Là người có điều kiện thường xuyên tiếp cận với bức chân dung ở cự ly gần, Louis Van Tilborgh thừa nhận: Nếu so bức chân dung này với một số bức tự họa của Van Gogh thì thoạt tiên, ai cũng tưởng đó là chân dung của một người, vì hai anh em Van Gogh (Vincent Van Gogh - tên nhà danh họa và Theodore Van Gogh - em trai ông) có gương mặt rất giống nhau. Song nếu quan sát kỹ, ta sẽ nhận thấy sự khác nhau giữa hai người...
Từ nhiều năm nay, những người yêu tranh và cả các chuyên gia nghiên cứu về tranh Van Gogh đều đinh ninh rằng, bức chân dung vẽ một người đàn ông mặc áo vest màu xanh sẫm, đội mũ màu sáng hiện được trưng bày tại Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam (Hà Lan) chính là chân dung tự họa của Van Gogh, được ông thực hiện vào năm 1887, trước khi ông dùng súng tự sát 3 năm. Tuy nhiên, theo tuyên bố mới nhất của Louis Van Tilborgh - một người có trách nhiệm hiện đang làm việc tại Bảo tàng Van Gogh thì dường như đây là chân dung của… em trai Van Gogh chứ không phải chân dung của nhà danh họa.
Là người có điều kiện thường xuyên tiếp cận với bức chân dung ở cự ly gần, Louis Van Tilborgh thừa nhận: Nếu so bức chân dung này với một số bức tự họa của Van Gogh thì thoạt tiên, ai cũng tưởng đó là chân dung của một người, vì hai anh em Van Gogh (Vincent Van Gogh - tên nhà danh họa và Theodore Van Gogh - em trai ông) có gương mặt rất giống nhau. Song nếu quan sát kỹ, ta sẽ nhận thấy sự khác nhau giữa hai người (thông qua hai bức chân dung được miêu tả kỹ lưỡng các tình tiết trên gương mặt): Người anh trai có râu màu hung và vành tai dài, nhọn, còn người em thì râu màu nâu và vành tai tròn. Để xác quyết cho nhận định của mình, Louis Van Tilborgh còn cẩn thận so sánh bức chân dung mà nhiều người lầm tưởng là chân dung tự họa của Vincent Van Gogh với các bức ảnh chụp em trai ông.

Bức tự họa của Vincent Van Gogh (trái) và bức ông vẽ người em trai.
Bà Linda Snoek - phát ngôn viên của Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam cũng đồng tình với nhận định, rằng đây là bức Van Gogh vẽ người em trai: "Thật là khôi hài nếu như suốt cả cuộc đời, Van Gogh không hề có bức tranh nào vẽ em trai mình, trong khi, như mọi người đều biết, họ gắn bó với nhau khăng khít, mật thiết đến vậy".
Theo như những gì mà thiên hạ từng biết thì Theodore Van Gogh đã có những trợ giúp tài chính cần thiết cho Vincent Van Gogh trong đời sống cũng như trong hoạt động nghệ thuật. Vincent là người có lối sống lập dị, khó gần nên người em trai Theo gần như là người bạn thân thiết nhất trong đời ông. Theo sinh sau anh trai mình 4 năm và mất chỉ sau 6 tháng kể từ khi Vincent tự tử trên cánh đồng lúa mì ở Auvers, Pháp hồi tháng 7/1890 (bấy giờ nhà danh họa mới 37 tuổi). Hiện Bảo tàng Van Gogh còn lưu giữ tới 652 bức thư nhà danh họa gửi em trai, trao đổi mọi vấn đề trong cuộc sống.
Được biết, những kết quả nghiên cứu của Louis Van Tilborgh đã được trình bày trong một tài liệu dày tới 600 trang và được lưu giữ tại bảo tàng nơi ông đang công tác. Còn bức chân dung Theodore Van Gogh sẽ xuất hiện trong cuộc triển lãm với chủ đề nhắc về quãng thời gian danh họa Van Gogh sống tại Antwerp và Paris từ năm 1885 đến 1888.
Trước đây, lịch sử hội họa thế giới từng biết đến hiện tượng một nhà danh họa đã vẽ chân dung bạn mình thông qua chân dung… người thân của họ. Đó là trường hợp của danh họa Nga Valetin Serov. Chẳng là, sinh thời, tuy là một họa sĩ bậc thầy, rất nổi tiếng với các bức tranh phong cảnh cũng như từng vẽ một số bức chân dung bạn bè, đồng nghiệp, song họa sĩ Isaac Levitan lại rất hiếm khi vẽ chân dung mình. Khi ông qua đời (ngày 4/8/1900), để tưởng nhớ bạn, Serov đã làm một việc bất ngờ mà ít ai hình dung tới: Ông yêu cầu anh trai người quá cố ngồi làm mẫu để ông vẽ. Ông này có ngoại hình đặc biệt giống người em trai Isaac Levitan. Về tuổi tác, ông lại hơn em trai chỉ 1 tuổi. Có thể nói, việc "mượn mặt" này là một sáng kiến của Serov. Kết quả là, sau khi bức họa ra đời, tất cả những ai từng quen biết Isaac Levitan đều phải thừa nhận rằng, nó đã thể hiện chính xác lạ thường thần thái của ông.
Tất nhiên, đây không phải là trường hợp xảy đến với Van gogh. Ông không dùng gương mặt mình để vẽ chân dung em trai mà đơn giản là thiên hạ đã nhầm bức chân dung ông vẽ em trai là chân dung tự họa của ông mà thôi
Theo CAND