…Họ bước vào căn tầng ngầm này lần đầu tiên vào tháng 2/2013. Giống như bước vào một “hầm mộ” vậy: ngầm dưới đất, không cửa sổ. Bên ngoài, một “đội quân” trang bị vũ khí canh gác nghiêm ngặt tòa nhà. Đây là những dịch giả đến từ Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Brasil…, họ sẽ ở lại tại “đại bản doanh” của Nhà xuất bản Mondadori thuộc thành phố Milan (Ý) này trong 2 tháng tới.
Dịch giả người Pháp Dominique Defert kể: “Người Mỹ lo lắng thái quá (lo sách bị rò rỉ trước khi phát hành), vì việc này mà họ “điều động” cả “vũ khí hạng nặng”. Thật kinh khủng, tôi tưởng như mình đang sống lại những ngày của 25 năm về trước, khi còn chưa có Internet!”.

| 
|
Bìa cuốn Inferno xuất bản ở Mỹ | Tác giả Dan Brown |
Lần đầu tiên, các dịch giả quốc tế được tiếp xúc với bản văn trước cả khi cuốn sách được xuất bản ở Mỹ. Là điều xưa nay vốn không phải thông lệ. Họ được chia thành hai nhóm: nhóm thứ nhất đi London (Anh), nhóm còn lại đi Milan (Ý). Nhiệm vụ: Xuất bản các bản dịch của Inferno cùng lúc với bản gốc. Defert và các đồng nghiệp của ông buộc phải làm việc trong những điều kiện không mấy quen thuộc. “Trước khi đi tôi có hơi bận tâm một chút. Tôi gặp bác sĩ để được mua một ít vitamin. Ngoài những điều khoản về tính bảo mật còn có nhiều quy định khác liên quan tới cuộc sống của nhóm. Giờ làm việc hàng ngày được ấn định từ 9 giờ sáng tới 9 giờ tối. Đây là điều khó khăn nhất. Để dịch cuốn The Lost Symbol (Biểu tượng đã mất - 2009, cũng của Dan Brown), tôi thường làm việc từ 11 giờ sáng tới 3 giờ chiều, một mình, tại nhà”.
Nỗi lo rò rỉ quả thật rất lớn. Các dịch giả bị kiểm soát, thậm chí bị theo dõi. Hai nhân viên bảo vệ ghi lại từng cử chỉ, hành động của họ tại mỗi thời điểm. “Tòa nhà khá đẹp, có một ngày các anh bạn Đức quyết định chụp vài tấm hình kỷ niệm. Các nhân viên bảo vệ ngay lập tức xuất hiện và buộc họ phải hứa rằng sẽ không bao giờ làm như thế nữa”. “Lên mạng” là việc không thể thiếu đối với một dịch giả, thế nhưng thời gian đầu cả nhóm chỉ có 2 máy được nối Internet. Sau đó mới nâng lên thành 4. “Cứ 3 từ thì người dịch lại phải cần tới Internet; nhiều hơn thế thì không thể cứ ngồi trước máy tính với bản văn gốc, cần phải ghi lại các từ trong một cuốn sổ riêng”. Nhóm dịch giả bị “cô lập” hoàn toàn với thế giới bên ngoài, 7/7 ngày mỗi tuần. Buổi sáng, trước khi vào tầng ngầm, tất cả điện thoại của họ bị tịch thu, đổi lấy bản cóp pi của cuốn sách.
