Ký họa Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng của họa sĩ Đặng Ái Việt: Hành trình của trái tim…

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tiền Giang, miền quê chịu nhiều mưa bom bão đạn của chiến tranh, hơn ai hết, họa sĩ Đặng Ái Việt hiểu được nỗi đau và sự hy sinh của những người mẹ “ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về mình mẹ lặng im” (thơ Tạ Hữu Yên). Thời gian không thể xóa nhòa được nỗi đau trong lòng các mẹ, nên nữ họa sĩ có tâm nguyện là sẽ đi khắp mọi miền Tổ quốc để gặp gỡ, chia sẻ và vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng - những người mẹ đã đi qua hai cuộc chiến tranh… Và giờ đây, khi đã mãn tang chồng - cố nghệ sĩ nhân dân Phạm Khắc - thì tâm nguyện ấy mới được thực hiện.

Với nét vẽ tài hoa và một nghị lực phi thường, trong thời gian 6 tháng, từ ngày 19/2/2010 đến ngày 19/8/2010, họa sĩ Đặng Ái Việt đã vượt một chặng đường 7.799 km và đã truyền thần được hàng trăm chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng đẹp lạ lùng, mà theo như bà nói, đó là một vẻ đẹp thánh thiện…


Họa sĩ Đặng Ái Việt.

“Mẹ trải máu tim hồng Tổ quốc
Các con đi tô thắm non sông
Núm ruột mẹ - con mang về với đất
Mẹ Việt Nam!
Con anh dũng - Mẹ anh hùng”

(Cảm tác của họa sĩ Đặng Ái Việt)

Những mất mát do chiến tranh dễ gì xóa được. Rừng cây dù có bị tàn phá thì thời gian cũng xanh tốt trở lại, nhà tan cửa nát thì bàn tay con người có thể xây dựng lại, nhưng nỗi đau của những người mẹ thì làm sao có thể lành. Trong chiến tranh, các mẹ đã hy sinh những đứa con do mình đứt ruột đẻ ra cho Tổ quốc; đã giáo dục con cái vì nước quên mình, mang hết tài năng, trí tuệ và chính cuộc sống của mình cống hiến cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Hơn ai hết, mẹ hiểu mất mát trong chiến tranh là không thể tránh khỏi, để đất nước được đứng lên thì những người con trai, con gái kiên trung của các mẹ phải ngã xuống. Khi đất nước giải phóng, đồng bào hai miền Nam - Bắc sum họp, cả nước vỡ òa trong niềm hạnh phúc, dù trên môi mẹ vẫn nở nụ cười, nhưng lại tuôn trào dòng nước mắt. Nước mắt của hạnh phúc hay là nước mắt mất mát trong ngày đoàn tụ?

Chiến tranh kết thúc, mẹ lại tiếp tục hòa mình vào công cuộc xây dựng đất nước, nhưng mấy ai biết rằng, mẹ lặng lẽ chôn giấu nỗi đau riêng mình.


Mẹ Việt Nam anh hùng Rơ Mah A Mi-Ăk (dân tộc Jrai); sinh năm 1928,
hiện sống ở huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai, có 3 người con
hy sinh trong chiến tranh 1968-1973.

Nữ vận động viên trên đường đua thời gian…

Ở tuổi lục tuần, đáng lẽ người ta sẽ nâng niu những thành tựu của quá khứ, an hưởng tuổi già thì họa sĩ Đặng Ái Việt lại không thế, bà hoạch định công việc cho tương lai một cách rõ ràng mà nhìn vào lịch trình của bà, có lẽ với sức trẻ có khi phải… e ngại. Dáng gầy gò, hơi khắc khổ có ai ngờ bà lại “dám” đơn thân độc mã vượt đường xa vạn dặm để vẽ về các Mẹ Việt Nam anh hùng.

Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2010), ngày 18/10/2010, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ phối hợp với Báo Công An Nhân Dân tổ chức triển lãm Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng tại Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ (200-202 Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM), giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu vừa được hoàn thành trong chuyến xuyên Việt của họa sĩ Đặng Ái Việt. Triển lãm kéo dài đến ngày 31/12/2010.

Bà nói rằng, đó là cuộc hành trình tâm linh - cuộc hành trình có thể bù đắp phần nào nỗi đau, sự mất mát của các mẹ. Bà tâm sự, nhiều khi mình không lý giải nổi, nếu như không có sự “tiếp sức” của các anh hùng thì chắc chắn không thể nào băng qua được đèo Cả, đèo Phú Gia, đèo Phước Tượng, đèo Lò Xo (Phượng Hoàng), vượt những cơn bão, những ngày trời nắng nóng thiêu đốt, những vất vả thân cò đơn độc trên con đường dài hiu hắt gió…

Hành trang vượt Trường Sơn đi tìm “nét thời gian” của người phụ nữ 62 tuổi là chiếc xe chaly đã gắn bó với bà suốt hai thập kỷ, bút, giá vẽ và một bầu nhiệt huyết. Thân hình nhỏ nhắn, khuôn mặt đã xuất hiện sự truy đuổi của thời gian nhưng đôi mắt bà vẫn còn trẻ lắm, đôi mắt ấy đã rực cháy, nóng bỏng suốt cuộc hành trình xuyên Việt gần tám ngàn cây số, để ghi lại khuôn mặt các mẹ Việt Nam anh hùng.

