Sau khi giành được giải nguyên khoa Quý Hợi (năm 1743) triều Lê Cảnh Hưng, tân khoa Lê Quý Đôn về nhà viết sách và dạy học. Cũng là một nét mới. Với cái bằng Cống sinh thời đó, anh Cống Đôn 17 tuổi cũng có thể kiếm được cái chân huấn đạo hoặc giáo thụ của một huyện, một phủ. Mùi bổng lộc thời nào mà chả quyến rũ! Bặt đi mười năm, không hiểu sự sôi động chốn trường ốc hay một nguyên nhân nào đó thôi thúc anh thanh niên làng Phú Hiếu ấy lại khăn gói lên Kinh thi Hội, thi Đình. Qua hai kỳ khảo hạch cống Đôn đều đỗ đầu. Khoa Nhâm Thân (năm 1752) anh đỗ đầu với học vị bảng nhãn ở tuổi 27.
Bài văn sách của cống Đôn kỳ điện thí ấy gồm 41 câu hỏi với bài trả lời 14 trang in mà người đời sau tuyển chọn in vào cuốn Lịch đại sách lược (sách lược trị nước qua các đời). Văn sách là thể văn chính luận, kiêm bác cổ kim. Đề thi do nhà vua ra, ngoài những câu hỏi chung nhất về lý luận (gồm triết học, sử, địa, thiên văn, lịch pháp, binh chính..) chủ yếu hỏi về kế sách trị nước trong tình hình thời sự bấy giờ. Cho nên, văn sách còn gọi là sách lược trị nước. Song không hẳn thế, ở thời thịnh trị thiên hạ thái bình như khoa Nhâm Tuất (năm 1502) triều Lê Cảnh Thống, đất nước tương đối ổn định, nhà vua muốn hiểu sâu thâm về Phật giáo thì bài văn sách thi Đình khoa ấy toàn bộ hỏi về Phật.
Một vị sư 40 tuổi, quê xã Thanh Lãng, huyện Thủy Đường là Lê Ích Mộc giành được trạng nguyên khoa đó. Nhìn chung, văn sách thi Đình hay thi Hương từ triều Lê đến triều Nguyễn là hỏi về sách lược trị nước. Sự kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, giữa xưa và nay, giữa chủ trương và biện pháp… trong một bài văn sách là rất sáng sủa, vô tư và dứt khoát. Sĩ tử phải trình bày rõ quan điểm và những kiến giải, những biện pháp xác đáng nhất của mình, viết đằng tả đúng quy thức dâng lên vua.
Bởi thế, văn sách không chỉ là tinh hoa của văn chương cử tử mà còn phản ánh nhân cách của người trí thức, với cái nhìn sắc sảo vừa bao quát vừa cụ thể về các vấn đề bức xúc quốc kế dân sinh, châm chích thẳng vào những ung nhọt của triều đình, của quan lại bất tài, tham nhũng làm ruỗng nát xã hội. Nhưng văn sách lại bị hạn chế bởi những câu hỏi sẵn, cho nên nó khác với văn điều trần hoặc những tờ khải được dán kín dâng lên vua.
Quả là tình hình đất nước thời Lê Cảnh Hưng đã và đang tồi tệ quá đáng nên nhà vua mới đề ra những câu hỏi đại loại như dưới đây, mong lấy những ý kiến rộng rãi của sĩ tử để có tính khách quan nhằm bổ cứu những vấn đề cụ thể ở tầm vĩ mô.
Dưới đây xin lược thuật một số câu hỏi và trả lời trong bài văn sách đó.
HỎI: Lường được tư tưởng con người không dễ. Nghe ngóng dân tình, xem xét lòng dân có ổn định thuần nhất không? Sự tồn tại của trung đạo, của sự công bằng ở nơi đó vậy. Những việc chống đối ngu ngốc ở phiên trấn (ý chỉ những cuộc nổi loạn, những cuộc khởi nghĩa của nông dân) có thể nghiệm được sự cảm hoá ư?
Nước Việt ta các triều đại chính thống Đinh, Lý, Trần kế tiếp nhau. Đều có thể phòng ngừa, duy trì được vương nghiệp, nhà nào có chế độ của nhà ấy. Song cái công năng của việc trị nước thì có giỏi có kém, niên đại có lâu có chóng. Có phải do khí vận từng triều đại không bằng nhau ư? Hay là sự thi hành phép nước có chỗ được, chỗ không?
