Cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng mười lăm kilômét về phía Đông Nam, làng gốm Bát Tràng hiện lên theo đúng nghĩa của làng quê Bắc Bộ: Yên ắng và thanh bình… Mười lăm kilômét vừa đủ để Bát Tràng “cách li” được những ồn ào, nhộn nhịp của cuộc sống Thủ đô, tạo nên một không gian đặc trưng cho làng nghề.
Đến thăm làng gốm vào một ngày giữa tháng 7, Bát Tràng đón tôi bằng cái nắng oi nồng gay gắt mà tôi chưa từng thấy ở miền Nam. Những tia nắng vờn nhẹ rồi đậu lại trên những sản phẩm gốm sứ, làm ánh lên nét đẹp đã được kết tinh bởi sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân nơi đây.

Gốm truyền thống Bát Tràng.
Nằm ngay ngạn Bắc sông Hồng, nhìn địa thế và những dấu tích, đủ cho tôi hình dung một Bát Tràng của mấy trăm năm về trước - một Bát Tràng sôi động với thương cảng sầm uất, thuyền bè qua lại tấp nập.
Tìm hiểu về lịch sử làng nghề thì quả đúng như vậy, ngay từ thế kỷ thứ XV (Thời Lê), gạch và gốm sứ Bát Tràng đã được dùng để xây dựng, trang trí trong các các đền đài, lăng tẩm. Những sản phẩm dân dụng không những chiếm được cảm tình của người bình dân mà ngay đến các bậc vua quan quyền quý cũng rất ưa chuộng.
Hơn thế nữa, gốm Bát Tràng còn được chọn là một trong những cống phẩm quý cho vua chúa Trung Hoa nhà Minh. Và cũng ngay từ thế kỷ này, tiếng tăm của Bát Tràng đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, được các thương gia Nhật Bản, Xiêm, Mã Lai, Bồ Đào Nha, Pháp… tìm đến.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và biến động của đất nước, Bát Tràng cũng theo đó có lúc thịnh, lúc suy. Đến năm 1954, khi kháng chiến thành công, miền Bắc được hòa bình, các giá trị văn hóa, các làng nghề truyền thống dần dần được khôi phục.
Với đức tính cần cù, cái tinh, cái nhạy và tiềm ẩn một tình yêu da diết với nghề của cha ông, các nghệ nhân Bát Tràng cũng mau chóng bắt tay miệt mài lao động, lấy lại tiếng tăm; nhiều mẫu mã, kiểu dáng, các loại men truyền thống được các nghệ nhân tâm huyết khôi phục, và làng gốm Bát Tràng lại căng tràn sức sống.
Làng gốm Bát Tràng gồm hai thôn Bát Tràng và Giang Cao, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ở đây có khoảng 1.100 lò gốm sứ trong tổng 1.233 hộ với trên 5.200 nhân khẩu, hơn 2.200 lao động và khoảng 3.000 công nhân nơi khác đến làm thuê, lương trung bình một ngày của một công nhân là 55.000 đồng (không bao cơm trưa). Nhưng, tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, đã làm ít nhất 20% trong số 1.233 hộ làm gốm sứ truyền thống của làng gốm Bát Tràng phải đóng cửa trong 6 tháng đầu năm 2009. Thêm vào đó, hàng trăm công nhân phải giảm giờ làm, và rất nhiều người phải bỏ nghề, đi tìm công việc khác mưu sinh.
Tôi tìm đến cửa hàng chuyên bán gốm sứ truyền thống Bát Tràng của chị Nguyễn Thị Bích Phượng tại trung tâm thương mại của làng. Chị đang ngồi trầm ngâm trước gian hàng trưng bày rất đẹp mắt nhưng không có một vị khách nào lai vãng. Tôi hỏi chuyện, chị cúi đầu, sắc mặt buồn buồn, nói: “Tình hình khủng hoảng kinh tế hiện nay, khiến chúng tôi vô cùng lo lắng về các hoạt động ở lò gốm của gia đình và việc làm của công nhân. Đến nay, chúng tôi vẫn chưa tìm ra lối thoát”.

Gốm tre - một phong cách mới.
Nỗi lo ấy là có thật, vì theo chị, so với các năm trước, hàng bán chậm lại đến một nửa, lời không có mà vốn cũng ngày một cạn kiệt. Cũng vì đây là nghề truyền lại của cha ông, đã quen tay rồi, nếu bỏ nghề, gia đình chị cũng không biết làm gì khác, thế nên vẫn cứ bám nghề. Dĩ nhiên, chị phải cắt giảm công nhân, giảm giờ làm của số công nhân còn lại. Tôi hỏi sao chị không vay vốn Nhà nước, chị cho biết, chính sách cho vay vốn của UBND Thành phố Hà Nội rất tốt, nhưng chị không dám vay, vì cứ như tình trạng hiện nay, nếu vay vốn của Nhà nước thì làm sao dám chắc có ngày trả được.
Trước khung cảnh màu xám này, một số cơ sở sản xuất mà chủ đầu tư đa số là doanh nhân trẻ, rành rẽ về kinh doanh, am hiểu về thị trường đã chọn cho mình một hướng đi mới mà trước mắt họ cho đó là hướng đi sáng tạo. Họ tìm kiếm thị trường ở nước ngoài và rất linh hoạt trong vấn đề làm sao để đáp ứng thị hiếu cũng như trào lưu của những nước với những nền văn hóa khác nhau. Vì vậy, gốm sứ Bát Tràng theo đó mà thay đổi kiểu dáng và mẫu mã, phong phú về chủng loại với hình thức sản xuất hàng loạt theo công nghệ hiện đại. Và như thế, vô hình trung, họ đã đánh mất cái truyền thống của cha ông đã kết tinh từ bao đời nay, để chạy theo dòng xoáy lợi nhuận trước mắt.
Một Bát Tràng với sản phẩm gốm sứ phục vụ đời sống được làm thủ công, sắc sảo, tinh tế và có độ bền cao mà không nơi nào có được, đã bị méo mó bởi sự kết hợp đa phong cách (kỹ thuật vẽ trên nền xương gốm khi đã nung qua một lần; kỹ thuật hấp hoa, một lối trang trí hình đã in sẵn trên giấy decal nhập từ nước ngoài; ghép thẻ tre, mây, sơn mài, vỏ sò…). Một Bát Tràng với làng nghề truyền thống đã tồn tại hàng bao thế kỷ – điểm thu hút khách thập phương khi có dịp đến Hà Nội thì nay đã bị “khập khiễng” bởi phong cách pha tạp.
Thất vọng hơn là pha trộn trong số những sản phẩm bày bán ở chợ gốm làng cổ Bát Tràng là vô số mẫu mã nhập từ Trung Quốc về, lại bán chạy hơn hàng truyền thống, vì giá thành rẻ hơn do sản xuất theo kiểu hàng chợ. Du khách đến Bát Tràng là để mãn nhãn với những sản phẩm tinh túy của cha ông - một loại hình nghệ thuật mang tính dân gian sâu sắc lại phải “chiêm ngưỡng” những thành phẩm được sản xuất hàng loạt, hấp dẫn thị giác nhưng không có giá trị truyền thống.
Anh Nguyễn Mạnh Dần, Giám đốc thiết kế - chế tạo gốm của xưởng gốm Nguyễn Mạnh Dần, thôn Giang Cao, xã Bát Tràng giải thích: “Thời đại mới, cách nhìn mới, dẫn đến nhu cầu mới và chúng tôi đã nắm bắt cơ hội này. Có lẽ, người ta đã không còn ưa dùng sản phẩm truyền thống bởi cho rằng mẫu mã xưa cũ. Tại sao chúng ta không theo Thái Lan, Malaysia,… người ta cũng có nghề gốm truyền thống nhưng họ cũng vẫn phải thay đổi mẫu mã liên tục”.

Chộn rộn nhiều phong cách ở chợ gốm làng cổ Bát Tràng.
Anh Dần cho biết thêm: “Tôi không dám chắc trong tương lai sẽ như thế nào, nhưng hiện tại, mặt hàng truyền thống khó tiêu thụ, để tồn tại, chúng tôi phải tìm cho mình một con đường khác, trước mắt thì tạm coi là suôn sẻ. Sau này, có thể 5-10 năm nữa, nếu khách hàng quay về chuộng cổ, chúng tôi sẽ trở lại với gốm sứ truyền thống Bát Tràng”.