Không có phản biện thì không có phát triển

Ông Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, trả lời phỏng vấn (Châu Long thực hiện).

* PV: Thưa ông, xin ông cho biết đánh giá của ông sau một năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo?

- Ông Vũ Ngọc Hoàng: Sau một năm thực hiện NQ29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, ngành giáo dục đã có nhiều chuyển biến, từ phía Bộ GD-ĐT cho đến các trường. Nghị quyết đã có tác động nhất định về nhận thức và bắt đầu có chuyển động trong thực tế. Việc chuyển nền giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực như tinh thần NQ29 đã bắt đầu tạo dấu ấn trong nhận thức về giáo dục, từ một nền giáo dục khép kín sang một nền giáo dục mở. Một số chủ trương của ngành cơ bản đi đúng hướng đổi mới như một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, một kỳ thi quốc gia thay cho hai kỳ trước đây… Bên cạnh đó đương nhiên vẫn còn rất nhiều việc cần phải đổi mới nữa. Tất cả chỉ mới bắt đầu và không ít lúng túng. Phải đi tiếp, không nửa vời được. Theo tôi, đổi mới phải mang lại hiệu quả thiết thực, không được nhân danh đổi mới. Muốn được như thế thì bộ và ngành GD-ĐT phải có giải pháp tập hợp trí tuệ của các chuyên gia tâm huyết, cùng nhìn về một hướng, tránh sự tác động theo hướng tiêu cực của lợi ích nhóm. Tôi tin cuộc đổi mới này sẽ thành công. Vì chủ trương đổi mới này phù hợp với quy luật khách quan. Nhưng thành công sớm hay muộn còn tùy thuộc vào năng lực của các nhà quản lý.

* Ngành giáo dục đưa ra giải pháp là đổi mới thi cử để tác động vào cách dạy, cách học. Theo ông, chủ trương này có phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam hiện nay?

- Theo tôi, đây là một chủ trương đúng. Tất nhiên là chưa đủ. Lâu nay chúng ta học để ứng thí. Bây giờ đổi cách thi để tác động ngược lại vào cách dạy và học. Thay đổi đề thi cũng là một giải pháp. Trước đây thi để kiểm tra trí nhớ của học sinh, làm giống thầy mới được điểm cao thì bây giờ người nói giống thầy chỉ được điểm trung bình, còn nói khác thầy mà có lý, có cơ sở khoa học thì mới là năng lực sáng tạo, mới được điểm cao. Giữa thi cử và cách dạy, cách học có mối quan hệ mật thiết, thay đổi cái này sẽ tác động đến cái kia.

Bên cạnh đó, thi cử và chương trình có mối quan hệ mật thiết. Thi cử là một việc trong chương trình. Theo quan niệm mới, chương trình phát triển năng lực giống như chuẩn bị cho người ta biết cách xây nhà thay vì chỉ cho người học vật liệu để làm nhà. Thực tế hiện nay kiến thức nhân loại sản sinh rất nhanh, chỉ ít năm nhân lên gấp đôi. Người thầy làm sao có thời gian để cập nhật hết kiến thức? Việc truyền thụ kiến thức trở nên lạc hậu. Cần phải cung cấp cho người học phương pháp tiếp cận kiến thức. Từ đó, người học có thể tự cập nhật kiến thức suốt đời. Thầy dạy trở thành thầy học, tức là làm thầy về cách học. Nhân đây tôi cũng nói chương trình là công cụ sư phạm để tác động vào năng lực học sinh. Người thầy dùng công cụ sư phạm ấy tác động vào làm phát triển năng lực của học sinh. Công cụ này khác với các loại công cụ khác ở chỗ nó chịu sự quy định của đối tượng mà nó tác động. Câu chuyện mua chương trình, bản quyền của nước ngoài về dạy là không phù hợp. Nên theo tôi, tất cả các chương trình của Việt Nam thì chúng ta phải viết ra. Nếu có mua là mua tài liệu của nước ngoài để tham khảo cách làm. Dạy tiếng Anh cũng thế, nội dung trong sách giáo khoa chuyển tải được văn hóa Việt Nam.

* Ông có nói sau một năm, Bộ GD-ĐT cũng có chuyển động tích cực, theo ông, năm tiếp theo chúng ta cần chú trọng điều gì?

- Phải quan tâm việc kiểm định chất lượng, đây là giải pháp để hạn chế sơ hở của cơ chế thoáng mở đầu vào và tự chủ trong đào tạo ở các trường. Có cơ quan kiểm định độc lập của xã hội, có cơ quan kiểm định nhà nước cùng làm. Thứ hai, là làm chương trình cho tốt, tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh. Nghiên cứu cho thấy, nếu nghe giảng, học sinh tiếp thu khoảng 20%, tự học tiếp thu trên 50%, học qua công việc thì tiếp thu 80%-90%. Nên việc tổ chức hoạt động học quan trọng vô cùng. Công việc của người thầy là phát hiện năng lực bên trong, năng lực khác nhau của mỗi học trò, rồi tác động và kích thích cho nó phát triển, nên khó hơn công việc truyền thụ. Chương trình phải làm sao tác động vào việc phát triển năng lực.

Như vậy, người thầy vừa là một nhà khoa học, nhà giáo dục, vừa như một nghệ sĩ. Trên tinh thần đó, chương trình phải hướng đến tác động để phát triển năng lực học sinh, tránh chỉ truyền thụ kiến thức áp đặt một chiều.

Năng lực thì không thể truyền thụ được, học trò không thể đi xin thầy năng lực. Thầy giáo phải là nhà văn hóa, tâm lý, nghệ sĩ phát hiện những tiềm ẩn, bí ẩn trong não con người, người thầy sẽ kích thích yếu tố bên trong đó phát triển. Phải suy nghĩ độc lập mới có tri thức.

* Nhưng hiện nay, thực tế rất đáng lo ngại của ngành giáo dục là đào tạo những con người chỉ biết thừa hành mệnh lệnh mà không có tinh thần tự chủ. Chuyện học sinh học vẹt, làm bài theo bài mẫu mới được điểm cao đã tạo cho con em quen tư duy bằng cái đầu của người khác…

- Giáo dục không phải để tạo ra những con người chỉ biết thừa hành, thụ động, làm theo, nói leo. Nền giáo dục của nước ta một thời gian dài là một nền giáo dục chủ yếu là truyền thụ kiến thức và không ít trường hợp áp đặt chủ quan một chiều. Đến nay ta thấy việc đó không phù hợp, kiến thức thì làm sao mà truyền thụ cho hết, kiến thức nhiều vô kể. Càng ngày khối lượng kiến thức mới càng tăng lên như cấp số nhân. Nếu chỉ dựa vào ông thầy thì không thể truyền thụ hết khối lượng kiến thức như vậy được. Và việc truyền thụ thường là liên quan đến những kinh nghiệm đã qua, mà mục tiêu của giáo dục là phải chuẩn bị cho con em chúng ta khả năng sống và làm chủ những gì sắp tới.

Nói như vậy để thấy, nếu truyền thụ áp đặt thì bị giới hạn bởi ông thầy, con em chúng ta sẽ khó phát triển, khó lớn lên, khó thích nghi với thời cuộc. Giáo dục không phải để tạo ra những học trò giống thầy mà phải chuẩn bị cho thế hệ sau vượt thầy, vượt sách. Cho nên, giáo dục của chúng ta cần phải thay đổi. Mục tiêu chính không phải là truyền thụ kiến thức, mà là phát triển năng lực. Phải mở ra kỷ nguyên tự do học thuật, tự do sáng tạo. Còn việc cung cấp kiến thức thì mạng Internet, sách và các tài liệu tham khảo có thể hỗ trợ được.

Trách nhiệm của người thầy là tác động vào phát triển năng lực của người học bằng việc giới thiệu kiến thức cốt lõi, rồi hướng dẫn các tiếp cận, cách giải quyết vấn đề, thông qua các tình huống, thông qua sự tương tác giữa thầy và trò. Sự tương tác này phải qua đối thoại, bình đẳng và dân chủ với nhau trong quá trình đi tìm chân lý chứ không phải là sự truyền thụ áp đặt, một chiều.

Một nền giáo dục như thế nào đó để có thể tác động tích cực nhất cho việc chuẩn bị cho con người có năng lực để làm chủ cuộc sống…

Tiếp nữa là các chính sách để phát triển khu vực ngoài công lập, phát triển các cơ sở giáo dục phi lợi nhuận, vấn đề tự chủ đại học…

* Theo ông, sức mạnh và những điều đáng tự hào của người Việt Nam, dân tộc Việt Nam thể hiện ở đâu?