Trẫm nay nối nghiệp theo đường lối của Tiên vương... cảnh cáo nghiêm khắc thói xin xỏ, luồn lọt. Nạn hối lộ phải chặn đứng... Ngăn chặn bọn xấu, bọn làm bậy. Thế mà tệ cầu cạnh riêng tư vẫn trầm trọng. Tệ đó chưa được chặn đứng. Thế thì thân ngay bóng thẳng, nguồn sạch nước trong, ngõ hầu không kê khảo vào thuyết nào ư?
Để tẩy sạch thói tệ đã kéo dài, triều đình ngay thẳng, bách quan ngay thẳng cho đến muôn dân. Từ gần đến xa không ai không ngay thẳng. Then chốt của vấn đề ở chỗ nào?
… Nay công cuộc trị bình trách nhiệm và thành công trông cậy ở sự giúp rập của bách quan, đã từng thân sức hướng dẫn cho họ. Vậy mà việc lớn, việc nhỏ chưa một ngày nào thực hiện trúng lý. Há cái gốc chính sự của các cấp điển ty chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình? Những vụ việc hà lạm phiền nhiễu dân đã có những điều cấm. Vậy mà lòng ham muốn đã thành lề thói, chính lệnh dối trá nổi lên... Muốn cho pháp lệnh ban ra chỉ có thi hành. Vậy phải làm thế nào cho thích đáng với yêu cầu hiện nay?
Muốn những người tài giỏi cùng với triều đình lo toan cho muôn việc ổn định. Có đường lối nào để khích lệ việc ấy làm cho xã tắc này muôn đời giữ vững nghiệp đế, nghiệp vương. Cái gốc ở đâu?
Sĩ quân tử vốn có hoài bão đã lâu, nay được bước chân tới chốn công triều, có phương pháp nào để khuyến miễn hãy viết thành bài. Trẫm sẽ tự lựa chọn để thi hành việc trị nước.
TRẢ LỜI: ... Các triều đại ấy (triều Lý, Trần) chính vì lễ nghĩa, nền phong hoá của dân chúng thuần hậu, danh phận của mỗi người được nghiêm cách, quốc pháp sáng rõ. Coi trọng và ngăn ngừa quân đội ở kinh sư không để xảy ra sự phản loạn… Chọn kẻ sĩ qua thi cử, nhân tài đều được bổ nhiệm cất nhắc, phân chia văn quan, võ quan được nắm quyền hành nhất định để đề phòng ngăn ngừa tứ di mà không xem thường việc gây ra chuyện binh đao...
Quy mô dựng nước của thời đại Lý - Trần sở dĩ phòng ngừa duy trì được như thế là do đạt được một nền an ninh cao độ… Còn nhà Đinh thì cùng lập năm hậu phi mà đạo thường có nhiều sai sót. Trường học chưa xây dựng, buông xuôi việc giáo dục. Quân thập đạo quyền lớn hơn các đại thần, tối tăm trong phương pháp ứng xử lúc thường cũng như lúc biến. Đắm say trong áo quần sang trọng, coi nhẹ sự răn đe, phòng ngừa các thói tệ. Đến nỗi ở chốn nghiêm cấm cũng xảy ra những chuyện đấu đá, làm cho lòng kẻ gian có chỗ nhòm ngó. Bởi thế mà sinh ra sự quá nghiêm khắc về hình ngục, làm cho lòng người lìa tan, khó mà bó bện lại. Thế thì giữ sao được đất nước, ở ngôi cho lâu dài được?
Với đương triều thì Lê Quý Đôn có ý kiến:
Cần ưa chuộng phong cách điềm tĩnh thì phàm những chuyện bày đặt, xin xỏ vượt cấp phải truy thu có bằng cớ chứng tích. Muốn cải cách tệ gian dối thì phàm những việc xin xỏ, hối lộ phải cực lực cấm đoán không còn nơi ẩn nấp. Đặt hòm thư góp ý với lời lẽ khoan dung phàm ai có những lời trần tình về chính trị, thời sự đều được viết thành sớ biểu đạt lên trên. Đặt một chuông nhỏ báo hiệu có người chịu trách nhiệm lắng nghe ý kiến. Phàm có người, có việc bị oan uổng, bị đối xử tàn tệ phải được giải quyết công bằng, sáng suốt.
