"Kỳ nữ" Kim Cương và kịch nói miền Nam

Theo các sử sách ghi lại, chúng ta được biết người Việt từ miền đất Bắc tiến về phương Nam là một hành trình qua nhiều thế kỷ, rõ nhất là từ thế kỷ 15 đến những thế kỷ tiếp theo, bởi sự tàn phá của những cuộc chiến xâm lăng hoặc là nội loạn dưới nhiều triều đại và các thiên tai, địch họa từng đẩy người dân vào cảnh đói nghèo thảm khốc, cùng những chính sách hà khắc của thời phong kiến bạo tàn đã buộc người dân phải mở lối thoát để tìm về vùng đất mới, với niềm hy vọng đổi thay được kiếp nhân sinh.

Những cuộc di dân như thế không phải xuất phát từ những cá nhân hoặc những gia đình riêng lẻ mà là từng nhóm gia đình, tộc họ liên kết với nhau, và rõ ràng nhất là sự ra đi có tính tập thể gồm những xã, làng. Trong một báo cáo gửi lên triều đình của một nhà Nho nổi tiếng là Ngô Thì Sĩ (thế kỷ 18) đã có ghi rằng: “Ở đồng bằng sông Hồng trước kia có 9.668 làng thì nay đi khỏi 1.070 làng, còn tại Thanh Hóa trước đây là 1.392 làng thì nay đi khỏi 297 làng, và ở Nghệ An trước đây có 706 làng thì nay đi khỏi 115 làng”.

Có nhiều gia đình nay ở miền Nam không có gia phả, và cũng có những gia đình không còn nhớ rõ là mình xuất phát từ miền quê nào, dù họ vẫn luôn nhớ mình là người dân Việt, là con cháu của vua Hùng. Sự ra đi có tính tập thể như vậy kéo dài nhiều đời, qua nhiều thế kỷ, trên nhiều chặng đường tìm phương lập nghiệp từ Bắc vào Nam đã khiến cho những người Việt phương Nam mang đậm tính cách cộng đồng – và trong mọi sinh hoạt tinh thần của họ sắc màu quần chúng vẫn là nổi bật.

Như tác phẩm Lục Vân Tiên của nhà Nho uyên thâm Nguyễn Đình Chiểu với 2.082 câu lục bát, nhưng thật khác xa phong cách Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, vì đặc điểm Lục Vân Tiên là tính cách dân gian, và sự thưởng thức tác phẩm có lẽ được thể hiện rõ trong câu: “Ai ơi lẳng lặng mà nghe” hơn là “Cảo thơm lần giở trước đèn”.

Ngay đến cái thời của thực dân Pháp thống trị xứ này, một đốc phủ sứ như Hồ Biểu Chánh dầu đã vay mượn cốt truyện của những tác phẩm nổi danh của Pháp để sáng tạo lại cũng đã chuyển đổi thành những câu chuyện đậm màu dân dã. Đến những kịch nói của nữ nghệ sĩ Kim Cương tính quần chúng ấy đã được nâng cao trên sàn diễn qua các nội dung tác phẩm và càng nổi rõ qua các ngôn từ.

Tiếp cận với sân khấu ấy như là tiếp cận cuộc sống thường ngày, bởi sự diễn đạt ngôn từ không có cách điệu, không mô phỏng theo một kiểu lối nào mà chỉ là những tiếng nói bình dị, quen thân nhưng lại là những ngôn từ nghệ thuật vì đi thẳng được vào tâm hồn người. Chúng ta có thể nhớ đến câu nói Tây phương: “Nghệ thuật chân chính bất chấp những sự trói buộc của thứ nghệ thuật thông thường” (Le vrai art se moque de l’art).

pic

Ngôn ngữ trong kịch nói hết sức quan trọng vì nó là thứ cầu nối trước hết giữa người diễn và người xem, và là nguồn mạch giao phối tâm hồn của vở diễn và khán giả. Tính quần chúng ấy ở kịch nói Kim Cương không hề tạo sự ngăn cách mà ngay từ đầu đã là những lời mời gọi thân thương cho một tiếp xúc dài lâu, nhất là càng đi sâu vào nội dung vở diễn người ta càng bị lôi kéo vào trong cuộc sống thường nhật với bao trắc trở, âu lo để rồi cuối cùng tìm thấy được sự giải đáp an lành.