Đây là một cuộc chạy đua với chính mình, bởi bà đã xác định cho mình cái đích để hướng đến: các mẹ bây giờ đã già yếu, như ngọn đèn lay lắt trước gió không biết tắt lúc nào, chỉ sợ chậm trễ một chút là sẽ không được nhìn thấy ánh sáng ấy nữa. Nhưng không phải lúc nào nữ họa sĩ cũng đến kịp lúc, khi đặt chân lên mảnh đất mà mỗi tấc đất đều thấm máu xương của biết bao anh hùng - Quảng Trị - thì bà được tin một mẹ đã ra đi. Một ngọn lửa vừa tắt và bà đã bật khóc… Mẹ không thể chờ, bởi vì con đã đến muộn, bởi vì đã 35 năm qua rồi…, và nỗi đau đã theo mẹ ra đi lặng lẽ.

Đó chính là nỗi ân hận dày vò lòng người họa sĩ, giá như bà có thể bước vào vạch xuất phát của đường đua này sớm hơn. Giá như… Bà đã không kịp vẽ nhiều các mẹ của những vùng đất lửa, nhưng nét vẽ đã được thay thế cho tấm lòng của bà với các mẹ, và cuốn nhật ký hành trình của bà càng dày hơn, với biết bao nỗi trăn trở, suy tư, những kỷ niệm trộn lẫn buồn vui xúc cảm.


Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ninh, sinh năm 1923, hiện sống
ở huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, có 1 người con độc nhất hy sinh năm 1968.

Giải thưởng cho một tấm lòng

Chiến tranh kết thúc đã 35 năm, mà hôm nay, đâu đó dưới những mái nhà vẫn còn có người mẹ già đứng nơi bậu cửa ngóng chờ chồng, chờ con trở về. Đâu đó dưới những mái nhà hằng đêm vẫn hiện lên trong giấc mơ của mẹ niềm hạnh phúc tìm được chồng, được con của mẹ còn nằm nơi rừng sâu núi thẳm. Mỗi chiến công, mỗi người mẹ là mỗi câu chuyện về đức hy sinh, kiên trinh, quả cảm và nhân hậu. Họa sĩ Đặng Ái Việt bền lòng rong ruổi từ thành phố đến làng quê, vì bà hiểu rõ rằng, không có nơi nào trên đất Việt Nam mà không để lại những nỗi đau trong từng thân phận con người. Và bà sẽ là người có “diễm phúc” nếu được gặp gỡ những con người tuyệt vời và những tấm gương cao đẹp đó.

Với tấm lòng “tri ân và trả nợ đời”, họa sĩ Đặng Ái Việt không cho phép mình bỏ lỡ một người mẹ Việt Nam anh hùng nào mà bà có thể ghé thăm… Giọt nước mắt của người nữ họa sĩ đã rơi dài theo cuộc hành trình, khi lặng nghe những câu chuyện đớn đau của các mẹ. Có lúc, bà đã không thể cầm nổi cọ vẽ vì quá xúc cảm, và họ chỉ biết ôm nhau mà khóc…


Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè, sinh năm 1921, hiện sống
ở Quận 1, TP.HCM, có 3 người con hy sinh năm 1967-1968.

Chiêm ngắm chân dung các mẹ trong phòng tranh, người xem càng hiểu hơn về hành trình của họa sĩ Đặng Ái Việt không đơn thuần là đi tìm nét thời gian trên khuôn mặt mẹ, không đơn giản là lưu giữ những hình ảnh của các mẹ Việt Nam anh hùng ở mọi miền Tổ quốc, mà quan trọng là tấm lòng trọng nghĩa của “người đàn bà vẽ”. Tất cả đã tạc lên một biểu tượng về sức mạnh, ý chí và đức hy sinh, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam.

Những bức vẽ của bà đã khơi dòng cho thế hệ trẻ hôm nay biết bao điều phải nghĩ, phải nhìn lại mình... Và chúng tôi coi đó như bài học sống động nhất, nghĩa tình nhất mà bà đã ngầm trao tặng cho chúng tôi về lòng biết ơn, truyền thống trọng nghĩa, “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Sắp tới đây, bà sẽ tiếp tục cùng với người bạn đường trung thành của mình - chiếc xe chaly - len lỏi vào những con đường trong Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để tiếp tục thực hiện tâm nguyện của đời mình. Chiếc xe cũ kỹ sẽ lại băng mình trong nắng gió chạy đua với thời gian, cố giành lại với thời gian những gương mặt tháng ngày của mẹ. Và chúng tôi tin rằng, trong cuộc hành trình của trái tim này, sẽ có biết bao tấm lòng đang dõi theo bước chân bà với tất cả sự trân trọng, yêu thương…

BÍCH ĐÀO