“Tuần lễ đầu tiên rất cực. Mắt ai cũng có quầng, còn tôi thì thấy mình gầy đi trông thấy. Nhưng làm khổ mình đâu có ích gì. Tuy bị “giam lỏng” thật nhưng chúng tôi đâu phải là những “tù nhân” bị công lý tóm”. Sau “cơn sốc” ban đầu, các dịch giả dần thích nghi với cuộc sống “tạm thời” đó. Khoảng 6 giờ tối, họ có bữa ăn nhẹ với rượu whisky và những chiếc bánh ngọt nhỏ. Các nhân viên bảo vệ thậm chí còn đi lấy nước đá cho họ. Không khí làm việc thân mật. Trên bàn làm việc của mỗi nhóm có một lá cờ nhỏ là quốc kỳ của nước mình…
Nếu bất kỳ dụng cụ công nghệ nào cũng đều bị cấm thì ngược lại, Dominique Defert có thể giữ lại cho mình tai nghe nhạc. “Tôi cần âm nhạc để làm việc. Buổi sáng là nhạc jazz khá “dễ chịu”, nhưng buổi tối thì cần phải “lên giây cót” cho bản thân”. Bữa trưa ở căng tin khá đơn điệu, nên giờ làm việc buổi chiều dường như dài hơn rất nhiều. “Phòng làm việc khá rộng, Chúng tôi đùa với nhau rằng mình cùng vượt Đại Tây Dương, lỡ có “thủy thủ” nào rớt xuống biển thì tất cả những người còn lại sẽ tìm cách “vớt” người đó lên”. Không có sự cạnh tranh, mọi người đều quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. Các dịch giả cũng không ngại trao đổi thông tin, kiến thức…
Cuốn sách mới của Dan Brown được phát hành ở Mỹ và các nước khác vào ngày 14/5/2013. Riêng độc giả Pháp phải đợi thêm 10 ngày nữa, do tháng 5 ở Pháp có nhiều ngày nghỉ lễ, làm chậm tiến độ in ấn. Nhưng lý do quan trọng hơn là chỉ tới ngày 23/5/2013 tác giả Inferno mới thu xếp được lịch làm việc để tới Paris “trình làng” tác phẩm mới của mình (số phát hành 600 ngàn bản). Theo nhận định của giới quan sát, Địa ngục sẽ lại là một thành công nữa của Dan Brown. Trước đó nó đã được coi là “cuốn sách được chờ đợi nhất của năm”. Dịch giả Defert nhận xét rằng cuốn sách vẫn “đậm chất” Brown, chủ đề chính được xử lý tốt, mạch truyện liền lạc, nhiều sự kiện bất ngờ, và cả những tình tiết “đánh lạc hướng” nữa…
Về yếu tố mới mẻ, theo ông, tác giả dám “mạo hiểm” hơn, câu chuyện ít tính “ésotérisme” (tính bí hiểm - liên quan tới những triết lý cổ xưa mà người không chuyên ngày nay ít hiểu biết) hơn, tập trung nhiều hơn vào những vấn đề xã hội hiện tại. Nhưng “gien văn” của Brown vẫn vẹn nguyên.
Cuốn Mật mã Da Vinci của ông đã khiến hàng triệu độc giả muốn đi thăm viện bảo tàng. Lần này, họ sẽ muốn đọc Thần khúc của Dante. Còn gì xứng đáng hơn?
* * *
Inferno là cuốn tiểu thuyết thứ tư của Dan Brown về những cuộc phiêu lưu của nhân vật Robert Langdon - giáo sư Trường Đại học Harvard danh tiếng sống ở Paris, chuyên nghiên cứu về những hình tượng cổ - sau ba cuốn Angels & Demons (Thiên thần và ác quỷ - 2000), The Da Vinci Code (2003) và The Lost Symbol (Biểu tượng đã mất - 2009).
Lần này chuyện diễn ra một phần ở Florence, thành phố xinh đẹp và cổ kính, thủ phủ vùng Toscane nước Ý. Cố đô Florence nổi tiếng với ngôi trường dạy hội họa và điêu khắc của mình cùng các lâu đài, nhà thờ, trường dòng, rất nhiều thư viện, viện bảo tàng… sở hữu những kho báu nghệ thuật vô cùng phong phú.
Giáo sư Langdon cùng nữ tiến sĩ lịch sử nghệ thuật Sienna Brooks một lần nữa đi tìm hiểu ý nghĩa những ký hiệu, biểu tượng trong quá khứ bị thất lạc theo thời gian. Lần theo những “dấu vết” để lại trong “Địa ngục” - phần đầu tiên của bản trường thi Commedia (hay Divina Commedia - Thần khúc) gồm 3 phần của nhà thơ Ý lỗi lạc Dante - cuộc truy tìm đưa hai người tới những thành phố từng sầm uất nhất thời Trung cổ. Vì thế, người đọc còn có thể coi giáo sư Langdon như một… hướng dẫn viên du lịch và nhà phê bình nghệ thuật thượng hạng!
Dante Alighieri (1265-1321) sáng tác Thần khúc hồi đầu thế kỷ XIV (trong khoảng thời gian từ năm 1307 tới 1321). Ngoài phần đầu, hai phần còn lại của bản trường thi này là Tẩy trần và Thiên đường (Inferno, Purgatorio và Paradiso). Mỗi phần gồm 33 khổ thơ, riêng phần 1 gồm 34 bài (tổng cộng 100 khổ). Dante kể lại hành trình của ông qua ba triều đại (thuộc thế giới “bên kia”, “trên cao”) để đến được với Chúa Trời. Được coi là chứng nhân quan trọng của nền văn minh Trung cổ, Thần khúc còn được cả thế giới biết đến như là một trong những tác phẩm văn học kiệt xuất của toàn nhân loại qua mọi thời đại.
Trang bìa bản phát hành tại Mỹ có hình ngôi nhà thờ cổ mang tên nữ thánh Santa Maria del Fiore nằm ở trung tâm Florence, xây dựng cuối thế kỷ XIII - đầu thế kỷ XIV với mái vòm lớn nhất thế giới, khởi đầu cho trường phái kiến trúc thời Phục hưng, được xếp hạng di sản thế giới năm 1982.