Kỷ niệm 90 năm ngày sinh Chế Lan Viên (23/10/1920 - 23/10/2010): Chế Lan Viên - nhà thơ cách mạng

CHẾ LAN VIÊN - NHÀ THƠ

Hiển nhiên Chế Lan Viên trước sau đều được vinh danh là nhà thơ mặc dù ông có viết văn xuôi và cả lý luận, phê bình. Phân tích kỹ thì văn của ông đậm chất thơ và phê bình lý luận cũng chủ yếu là về thơ và kiểu đặc hiệu mà ta thường gọi là phê bình nghệ sĩ tức phê bình của người sáng tác - ở đây là sáng tác thơ.

Tuy nhiên, nhà thơ cũng có nhiều đẳng cấp. Người mang danh thi sĩ nhưng ở hạng thấp thì thiên hạ gán cho là thợ vần. Ở bậc siêu đẳng, theo Nguyễn Tuân, được gọi là thi nhân hay người thơ (hiểu theo nghĩa là người mang bản chất thơ, người tạo ra thơ chứ không phải là người làm thơ).

Chế Lan Viên thuộc loại người thơ ở trên, tức là hạng thi nhân đích thực, là một thi tài bẩm sinh.

Theo hồi ức của Hoàng Diệp (**), từ bé cậu học trò Phan Ngọc Hoan đã rất giỏi văn, từng đoạt giải văn chương tuổi trẻ học đường thuở ấy. Bạn bè nhiều lúc bắt gặp cậu ngồi lánh ra một góc sân chơi ngắm đất trời, chim bướm, lá hoa để tìm ý thơ, lẩm nhẩm một vài vần điệu nào đó. Rồi làm thơ ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Mười bảy tuổi có tập thơ đầu tay làm kinh dị thi đàn: Điêu tàn. Thần đồng thơ ca đã trở thành một thi sĩ chính hiệu và không bao lâu sau đã lọt vào “tốp 4” - tứ hữu của thành Đồ Bàn - tức vùng đất Quy Nhơn, Bình Định.

Điều lạ nhất và cũng mới nhất là Chế Lan Viên đưa vào thơ một thế giới lạ, với những hình ảnh kỳ dị. Đáng lưu ý nhất là sự trình bày một tâm hồn khác thường với những cảm xúc và suy tư độc đáo về chính mình và về thơ: “Ta là ai?”, rồi tự trả lời: “Thi sĩ không phải là người” (tựa Điêu tàn). “Thơ là gì?” mở đầu cho một điển pháp thơ cả một đời. Đó là những câu hỏi lớn có ý nghĩa triết học được đặt ra từ thời niên thiếu và tuổi thanh xuân của nhà thơ.

Giờ đây, nhìn lại cuộc đời nhà thơ với chỗ lùi lịch sử khá xa (năm 2009: 20 năm ngày mất; năm 2010: 90 năm ngày sinh) ta có thể nói theo cách quen thuộc: Chế Lan Viên như được sinh ra là để làm thơ.

Làm thơ từ thuở thiếu thời cho đến lúc mãn chiều xế bóng, làm thơ lúc hứng khởi cũng như khi buồn đau. Ra mặt trận: làm thơ, vào bệnh viện: làm thơ. Làm thơ qua những mùa kịch bệnh (lao phổi - thời Ánh sáng và phù sa) và bạo bệnh (ung thư di căn lên não những ngày viết Di cảo). Rung động thơ từ những sợi tơ nhạy cảm đầu đời, rồi cảm xúc, suy tư mãnh liệt và hết sức tỉnh táo đến trước khi từ giã cõi đời. Làm thơ “giữa hai chớp mắt”, giữa lúc tỉnh và cơn mê cho đến tận xung động cuối cùng của thần kinh. Lò thiêu, Các mùa hoa, Từ thế chi ca có ý nghĩa như những bài thơ di chúc.

Chế Lan Viên là người một đời với thơ, hơn thế nữa, một đời vì thơ. Di sản thơ để lại thật đồ sộ, kể cả những Di cảo tương lai như vỉa ngầm sẽ tiếp tục được khai thác. Rồi tính cả phê bình thơ, lý luận thơ, triết lý thơ. Ấy là chưa kể thi pháp thơ hay nâng lên mức điển pháp thơ cho các thế hệ sau ra sức khám phá, tổng kết và đánh giá. Bởi vì ngay cái điển pháp thơ ấy cũng hết sức phong phú, lớn lao.