Trong những đề tài của các vở diễn của nghệ sĩ Kim Cương chúng ta có thể tìm hiểu về một sự kiện tuy rất phổ biến nhưng lại mang tính chuyên biệt của những người Việt tìm về phương Nam. Khi rời khỏi nơi quê cha đất tổ tìm về một miền đất mới, miền đất xa lạ, hoang vu với nhiều bất trắc khôn lường, con người tất nhiên là phải bám lấy tập thể, cộng đồng đã cùng dấn bước phiêu lưu, nhưng đối với những em bé chào đời từ nơi đất lạ quê xa thì những năm tháng đầu tiên chỉ biết có mỗi một chỗ bám víu, nương tựa vững chắc, đó là lòng mẹ.

pic
NSND Bảy Nam (má Diệu - giữa) và NSND Kim Cương (vai Diệu - phải) đã làm rơi lệ nhiều thế hệ với vở diễn Lá sầu riêng.

Người mẹ Việt Nam muôn đời vẫn là nỗi nhớ, niềm thương của những trẻ Việt, nhưng những người mẹ ở đây còn là những gì gắn bó và bảo tồn hơn. Bởi đến một nơi “đất nước lạ lùng, chim kêu phải sợ, cá vùng phải kinh”, những người bé bỏng không thể tìm thấy nơi nào an toàn hơn là lòng mẹ.

Hoàn cảnh của nơi xa lạ, với những nghiệt ngã thiên nhiên chưa khắc phục được đã biến người mẹ thành một pháo đài kiên cố, thiêng liêng. Bởi vậy, trong đời của mỗi người Việt lớn lên từ đất phương Nam luôn nuôi ấn tượng sâu đậm về mẹ. Và thực dễ hiểu khi ở những vùng đất Bắc không thiếu những nhà thơ lớn, tài cao và trong tác phẩm bộn bề của họ vẫn có những bài sâu sắc đề cao người mẹ, nhưng chủ đề Mẹ được nói nhiều nhất là trong văn học miền Nam.

Và một trong những đề tài nổi bật của kịch Kim Cương là nói về mẹ. Người mẹ ở mọi tầng lớp dân gian, trong nhiều tình huống phức tạp của đời, nhưng cuối cùng là người mẹ đáng yêu, đáng kính. Sự quay trở về lòng mẹ – theo như nhận xét của một nhà khoa học lớn về kiếp nhân sinh – vốn là nhu cầu tha thiết của mỗi con người, ở đây đã được tô đậm bởi một truyền thống của những người con xa xứ một thời lặn lội đi tìm kiếm miền đất mới chỉ còn mỗi một chỗ dựa tốt nhất và an toàn nhất.

Tính cách quần chúng và hình tượng Mẹ là những đặc tính nổi bật  trong kịch nói Kim Cương. Nhưng đi sâu trong tâm hồn quần chúng qua nhiều thế hệ - và nhiều chế độ - một cách sâu lắng như thế, còn nhờ ở một tài năng nghệ thuật đã được đúc kết, cô đọng nhiều đời. Chúng ta đều biết rằng nghệ sĩ Kim Cương thừa hưởng được vốn nghệ thuật kể từ đời ông, đời bà, rồi đến đời cha, đời mẹ và những thân tộc gần gũi.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, trong một tác phẩm sưu tầm cho biết là trước khi bị lưu đày biệt xứ, vua Thành Thái được thực dân Pháp đưa vào an trí tại Vũng Tàu, và vốn yêu mê sân khấu thỉnh thoảng vua vẫn tìm lên Chợ Lớn xem hát ở rạp Palikao, do bà Ba Ngoạn làm chủ. Là một phụ nữ xinh đẹp, và là người thứ 100 có bằng lái xe ô tô trên cái đất nước ở vào thời bị đô hộ, bà Ba cũng yêu sân khấu như vua và sau nhiều lần gặp gỡ họ đã  cho ra đời một cậu con trai, mang dòng họ hoàng triều, là Nguyễn Phước Cương.

