nhiều phóng viên quốc tế có mặt trước cổng dinh Độc Lập hôm đó, hết sức ngỡ ngàng, ngạc nhiên như đang xem một chuyện cổ tích. Họ không sao hiểu nổi một cuộc chiến tranh ác liệt nhất, dài ngày nhất trong lịch sử nhân loại thế kỷ 20 - qua hai cuộc kháng chiến - của một nước nhỏ chống hai cường quốc lớn, mà ngày chiến thắng không diễn ra một cuộc tắm máu trả thù, lại vui như ngày hội liên hoan! Chợt nhớ đến câu thơ “Gái trai già trẻ mặt như hoa” của nhà thơ đương thời Ngô Ngọc Du miêu tả cảnh nhân dân kinh thành Thăng Long ngày mồng 5 Tết đổ ra đường chào đón đoàn quân Tây Sơn của người anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ tiến vào giải phóng Thăng Long, sau khi đánh tan đạo quân xâm lược Mãn Thanh do Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789.

Nhà thơ Tố Hữu có lần nói trong cuộc họp mừng ngày chiến thắng lịch sử 30-4-1975: “Chúng ta đánh thắng trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc vì chúng ta có lòng nhân. Điều này kẻ thù không có. Chúng nó thua là vì vậy!”. Càng ngày càng ngẫm nghĩ lời nhà thơ nói quả có ý nghĩa sâu sắc vì nó bắt nguồn từ truyền thống đạo lý dân tộc Việt Nam ta có bốn ngàn năm văn hiến.

Nhớ lại gần 600 năm trước, trong bản “thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi đã viết: “Lấy đạo nghĩa thắng hung tàn. Lấy chí nhân mà thay cường bạo”. Mặc dù trước đó quân xâm lược nhà Minh hung bạo tàn ác đến mức “Tát cạn nước Đông Hải không đủ rửa hết vết nhơ. Chặt hết trúc Nam Sơn chẳng đủ ghi hết tội ác. Thần người đều căm giận, trời đất chẳng dung tha”. Nhưng khi Vương Thông, Tổng chỉ huy quân xâm lược, chịu bó gối quy hàng thì: “Thần vũ không giết, ta thể lòng trời đất để tỏ hiếu sinh. Tham chính Phương Chính, nội quan Mã Kỳ được cấp năm trăm chiếc thuyền, đã vượt biển về mà còn hồn bay phách lạc. Tổng binh Vương Thông, Tham chính Mã Anh được cấp mấy ngàn ngựa, đã về nước mà còn ngực đập chân run”.

Truyền thống đạo lý hiếu sinh nhân nghĩa của dân tộc ta đã được nhân lên gấp nhiều lần trong thời đại Hồ Chí Minh. Ai cũng biết, hơn một vạn quân tướng tù binh Pháp đầu hàng ở mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954 đã được đối xử tử tế, trở về nước nguyên vẹn không mất một người nào, dù trước đó chúng đã gây nhiều tội ác với nhân dân ta. Người ta kể rằng trong chiến dịch biên giới 1950, khi hỏi chuyện viên đại úy tù binh Pháp, Bác Hồ đã cởi áo của mình khoác cho viên sĩ quan đang bị lạnh. Cử chỉ lịch thiệp nhân ái ấy làm cho viên đại úy hết sức xúc động. Ông ta không hề biết người khoác tấm áo cho ông ta là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cứ ngỡ là gặp ông lão nông dân Việt Nam bình thường nào đó có lòng tốt giúp đỡ ông ta trong cơn hoạn nạn. Người ta cũng kể lại là có lần đồng chí thư ký chiến sự đọc bản tin cho Bác nghe, trong đó có câu: “Một trận đánh phối hợp tuyệt đẹp, ta tiêu diệt gọn một tiểu đoàn quân ngụy trên chiến trường Quảng Đà…”. Bác vội giơ tay nói ngay: “Chú đưa cho Bác xem”. Bác cầm bút chì đỏ gạch nát câu “Một trận đánh phối hợp tuyệt đẹp” rồi cau mày nghiêm giọng nói: “Giết hàng trăm mạng người mà gọi là “tuyệt đẹp” à? Các chú đã hết từ dùng viết tin rồi sao?” và giọng Bác trầm xuống: “Cùng là người Việt Nam da vàng máu đỏ với nhau, phải biết xót thương họ, khi họ phải trả giá cho sự sai lầm trót cầm súng giặc chống lại đồng bào, Tổ quốc mình”.

Tấm lòng nhân nghĩa cao cả của vị cha già dân tộc đã được nhà thơ Tố Hữu ghi lại trong bài Bác ơi! khi cả dân tộc đau đớn khóc vĩnh biệt Người năm 1969:

“Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi

Năm canh bớt nặng nỗi thương đời

Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông, mọi kiếp người”

Tấm lòng yêu nước thương dân của Bác đã được Đảng ta tiếp thu vận dụng vào đường lối chủ trương “hòa hợp, hòa giải dân tộc”, không trả thù những người đang tham gia hoặc từng tham gia ngụy quân, ngụy quyền khi họ đã gây ra nhiều nợ máu với nhân dân ta suốt hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Đường lối đầy tính nhân đạo, nhân văn ấy không phải được thông suốt dễ dàng trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người có gia đình, bạn bè đồng chí bị địch giết hại, thủ tiêu dã man, hoặc bị giam cầm trong các địa ngục trần gian Côn Đảo, Phú Quốc…

Sau Hiệp định Paris, tôi gặp lại một đồng chí từng hoạt động với tôi trong kháng chiến chống Pháp, giờ là Khu ủy viên Khu 8 thời chống Mỹ ra họp ở Hà Nội. Tay bắt mặt mừng sau nhiều năm xa cách, tôi hỏi anh cảm thấy sống ở Hà Nội thế nào, anh nói luôn: “Mấy hôm nay ăn uống không được vì cái chủ trương hòa hợp, hòa giải không trả thù bọn gây nợ máu với cách mạng, với nhân dân. Các anh ở trên có nhìn thấy tận mắt chúng nó mổ bụng, moi gan đồng chí đồng bào mình đâu, nên dễ bắt tay không trả thù lũ tay sai ác ôn đó lắm. Chớ còn bọn mình thì sao có thể bắt tay chúng được!”. Điều này phản ánh khá trung thực điển hình cho sự không thông chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, không trả thù những người bên kia chiến tuyến dù họ có gây nợ máu với nhân dân.

Phải trải qua những cuộc học tập, thảo luận gay gắt trong nội bộ Đảng và các đoàn thể, chính sách hòa hợp, hòa giải mới quán triệt sâu sắc đến từng cấp ủy, đảng viên, cán bộ như sự nhấn mạnh của đồng chí Lê Duẩn lúc tổng kết cuộc họp: “Lúc này lợi ích của Đảng gắn liền với lợi ích dân tộc. Ngoài ra Đảng không có lợi ích nào khác. Nếu đồng chí nào không thông thì nên nhường quyền lãnh đạo cho người khác để họ chấp hành triệt để chủ trương chính sách này!”.

Chính chủ trương chính sách “hòa hợp, hòa giải dân tộc” hết sức đúng đắn đó - sau khi được nội bộ Đảng thông suốt quán triệt sâu sắc - đã tác động mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân sĩ trí thức, gia đình binh sĩ trong vùng tạm chiếm, làm thức tỉnh lòng yêu nước ở mỗi con người Việt Nam trong hàng ngũ ngụy quân ngụy quyền, góp phần làm tan rã ý chí chống Cộng của họ, nhất là trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 - trừ một số ít ngoan cố chống cự, nhiều đơn vị đầu hàng và tan rã tại chỗ khiến cho hơn 1 triệu quân mà chưa đến hai tháng (từ 10-3-1975 đến 30-4-1975) đã mất hết sức chiến đấu dẫn đến việc Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện vào 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, và ngày hôm đó trở thành một ngày hội lớn của dân tộc.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên lý thú của lịch sử - ba mươi năm trước, ngày 30-4-1945, Hồng quân Liên Xô dưới quyền chỉ huy của Nguyên soái Giucốp đã đánh tan đội quân phát xít phòng thủ Berlin, tiến vào cắm ngọn cờ đỏ búa liềm Hồng quân lên nóc nhà Quốc hội Đức. Tên trùm phát xít Hitler đã phải tự tử bằng súng ngắn trong hầm cố thủ của hắn. “Không khí Berlin hôm đó nặng nề đáng sợ - Giáo sư Hoàng Xuân Nhị tham gia giảng dạy một trường đại học bị kẹt lại, sau này ông kể - Đường phố vắng lặng, mọi nhà đóng chặt cửa, không ai dám bước ra ngoài. Xe tăng Hồng quân chạy ầm ầm dẫn đường cho bộ binh chiếm các vị trí đầu não của quân phát xít với lời tuyên bố của Bộ tư lệnh Hồng quân sẽ không thi hành kỷ luật quân đội trong ba ngày. Nhân dân Đức phải lo tự bảo vệ lấy”.

Cuộc chiến tranh đẫm máu nhất ở châu Âu trong thế chiến thứ hai kéo dài suốt 6 năm (từ 1939 đến 1945) đã kết thúc như vậy đó. Còn ngày 9-5-1945, viên Thống chế Keitel đại diện Đức quốc xã ký giấy đầu hàng trước Bộ tư lệnh Đồng minh chỉ là thủ tục chính thức. Cả hai đoàn quân chiến thắng Liên Xô và Việt Nam ngày 30-4 lịch sử đều do Đảng Cộng sản hai nước lãnh đạo.

Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, ngoài những chiến thắng giòn giã trên khắp chiến trường từ Tây Nguyên đến miền Trung của các quân đoàn chủ lực, không thể không nhắc đến sự phối hợp tích cực của lực lượng vũ trang địa phương và phong trào quần chúng yêu nước trong các đô thị tạm chiếm miền Nam, những cơ sở tình báo quân sự và công an nhân dân đã phát triển sâu rộng trong hàng ngũ ngụy quân ngụy quyền, có những điệp báo viên quân sự và công an luôn luồn sâu leo cao trong các cơ quan đầu não ngụy. Chính sự hoạt động thầm lặng này đã vận dụng chủ trương đường lối “hòa hợp hòa giải dân tộc” của Đảng, tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ vào công tác binh vận, giác ngộ khơi dậy tinh thần yêu nước trong hàng ngũ ngụy quân ngụy quyền và các tầng lớp nhân sĩ yêu nước chống Mỹ nhưng chưa đến được với cách mạng, góp phần không nhỏ tác động đến sự tan rã từng mảng, từng vùng, vô hiệu hóa bọn phản động phản chiến hung hăng hô hào “tử thủ”, dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn vào trưa ngày 30-4-1975.

Đó là một sự thật lịch sử không ai có thể bóp méo hay phủ nhận được. Điều này được thể hiện qua lời đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ - tại sân bay Tân Sơn Nhất buổi sáng đầu tháng 5 năm 1975, sau khi ôm hôn các đồng chí chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh ra đón: “Chiến thắng vĩ đại này là do công lao của toàn dân, toàn quân, toàn Đảng được Bác Hồ lãnh đạo và thế giới ủng hộ, tuyệt nhiên không phải của riêng ai. Lúc này ai kể công tội là có tội với dân, với Đảng”.

Đây là lời khẳng định mang tính lịch sử của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, người học trò xuất sắc và bạn chiến đấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã đưa tư tưởng nhân văn của Bác vào chính sách “đại đoàn kết hòa giải hòa hợp dân tộc” nói về ý nghĩa sâu sắc của chiến thắng mùa Xuân lịch sử này.

* * *

Xã tắc do đó được yên

Non sông do đó đổi mới

Càn khôn đã bỉ mà lại thái

Nhật nguyệt đã mờ mà lại trong

Để mở nền thái bình muôn thuở

Để rửa mối sỉ nhục ngàn thu

Ôi! Một gươm đại định,

tạo thành công nghiệp vô song


Thanh gươm đại định mà Ức Trai tiên sinh viết trong Bình Ngô đại cáo gần 600 năm trước, phải chăng trong thời đại ngày nay đó là ý Đảng, lòng dân hòa quyện làm một dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp nối truyền thống đạo lý ngàn đời của dân tộc đã “làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn đất nước ta, là chiến công huy hoàng nhất, vĩ đại nhất của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng ta” (Tố Hữu).

“Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, lời bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên, cùng với câu thơ “Bắc Nam xum họp xuân nào vui hơn” Bác viết năm 1969, trước lúc Bác đi xa, sẽ mãi mãi vang lên mỗi khi chúng ta trân trọng kỷ niệm mùa Xuân chiến thắng lịch sử này.

DƯƠNG LINH