Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mùa Xuân năm 1789 cùng với chiến thắng chống Tống đời Lý, chống quân Nguyên đời Trần, chống quân Minh đời Lê,… mãi mãi là những khúc hùng ca âm vang trong lòng dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hữu nghị nhưng kiên quyết chống xâm lược.
Xin mời các bạn đọc vài bài văn của Hoàng đế Quang Trung (do Ngô Thì Nhậm chấp bút) để hiểu thêm và tự hào về chiến công oanh liệt đó, về Quang Trung, về dân tộc ta trong lịch sử.
1. Chiếu lên ngôi (1)
Trẫm nghĩ: Ngũ đế đổi họ chịu mệnh trời, Tam vương nhân thời mở vận nước(2). Đạo có thay đổi, thời phải biến thông, nhưng đấng thánh nhân vâng theo mệnh trời để làm vua trong nước, yêu dân như con, thì cái nghĩa cũng chỉ là một.
Nước Việt ta, từ Đinh, Lê, Lý, Trần mở nước đến nay, bậc thánh minh dấy lên, chẳng phải một họ. Nhưng phế, hưng, dài, ngắn, vận mệnh trời cho, chẳng phải sức người làm được.
Trước đây nhà Lê mất quyền, họ Trịnh và họ Nguyễn cũ chia nhau cương vực, hơn hai trăm năm, giềng mối rối loạn, ngôi vua chỉ là hư vị, mỗi họ tự ý gây dựng bờ cõi riêng mình, kỷ cương trời đất một phen đổ nát không dựng lên được, chưa có thời nào quá quắt như thời này. Thêm nữa, những năm gần đây, nam bắc đánh nhau, dân sa vào chốn lầm than.
Trẫm là kẻ áo vải đất Tây Sơn, không có một tấc đất, vốn không có chí làm vua. Chỉ vì lòng người chán ghét loạn lạc, mong có một vị minh chúa để cứu đời yên dân. Cho nên tập hợp nghĩa quân, xông pha chông gai, phá núi mở rừng, giúp đỡ Hoàng đại huynh(3) rong ruổi binh mã, gây dựng nước ở cõi Tây, dẹp Xiêm La, Cao Miên ở phía Nam, rồi hạ thành Phú Xuân, lấy thành Thăng Long. Bản ý chỉ muốn quét trừ loạn lạc, rồi trả nước cho họ Lê, trả đất cho đại huynh, ung dung áo gấm hài thêu, ngắm cảnh yên vui ở hai cõi đất mà thôi. Những việc đời dời đổi, rốt cuộc trẫm không được như chí nguyện.
Trẫm dựng lại nhà Lê nhưng Lê tự quân(4) để mất xã tắc, bỏ nước chạy trốn. Sĩ dân Bắc Hà không theo về họ Lê lại dựa vào trẫm. Đại huynh vì khó nhọc mà mỏi mệt, chỉ muốn giữ một phủ Quy Nhơn, khiêm nhường xưng làm Tây vương. Mấy nghìn dặm đất ở cõi Nam thuộc về trẫm cả. Trẫm tự nghĩ mình lượng bạc, tài đức không theo kịp cổ nhân mà đất đai rộng lớn như thế, nhân dân đông đúc như thế, nghĩ đến việc cai quản, lo sợ như cầm dây cương mục mà dong sáu ngựa!
Vừa đây, tướng sĩ văn võ, thần liêu trong ngoài đều muốn trẫm sớm định vị hiệu, để thu phục lòng người, dâng biểu khuyên mời đến hai ba lần. Các tờ biểu vàng suy tôn, không hẹn nhau mà cùng một lời. Trẫm nghĩ, việc lớn rất trọng(5), ngôi trời khó khăn, trẫm thật lòng lo không đương nổi. Nhưng trăm triệu người trong bốn bể trông cậy vào một mình trẫm. Đó là ý trời, há phải việc người? Trẫm ứng mệnh trời, thuận lòng người, không thể cố chấp nhún nhường mãi, lấy ngày 22 tháng 11 năm nay lên ngôi thiên tử, đặt niên hiệu là Quang Trung nguyên niên.
Hỡi trăm họ muôn dân các ngươi! “Lời nói lớn lao của ngôi hoàng cực là lời giáo huấn phải thi hành(6). Nhân, nghĩa, trung chính là đầu mối lớn của đạo làm người. Nay, trẫm cùng dân đổi mới, theo mưu mô sáng suốt của tiền thánh để trị và dạy thiên hạ!
Than ôi! “Trời vì hạ dân đặt ra vua, đặt ra thầy, là để giúp trời vỗ yên bốn phương”(7). Trẫm có cả thiên hạ, sẽ cùng dắt dìu dân lên con đường lớn, đặt vào đài xuân.