Lớn lên, ông được sang Pháp du học và còn mang đậm lòng yêu nghệ thuật từ cha mẹ mình nên đã bỏ nhiều thời gian tìm hiểu sân khấu và khi về nước lập một đoàn hát, là đoàn Phước Cương. Người vợ của ông, nghệ sĩ Bảy Nam – em ruột của cô Năm Phỉ, nghệ sĩ tài năng nổi tiếng một thời – mang thai khi cùng đoàn hát của chồng lưu diễn đó đây.

Cái thai lớn dần theo với tháng ngày khiến bà nhiều khi ngồi diễn ở trên sân khấu không sao có thể đứng dậy, nếu không nhờ đến nghệ sĩ Năm Châu tìm cách cứu nguy. Nhưng bà nhận thấy, từ ngày mang cái bào thai tiếng hát của bà hay hơn trước nhiều. Và khi đoàn ra lưu diễn ở Huế, vào ngày 15 tháng 1 của năm 1937 thì Kim Cương cũng được chào đời ở đất cố đô. Sự kiện này mang ý nghĩa là chuyến về nguồn đầu tiên của một cô gái Nam Bộ mang nơi mình dòng máu hoàng triều.

pic
NSND Kim Cương (giữa) bên cạnh nhà văn Nguyễn Tuân (phải) và nhà thơ Chế Lan Viên

Nghệ sĩ Bảy Nam, chỉ được nghỉ dưỡng 10 ngày, lại cùng con gái – mới 10 ngày sinh – theo đoàn lưu diễn đó đây. Cô bé Kim Cương lớn dần theo với tháng năm, qua những chuyến đi lưu diễn đầy thăng trầm đó. Các chiếc xe tải nhọc nhằn trên đường gió bụi, các chiếc ghe bầu lượn lờ theo dòng sông, rạch quanh co, về những bến bãi kể như vô định, ngày nay vẫn còn gợi lại nơi cô như một hành trình bất tận về cõi vô thường…

Khi cô Kim Cương lên 9 tuổi thì ba cô mất ở Phan Thiết, lúc ông dẫn đoàn lưu diễn đến đây. Ông mất, không chỉ là thiệt thòi lớn cho cả gia đình mà cả cho ngành sân khấu cải lương. Trong việc xử thế, ông được mọi người mến mộ về cái tình người, và trong ngành nghề ông được quý trọng bởi đã dành nhiều công sức đào tạo nên nhiều nghệ sĩ tài danh như cô Năm Nhỏ, cô Năm Phỉ…

Ông đã góp phần đổi mới sân khấu miền Nam qua sự tiếp thu kịch nghệ phương Tây, dùng vốn liếng Pháp ngữ dịch nhiều danh tác – như của Victor Hugo – để bà Bảy Nam soạn thành tuồng hát. Người kế tục ông, nghệ sĩ Năm Châu, đã tôn ông Nguyễn Phước Cương là vị hậu tổ của sân khấu này.

Ông bầu Cương qua đời cũng là thời điểm bọn thực dân Pháp quay lại xâm chiếm Nam Bộ. Gánh hát tơi tả, đương đầu nhiều nỗi khó khăn. Bà Năm Phỉ và bà Bảy Nam bèn gửi cô bé Kim Cương, bấy giờ 9 tuổi, vô trường của các bà xơ nơi nuôi nhiều trẻ mồ côi và các trẻ nghèo. Từ đây, cuộc sống cô bé Kim Cương đã rẽ sang bước ngoặt khác.

Ngày nào rày đó mai đây, có mẹ, có dì nay thì ém mình trong một không gian hạn hẹp với những con người xa lạ. Ngày nào mỗi tối đều nghe tiếng hát, tiếng đàn nay đêm vừa xuống đã phải buộc lên giường ngủ, dù không thể nào chợp mắt… Thoạt đầu, cô bé có những phản ứng lại thực trạng này. Thậm chí có lúc cô đã đến gần dì phước và kéo tụt quần các dì để mà cười vui.

