Năm Gia Long thứ 17, quan lớn ta bắt đầu chỉ huy dân binh khơi cảng Đông Xuyên, đào dòng chảy ngang qua núi Lạp. Thuyền bè từ đấy có lối ra vào, dân Vĩnh Thanh làm ăn dần dần khấm khá. Vua ngợi khen, xuống chiếu thăng ông lên làm Thống chế, lại cho lấy tên Thụy đặt cho sông, tức là Thoại Hà, vì kiêng gọi thẳng tên quan nên dân đọc trệch ra như vậy. Núi Lạp bên cạnh cũng đổi tên là Thoại Sơn.
Chỉ vì quan Trấn thủ Thụy buột miệng thèm ăn một lát bánh tổ, mà Châu phu nhân lo nghĩ mấy hôm liền. Phu nhân sinh trưởng ở miền Nam, cả đời chưa thấy thứ bánh ấy. Hỏi, quan bảo: “Bánh tổ tròn, y như cái tổ chim. Cắt lát mà chiên, vừa béo vừa dòn, vừa ngọt vừa thơm. Hồi ta còn con nít, Tết nào cũng ăn. Mấy chục năm nay chinh chiến, rồi việc quan chồng chất, không mấy khi về quê nhà…”.

Bánh tổ là loại bánh truyền thống lâu đời của người dân đất Quảng
vào ngày Tết Âm lịch.
Phu nhân xưa nay vốn chiều chồng, cũng muốn sai gia nhân về Quảng Nam tìm mua bánh tổ. Nhưng quan dân cả trấn Vĩnh Thanh đang còn tất bật việc đào sông. Sức người, sức của đều dồn vào đấy. Lúc này mà sai quân ra đến tận miền Trung chỉ vì miếng bánh, không khéo quan biết được, ngài lại mắng cho.
Vì vậy mà phu nhân phải cho người dò hỏi, tìm xem trong trấn có nhà nào quê quán Quảng Nam không. Hồi Thế Tổ Gia Long chạy vào Nam tránh nạn Tây Sơn, đem theo nhiều thủ hạ người miền Trung, bây giờ sau hơn ba mươi năm họ đã sinh sôi nảy nở thành những họ tộc đông đảo. Nhưng người ra đi đều là đàn ông, vào Nam họ lấy vợ nơi đây, nhiều năm đã quen ăn canh chua cá lóc, cá kho nước dừa, bánh lọt, xương xâm… Không, phải tìm một gia đình mới vào sau này, có đem theo đàn bà, đem theo thói quen ăn uống…
Thị Nhi được vào ở trong phủ, bầu bạn với phu nhân từ đó.
Thị Nhi năm ấy mười tám tuổi, da ngăm ngăm, mắt một mí, miệng cười có đồng tiền, tính nhanh nhẹn, vui vẻ, phu nhân rất cảm tình. Ban đầu chỉ trao đổi chuyện nấu nướng bánh trái, sau dần dần hợp chuyện, tình thân như chị em.
“Bẩm phu nhân, cả nhà con vào Vĩnh Thanh lập nghiệp hơn năm năm, nghe uy danh quan Trấn thủ đã lâu mà không biết là người cùng quê. Sao quan Trấn người xứ Quảng mà lại trấn nhậm xa vậy?”.
“Ừ, em không biết mới hỏi, chứ triều đình vẫn có luật Hồi Tỵ, các quan không được trấn nhậm ở quê, để tránh nạn bè phái với thân thuộc họ hàng. Mà cũng không được trấn nhậm ở đâu quá lâu, ở lâu trước sau gì cũng sinh ra vây cánh”.
“Ôi chao, vậy chắc con không được gần phu nhân lâu nữa, vậy con phải bày hết bí quyết nấu ăn cho phu nhân…”.