… Phải mở ra con đường ngay thẳng cho mọi người. Ngược lại, hoặc là con đường luồn lọt chạy vạy, cửa quyền hoặc nhòm ngó cửa công hầu, bồ đào so với hạt châu chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ! Vốn không có tài cán gì mà chỉ trông chờ ở sự giúp đỡ của người khác, những thói tệ ấy vẫn còn nhiều. Đem vàng lụa để mua chuộc hấp dẫn người ta, đều là cái tệ của sự xin xỏ, cầu cạnh. Những đầu mối ấy chưa được ngăn chặn. Nếu tình trạng cứ mãi như thế, vậy thì trên thế nào dưới thế vậy. Bởi lẽ, hình ngay thì bóng mới thẳng. Bên trên là nguồn nước, bên dưới là dòng chảy. Nguồn trong thì nước sạch. Bậc Tiên nho Phạm Trọng Yêm từng nói như vậy...
Nay sự thi hành chính sự, cái gốc là ở sự công bằng, ngăn chặn bọn gian manh, mở ra con đường chân chính. Song cái nhược điểm tồn tại là: sự cải lương, cải tổ chưa đến nơi đến chốn, phép tắc chưa triệt để thi hành, nạn hối lộ vẫn còn là lý do như thế. Trừng phạt bọn quan lại tồi tệ mà bọn chúng vẫn còn nhiều, bởi bọn chúng lọt lưới. Việc lớn, việc nhỏ bọn chúng đều lợi dụng để thu nhập...
Thần sợ rằng thói xấu đã thành nếp. Áo xiêm, mũ mãng nắm luật pháp ngang nhiên nhận hối lộ, điềm nhiên coi là chuyện bình thường. Cái tệ nạn đút lót để làm quan, ngồi ăn lộc rút cuộc khó chấm dứt được. Trước mắt, quét sạch cái thói xấu quá lâu ấy, khiến thần dân một mực trở lại sự ngay thẳng. Với bề trên, then chốt là ở chỗ nào. Thực tế có thể quét sạch thói tệ cũ, cần nghiêm khắc chấn chỉnh kỷ cương. Đình chỉ việc bổ nhiệm những kẻ tham lam tiền của. Giám sát những vị quan to giàu có tàng trữ của cải, phanh phui những điều cấm kỵ dựa vào thế lực bên trong, nhằm ngăn chặn con đường tắt của tệ chạy chọt bôn xu. Coi trọng sự tuyển lựa quan lại; thận trọng, đường hoàng nhằm chặn đứng con đường hãnh tiến đang lan tràn.
Theo định kỳ cần dứt điểm các vụ tố tụng. Người nào có tư ý mua chuộc rỉ tai trong các vụ xét xử phải được trừng phạt. Chọn người công bằng liêm chính như Mao Giới. Việc tiến cử, tuyển lựa có phép tắc, khiến cho bọn quan lại yếu kém rõ ra là một cỗ xe nát vô tích sự!... Giảm bớt số người đánh xe ngựa, bớt tiệc tùng ca nhạc. Cái gốc chính đã ngay thẳng thì phong tục tự nó sẽ thuần hậu. Triều đình ngay thẳng thì đất nước thịnh trị... Yếu quyết lớn của một triều đình có đạo là việc có nhiều người tài giỏi, hiền triết giúp rập công việc thiên hạ. Sao lại không làm được việc ấy?
Bài văn sách làm cách ngày nay tròn 258 năm, vậy mà tinh thần ý tứ của ông Bảng Thái Bình chưa hề cũ. Qua kế sách trị nước của Bảng Đôn, ta thấy ông là một cánh chim báo bão. Chỉ hơn 30 năm sau, bước chân khởi nghĩa của đội quân áo vải cờ đào Tây Sơn đã nhấn chìm một triều đình ruỗng nát với quốc nạn tham nhũng, quan liêu bất tài, ô dù nịnh hót của bọn phong kiến Lê Trịnh.
Người đời có thơ rằng:
Cuồn cuộn Hồng hà đổ biển Đông, Sóng xô vùi hết lũ gian hung Mới hay hưng phế tranh vân cẩu, Văn sách thi Đình nức tiếng ông! |