Nhưng với cô bé lên chín, kỷ luật cùng sự tuân hành của một tập thể dần dần tạo được áp lực để cô biết tự uốn mình theo khuôn khổ mới. Cô cảm nhận được, ngay trong nhà tu, giữa đám trẻ nghèo cũng có phân biệt, như là đẳng cấp, tùy theo sức nặng của túi tiền mình. Quá nghèo, sẽ được cho vào cơ sở gần Thảo Cầm Viên; có thể đóng được nửa tiền – như cô – thì vào nhà thờ Cha Tam ở Chợ Lớn; và đóng đủ tiền thì ở nhà thờ Tân Định.

Những năm tháng sống trong hoàn cảnh này đã tạo điều kiện cho cô tiếp xúc với nhiều cuộc sống đơn độc, khổ nghèo, khơi dậy nơi cô một sự cảm thông sâu sắc đối với đồng bào, đồng loại phải chịu bất hạnh, rủi ro. Và đến một lúc cô thấy mình đã thực sự thích nghi, hòa hợp với môi trường này.

Sau 10 năm sống trong dòng tu, với những cảnh đời khốn khổ quây quần bên cạnh, cô muốn mình sẽ là người thầy dạy, là người chăm sóc, an ủi các em mãi mãi, cô muốn gắn bó đời mình với dòng tu này. Cô đem ý nguyện chân thành của mình nói với má Bảy, nhưng dầu năn nỉ hết lời má không chấp nhận để cô khoác áo nhà tu.

Giữa lúc cô đang phân vân nghĩ ngợi về một ngày mai thì một sự cố xảy đến: Cô đã thi hỏng Tú tài phần hai. Và cô không ngờ sự hỏng thi ấy sẽ là đầu mối dẫn dắt cô về một ngả khác.

Bước ngoặt kể từ năm 1954, khi cô xin phép dòng tu tạm nghỉ ít hôm dạy trẻ mồ côi để xuống Châu Đốc thăm mẹ, tìm cách khuây khỏa nỗi buồn thi hỏng. Cô nghĩ, dầu sao mình vẫn ở lại với dòng tu này, vì thuộc vào lớp đàn chị phải có bổn phận thay thế những người ra đi để mà chăm sóc các em mới đến.

Nghệ sĩ Bảy Nam có người chồng mới – nghệ sĩ Duy Lân – trưởng đoàn hát đang trình diễn ở Châu Đốc. Gặp đoàn, tuy được nhiều người mừng đón nhưng Kim Cương vẫn thấy không vui như những ngày nào. Có lẽ cuộc sống lâu dài ở nơi dòng tu và cô nhi viện làm cô lạnh nhạt đối với thế tình.

Nhưng đêm hôm ấy, khi vừa vãn hát thì súng nổ giòn. Lực lượng kháng chiến giao tranh với quân đội Pháp. Tiếng đạn rít trên không trung như lời cảnh báo hãi hùng về những tai họa khó lường đe dọa mọi người. Các khán giả co rúm lại trong niềm sợ hãi. Để trấn an họ, trưởng đoàn ra lệnh cho các nghệ sĩ tiếp tục buổi diễn.

pic
Nghệ sĩ Kim Cương thời trẻ

Sau khi cô Kim Hoàng hát, đến cô Ngọc Yến, rồi lại Xuân Lan… những giọng ca sáng giá nhất đã đem tài nghệ ra để trấn an khán giả, và tất cả đều đã góp phần rồi. Tiếng súng còn nổ, khán giả vẫn còn đợi chờ. Phải có ai ra lấp khoảng trống đó. Và cô Kim Cương đã được chỉ định làm công việc này.

Với cô, sân khấu vốn là mảnh đất quen thuộc, nhưng sự “trở lại” quá đột ngột này làm cô xúc động. Lại thêm chiến tranh đang còn gào thét chung quanh và chưa biết chừng không chịu dừng lại ở trước cổng rạp. Tất cả điều đó khiến giọng hát cô không còn giữ vẻ bình thường, nhưng có nhịp điệu run rẩy, hẳn đó cũng là nhịp điệu nơi lòng những kẻ ngồi nghe, nên bài Nụ cười sơn cước mà cô ca lên đã được hoan nghênh rất là nồng nhiệt.