- Ở văn hóa. Tôi cho rằng cái bền vững nhất để giữ nước, cũng như để phát triển là văn hóa. Trong lịch sử, có những giai đoạn chúng ta đã mất nước, thậm chí mất nước hàng ngàn năm, và chính nhờ văn hóa mà không bị đồng hóa, nhờ văn hóa mà thống nhất lòng dân lấy lại được nước. Chiến tranh nhân dân của chúng ta cũng là văn hóa, từng chiến sĩ bước ra chiến trường với sức mạnh của văn hóa ở bên trong, từ đó mới có chiến thắng. Mục tiêu quan trọng nhất của văn hóa là con người. Con người có văn hóa cao, đất nước không lo gì không phát triển. Cần phải tiếp tục vun trồng và phát huy tối đa tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc để tiến lên, theo kịp thiên hạ.

* Tình trạng xuống cấp văn hóa, đạo đức hiện nay đang là tiếng chuông đáng báo động của xã hội ngay cả những nơi cứu người như bệnh viện, nơi trồng người như trường học và những nơi thờ tự tâm linh. Mà trong sự thoái hóa ấy có nhiều cán bộ, đảng viên. Ông nghĩ sao về tình hình này?

- Đó là điều rất đáng quan tâm. Đạo đức xã hội đang xuống cấp, có những mặt xuống cấp trầm trọng, đáng báo động, ở cả những khu vực đáng lẽ ra phải thật sự trong sạch: nơi cứu người, nơi dạy người, nơi tạo ra các giá trị nhân văn, nơi nắm cán cân công lý, nơi thờ tự tâm linh, trong tham mưu chiến lược, trong công tác cán bộ… Việc thoái hóa đạo đức, tham nhũng diễn ra ở cả các cán bộ, đảng viên lãnh đạo quản lý trung cao cấp. Trước đây, nhìn nhận vấn đề này, trong các văn bản của Đảng và nhà nước dùng từ “một số cán bộ thoái hóa”, sau đó tới “một bộ phận”, và bây giờ là “một bộ phận không nhỏ”, rồi trong bộ phận không nhỏ ấy đã có cán bộ to. Như thế tức là tình trạng tiêu cực này cứ phát triển tăng dần, mặc dù Đảng và nhà nước đã có nhiều chủ trương về phòng chống và thời gian gần đây cũng quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao như vậy? Đó là vì hệ giá trị đã bị đảo lộn. Trong nhiều việc, mặt trái của kinh tế thị trường đã đặt đồng tiền vào vị trí trung tâm, lên trên nhân cách, chi phối hành vi của con người và các giá trị khác. Kinh tế thị trường không xấu, chúng ta vẫn sẽ phải đi tiếp trên con đường này để tiến lên, để phát triển. Cái gì cũng có mặt trái. Khuyết điểm chính là do chúng ta sử dụng cơ chế thị trường chưa tốt, quản lý yếu kém, chưa đúng cách, chưa có cơ chế hiệu quả để hạn chế những tiêu cực.

* Theo ông, giải pháp là gì, và bắt đầu từ đâu?

- Tôi thấy điểm mấu chốt là cần có cơ chế để hạn chế tác hại mặt trái của cơ chế quyền lực và mặt trái của cơ chế thị trường như hai con ngựa chứng, đòi hỏi phải nâng cao năng lực cầm cương. Khi quyền lực được giao vào tay người có nhân cách, đạo đức, tài năng nó sẽ được sử dụng để phục vụ nhân dân, đất nước. Và mặt trái: quyền lực sẽ làm tha hóa những người nắm giữ nó mà chưa đủ bản lĩnh, nhân cách, chưa đủ độ chín về văn hóa. Quyền lực có thể làm tha hóa con người rất nhanh và gây hại lớn.
Trong lịch sử Việt Nam, mười triều đại phong kiến đã lặp đi lặp lại chu trình: Giành được hoặc được nhân dân trao cho quyền lực - trị vì - tha hóa, suy yếu bởi quyền lực - sụp đổ. Có triều đại tồn tại được hàng trăm năm như nhà Lý, Trần, cũng có triều đại suy thoái và đổ ngã trong thời gian rất ngắn. Trong các sự sụp đổ ấy, nguyên nhân chính xuất phát từ nội tại chứ không phải vì bị thế lực bên ngoài tác động. Bài học lịch sử ấy tất nhiên không loại trừ chúng ta, thế nhưng nhiều người hôm nay vẫn còn chưa nhận thức sâu sắc được điều này.