Nghe Thị Nhi nói, phu nhân cười hài lòng. Bỗng bà thấy nghẹt thở, đặt tay lên cổ, vừa nói vừa thở gấp. “Cho ta đi nằm”. Thị Nhi hốt hoảng, bỏ mặc chảo bột nếp trên bếp…
*
“Năm Gia Long thứ 17, quan lớn ta bắt đầu chỉ huy dân binh khơi cảng Đông Xuyên, đào dòng chảy ngang qua núi Lạp. Thuyền bè từ đấy có lối ra vào, dân Vĩnh Thanh làm ăn dần dần khấm khá. Vua ngợi khen, xuống chiếu thăng ông lên làm Thống chế, lại cho lấy tên Thụy đặt cho sông, tức là Thoại Hà, vì kiêng gọi thẳng tên quan nên dân đọc trệch ra như vậy. Núi Lạp bên cạnh cũng đổi tên là Thoại Sơn”.
Phu nhân vừa qua cơn mệt, nằm nghiêng đầu trên gối, mắt mơ màng, thủ thỉ nói về công nghiệp của chồng.
Mười bảy tuổi, Nguyễn Văn Thụy theo phò vua Gia Long, đánh biết bao nhiêu trận, chưa có trận nào thua. Khi Châu phu nhân còn son rỗi, vẫn theo chồng trong quân ngũ. Những lần giao chiến xong, về đến bản doanh, việc đầu tiên phu nhân lo đến là chuẩn bị sẵn thau nước pha rượu để ông vừa nằm nghỉ vừa ngâm bàn tay cầm kiếm. Bàn tay ấy bao giờ cũng đặc quánh máu, tanh và dẻo quẹo, ngâm đến một canh giờ mới tan hết.
Giờ đây, bà nín lặng một phút, không nói gì về hình ảnh ấy. Phò vua thì không thể tiếc xương máu, trai thời loạn thì lấy việc đánh giết làm vinh quang. Nhưng cái nghiệp của người làm tướng là phơi thây trăm họ làm công một người. Phu nhân có được đọc sách Đạo Đức kinh, nhớ lời Lão Tử: “Được trận đấy, lấy lễ tang xử đấy”. Thắng trận thì đừng vội mừng khải hoàn, trước hết hãy chiêu niệm người đã chết.

Một góc kinh Vĩnh Tế ngày nay.
Hòa bình rồi, quay về Vĩnh Thanh, phu nhân nhiều lần khuyên chồng làm một điều gì đó thực sự là việc thiện lớn của đời người. Ý nguyện của bà đã gợi lên trong lòng Nguyễn Văn Thụy kế hoạch đào sông, lập con đường thủy nối liền Đông Xuyên với những miền khuất vắng.
Phu nhân ngồi dậy, đỡ bát cháo trên tay Thị Nhi. Bà bị chứng suyễn cơn khi còn nhỏ, sau này lớn lên đã hết hẳn. Nhưng hồi đào kênh Thoại Hà, việc gấp, người thiếu, phu nhân dốc hết sức lo việc hậu cần cơm gạo trên công trường. Dân phu đau ốm, thương vong, một tay bà lo chăm sóc, cứu tế. Một hôm người mệt, lại bị mắc cơn mưa đầu mùa, bà bị cảm nặng, mê man mấy hôm liền. Từ đó bệnh thời nhỏ trở lại, thỉnh thoảng lại lên cơn không thở được.
“Được như quan lớn xưa nay thật hiếm có. Con chỉ nghe người ta được vua thưởng vàng lụa chức tước, chứ từ xưa đến giờ chắc chỉ có mình quan nhà ta là được vua lấy tên đặt cho sông, núi. Hèn chi kênh Thoại Hà vừa đào xong, quan lớn lại lo khơi thêm kênh mới”.
Mặt Châu Phu nhân đang xanh xao bỗng sáng lên, hân hoan. “Ừ, đào xong kênh Thoại Hà, quan lớn bảo sông cũng như người, phải có đôi có đũa mới vui”.
Bỗng nhiên nói đến đó mặt phu nhân thoáng buồn. Thị Nhi băn khoăn, cố đoán xem bà nghĩ gì.