Những tiếng vỗ tay đêm ấy như muốn lấn át không khí lửa đạn bên ngoài, đồng thời vĩnh viễn rứt cô ra khỏi ngôi trường mồ côi, khỏi nỗi cô độc kéo dài qua bao năm tháng, để đẩy cô lại với ánh đèn màu sân khấu và ngàn lẻ một câu chuyện vui buồn ở nơi sàn diễn, ở chốn hậu trường và ở cuộc sống xao động vây quanh kiếp số của người nghệ sĩ.

Khi đoàn trở về thành phố, ông Duy Lân muốn thu hút khán giả bằng một tác phẩm mới, lạ nên viết Giai nhân và ác quỷ để cô Kim Cương đóng vai A Liễu. Lần đầu, cô được báo chí Sài Gòn ca ngợi, bỗng thành cái “đinh” của mọi sinh hoạt bình thường. Và đó cũng là lần đầu cô lãnh được món tiền lương hậu hĩ.

Thời gian sau đó, bà Năm Phỉ qua đời ở tuổi 48. Rất tiếc, bấy giờ chưa có phương tiện để ghi lại những băng hình về con người tài hoa ấy. Cô Kim Cương vẫn thường nói “Cho dầu chờ đợi đến cả trăm năm cũng không dễ gì tìm thấy được một thiên tài như thế”. Bà Năm qua đời, nhưng bảng hiệu của đoàn hát vẫn còn mang đậm tên bà, cộng thêm tên của người cháu vừa lên, thành đoàn Năm Phỉ Kim Cương.

Do hoàn cảnh ấy, cô Kim Cương buộc phải làm người lớn quá sức vội vàng. Trong sự quản lý, cô phải điều khiển đoàn hát lúc mới 19 tuổi, và trong diễn xuất cô phải thủ các vai chính, không như đa số các nghệ sĩ khác phải đi từng bước, từ thấp lên cao. Hẳn ngoài cơ sở quản lý đã được kế thừa từ nơi gia đình, cô còn sớm được tập sự ngành nghề khi còn nằm trong bụng mẹ.

Điều hành đoàn hát được khoảng 2 năm, cô nhận thấy mình không còn hợp với sân khấu cải lương và xu thế của thời đại phải là kịch nói. Và Đoàn kịch nói Kim Cương ra đời. Với sự duyên dáng cùng một bản chất thông minh và lòng yêu nghề có trong truyền thống nhiều đời, cộng với cái vốn tích lũy sâu đậm của một gia đình thuộc vào hàng đầu ở lãnh vực sân khấu, cô Kim Cương sớm trở thành biểu tượng sáng ngời của bộ môn nghệ thuật này.

Trong nhiều năm dài các vở kịch nói như Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Huyền thoại Mẹ v.v… đã đem lại cho khán giả không chỉ hương vị đậm đà của những sinh hoạt văn hóa mang đầy màu sắc phương Nam mà còn truyền tiếp cho họ một niềm tin yêu cuộc sống, giữa nhiều biến đổi của một miền đất trải chịu không ít sóng gió cuộc đời.

Kịch nói Kim Cương, do vậy, được xem là dòng chảy chính của ngành kịch nói miền Nam. Tưởng nên ghi nhận thêm rằng, vào năm 1972, Trung tâm Văn bút (Pen Club) – một tổ chức thuộc hệ thống quốc tế – ở Sài Gòn, trong cuộc thi viết kịch bản với giám khảo gồm 3 người sinh ở 3 miền đất nước, là kịch tác gia Vi Huyền Đắc - miền Bắc, nhà văn Bình Nguyên Lộc - miền Nam và tôi - miền Trung, đã trao giải nhất cho vở Bức tranh lõa thể của cô Kim Cương, kịch bản phê phán khá mạnh loại văn hóa phẩm đồi trụy.

Rồi từ kịch nói tiến lên điện ảnh là điều tất yếu. Bấy giờ, trên báo chí, khi nói về Kim Cương, người ta đã thay tiếng gọi là nữ nghệ sĩ thành ra Kỳ nữ. Và trong điện ảnh, cô được chọn là diễn viên đóng nhiều phim nhất: 54 phim. Vào năm 1974, cô nhận được 2 giải thưởng Điện ảnh Á châu – về diễn viên xuất sắc nhất, đối thoại xuất sắc nhất.