Vậy nên, quyền lực phải được kiểm soát. Trước hết là kiểm soát từ việc chọn và sử dụng người. Tìm được người “đức trọng” thì mới giao “quyền cao”, nếu đức 10 chỉ nên giao quyền cỡ 6, 7 phần thôi, giao tới 20, 30 là hỏng cả. Bây giờ, tôi thấy nhiều người nói lệch thành “chức trọng quyền cao”, tức là trọng chức hơn trọng nhân cách.

Về khách quan, phải có cơ chế để quyền lực được kiểm soát bằng pháp luật, bằng cơ cấu nhà nước, bằng giám sát của toàn dân. Mấy mươi năm qua, phải nhìn nhận thực tế là chúng ta chưa có tiến bộ đáng kể về mặt kiểm soát quyền lực. Văn kiện của Đại hội Đảng XI đã có lưu ý đến vấn đề này, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa thực hiện được gì nhiều. Để kiểm soát quyền lực, kinh nghiệm của nhân loại đã có trong việc tổ chức nhà nước với cơ chế kiểm soát, điều chỉnh giữa các bộ phận hợp thành hệ thống và chúng ta nên học tập một cách thấu đáo, đầy đủ.

Phải tiếp tục giải quyết các vấn đề về dân chủ, tạo điều kiện, cơ chế, cung cấp đầy đủ, minh bạch thông tin để người dân có thể giám sát những công việc của nhà nước làm; chính sách bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tránh hình thành những “nhóm lợi ích” có thể sử dụng quyền lực và phương tiện được giao để làm lợi cho mình.

Tôi cũng muốn nhắc lại rằng hiện tại tình trạng cán bộ biến chất, thoái hóa, nhóm lợi ích thao túng kinh tế đang ở mức rất đáng lo ngại, đáng báo động, có thể nói đang đi dần đến bờ vực nguy hiểm. Nhưng tôi tin rằng nếu chúng ta quyết tâm vẫn có thể giải quyết được. Không nên xác định “vấn đề nhạy cảm” rồi né đi, đầu hàng, làm cho cơ thể xã hội mất sức đề kháng.

* Từ những hiện tượng trên, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và nhà nước ngày càng thấp dần. Ông có cho rằng đó mới chính là điều đáng lo ngại nhất hiện nay?

- Bên cạnh “pháp trị” còn có “đức trị”. Trước đây, phần “đức trị” lớn hơn, trong khó khăn, gian khổ của chiến tranh, Đảng và nhà nước lãnh đạo bằng trí thông minh và những giá trị tốt đẹp của lý tưởng, chiếm được lòng tin của người dân cũng bằng những nhân cách tốt đẹp của cán bộ, của các nhà lãnh đạo. Bây giờ, quá nhiều tác động xung quanh khiến lý tưởng phai nhạt, nhân cách thoái hóa, niềm tin cũng mai một nhưng tôi biết những điều tốt đẹp, các yếu tố tích cực vẫn còn nhiều, chúng ta phải tìm thấy và khơi lên.

Hồi chiến tranh, ở Khu 5 có những nơi bị khủng bố, càn quét, bắt giết đến tan hết tổ chức, đảng viên không còn. Khi ấy người dân đã tự lập ra “chi bộ”, họ trở thành những đảng viên tự xưng, tự nhóm lại và tiếp tục lãnh đạo phong trào. Họ chọn con đường theo Đảng lúc ấy, tức là chọn chính cái chết vào mình. Đó là những người đảng viên đích thực.

* Hiện nay có hiện tượng một số người trẻ không còn thiết tha vào Đảng. Động cơ thiếu trong sáng là sử dụng Đảng để làm bàn đạp củng cố chức vị và quyền lực đang tiềm tàng khá nhiều trong giới trẻ bây giờ. Ông có nghĩ rằng vì tấm gương cán bộ, đảng viên hiện nay đã không còn chuẩn mực như xưa nữa…

Có tình hình như vậy, có việc giới trẻ không muốn vào Đảng hoặc là vào Đảng với động cơ không đúng, nhưng cũng không nên nghĩ rằng tất cả các bạn trẻ vào Đảng đều vì động cơ thiếu trong sáng. Tôi biết có những em tốt lắm, họ vào Đảng với động cơ đúng đắn, muốn phụng sự, muốn đóng góp, đáng quý và nên trân trọng.

Trong di chúc, Bác Hồ dặn Đảng phải có kế hoạch thật tốt để không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Đến bây giờ câu hỏi đặt ra là vì sao nhân dân lại giảm lòng tin, trong khi ai cũng thấy là tình hình kinh tế, đời sống của nước nhà giờ đã khá hơn nhiều năm trước. Điều này chắc chắn không phải là tại nhân dân! Chuyện phân hóa giàu nghèo là chuyện đáng lưu tâm trong việc làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Nhất là khi nơi này nơi khác, người dân đã đặt câu hỏi: mấy ông cán bộ đó làm sao mà giàu nhanh vậy?

Cách đây 50 năm, Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Đến nay, đang có một số lượng khá lớn người Hàn Quốc sống tại Việt Nam và người Việt Nam cũng có nhiều hơn số ấy sống tại Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại Việt Nam làm ông chủ, làm quản lý, còn người Việt Nam ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm công nhân và giúp việc nhà. Thật là xót lòng.

Bây giờ không ít thanh niên không muốn vào Đảng, trong khi ngày xưa vào Đảng là thiêng liêng, là thiết tha lắm, dù vào Đảng là đứng trước cửa nhà tù, là đứng dưới cỗ máy chém, là nguy hiểm cho cả bản thân và gia đình. Cái này không phải lỗi của thanh niên mà chính người lớn phải nhìn lại mình. Phải nghiêm túc nhìn xem cán bộ đảng viên của chúng ta đã như thế nào mà thanh niên không muốn vào Đảng.

Bác Hồ trước khi mất, đã yếu lắm, không nói được nữa. Nhìn thấy đoàn cán bộ các nơi về thăm, có cả miền Bắc, miền Trung, miền Nam, Bác cố gắng run run đưa hai bàn tay lên rồi nắm hai tay lại với nhau. Những ai có mặt hôm ấy đều hiểu rằng đó là lời dặn dò đoàn kết. Điều mong muốn cuối cùng của Bác trong di chúc là toàn Đảng, toàn dân một lòng đoàn kết để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Mục tiêu dân chủ và giàu mạnh còn là một câu chuyện dài, còn phải phấn đấu nhiều nữa, bằng những cơ chế và hành động cụ thể thiết thực và hiệu quả, chứ không phải chỉ là tư tưởng, mong muốn.

Có một thực tế là các tổ chức Đảng rất ít phát hiện tham nhũng, trong khi hầu hết tham nhũng thì liên quan đến cán bộ, đảng viên. Nhiều lúc, nhiều nơi, rõ ràng tình hình rất xấu nhưng kiểm điểm rồi cũng không thấy trách nhiệm thuộc về ai. Còn báo chí nói nhiều về tham nhũng thì sợ “nhạy cảm”.

* Chủ trương, chính sách của ta thường không đi đôi với việc thực hiện, theo ông, chúng ta đang vướng ở đâu, ở phía triển khai chính sách hay ở khâu thực hiện?

- Trong thực tế, có nhiều chủ trương đúng nhưng cơ chế chưa rõ ràng thì cũng không thể phát huy, chỉ mới là khẩu hiệu, chỉ mới là tư tưởng chứ chưa thể đi vào cuộc sống.
Chúng ta đã nỗ lực làm được nhiều việc tốt cho người dân, không thể phủ nhận, nhưng đồng thời cũng phải thấy bộ máy nơi này, nơi khác còn không ít khuyết điểm như cán bộ thiếu năng lực, cán bộ tham nhũng, bị lợi dụng, bị lợi ích nhóm chi phối. Tất cả những việc như vậy tác động trở lại cho việc triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước. Các chương trình giảm nghèo cũng cần phải chọn đúng mục tiêu để tác động. Hỗ trợ cần câu chứ không phải hỗ trợ vài con cá.

Nhìn lại chính mình, nhìn lại quãng đường 30 năm sau đổi mới một cách bình tĩnh thì mới rõ được cái nào chúng ta đã làm đúng, những gì chúng ta cần điều chỉnh. Quản trị quốc gia không thể dựa trên những quyết định duy ý chí, chủ quan. Phải căn cứ vào tình hình thực tế, căn cứ vào các quy luật của nền kinh tế thị trường trong thời kỳ hội nhập. Không thể cứ để mặc cho thị trường phát triển tự phát, dẫn đến cơ cấu như thế nào cũng được, nhưng cũng không thể chỉ quản trị theo ý muốn chủ quan khi chưa hội đủ cơ sở khoa học.

Theo tôi quản lý không có mục đích tự thân. Quản lý không phải để mà quản lý. Quản lý cũng không phải để thể hiện tôi đây là người nắm quyền.

Quản lý là phải làm sao thúc đẩy cho được sự phát triển, tạo ra sự phát triển, lấy sự phát triển tiến bộ, lấy hạnh phúc của người dân làm mục tiêu bám vào đó để mà làm chính sách và thực hành quản lý. Nếu làm quản lý mà không hiểu, không nghe cuộc sống nói gì, không biết nhân dân cần gì thì không thể quản lý tốt được. Như trên đã nói, mục đích cuối cùng của quản lý chính là tạo ra sự phát triển, tạo ra chuyển đổi tích cực. Quản lý mà ngăn cản phát triển thì tốt hơn là không quản lý.

* Ông đã nói chúng ta đang nợ thế hệ trước và nợ cả thế hệ sau, vậy phải làm thế nào để xứng đáng với thế hệ trước và tròn trách nhiệm với hậu thế?

- Ngày nay với tốc độ hậu công nghiệp thì thời gian càng là lợi thế. Nếu chúng ta không gấp rút phát triển được con người, cứ để con người trở thành tác nhân kìm hãm sự phát triển của đất nước thì đó là tự ta đã bỏ mất cơ hội, tự ta lãng phí thời gian. Marx nói rất rõ rằng, mọi sự tiết kiệm chung quy là tiết kiệm thời gian.

Không có gì phải bàn cãi. Nếu chúng ta lãng phí cơ hội, lãng phí tiềm năng thì có tội với tiền nhân, có tội với thế hệ sau.

Tôi nghĩ thế hệ chúng ta hiện nay, về chính trị và văn hóa đã phải dựa vào các thế hệ trước rất nhiều. Còn về kinh tế chúng ta đang lạm vào thế hệ sau.

* Vậy chúng ta cần làm gì?

- Tôi nghĩ là phải đổi mới, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, kể cả kinh tế, chính trị và văn hóa - xã hội, đổi mới cách quản lý của nhà nước và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới là con đường duy nhất phải làm. Cần phải thoáng mở đầu óc, thoáng mở tư duy và quyết tâm cao trong hành động. Chúng ta cần một tư duy thoáng mở cho sự phát triển bền vững, tư duy mà khép kín thì không phát triển được. Cần có tư duy mở để đổi mới phát triển, để vượt qua khó khăn hiện nay. Tôi một lần nữa muốn nhấn mạnh, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng nhất. Phải đổi mới việc sử dụng các nhân tài, phải lắng nghe, tiếp thu ý kiến nhân dân. Thực tế đất nước ta thời kỳ phong kiến đã chứng minh, khi Tổ quốc lâm nguy thì nhân tài tụ về giúp nước, dưới cờ nghĩa. Tiếc rằng, khi gian khó qua đi, thái bình thống nhất thì nhân tài lại trôi dạt đi đâu mất và những kẻ cơ hội thừa cơ xông vào làm cho quốc gia điêu đứng, từng có vị thái tử, quân vương phải bỏ trốn khỏi cung đình vì sự lũng đoạn của bè nhóm gian thần. Trung ngôn thì nghịch nhĩ, ông bà ta đã nói như vậy. Người lãnh đạo phải “minh quân” mới có bản lĩnh và năng lực để nghe được những lời “nghịch nhĩ”.

Bài học của người xưa vẫn còn nguyên giá trị, là cảnh báo để chúng ta biết cách sử dụng, trọng dụng nhân tài góp sức xây dựng đất nước hưng thịnh. Nguyễn Trãi từng nói, nhân tài có thể đang ở trong hàng quan nhỏ, ở bìa rừng, nơi đồng nội. Họ “không đem ngọc bán rao”, không chạy lăng xăng mua chức. Muốn dụng họ thì phải tìm, phải trọng, phải tin. Họ là nguyên khí quốc gia. Tôi nghĩ cần phải huy động trí tuệ của người dân, phát huy dân chủ thực chất, lắng nghe phản biện rồi bàn. Phản biện là bắt đầu của khoa học, không có phản biện thì không có phát triển. Đó là con đường để chúng ta đi.

Châu Long thực hiện