Hỡi thần dân các ngươi! Ai nấy hãy yên chức nghiệp, chớ làm những điều không phải đạo thường. Người làm quan hãy giữ phong độ hòa mục, người làm dân yên trong lệ tục vui hòa, trị giáo mở mang hưng khởi đến chỗ rất thuận, để vãn hồi thời thịnh trị của Ngũ đế, Tam vương, khiến cho tông miếu xã tắc được phúc khôn cùng, họ chẳng đẹp đẽ sao?
[Trong nguyên bản chữ Hán, còn có một đoạn viết chữ nhỏ, ghi các điều sau đây:
1. Các địa phương trong 13 đạo, thuế ruộng, thuế thân, thuế lực dịch về vụ đông năm nay, mười phần tha cho năm phần. Những nơi bị binh hỏa làm cho điêu tàn, cho quan phân tri khám thực, tha miễn cho cả.
2. Quan dân triều cũ, người nào liên lụy vào tội, đã bị án nặng, trừ những tội đại nghịch vô đạo, còn thì đều tha cả.
3. Các đền thờ bách thần mà thờ nhảm, đều bị xóa bỏ thần hiệu trong tự điển(8), còn các thiên thần và tôi trung, con hiếu, đàn bà tiết nghĩa đã được các triều phong tặng thì nay đều cho thăng trật.
4. Quan viên văn võ triều cũ, người nào vì chạy trốn theo vua mà còn phải trốn tránh, đều cho về nguyên quán. Người nào không muốn ra làm quan, cho tùy theo chí của mình.
5. Quần áo dân gian ở Nam Hà hay Bắc Hà đều cho theo tục cũ, duy có áo chầu, mũ chầu thì nhất luật phải theo quy chế mới].
2. Chiếu phát phối hàng binh người nội địa (9)
Chiếu cho quân sĩ tòng chinh của nội địa biết:
Việc binh là việc độc hại cho thiên hạ. Đã đánh là phải quyết thắng, nên khi hai bên đánh nhau, hễ gặp quân địch là giết, đó là lẽ thường trong việc dụng võ. Bắt được quân địch mà tha, xưa nay chưa từng có.
Trẫm ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thời thế làm việc cách mệnh, dùng binh bình định thiên hạ. Viên Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị các ngươi, tài đong đấu rá, nghề mọn thêu may, không biết những điều chủ yếu trong việc dùng binh, vô cớ đem 29 vạn quân ra khỏi cửa quan, vượt núi trèo đèo, vào sâu hiểm địa, xua lũ dân vô tội các ngươi vào vòng mũi tên ngọn giáo. Đó đều là tội của viên Tổng đốc nhà các ngươi.
Trẫm một phen vẫy cờ lệnh, quét sạch lũ các ngươi như quét đàn kiến. Lũ ngươi một thua tan vỡ, chết hại kể hàng vạn tên. Những kẻ hiện bị bắt tại trận tiền, vì thế bức bách phải đầu hàng, lẽ ra phải chiếu theo quân luật, đem chém sạch đi để răn đe những kẻ bạo ngược. Chỉ vì thể đức hiếu sinh của thượng đế, nên ta bao dung che chở, tha chết cho các ngươi.
Vậy ban chiếu này, phát phối các ngươi vào các cơ đội, sung vào quân ngũ, cấp cho lương hướng, để các ngươi khỏi bị cái khổ gông cùm, được ra trận tòng quân, dùng làm nanh vuốt.
Đấng vương giả coi bốn bể như một nhà. Trẫm đặt lòng mình trong bụng người, các ngươi phải nên hiểu rõ điều ấy, chớ nên ngờ sợ. Hãy nên nguôi lòng nhớ quê để đền ơn tái tạo. Phải kính tuân tờ đặc chiếu này.
Mai Quốc Liên dịch
(1) | Nguyên đầu đề: 即位詔 Tức vị chiếu. |
(2) | Ngũ đế: năm đời đế: Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn. Tam vương: ba đời vua: Hạ, Thương, Chu. |
(3) | Hoàng đại huynh: chỉ Nguyễn Nhạc. |
(4) | Lê tự quân: tức Lê Chiêu Thống. |
(5) | Nguyên văn: “thần khí” (khí cụ của thần), chỉ ngôi báu, cơ nghiệp đế vương. |
(6) | Nguyên văn ở Kinh Thư, thiên Hồng phạm. |
(7) | Nguyên văn ở Kinh Thư, thiên Thái thệ. |
(8) | Tự điển: sổ ghi sự tích các thần được thờ. |
(9) | Nguyên văn đầu đề: 配屬内地降兵詔 Phối thuộc Nội địa hàng binh chiếu. Nội địa: cách chỉ Trung Quốc thời trước. |