Sau ngày giải phóng, cho đến 18 năm sau đoàn kịch Kim Cương vẫn còn tiếp tục phục vụ đồng bào. Không chỉ đoàn kịch của cô được tiếng là quản lý tốt nhất, có kỷ luật nhất, cô luôn coi đoàn như một gia đình chính thức của mình. Với sự tập hợp của đoàn, sau ngày giải phóng, cô đã giúp nhiều nghệ sĩ tìm được sự an tâm, có công việc làm hữu ích và đã góp phần ổn định tinh thần quần chúng.

Cô Kim Cương nói: “Từ năm 75 cho đến 18 năm sau, tạm nghỉ, đoàn kịch của tôi chưa phạm một sai lầm nào, xét về mọi mặt”. Và các băng nhạc Cách mạng đầu tiên là chính do đoàn Kim Cương phát hành… Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân mà cô vừa được phong tặng năm 2012 là sự vinh danh một đời hết lòng vì nghệ thuật của cô.

pic
NSND Kim Cương trong một lần đi làm từ thiện

Với những thành đạt quá sớm, và những thành tựu liên tục ở trên sân khấu, cô Kim Cương đã đón gặp rất nhiều những kẻ hâm mộ si tình nhưng rồi tất cả trôi qua như những tấn kịch hạ màn. Vào thời trẻ trung có đến hàng trăm những kẻ yêu cô và đã tìm cách tỏ tình, nhưng theo như cô tổng kết hẳn có ít nhất là khoảng 10 người bị bệnh tâm thần.

Có người không biết tên gì, nhưng ở dưới bức thư tình nồng nàn chỉ ghi “Chàng trai Nam Việt”, làm như ở phía Nam này chỉ có mỗi mình anh ta thuộc dòng đực rựa. Có người thì cụ thể hơn, và xa vời hơn, tự xưng mình là Dương Qua gởi thư cho Tiểu Long Nữ, đồng hóa với các nhân vật ở trong sách chưởng Kim Dung.

Cụ thể, trong nhiều năm liền, Chàng trai Nam Việt cùng với Dương Qua lặng lẽ đơn phương mượn điều giấy mực bày tỏ nỗi lòng. Trong nhóm mắc bệnh tâm thần nói trên, thì hai phần ba thuộc hạng trí thức: thi sĩ, bác sĩ, kỹ sư… trong đó nhà thơ Bùi Giáng được xem là người chung thủy hàng đầu.

Nhắc lại những sự việc này, nghệ sĩ Kim Cương đã nói như đùa và cũng có thể là rất chân thật rằng những người tình thật sự thủy chung chỉ có tìm thấy được ở những kẻ mắc bệnh tâm thần.

Đã nhiều năm nay, nghệ sĩ Kim Cương dành thời gian cho những hoạt động từ thiện.Cái khoảng những năm dài dặc của thời thơ trẻ, ở trong nhà tu, phải chăng đã được gợi dậy nơi tâm hồn cô? Hay là, sau những vở kịch, những cuộc hành trình lưu diễn đó đây, và những hào quang lấp lánh của những giải thưởng, của những tôn vinh, người kỳ nữ của sân khấu ngày nào lại tìm thấy được cái lẽ sống lớn của cuộc đời này là sự cảm thông, chia sẻ cho những đồng bào, đồng loại đang còn quá khổ nghèo.

Vũ Hạnh
Bình luận khác
toi da nhieu lan duoc xem qua vo kich la sau rieng, va lan nao toi cung roi nuoc mat, mat du co co gang cung khong the nao khong roi le, that la mot tac pham phai liet vao sieu hang... nay toi co doi loi goi den hoi van hoc Viet Nam de hi vong cac vi co the ngoi lai voi nhau, de co the binh chon va  chuyen tac pham nay vao van hoc VN duoc hay khong, vi theo toi nhung tinh tiet trong tac pham da phan anh rat nhieu o thoi dai ma ranh gioi giai cap giau ngheo qua ro rang, o trong do tang lop nong dan ngheo kho co cuc da phai chiu anh huong, trong do cung noi len su hi sinh bao la cua long me doi voi cac con cua minh...
     Loi van y dai, toi rat mong duoc su quan tam va dong gop cua cac ban doc tren dien dan van hoc nhe. chao doan ket
Từ: | Ngày: 27/09/2012 1:45 CH