Tôi biết bà Jeannette Anna Villarial từ cuối năm 2005. Trong cơn lốc xoáy của những cuộc chính biến mà bà và những người thân yêu vừa là chứng nhân, vừa bị bầm dập, quăng ném thành những mảnh vỡ của số phận. Tôi không khỏi kinh ngạc khi nghe bà bộc bạch: “Tôi về Việt Nam là để mãi mãi được ở bên anh ấy. Tôi sẽ đưa hài cốt của anh ấy theo tôi, cho đến chết”.
Tôi hỏi lại: “Đó là chồng của bà?”. “Không. Đó là người tôi yêu, mối tình duy nhất của tôi”. Kinh ngạc nhưng tôi nghĩ bà chỉ lãng mạn nói về một mối tình “mang xuống tuyền đài chưa tan” một thời tuổi trẻ. Nhưng 5 năm sau, Jeannette khiến tôi thêm một lần kinh ngạc. Đầu năm 2009, từ Mỹ, bà tìm đến một xóm vắng dưới chân ngọn núi ở Long Hải dựng một ngôi nhà lá xinh xắn…
VỀ LẠI MÁI NHÀ QUÊ HƯƠNG VỚI “ĐỨA CON” LONG HẢI …
Khi đến chân núi Long Hải, tôi ngỡ ngàng đứng trước ngôi nhà rất cổ của bà. Bà đã mua lại một bộ cột nhà cũ bằng gỗ. Những cây cột ấy được dựng trên những tấm đá xanh. Tường bằng gạch thô, cửa sổ mở ra xứ biển bốn bề lộng gió. “Cơ duyên nào từ Mỹ bà lại về ẩn thân nơi góc rừng Long Hải?”. “Ý cô muốn biết là vì sao tôi về ở với Đạt? Đạt là gì với tôi phải không?”. Jeannette hỏi lại tôi. Bà chợt thở dài: “Cuộc đời này thật kỳ diệu. Chia ly rồi gặp gỡ. Người từ bên kia bờ Thái Bình Dương lại gởi gắm phần đời còn lại dưới chân núi này. Đạt cũng không phải bà con máu mủ gì với tôi, lại gọi tôi là mẹ. Nghe qua thật lạ nhưng nếu cô chịu khó nghe tôi kể, cô sẽ thấy đó là một cơ duyên…”.
Jeannette nhìn xa xăm: “Hồi đó, sau năm 1975, tôi cùng gia đình sang định cư ở Pháp. Sau đó ít lâu, không ít người vượt biên. Họ ra đi trên những chiếc tàu mong manh, phó mặc cho may rủi. Thời đó, không ít người làm giàu nhờ đóng ghe, đưa người vượt biên. Để những chuyến đi trót lọt, không ít chủ tàu mua chuộc cán bộ. Có một bà ở Việt Nam mới sang Pháp, gặp lại những người quen ở Việt Nam, phàn nàn: “Hứ, cái đồ cộng sản nghèo rớt mồng tơi mà làm phách. Mình năn nỉ đưa cho thằng chả 100 cây vàng để đóng chiếc ghe vượt biên, thằng chả kiên quyết không nhận, ghe nào ra là thằng chả đón bắt ráo trọi. Báo hại tôi phải bỏ hết thoát thân, may mà qua được đây”.
Trong lòng Jeannette tràn lên niềm kính phục “thằng cha cộng sản làm phách” nhưng không dám tỏ thái độ, bởi đa phần người thân của bà nung nấu trong lòng nỗi oán hận cộng sản. Bà nói: “Tôi chôn giấu niềm ngưỡng mộ trong lòng, không dám bày tỏ với ai, kể cả chồng tôi, bởi ông ấy cũng đầy kỳ thị với những người “chiến thắng” năm 1975. Mãi sau này, khi Việt Nam mở cửa, tôi mới có dịp trở về quê hương. Tôi lần ra Long Hải tìm “thằng cha cộng sản nghèo rớt mồng tơi mà làm phách”. Khi tôi đến nơi, chứng kiến vợ Đạt bán chuối chiên, kiếm thêm tiền nuôi con, lòng tôi càng tràn ngập niềm cảm mến. Vậy thì tại sao tôi không ở lại với vợ chồng Đạt, ở lại một nơi trong lành với những con người thuần khiết, trong lành. Tôi dựng căn nhà này, ở với vợ chồng Đạt. Khi tôi chết đi, tôi để lại cho vợ chồng Đạt ngôi nhà kỷ niệm này”.

Jeannette thời thiếu nữ.
Jeannette đưa tôi thăm nhà. Trông bà tràn ngập hạnh phúc, tự hào với từng họa tiết nhà, khóm hoa, hồ cá… Bà hồ hởi nói: “Cho mãi đến cuối đời tôi mới thực hiện được ước mơ của mình. Tôi luôn khao khát được trở về Việt Nam, được sống trong căn nhà lợp lá, tràn ngập nắng gió. Cô xem, tất cả đều nhà quê, đều rất Việt Nam…”
Phải, tất cả đều rất nhà quê, rất Việt Nam, từ bậc thềm gạch đơn sơ, lối đi lát gạch, hai lu nước đặt hai bên hiên nhà, chiếc gáo dừa gác trên miệng lu. Nhưng phía trong ngôi nhà lá ba gian hai chái thuần Việt của bà ẩn chứa những số phận cuộc đời, những uẩn khúc, nỗi đau mà bà đeo mang suốt cuộc đời, cho đến chết. Chỉ có ở trong ngôi nhà lá của mình bà mới được tự do sống theo ý mình, được làm điều trái tim bà thôi thúc.
Điều gây ấn tượng trong phòng khách nhà bà là những bức chân dung lưu giữ nhan sắc của chủ nhân. Tôi dừng lại trước bức ảnh bà cùng một người đàn ông. Jeannette buồn bã nói: “Ảnh ghép. Tôi chọn bức của tôi và ông ấy nhờ thợ ghép lại. Ông ấy đã mất. Thời còn sống, chúng tôi chưa bao giờ có được một bức ảnh chụp chung với nhau”. Bà chỉ sang bức chân dung người đàn ông khác: “Đó là chồng tôi. Người chồng có hôn thú, có chung với nhau những đứa con. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ có chung một nhịp đập với nhau… Còn người tôi yêu thì xa nhau, mãi mãi. Vậy tại sao những ngày cuối của cuộc đời, tôi không sống thật với lòng mình”.
Bà ngồi xuống chiếc ghế cổ, chậm rãi rót trà, trầm ngâm: “Tôi đã chẳng làm theo khuôn phép của một người phụ nữ đã có chồng. Nhưng biết làm sao được, khi tôi sinh ra và lớn lên trong một thời kỳ có quá nhiều biến động. Cuộc đời chúng tôi bị quăng quật trong cơn lốc xoáy của thời cuộc. Để rồi cho đến giờ, tôi thấy mình yêu ông ấy biết bao. Đời ông ấy không có một ngày vui. Thì tại sao tôi không được sống cùng ông ấy trong tâm tưởng, khi ông ấy đã không còn”. Jeannette chìm trong dòng hồi ức…

Jeannette năm 12 tuổi trong ngày lễ tạ ơn Chúa.
TUỔI THƠ NHUNG LỤA
Sinh năm 1927, mẹ Việt, cha Philippine; Jeannette chào đời ở Thủ Đức nhưng mới 7 ngày tuổi, cô bé được vợ chồng người cô ruột đưa về PhnomPenh nuôi dưỡng. Cha nuôi Jeannette là tổng giám đốc quan thuế ba miền Đông Dương. Cô bé được cha mẹ nuôi cưng chiều như trứng mỏng. Nhưng tuổi thơ nhung lụa của Jeannette sớm kết thúc, khi người cha nuôi đột ngột nhận được lá thư của gia đình từ Pháp. Đó là lá thư buộc ông về nhận tài sản của người cha quá cố.
Cha nuôi đi rồi, mẹ nuôi linh cảm ông sẽ không bao giờ quay về, bèn bán dãy phố ở Tân Định lên Đà Lạt mua đất xây biệt thự cho thuê, lấy tiền sinh sống. Vì hận người chồng đầu tiên bội bạc, mẹ nuôi cũng không làm hôn thú với ngài tổng thuế ba miền. Vì vậy, Jeannette bị từ chối nhận vào trường Couvent des Oiseaux- một trường Tây danh tiếng ở Đà Lạt. Cô phải học một trường Tây ít danh giá hơn nhưng kỷ luật vô cùng khắt khe, cứng nhắc. Vốn bản tính tinh nghịch, táo bạo, cô bé bị đuổi học. Người mẹ nuôi đột ngột qua đời, Jeannette về sống với cha mẹ ruột nhưng cô thấy mình cô đơn, lạc lõng vì nhận ra sự nhẫn tâm ngay từ chính những người thân trong gia đình mình. Cô mất phương hướng, chông chênh...
TRONG CƠN GIÓ LỐC
Năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp. Tình hình Sài Gòn vô cùng hỗn loạn. Các giáo phái, băng đảng mọc lên như nấm dại sau mưa. Đang là một nữ sinh nội trú ở Sài Gòn, Jeannette nhận được hung tin cả gia đình bị quân Bình Xuyên bắt giữ. Để cứu người thân, cô phải cắn răng làm vợ Tô Đức Chiêu- một người Đại Hàn có thế lực trong quân đội Nhật. Cô gái mới 18 tuổi quá thơ ngây, không hay mình thoát khỏi một ổ nhện này lại rơi vào hang hùm khác.
Tô Đức Chiêu vốn là một sĩ quan Nhật, có mối quan hệ thân thiết với những tổ chức thân Nhật của người Việt. Jeannette không hay rằng trong số người thường xuyên đến nhà cô có một thanh niên cao lớn, đẹp trai là người của tổ chức cách mạng đóng vai thầy giáo dạy kèm cho một nữ thủ lĩnh thân Nhật, đó là Vạn. Trong vai trò thuộc hạ tin cậy của vị nữ thủ lĩnh ấy, Vạn nắm được tin tức, tình hình hoạt động của Tô Đức Chiêu, cung cấp cho cách mạng.
Khi Nhật hoàng đầu hàng vì 2 quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống Nagasaki và Hiroshima, Tô Đức Chiêu bị Pháp bắt vào tù, giữa lúc Jeannette vào bệnh viện sinh đứa con đầu lòng. Con chết, cô vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy “cậu Sáu Vạn”- người thường hay liên hệ với Tô Đức Chiêu xuất hiện, an ủi cô, cho hay chồng cô đã bị bắt. Sự an ủi, chăm sóc của ông Vạn đã làm sống dậy tâm hồn đẹp, sôi nổi của Jeanenette. Họ yêu nhau nồng nàn, mãnh liệt đến mức có lúc quên đi hoàn cảnh của mỗi người. Đó là những năm tháng ngắn ngủi, đẹp nhất của đời họ.
Cho đến lúc ấy, Jeanenette mới biết “cậu Sáu” là Việt Minh, là “những tên khủng bố, cuồng tín” mà người cha nuôi người Pháp của cô thường lên án. Chính sự xả thân, dũng cảm, sự hy sinh quên mình của “cậu Sáu” đã làm tan biến mọi ý nghĩ không hay về người cách mạng từng hằn sâu trong Jeannette. Qua “cậu Sáu” mà cô biết được sự cao cả của lý tưởng cách mạng, nhờ “cậu Sáu” nắm tay bước đi mà cô dám dấn thân vào những công việc nguy hiểm. Một dân Tây với tên gọi Jeannette Anna Villarial lại là tổ viên phụ trách Pháp vận tại Gia Định và giác ngộ quân đội Lê Dương mang vũ khí về cho cách mạng trong những ngày đầu kháng chiến. Đó cũng là những năm tháng đầy ắp kỷ niệm trong trái tim Jeannette.

Jeannette về lại mái nhà xưa. Ảnh trong bài do tác giả cung cấp.
Khi kể về cuộc đời mình, ở tuổi 80 mà gương mặt bà vẫn rạng ngời hạnh phúc nhớ đến một kỷ niệm theo suốt đời bà, bất chấp cát bụi thời gian: “Tôi binh vận được mấy tên lính Tây để mua súng đạn từ thành Ô-ma. Tôi và ông Vạn đứng bên ngoài hứng, bên trong tụi lính liệng súng, đạn ra. Vừa lúc đó có chiếc xe chở sĩ quan rọi đèn sáng lóa tiến tới. Tôi run bắn người, nghĩ sắp chết tới nơi. Bọn chỉ huy mà bắt được chúng tôi mua vũ khí cho Việt Minh thì chỉ có đường chết. Thật không ngờ, ông Vạn nhanh trí ôm lấy tôi hôn thắm thiết. Mấy tên sĩ quan thấy vậy vỗ tay cổ động, reo lên: “Ô la la, Việt Nam hôn nhau tụi bây ơi!!”. Chiếc xe lao đi, chúng tôi chìm vào bóng tối, thoát chết mà cứ ngỡ ngàng”.
Nhưng những tháng ngày hạnh phúc của bà và ông Vạn chỉ là khoảnh khắc trong kiếp người dằng dặc những biến động, bi kịch, khổ đau. Năm 1947, ông Vạn bị Pháp bắt, bị đày ra Côn Đảo.
Không còn Vạn bên cạnh, Jeannette cô đơn cùng cực. Cô bị gia đình chối bỏ, ghẻ lạnh vì đi làm Việt Minh- một hành vi bôi nhọ danh dự gia đình. Nhưng tính mạng ông Vạn là điều làm cô lo lắng hơn tất cả. Cô chạy vạy khắp nơi, tìm luật sư, tìm những người có thế lực để Vạn được thả ra. Để có tiền lo lót cho một tên sĩ quan, Jeannette nhắm mắt xuôi tay làm người tình một nhà xuất nhập khẩu thuốc Tây nổi tiếng Sài Gòn thời đó. Nhưng tên sĩ quan chỉ muốn chiếm đoạt trái tim Jeannette, hắn đánh bài ngửa: “Nếu tôi nhận tiền của cô, thả anh ta ra, vậy là cô và anh ta sẽ có nhau. Không bao giờ. Tôi chỉ muốn anh ta chết rục trong tù! Đó là ý muốn của tôi, ý muốn của Chúa!”. “Không bao giờ ông đạt được ý muốn đó!”. Jeannette gào lên căm phẫn...
Kể từ đó, năm 1947, Jeannette mất liên lạc với chi đội 12. Cuộc đời bà rẽ sang một hướng khác, lấy chồng, sinh con rồi năm 1975, bà ra nước ngoài sinh sống. Nhưng sâu thẳm trong trái tim bà vẫn nguyên vẹn tình yêu với “cậu Sáu Vạn” năm xưa, dù sau khi ở tù Côn Đảo về, ông chỉ còn là một nắm xương biết đi; dù ông Vạn sau đó vì bảo vệ hạnh phúc gia đình cho bà, lặng lẽ làm một cái bóng đi bên cạnh cuộc đời bà. Vì tình yêu ấy mà bà vẫn giữ được lòng trung kiên với cách mạng, vẫn tích cực giúp đỡ thuốc men và tiền của cho cách mạng cho đến ngày giải phóng.
Rồi những ngày cuối đời, bà về Long Hải sống với Đạt - người cộng sản trung kiên từ chối 100 cây vàng để được là mình, về với mái nhà xưa chứa đựng những kỷ vật với người mình yêu thương- mái nhà mà lúc hai người yêu nhau, họ mơ ước được sống bên nhau. Nhưng chiến tranh đã chia lìa họ mãi mãi…
Phần đời còn lại, Jeannette sống với kỷ niệm. Nơi trang trọng của mái nhà xưa là chân dung bà và người tình, dù người ấy đã đi xa…