Đại tướng Nguyễn Chí Thanh một nhà hoạt động chính trị quân sự lỗi lạc của Đảng ta, một người chỉ huy mưu lược, tài trí, dũng cảm. Nguyên ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam…, Đại tướng đã để lại rất nhiều tư tưởng giá trị của thực tiễn cách mạng.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (tên khai sinh là Nguyễn Vịnh) sinh ngày 1-1-1914 trong một gia đình nông dân ở thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đồng chí Nguyễn Vịnh có tinh thần yêu nước, căm thù và khinh ghét bọn thực dân phong kiến. Tháng 9-1938, chấp hành chỉ thị của Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Thừa Thiên do Nguyễn Vịnh làm Bí thư đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Bị thất bại, địch bắt Nguyễn Vịnh giam ở nhà lao Thừa Phủ.
Chúng đưa đồng chí ra xét xử ở Tòa án Nam triều. Quan tòa là tuần phủ, vốn là một vị khoa bảng. Ông hỏi Nguyễn Vịnh: “Tại sao làm cộng sản?”. Vịnh nói to: “Tôi đấu tranh cho dân tộc, dân chủ, dân sinh, thế là có tội à? Tôi chưa hiểu chủ nghĩa cộng sản thì “làm cộng sản” sao được? Nhưng cộng sản thương nước, thương dân thì có gì là xấu?”. Mọi người đứng chật tòa án đều “ồ” lên vui vẻ. Chưa bao giờ họ được nghe người bị cáo nói cứng cỏi như thế. Quan tòa lên giọng xách mé: “Cộng sản gì các anh? Cộng cơm, cộng sắn thì có…”. Vịnh đốp ngay: “Dân đói thì đòi cơm, có gì là xấu? Các quan thì đã có nhiều rượu, thịt rồi...”. Vị chánh án lúng túng xua tay: “Ở đây không được nói láo”. Mọi người lại cười ồ. Anh Vịnh càng hăng: “Các ông bắt tôi vì lẽ gì?”. Quan tòa quát: “Vì chứa sách báo cộng sản”. Anh Vịnh cãi lại: “Sách báo cộng sản là từ nước Pháp sang, thế thì tòa kết tội cả chính phủ Pháp sao?”.