Trong các tập thơ Di cảo (gồm những bài thơ đã đăng báo hoặc chưa) cũng có nhiều bài bàn về thơ, nhà thơ, làm thơ. Riêng ở Di cảo III có hẳn phần II: Nghĩ về thơ và nghĩ ngoài thơ có hơn 100 bài, có nhan đề trực diện: Tự do và thơ, Những câu thơ, Săn thơ, Văn xuôi và thơ, Sông thơ, Mùa của nhà thơ, Đọc thơ mạch ngầm văn bản, Thơ thế kỷ, Quan niệm thơ, Thơ hiện đại, Vần,… và chữ… Về thi pháp: Thi pháp ồn, Thi pháp trẻ, Thi pháp (I),Thi pháp (II) với rất nhiều kiểu, loại Thi pháp đất và thi pháp lửa, Thi pháp núi và thi pháp đất…, Thi pháp nhập thế, xuất thế…

Một đời Chế Lan Viên giữ được tròn và đẹp Đạo làm người, trong đó bao gồm đạo đức cách mạng gắn với đạo lý truyền thống. Nhưng ông còn có cả Đạo thơ nữa và cũng chính ông lại là người rất sùng đạo trong ngôi đền nghệ thuật chân chính của mình. Chế Lan Viên là người đắc đạo lúc sinh thời và ngay cả sau khi đã ra đi. Khát vọng mê say một đời đã trở thành hiện thực. Nhà thơ lên ngôi thi bá thời Thơ mới (1930-1945). Rồi, sau đôi bước chập chững buổi đầu, ông đã đứng vững “ngang tầm chiến lũy” trong 30 năm kháng chiến (1945-1975).

Từ sau chiến tranh, ông cũng chính là người sớm tham gia khởi xướng đổi mới thi ca và văn học. Chốt lại nền thơ thế kỷ, trong danh sách đại diện ưu tú mươi người hiển hiện tên Chế Lan Viên. Luôn luôn vươn lên hàng đầu, đó là vị thế đã được xác định và chiếm lĩnh của nhà thơ. Ông là nhà thơ trên Giàn hỏa (Di cảo III) - người đã làm ra tia lửa ban đầu và tạo ra ngọn lửa linh thiêng cuối cùng để “hoá” thơ như hóa vàng trong xác tín có màu sắc triết học tôn giáo. Bằng cách đốt mình lên cho “bài thơ rực cháy”: “… toàn bài là lửa/ Cho đến tro tàn chữ cũng thiêng liêng/ Lửa đa nghĩa phóng hào quang… đi bốn phía”.


Nhà thơ Chế Lan Viên.

CHẾ LAN VIÊN - NHÀ THƠ CÁCH MẠNG

Xưa kia, đã có nhiều con đường dẫn đến cách mạng. Chế Lan Viên có lúc bế tắc nhưng rồi cũng tìm được con đường đi của mình để nhập vào ngày hội của quần chúng: cách mạng giải phóng và cách mạng dựng xây cuộc đời mới - xã hội chủ nghĩa.

Chế Lan Viên là người mạnh về tư tưởng trí tuệ. Con người ấy luôn biết bắt đầu từ điểm khởi đầu. Nhà thơ đặt câu hỏi về bản thể luận vừa có ý nghĩa triết học vừa có ý nghĩa nhân sinh: Ta là ai? Khi biết rõ thân phận cá nhân, nhà thơ tìm hiểu số phận của cộng đồng. Tự vấn để tìm giải đáp cho mình và cho mọi người. Trước đây, Chế Lan Viên chưa tìm được mạch đường thẳng để đến với cách mạng, có lúc đã đi đường vòng. Cho nên, “cách” cái “mạng” là một vấn đề sinh tử. Chế Lan Viên đã tạo ra một cuộc cách mạng tinh thần để đổi tâm hồn, từ đó dẫn đến đổi đời.

Hết sức khó khăn vì nhà thơ coi cái quan trọng nhất là các vấn đề siêu hình. Theo như tác giả tự bạch: lần lượt yêu Kinh Thánh, rồi Phật nhưng lúng túng không tìm ra lối thoát. Rất may cho nhà thơ là lòng yêu đời và tinh thần dân tộc đã cứu vớt ông. Chế Lan Viên đã thắng được mình như châm ngôn: chiến thắng bản thân mình là khó khăn nhất, vinh hạnh nhất. “Tóm lại, trước kia là bóng tối, sau đó là con người”. Ấy là khi nhà thơ phát hiện ra những vấn đề trọng đại khác: độc lập, nhân dân và chiến đấu sau 1945.