Quan Trấn thủ quả là người tài giỏi. Đánh giặc phò vua, mấy lần xuôi ngược thương thảo với Ai Lao, Chân Lạp, rồi lại còn lo kế làm ăn cho dân. Mà cũng lạ, đàn ông năm thê bảy thiếp, đến ông nhà giàu ở xã thôn cũng hai ba bà là ít. Vậy mà trong dinh Trấn thủ chỉ có mình Châu phu nhân. “Em thắc mắc cũng phải, đó là vì hồi còn trẻ ta đáo để quá, nhất định không cho ông ấy đèo bòng thêm ai cả. Ổng thương ta lắm nên ta nói gì cũng nghe, riết rồi càng ngày càng lắm công nhiều việc, có đâu rảnh rang mà tơ tưởng đến ai nữa”.
Mắt lấp lánh vui, Châu phu nhân lại nhớ thêm chuyện để kể. Đó là chuyện Nguyễn Văn Thụy bị vua quở phạt. Cả đời làm tướng Nguyễn Văn Thụy chưa có trận nào thua, cả đời làm quan toàn được vua tin yêu, chỉ có duy nhất một lần ấy…
Lúc đó Thụy mới cưới Châu thị, được ba tháng thì lãnh mệnh vua kéo quân theo đường thượng đạo ra đánh Nghệ An. Đường thượng đạo tức là con đường mòn đi xuyên giữa các lớp núi Trường Sơn, mấy năm trời Thụy theo đó sang Xiêm, sang Lào vận động vua các nước ấy. Thượng đạo gian nan, nhưng là con đường an toàn, ngày xưa thời Trịnh Nguyễn, có lần chúa Đàng Ngoài là Trịnh Sâm muốn mở rộng thượng đạo cho tiện kéo quân vào nhưng các võ thần đều can ngăn: “Mình dễ kéo quân vào, thì một ngày kia địch cũng dễ kéo quân ra”.
Nhờ vậy mà bây giờ Thụy mới có con đường bí mật để chuyển quân từ miền Nam đến Nghệ An, đánh úp một trận làm Tây Sơn phải vỡ chạy. Công lớn vậy mà liền sau đó, Thụy bị vua quở trách, giáng từ Khâm sai đại tướng quân xuống chức Cai đội! Chẳng ai biết vì sao, chỉ có Châu thị biết…
Sáng hôm đó, Châu thị còn ngồi trên khung dệt (thời ấy còn chiến tranh nên các phu nhân cũng ăn ở đạm bạc và làm việc nhà chẳng khác dân thường là mấy), chợt nhìn ra, nàng sững sờ thấy chồng cùng mấy tên quân hầu đang phi ngựa vào sân. Ai ngờ được, cứ ngỡ giờ này chàng đang còn phi ngựa qua những vách núi cheo leo, hay đang kéo quân vào thành Nghệ An trong tiếng tù và báo tin chiến thắng…
Đêm hôm đó, hai vợ chồng son vày vò âu yếm nhau trong tấm chăn sồi.
“Ta nhớ nàng quá nên thắng trận xong là chạy biến về đây”. “Chàng về Nam mà không đợi lệnh Hoàng thượng, lỡ ngài quở phạt thì sao?”.
“Hoàng thượng quở phạt, cùng lắm bắt ta chết là cùng. Mà nhớ nàng quá ta cũng chết, đằng nào cũng thế”.
Thấy chồng nói liều, Châu thị hốt hoảng đưa bàn tay nhỏ nhắn bịt miệng chồng. Nàng rúc đầu, úp mặt vào bộ ngực rộng của chàng như nhờ che chở…
Câu chuyện thắng trận mà không lên chức, lại còn bị giáng chức của Nguyễn Văn Thụy, sau này Châu phu nhân thỉnh thoảng đem ra nhắc để trêu ông. Biết mình được chồng thương, phu nhân sinh ra ghen tuông hơi nhiều.
Thụy sau này đi làm quan nhiều nơi từ Bắc chí Nam, có lúc sang cả các nước láng giềng, cũng có những lúc không thể đưa Châu thị theo cùng. Thông thường quan tướng đi đến đâu, quan dân ở địa phương thường đem dâng gái non hầu hạ, cho nên ông nào đi công du về cũng đem theo lủng lẳng vợ lẽ, nàng hầu.
Riêng quan Khâm sai Thống chế Nguyễn Văn Thụy thì đi không rồi lại về không. Chẳng ai biết ông có vui vẻ gì ở ngoài không, nhưng nơi dinh Trấn thủ này lúc nào cũng chỉ có một ông một bà. Lúc nào đi xa về ông cũng thèm ăn món canh chua cá lóc, thịt kho nước dừa mà bà tự tay nấu cho ông…
“Phu quân đi Nam Vang, có ăn hủ tiếu không?”, “Ở Vạn Tượng nghe nói người ta nấu món lạp, phu quân có dùng được không?”.Châu phu nhân cứ thăn thỉ dò hỏi… Để rồi cười mãn nguyện khi nghe chồng bảo: “Ta từ khi còn trẻ đi khắp trăm miền, món gì cũng được nếm cả nhưng chỉ có phu nhân nấu là ta ngon miệng thôi!”.
“Phu nhân thật là người có phước”. Thị Nhi thốt lên, nghĩ tới người mẹ héo hon của mình, suốt đời sống nhẫn nhục.
Phu nhân nằm sấp trên nệm cho Thị Nhi đấm lưng, cảm thấy dễ chịu dưới đôi bàn tay khỏe và mềm mại.
“Ừ, ta cũng tự nghĩ mình có phước, mặc dù có người trách móc ta nhiều lắm!”.
“Ai trách phu nhân?”
Châu phu nhân cười: “Còn ai nữa, cả họ Nguyễn”. Ai cũng trách phu nhân cái tội ích kỷ, làm ảnh hưởng việc nối dõi tông đường. “Nhưng ta đã sinh thằng Lâm cho quan lớn rồi mà. Chỉ một đứa nhưng tài tuấn của nó thì đâu có kém ai.” Phu nhân nói như biện bạch.
Thị Nhi kéo tấm chăn mỏng đắp lên người bà chủ, rồi rón rén bưng khay ra khỏi buồng khuê. Còn lại một mình, Châu phu nhân liếc nhìn vào tấm gương trên vách. Tấm gương lớn có khung chạm trổ, vốn là phẩm vật do người Tây Dương đem đến bán, các nhà quan đều đua nhau mua dùng.
Trong tấm gương lộng lẫy là khuôn mặt người đàn bà đã qua thời nhan sắc, với những đường nhăn mệt mỏi dưới mắt, dưới môi. Bệnh suyễn đã ép mỏng tanh tấm thân gầy trong lớp áo lụa Kim Long…
Phu nhân ngậm ngùi: “Thuở ấy, mình còn xinh đẹp phổng phao thì chỉ có manh áo vải đơn sơ. Giờ đây thanh bình, có của ăn của để, được mặc gấm mặc lụa thì tuổi trẻ đã không còn nữa…”.
*
Quan Trấn thủ về dinh sau ba tháng xuất quân giúp vua Chân Lạp dẹp giặc Sư Kế. Như lệ thường, Châu phu nhân trang điểm đón chồng.

Kinh Vĩnh Tế và hình kinh Vĩnh Tế
khắc trên hông Cao Đỉnh đặt trước Thế miếu tại Hoàng thành, Huế
Trên đường từ Nam Vang về, Nguyễn Văn Thụy không quên cho quân đi ngang chỗ công trường đào sông. “Nghe nói phu nhân thường đến thăm dân lính. Sức khỏe phu nhân chưa khá, không chịu nghỉ ngơi, làm sao dứt bệnh được?”. Nghe chồng rầy rà, Châu phu nhân nhỏ nhẹ:
- Thiếp ra công trường, nhìn về phía xa thấy Thoại Sơn, cũng như nhìn thấy phu quân.
Tỳ nữ dâng cơm. Nguyễn Văn Thụy ngồi xuống, ngạc nhiên. Ôi, có cả bánh ướt cuốn thịt heo chấm mắm nêm, ớt cay quắn lưỡi. Có cả bánh tráng đập dập, rồi cả bánh tổ chiên giòn. Ôi ngon quá, ông bỏ cả cơm, cầm lát bánh lên ăn ngon lành. Bỗng nhiên ông nhớ lại cả thời thơ ấu tắm sông nghịch nước trên sông Thu Bồn.
