Jiri Homola: Việt Nam - niềm đam mê của tôi

Ông Jiri Homola – kỹ sư nông nghiệp người Cộng hòa Czech, chuyên về cây ăn quả vùng nhiệt đới. Cách đây gần 30 năm ông đã có lần sang thăm Việt Nam. Từ đó ông ấp ủ một nguyện vọng được trở lại thăm đất nước này. Tháng 6 vừa qua, được sự giúp đỡ của bạn bè Việt Nam, ông đã thực hiện được ước mơ của mình. Đối với ông, Việt Nam thật sự là niềm đam mê.

Khi tôi còn là một cậu bé 10 tuổi, những gì xảy ra trên thế giới, tôi chưa có khái niệm, nhưng thông qua một số tin tức trên truyền hình, có một điều tôi không thể không quan tâm, đó là việc người Mỹ tiến hành chiến tranh ở một nước liền kề Trung Quốc – tức là Việt Nam.

Một năm sau, khi tôi tròn 11 tuổi, đó là năm 1967, tại thị trấn nơi tôi sinh sống (Bucovice) có một nhóm kỹ sư Việt Nam đến thực tập. Gia đình tôi ở gần nhà máy, một hôm các bạn Việt Nam đi dạo phố đã khiến nhiều người dân địa phương chú ý, đặc biệt là trẻ em. Người ta bàn tán cho đó là người Trung Quốc, một số khác thì khẳng định đó là người Triều Tiên. Nhưng riêng tôi, vì tôi biết rằng ở Việt Nam đang có chiến sự, nên tôi đoán được đó là người Việt Nam.

Kỹ sư nông học Jiri Homola

Bọn trẻ con chúng tôi dần dần làm quen với các chú kỹ sư Việt Nam rồi chúng tôi lân la đến tận ký túc xá. Từ đó, tôi làm bạn với một người tên là Lê Văn Tư, quê Hà Nội, lúc đó anh khoảng 26 tuổi. Nếu như đến nay anh vẫn còn sống thì tuổi anh gần 80.

Qua người phiên dịch, các chú kỹ sư Việt Nam kể cho chúng tôi nghe chuyện về đất nước của họ, về cảnh quan thiên nhiên, về chiến tranh và cả chuyện về Bác Hồ. Bọn trẻ con chúng tôi thì tò mò và ngây thơ, chỉ thích hỏi những chuyện như chiến đấu trong rừng liệu có lần nào các chú đã gặp hổ hoặc voi? Nghe nói Việt Nam có nhiều loài chim quý và khỉ? Việt Nam có biển không? v.v…

Đoàn kỹ sư Việt Nam chỉ sống ở thị trấn chúng tôi khoảng một hai tháng, sau đó chuyển đi nơi khác, nhưng rồi cũng từ đó tôi bắt đầu quan tâm đến đất nước và con người Việt Nam. Năm 1971, tại thành phố Brno tôi có dịp làm quen với một sinh viên Việt Nam, nhưng đến năm 1975 anh tốt nghiệp kỹ sư và trở về nước. Đã nhiều năm chúng tôi trao đổi thư từ với nhau như hai anh em ruột. Anh quê ở Hải Phòng, vợ anh là người đã học tại Tiệp Khắc, hai người quen biết nhau và thành vợ chồng. Họ về nước và công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi học Đại học Nông nghiệp tại thành phố Brno, nơi đây đã có nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam đến làm việc. Suốt trong những năm Việt Nam chống Mỹ, bọn sinh viên chúng tôi luôn luôn đứng về phía Việt Nam, kể cả những năm đấu tranh chống Khmer Đỏ hoặc những ngày Việt Nam phải đối đầu với biết bao phức tạp ở các vùng biên giới phía Bắc. Có lẽ cũng do những tình cảm tự nhiên, tôi trở thành chàng sinh viên năng nổ và tích cực ủng hộ Việt Nam, tôi đã tổ chức nhiều cuộc nói chuyện về Việt Nam trong giới sinh viên.

Năm 1982, cùng với một đoàn du khảo người Tiệp Khắc, tôi đã có dịp sang thăm Việt Nam. Một chuyến đi tập thể, chỉ vẻn vẹn có 12 ngày nhưng tôi đã có dịp đặt chân đến Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long; đã đến thăm tỉnh Hải Dương, Đà Nẵng, Huế, rồi Sa Huỳnh, Quy Nhơn, và đặc biệt là vùng biển Nha Trang lung linh đầy quyến rũ đối với du khách. Tất nhiên Thành phố Hồ Chí Minh đã để lại cho mọi người trong đoàn nhiều kỷ niệm không bao giờ quên. Nhưng như các bạn thường nói, 12 ngày mà đi khắp Việt Nam, dù sao cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”.

Trở về nước, tôi mang theo những hiểu biết mới về Việt Nam và tôi vui mừng trước những thành tựu phát triển ở đất nước các bạn, đặc biệt là trong nông nghiệp. Tôi xúc động mỗi lần được tiếp xúc với bạn bè Việt Nam. Tôi là thành viên Hội Hữu nghị Czech – Việt và tôi đã viết nhiều bài giới thiệu về đất nước các bạn.

Cảnh quan Việt Nam đầy hấp dẫn, một nước nhiệt đới có những khu rừng già phong phú, những địa điểm du lịch, nghỉ mát nhiều tiềm năng, con người Việt Nam cởi mở, nhiệt tình… Đã không ít những lúc tôi ước mong trở lại Việt Nam và lần này, sau 30 năm mơ ước, ấp ủ, các bạn Việt Nam đã giúp tôi tạo điều kiện ăn ở, đi lại không mất tiền, tôi chỉ phải lo vé máy bay. Tôi thật sự sung sướng và cảm động.

Tại Hà Nội, tôi đã được xem múa rối nước, được nhìn tận mắt cảnh quan Hồ Gươm, phố cổ, được chứng kiến một buổi lễ tốt nghiệp của sinh viên trường Đại học Nông nghiệp, thăm làng gốm Bát Tràng, rồi chùa Bút Tháp, chùa Dâu và đặc biệt là được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các vị La Hán chùa Tây Phương mà bấy lâu tôi chỉ được đọc. Rất thú vị là trong những ngày hè này, tôi còn được đến Điện Biên Phủ thăm đồi A1 và hầm De Castrie năm xưa.

Tôi cũng lấy làm sung sướng được gặp hai họa sĩ Lê Lam và Phạm Thanh Liêm là những người đã từng có tác phẩm dự thi trong các triển lãm hội họa được tổ chức tại Tiệp Khắc mấy chục năm về trước. Bố tôi là một họa sĩ, ông đã được xem triển lãm và giữ lại nhiều ấn tượng về hội họa Việt Nam.

Một trong những bức vẽ do ông Homola thể hiện theo đặc trưng của từng miền ở Việt Nam.

Khi đi tàu hỏa vào tới miền Trung, tôi xúc động được đến thăm Mỹ Lai, nơi làm tôi nhớ lại cảnh tàn sát man rợ mà bọn phát xít đã từng gây ra tại làng Lidice trên đất nước tôi. Tôi bồi hồi cảm động đến ứa nước mắt, mặc dù chiến tranh đã lùi xa. Những nơi như Đà Nẵng, Hội An, Huế, Nha Trang… bây giờ khác xa với 30 năm về trước, nếu so sánh với quá khứ là điều không thể được.

Từ Thành phố Hồ Chí Minh tôi đã được bạn bè cho đến Củ Chi, Mỹ Tho, Bến Tre… đất nước các bạn đi đến đâu cũng để lại cho tôi những hiểu biết mới lạ và tính năng động, cần cù. Tại trung tâm thành phố, tôi cố ý tìm đến với pho tượng Bác Hồ do họa sĩ Diệp Minh Châu tạo dựng, vì Diệp Minh Châu ngày xưa là một trong những người đầu tiên đã được đào tạo tại Tiệp Khắc mà báo chí thường nhắc đến.

Khi tôi trở về Hà Nội sau gần một tháng thăm lại Việt Nam, ông Dương Tất Từ, dịch giả văn học Tiệp, hỏi tôi có điều gì tai nghe mắt thấy tại Việt Nam mà tôi thật sự không hài lòng. Tôi xin trả lời: Đó là việc vứt rác và túi ni lông bừa bãi: ngoài đường phố, ở những nơi vui chơi, trên bãi biển… đâu đâu cũng có rác, cá biệt là Chùa Hương sau ngày hội. Nhưng cũng xin nói thêm một ấn tượng khá thú vị: Bất chợt tôi được trông thấy một vài đám cưới, các cô dâu Việt Nam duyên dáng quá, khiến giới đàn ông chúng tôi phải ghen với các bạn. Thật sự Việt Nam đẹp – cả cảnh vật lẫn con người.

DƯƠNG TẤT TỪ dịch

Jiri Homola