Cuộc cách mạng tâm hồn được diễn ra trong suốt đời thơ. Lịch sử tiến hóa và lịch sử tâm hồn cũng chuyển biến theo. Ánh sáng và phù saDi cảo thơ là những bộc lộ rõ nhất dòng thơ tâm niệm, tự tu để luôn luôn khẳng định một cái tôi đích thực, muốn được làm người công dân chân chính, người làm thơ cách mạng. Công cuộc cách mạng tự bản thân nó đầy nhọc nhằn, dũng cảm nhưng đầy vinh quang. Như lớp thi sĩ cùng thế hệ, Chế Lan Viên đổi đời, đổi thơ từ chỗ biết đổi hồn và đó cũng là quy luật tiến bộ của nhà thơ để trưởng thành và thăng hoa thơ. Yếu tố cách mạng từ lâu đã nằm trong con người nhà thơ như một tiềm năng.

Đã có thời, một người ngộ nhận hạnh phúc trong khổ đau, tủi nhục. Rất may, với Chế Lan Viên, “cuộc đời con” bị đè bẹp mà chưa nát hẳn như còn chờ một cơn gió mạnh “thần kỳ”: Thổi phồng lên. Tim bỗng hoá mặt trời (Tố Hữu). Trong “giấc mơ con” ấy có những ác mộng và ảo tưởng, nhưng đồng thời cũng le lói tia “lý tưởng” thiện mỹ mà sau này đã được nhân lên thành ánh sáng mới.

Chế Lan Viên đã qua cơn sốt vỡ da cách mạng có phần còn kịch liệt hơn nhiều bạn bè khác. Nhưng khi giây phút “khủng hoảng” thoáng qua, nhà thơ đã mạnh dạn bước vào đời, nhập cuộc thật sự với kháng chiến. Chính máu và lửa đã mở mắt cho nhà thơ để ông có thể kiên quyết dứt bỏ mọi vướng mắc, sẵn sàng dấn thân vào gian khó, hiểm nguy. Chế Lan Viên đi chiến dịch, ra mặt trận, xông xáo như một người lính thật sự và đã vinh dự được Kết nạp Đảng trên quê mẹ - Bình Trị Thiên khói lửa. Những khổ ải, bom đạn, chết chóc, bi thảm… chỉ làm dày dạn thêm bản lĩnh của ông.

Chế Lan Viên ngày càng nhận thức rõ thiên chức làm thơ cũng là hoạt động cách mạng. Vì thế, ông đã vững tay bút trên mặt trận văn học nghệ thuật nhờ cái “ánh sáng lý tưởng” ấy soi rọi. Thời chống Mỹ, Chế Lan Viên như sung sức hơn bao giờ hết. Ông lại lăn lộn trong thực tế sản xuất, lại đi vùng tuyến lửa, trụ lại mười hai ngày đêm B52 tại Trung tâm thủ đô, đem những “bó hoa lửa” đến cho chiến sĩ, đồng bào và bạn bè quốc tế. Ông thật sự đã vươn lên với vóc dáng anh hùng “đứng ngang tầm chiến lũy” của trận chiến có tầm vóc thế kỷ.

Chế Lan Viên vinh dự được bầu làm đại biểu Quốc hội bốn khoá (IV, V, VI, VII) - danh hiệu cao quý của người đại diện nhân dân. Ông trở thành nhà hoạt động xã hội nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế. Nhà thơ đã làm nhiệm vụ đại sứ văn hoá, thực chất là tuyên truyền, quảng bá và đấu tranh trên mặt trận văn hoá - nghệ thuật, cũng là đấu tranh chính trị trong bão táp của thời cuộc. Thơ do đó mang tính thời sự - thời đại và nhờ đó đưa ông lên tầm vóc nhà thơ cách mạng trong thế giới đương đại thế kỷ XX.

Chế Lan Viên còn là nhà cách tân thơ ca của thời đại. Công cuộc phục hưng thơ hiện đại thực sự được tiến hành từ lâu trong lịch sử văn học dân tộc nói chung và đời thơ Chế Lan Viên nói riêng. Ông đã làm mới một lần Thơ mới, lại làm mới lần nữa Thơ cách mạng ngày nay. Thơ Chế Lan Viên luôn tiềm năng những yếu tố “nổi loạn”.

Nhóm bạn thơ một thời đã lập hẳn Trường thơ Loạn và ra tuyên ngôn khác đời (tên Điêu tàn). Đó là biểu hiện của một xu thế phủ định triệt để cái cũ nhằm khẳng định cái mới tuy còn mơ hồ. Khi tiếp thu ánh sáng của lý tưởng nghệ thuật cách mạng, tiềm năng ấy biến thành khát vọng cải cách, khát vọng đổi mới chân chính.

Mẫn cảm với cái mới, Chế Lan Viên bao giờ cũng muốn cái hôm nay phải khác cái hôm qua, cái ngày mai phải vượt cái hiện tại, luôn luôn đặt thơ vào dòng chảy tiến hoá của dân tộc và thời đại. Nói cách khác, nhà thơ luôn khao khát tiến bộ nghệ thuật. Ứng với ba giai đoạn lớn trong đời là các đỉnh cao sáng tác như những quần thể tháp thi ca sừng sững Điêu tànThơ Không tên trước 1945, Ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường, Chim báo bão… thời ba mươi năm cách mạng và kháng chiến. Thơ sau 1975, nhất là Di cảo thơ (3 tập) mang một tầm cao đặc biệt. Đó cũng là ba chặng đường để đi tìm và khẳng định cái tôi bản ngã và bản lĩnh nghệ thuật đích thực.

Bí quyết đổi mới thơ Chế Lan Viên là nhận rõ và phân tích những mâu thuẫn trong đời và trong thơ để từ đó tìm kiếm những giải đáp và những giải quyết hữu hiệu. Cho đến những năm cuối đời, Chế Lan Viên không ngừng nghĩ về thơ với những quan niệm rất hiện đại: “Nhưng thơ phải dạn dày, ăn gió nằm sương, lội tuyết, lội bùn, xông vào lửa bỏng…/ Có thơ của âm nhạc giao tranh từng trận lớn âm thanh” (Thơ). Làm thơ ngày nay như người diễn xiếc (Quan niệm thơ). Qua Thơ hiện đại, Chế Lan Viên thâu tóm nhiều biến hóa thơ: Thơ xưa khóc hoặc cười, còn thơ nay thì dở cười, dở khóc… Thơ ngày nay là để đọc trong phòng riêng lẻ/ Cho cả tiềm thức, ẩn ức mình nghe những điều phi lý/ Nhưng lại cũng tiếp âm được bởi phát thanh vô tuyến truyền hình.

Thơ làm ảo thuật
Tôi làm thơ vào lúc tháp Bayon cần bốn mặt
Quay bốn hướng của đời. Mang bốn chất
Nội tâm. Vào lúc thơ xoay vòng

Tôi làm thơ khi nhận ra hạt là sóng

Đã có ý kiến tổng kết về mỹ học Chế Lan Viên. Cả những đóng góp về thi phápphong cách. Dấu ấn đặc hiệu ở đây phải chăng là tính đa dạng, phong phú, đặc sắc của những phạm trù. Chẳng hạn cái bi chứa đựng dạng thái bi-hài, bi-hùng, bi-thống… trong thẩm mỹ, cái phóng túng của hệ thi pháp (Thi pháp trẻ: Chỉ có sức trẻ mới nhảy ba bậc cấp một lần, vọt phi ra ngoài cửa sổ…/ Chỉ có thanh xuân mới so le, thô bạo, cộc cằn/ Ôi! Có khi sai lầm lại phì nhiêu hơn cái khôn khéo, nghèo nàn, trật tự.

Trên đại thể, ta thấy Chế Lan Viên đã đóng góp được một con đường nhỏ chạy vào đại lộ thơ hiện đại cách mạng. Đó là tính cách của một “mãnh sư” luôn tìm đường và mở lối đi riêng. Nhưng hơn thế, nhà thơ còn mở ra một hướng mới: khuynh hướng tự do hóadân chủ hóa thơ cả về nội dung và hình thức, nên cũng góp sức quan trọng vào sự nghiệp giải phóng và phát triển thơ.

Nhân cách thơ và nhân cách cách mạng kết hợp hài hòa trong một nhân cách lớn nhà thơ cách mạng Chế Lan Viên tinh anh, đầy khí phách.

Ngôi sao thơ Chế Lan Viên vẫn đang ở trên cao: Trời sao cao như là chiến trận, như trăm ngàn tinh tú “đang chiếm lĩnh bầu trời” nghệ thuật và có sức tỏa sáng qua những tháng năm.


(*)

PGS.TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

(**)

Hoàng Diệp, Chế Lan Viên - thi sĩ tiền chiến. Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1969.

Bài liên quan:
ĐOÀN TRỌNG HUY (*)