Một lát sau ông mới sực nhớ: “Sao phu nhân biết làm những món này?” Phu nhân cười, run run nắm lấy tay chồng: “Không phải thiếp làm đâu, mà là…”.
Theo lệnh gọi, Thị Nhi đang lên thềm. Cái dáng tròn trĩnh của nàng đung đưa theo từng bước chân. Tuổi thanh xuân phơi phới…
*
“Đừng có nói lẩn thẩn nữa. Khi còn trai tráng ta còn chẳng cần đến tỳ thiếp, huống chi bây giờ tóc đã muối tiêu. Mà sao nàng bỗng nhiên đổi tính vậy? Nàng không biết ta thương yêu nàng đến mức nào đâu”.
Nguyễn Văn Thụy nhất quyết gạt đi, không nghe. “Phu nhân, nàng nghe cho rõ đây, ta đã dâng biểu xin đặt tên con kênh này là Vĩnh Tế. Hoàng thượng cũng nghe các quan địa phương tấu trình về công lao của nàng rồi, ngài đã chuẩn y. Nay mai khi Thánh chỉ về, nàng sẽ thấy”.
Châu phu nhân sững sờ. Châu Thị Vĩnh Tế là tên nàng. Ba năm trước khi vua cho đặt tên sông Thoại, núi Thoại, đã là một điều không ai tưởng tượng được. Được sánh với núi, với sông, quả là vinh dự lớn nhất của đời người. Nhưng đó là chồng nàng, người đã đánh Nam dẹp Bắc, kinh bang tế thế. Còn mình chỉ là một người đàn bà, chỉ biết yêu chồng mà thôi. Sao mà tưởng tượng được nhỉ?
Nguyễn Văn Thụy đưa tay tháo những chiếc trâm cài trên tóc vợ, để cho tóc nàng chảy xuống trên nền gối. “Thì ta đã nói với nàng, sông núi cũng phải có đôi có đũa, chúng nó mới trường tồn được mà”.
“Ôi, phu quân, người nói vậy không sợ thần giang sơn quở cho à?”. Châu phu nhân đưa tay lên bịt miệng chồng, nước mắt nàng chảy ướt dầm trên mặt.
Đêm yên tĩnh đến nỗi nghe rõ cả tiếng tí tách trong veo của giọt nước đồng hồ nhỏ xuống. Châu phu nhân trở mình, khe khẽ rút bàn tay gầy ra khỏi bàn tay chồng đang nắm chặt. Quan Trấn thủ đã ngủ say sau một ngày đường vất vả. Có những sợi bạc trên râu tóc ông…
Một cơn đau bỗng âm ỉ nhói lên, Châu phu nhân đưa bàn tay tự xoa vỗ cho mình, rất nhẹ vì sợ chồng thức dậy. Ngày mai ông sẽ dậy sớm, đi đốc thúc việc đào kênh. Con kênh này rộng, ít nhất cũng ba năm nữa mới đào xong. Rất có thể khi ấy mình đã không còn nữa.
Hết giờ Sửu, Châu phu nhân mới thiếp đi… Khi tỉnh dậy, quan Trấn thủ đã đi rồi. Phu nhân giật mình hốt hoảng. Ai lo trầu nước cho người buổi sáng?
“Phu nhân cứ yên tâm, em đã sắp sửa đầy đủ cho quan lớn rồi”. Thị Nhi vén màn cúi xuống, nhanh nhẹn giúp phu nhân bới lại mớ tóc rối.
Châu phu nhân ngồi dậy. Ngoài công trường, dòng sông đang lớn dần, lớn dần từng ngày. Dòng sông ấy sẽ còn mãi mãi. Nhìn Thị Nhi, bà mỉm cười lặng nghĩ: Ở đây, ta đang khơi một dòng sông nữa. Một ngày nào đó mình không còn thì dòng sông này vẫn tiếp tục sinh sôi.
Huế, tháng 11/2009
Bài liên quan: