Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại vườn hoa Ba Đình ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhưng đế quốc Pháp núp sau lưng quân Đồng Minh vào giải giới quân Nhật, trở lại rắp tâm xâm chiếm nước ta một lần nữa. Ngày 23/9/1945, với ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập còn non trẻ của nước nhà, quân dân Sài Gòn – Gia Định đã nổ súng đánh trả quân xâm lược Pháp.
Lợi dụng lúc quân đội Pháp còn đang bị quân ta bao vây trong Sài Gòn, các địa phương ráo riết chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài. Tại tỉnh Bà Rịa, Thanh niên Tiền phong mở lớp quân chính đầu tiên tại xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ. Mỗi xã trong tỉnh được cử một người đi học. Tôi là người được thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong xã Long Phước chọn và giới thiệu đi dự khóa huấn luyện ấy.
Phước Hải là một làng ven biển, khí hậu mát mẻ, nên dưới thời thực dân Pháp, nhiều nhà nghỉ mát được xây dựng để phục vụ bọn thống trị. Thanh niên Tiền phong chọn cụm nhà nghỉ mát Hàng Dương phía đông xã Phước Hải làm địa điểm mở lớp.
Khóa học cấp tốc chỉ có 15 ngày, xen kẽ những bài chánh trị vỡ lòng về tinh thần yêu nước là những buổi lên lớp về cây súng trường. Trong hoàn cảnh buổi đầu Cách mạng còn vô vàn khó khăn thiếu thốn ấy mà Ban huấn luyện – chỉ vỏn vẹn hai người: một chánh trị, một quân sự – có được một khẩu súng trường “Lơben” của Pháp để dạy cho học viên là điều đáng trân trọng.
Hơn 30 anh em mà học cụ chỉ có một khẩu súng trường! Tôi nhớ lại, suốt khóa huấn luyện 15 ngày ấy, tôi chưa có dịp sờ được cây súng. Lớp có hơn 30 học viên, tôi không thích chen lấn, đành đứng sau lưng các bạn cách xa khẩu súng, nhiều lúc phải kiễng chân lên để nhìn cho được. Thật ra, với lớp học như thế, tôi không thu nhận được gì nhiều, chỉ thuộc một số bài hát Cách mạng như Cờ Việt Minh, Tiến lên đường máu. Còn về quân sự thì nhớ được câu đầu của huấn luyện viên: Khẩu súng trường của Pháp có 16 bộ phận…
Kết thúc khóa học, có tổ chức một đêm liên hoan. Đồng chí Ổn, người xã Phước Hải, lên sân khấu múa bài võ “Tứ Môn”. Anh là người dân chài vạm vỡ, khỏe mạnh, động tác điêu luyện. Để góp vui, tôi cũng nhảy lên sân khấu tham gia bài “Mai Hoa quyền”, bài võ mà thủ lĩnh Mã Văn Thái dạy tôi lúc tôi rời trường Pétrus Ký về gia nhập Thanh niên Tiền phong xã năm 1944. Còn về văn nghệ, học viên chưa ai dám lên thi thố, nên thầy Nguyễn Văn Đường – người phụ trách huấn luyện môn chánh trị, văn nghệ – phải lên trình bày bài Tiến lên đường máu. Tôi còn nhớ lời bài hát như sau:
Tiến lên đường máu!
Quốc dân Việt Nam!
Non nước nát tan vì quân thù xâm lấn
Đồng bào ta hợp sức mau đánh Tây
Đi, đi! Nước mất sao ta nỡ đành!
Giọng của thầy trầm, hùng, có lúc bi ai thống thiết, nhất là câu chót, được lặp lại nhiều lần như than, như khóc. Nghe xong muốn cầm súng tiến ngay ra sa trường chống quân xâm lược.
Liên hoan văn nghệ kết thúc, ban huấn luyện dẫn cả lớp ra nhà hội xã Phước Hải. Nơi đó, đèn măng sông sáng trưng. Nhà hội rộng rãi, khang trang, những hàng cột câm to bằng người ôm. Người ta đãi các học viên món cà ri dê chấm bánh mì. Món thịt dê là đặc sản của xã Phước Hải lúc bấy giờ. Ở xã Long Phước của tôi, chưa ai biết nuôi dê.
Sáng hôm sau thì lưu luyến giã từ, ai về làng nấy, lo việc truyền đạt lại những điều đã học cho lớp thanh niên trong làng. Thú thật, về cây súng thì tôi không nắm được gì nhiều, chỉ thuộc được câu mở đầu của huấn luyện viên: súng trường “Lơben” của Pháp có 16 bộ phận! Vả lại trong xã, ngoài khẩu súng một nòng, tước được của tên hương quản mà thủ lĩnh giao tôi giữ, thì còn có khẩu súng trường quân dụng nào đâu để lên lớp.
Do vậy mà vào đầu năm 1946, khi giặc Pháp phá được vòng vây xung quanh Sài Gòn, tiến xuống tỉnh Bà Rịa, anh em đội du kích chúng tôi rút lên núi Minh Đạm vẫn chưa biết làm thế nào để bắn cho chính xác. Anh em trên núi cứ bắn xuống, mấy thằng Tây già cứ đi lên, tức muốn chết! Cầm khẩu súng trong tay, chỉ vào cái đầu ruồi và cây thước ngắm hỏi với nhau: “Tụi Pháp làm mấy cái này để chi vậy? Lên đạn bóp cò thì súng nổ rồi. Cần gì ba cái lẻ tẻ này?”. Thật hết biết!
Một quân đội ngày bắt đầu như vậy mà 9 năm sau đánh thắng trận Điện Biên Phủ, bắt sống hơn 16.000 tên thuộc quân đội chánh quy của quân xâm lược Pháp, quả là một chuyện thần kỳ. Nếu không có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại thì chắc chắn là không có chuyện thần kỳ ấy.
* Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân