TS. LÊ TỰ HỶ (Atlanta, Hoa Kỳ)
Ở nước ta cũng như ở tất cả các nước khác trên thế giới, hằng năm có vô số người không đậu đại học mà họ mong muốn nhất. Chẳng hạn, ở Mỹ, trường đại học danh giá hàng đầu là Harvard chỉ tuyển 7% trong số khoảng 29.000 người nộp đơn, trường đại học Princeton cũng chỉ nhận tỉ lệ tương tự, cho nên số người không đậu vào các đại học ước mơ nhất của họ là rất nhiều.
Việc không đậu vào đại học mình ưng ý nhất làm cho các sĩ tử buồn là điều tất nhiên. Nhưng để cho cái buồn ấy đánh bại ý chí phấn đấu, tuyệt vọng, có khi tuyệt vọng đến nỗi tìm đến cái chết như báo chí đã nói đến vài trường hợp ở nước ta thì quả là một điều quá sai lầm của những “cô, cậu tú trẻ người non dạ”.
Không đậu vào đại học bạn ưng ý nhất không có nghĩa là bạn mất hết cơ hội thành đạt trong cuộc đời, biết đâu đó lại là cơ duyên đưa đến sự thành đạt rực rỡ theo đúng khả năng của bạn, mà chính bản thân bạn không hề nhận biết khi bạn chỉ mới là cô, cậu “tú” hay mới tốt nghiệp một đại học.
Riêng ở Mỹ, trong số những người không đậu vào đại học ước mơ nhất của họ đã có rất nhiều người thành đạt và rất nổi tiếng sau đó.
Sau đây, chúng ta hãy nghe tâm sự của những người thành đạt, được cho là “người khổng lồ” đã từng rớt đại học mà họ ước mơ nhất ở Mỹ.
Tâm sự của “người khổng lồ” Warren Buffett: Ông sinh năm 1930, là Chủ tịch, Giám đốc Điều hành có số vốn nhiều nhất của Tổng công ty Berkshire Hathaway - hiện là một trong những người giàu nhất thế giới, là một trong nhà đầu tư thành công nhất thế giới, được mệnh danh là “Tiên tri của Omaha” (Oracle of Omaha), từng bị cả hai trường Đại học Harvard và Chicago từ chối.

Warren Buffett.
Nhìn lại cuộc đời mình, Buffett nói: “Sự thật là, mọi việc đã xảy ra trong đời tôi... mà tôi đã nghĩ là một biến cố làm tiêu tan hy vọng vào thời điểm đó, hóa ra là điều tốt đẹp hơn... Ngoại trừ vấn đề sức khỏe, những thất bại, trở ngại dạy “những bài học mà sẽ đưa bạn tiến xa. Bạn học được rằng một sự thất bại tạm thời không phải là một thất bại vĩnh viễn. Rốt cuộc, nó có thể là một cơ hội”.
Năm 19 tuổi, Buffett không được nhận vào học tại trường Kinh Doanh Đại học Harvard (Business school of Harvard University), ông hồi tưởng lại và cho rằng Harvrad không hẳn là thích hợp với ông, nhưng ông cảm nhận một nỗi sợ khủng khiếp đến với ông khi ông lại bị rớt trong cuộc phỏng vấn để xin vào học ở trường Đại học Chicago. Nỗi khiếp sợ một phần vì nghĩ về bản thân, nhưng một phần chính là nghĩ rằng nó sẽ làm cha ông thất vọng. Nhưng khi biết điều ấy, ông nói, cha ông vẫn dành cho ông “chỉ tình thương yêu không điều kiện này... một niềm tin không điều kiện vào tôi”. Một người cha nào lại không tin vào “khả năng kinh doanh của con” khi mà với những bạn cùng lứa tuổi chỉ biết chơi trò ô lò cò, trò chơi tung hứng... thì Buffett lại tỏ ra “sành điệu trong việc kiếm ra tiền”.
Quả thật, ai đời mới 6 tuổi, Buffett đã mua 6 hộp Coca Cola từ cửa hàng tạp hóa của ông nội mình với giá vốn 25 xu, rồi đi gõ cửa các nhà để bán lẻ từng hộp giá 5 xu để bỏ túi tổng cộng 5 xu tiền lời! Lúc 11 tuổi đã bước vào “thế giới tài chính cao cấp”, đã mua 3 cổ phần của Công ty Cities Service Preferred với giá 35 USD/mỗi cổ phần chung cho mình và người chị. Chẳng bao lâu sau, giá giảm xuống 27 USD, hơi sợ nhưng Buffett nín thinh, đến khi giá lên 40 USD thì Buffett bán vội, nhưng chẳng bao lâu sau nhận ra sai lầm vì giá lên tới 200 USD. Kinh nghiệm này đã dạy Buffett bài học cơ bản trong đầu tư: kiên nhẫn là một đức tính!
Buffett cho biết việc chuyển sự thất bại thành bài học tích cực đã lặp lại với đời ông. Khi còn trẻ, ông đã cảm thấy khiếp sợ về việc nói trước công chúng - quá khiếp hãi đến nỗi đôi khi ông bị ói mửa trước khi phát biểu. Vì thế, ông đã ghi danh theo học một khóa học nói trước công chúng của Dale Carnegie và ông nói đó là cơ hội tốt cho ông, vì chính những kỹ năng ông học được ở đó không những đã giúp ông không sợ nói trước đám đông, mà còn giúp ông có được cái vô giá là “ve” được người vợ tương lai, cô Susan Thompson, lúc bấy giờ đang là một “nhà vô địch hùng biện”.
Lee Bollinger (sinh năm 1946): Luật sư, nhà giáo dục, học giả nổi tiếng về tu chính hiến pháp thứ nhất và tự do ngôn luận, Viện Trưởng thứ 12 của trường học nổi tiếng Michigan, nhiệm kỳ (1996-2002) và đương là Viện Trưởng thứ 19 của trường đại học danh giá Columbia (2002 đến nay), đã từng rớt Đại học Harvard sau khi tốt nghiệp trung học.

Lee Bollinger.
Khi nhận được lá thư từ chối của Đại học Harvard, ông đã mau chóng chấp nhận một học bổng để theo học tại Đại học bang Oregon và về sau đã tốt nghiệp trường Luật tại Đại học Columbia. Lời khuyên của ông: “Đừng để cho những lá thư từ chối của các Đại học điều khiển cuộc đời bạn. Cho phép sự đánh giá của người khác về bạn, xác định khả năng bản thân của chính bạn là sai lầm rất lớn”... “Vấn đề thật sự là, cuối cùng, ai sẽ xác định về những gì là tài năng của bạn, và những gì là những mối quan tâm của bạn? Người đó phải là bạn”.
Meredith Vieira (sinh năm 1953): Nhà báo thuộc loại nổi tiếng nhất nước Mỹ trong việc điều khiển các chương trình truyền hình như “Today” của NBC, Who Wants to Be a Millionaire, Intimate Portrait. Năm 1971, khi ở cuối trung học, Meredith Vieira đã bị Đại học Harvard từ chối. Bà cho biết khi nhận được lá thư từ chối của Harvard, tôi đã có cảm tưởng tuyệt vọng.

Meredith Vieira.
Bà nói: “Thật ra, tôi đã quá thất vọng đến nỗi, sau khi tôi đã vào học năm thứ nhất tại Đại học Tuffs, mà vào mỗi ngày thứ 7 tôi vẫn đi nhờ xe tới Harvard”. Nhưng Vieira đã đến xin gặp một nhà tư vấn tại Tuffs. Chính nhà tư vấn này đã khơi dậy trong Vieira niềm hứng thú về ngành báo chí khi trao cho Vieira cơ hội thực tập học nghề tạm thời tại Tuffs. Bà cho biết giá như không bị rớt khỏi Đại học Harvard, thì bà ắt đã không đi vào lãnh vực báo chí, và việc rớt Đại học ấy đã là điều cốt yếu giúp bà bước vào quá trình hành động để có được như ngày nay.
Bác sĩ Harold Varmus (sinh năm 1940): Người đoạt giải Nobel Y học năm 1989 cùng với J. Michael Bishop, hiện nay là Giám đốc Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Kettering (Memorial Sloan-Kettering Cancer Center) tại New York, đã hai lần bị trường Y Đại học Harvard từ chối. Lần đầu bị trường Y Đại học Harvard từ chối, Harold Varmus đã hoảng sợ nên đăng ký vào học Cao học ngành Văn học tại Harvard. Nhưng ông học mà không thấy hứng thú cho nên năm sau ông lại nộp đơn vào trường Y Đại học Harvard. Lần thứ hai, ông lại bị đánh hỏng trong cuộc phỏng vấn bởi ông Trưởng khoa trong trường Y Harvard kèm với câu nhận xét “xanh rờn” về ông “không kiên định và chưa trưởng thành” và còn ưu ái khuyên ông “nên đăng ký vào quân đội” để giúp rèn luyện ý chí.

Bác sĩ Harold Varmus.
Nhưng ông không nản chí, ông nộp đơn vào trường Y Đại học Columbia, và tại đây người ta đã đánh giá ông khá cao là có khả năng trong cả hai ngành đào tạo là khoa học và văn học.
Ông đã khuyên các bạn trẻ: “Nếu bị trường bạn yêu thích nhất từ chối thì hãy toàn tâm toàn ý vào việc học tập tại trường chào đón bạn. Những khác biệt giữa các trường dường như quá quan trọng trước khi bạn đến đấy, nhưng sẽ ít quan trọng hơn nhiều một khi bạn tới học tại một trường đã dành cho bạn một chỗ”.
John Schlifske (sinh năm 1961): Hiện là chủ tịch Công ty bảo hiểm Northwestern Mutual, hồi trẻ đã chán nản khi ông nhận được lá thư từ chối từ đại học Yale (Yale University). Ông nhớ lại, khi từ trường về nhà: “Mẹ tôi rất hào hứng đưa lá thư cho tôi. Tôi mong muốn được vào học tại Yale biết bao. Nhưng tim tôi như bị nghẹn lại khi tôi nhìn thấy cái bì thư mỏng dính, điển hình của sự rớt khỏi Yale. Đó là một nỗi nhục”.

John Schlifske.
Sau đó, ông theo học Kinh tế tại Carleton College tại bang Minnesota, và khi tốt nghiệp ông tin là Carleton College đã cho ông kinh nghiệm phong phú hơn. Truyền kinh nghiệm bản thân cho cậu con trai khi vào năm 2006 cậu bị trường cậu mong muốn là đại học Duke từ chối, ông nói với con trai: “Chỉ vì một ai đó nói không, không có nghĩa là không có một trường khác mà ở đó con sẽ được hưởng lợi ích, và ở đó con sẽ nhận được một sự giáo dục tốt”.
Scott McNealy (sinh năm 1954), đồng sáng lập công ty công nghệ máy tính hàng đầu thế giới Sun Microsystems, năm 1982 cùng với Vinod Khosla, Bill Joy, and Andy Bechtolsheim, và làm Giám đốc điều hành công ty này trong 22 năm (1984-2006). Mặc dù tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế tại đại học Harvard, nhưng Scott McNealy hai lần bị từ chối không được học chương trình MBA tại Business School của cả Đại học Harvard và Đại học Stanford.
Nhưng ông không nản chí, vui vẻ nhận làm đốc công cho một nhà máy cơ khí do đã học được một số kinh nghiệm trong xưởng chế tạo xe hơi mà cha ông làm Giám đốc điều hành. Ông hăng say làm việc khoảng 14 giờ mỗi ngày, thăng tiến rất nhanh, và nhờ thành tích làm việc này mà ông lại được trường Kinh Doanh của Stanford cấp học bổng học chương trình MBA (mà vài năm trước đó họ đã loại ông).

Scott McNealy.
Lúc đầu ông thật sự không muốn làm lãnh đạo ở bất cứ công ty lớn nào vì ông thấy cha ông do mất quá nhiều thì giờ trong công việc Giám đốc điều hành hãng AMC khiến cuộc hôn nhân của cha mẹ ông tan vỡ. Ông chỉ mơ làm chủ một tiệm cơ khí nhỏ của gia đình mình thôi, để có thể chuyển lại cho các con khi chúng trưởng thành và ông về hưu sớm. Nhưng vào năm 1982, Vinod Khosla, người bạn cùng học tại Stanford đã gọi điện thoại mời ông tham gia với Vinod Khosla, Bill Joy và Andreas Bechtolsheim thành lập một công ty máy tính gọi là Sun Systems. Cú điện thoại ấy đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Scott McNealy.
Từ một người không được đào tạo bài bản trong ngành khoa học máy tính, chỉ với một căn bản kiến thức về kinh tế và quản lý, và một ít kinh nghiệm cơ khí học tại cơ xưởng, Scott McNealy đã lao vào làm việc hăng say trong ngành công nghệ máy tính, thế mà chỉ trong thời gian ngắn đã đưa công ty Sun Systems non yếu với thị trường bị khống chế bởi các anh khổng lồ Microsoft và Intel, trở thành một anh khổng lồ hàng đầu thế giới, và làm Giám đốc điều hành liên tục trong 22 năm.
Hoàng đế Ted Turner (sinh năm 1938): Hoàng đế của đế quốc truyền hình cáp, tạo ra CNN, và là nhà từ thiện lớn. Thời trẻ đã hai lần bị Đại học Princeton và Harvard từ chối. Nhưng ông nói: “Thời gian đặt những lá thư từ chối vào triển vọng”, cho nên ông vui vẻ vào học Đại học Brown. Nhưng khi chưa tốt nghiệp Cử nhân, ông phải ra khỏi Đại học Brown vì bị tạm đuổi học do 2 lần vi phạm kỷ luật và bị cha ông cắt tiền ăn học do sự thâm nợ của công ty kinh doanh bảng quảng cáo của gia đình.
Năm 1963, khi 24 tuổi, ông phải thay cha ông điều hành công ty vì cha ông tự tử do áp lực nợ nần của công ty. Ấy thế mà chẳng bao lâu sau ông không những đã làm cho công ty vững mạnh trở lại, mà còn tạo lập và xây dựng thành Đế quốc truyền hình cáp, đẻ ra CNN. Đại học Brown đã trao tặng ông một văn bằng Cử nhân danh dự vào tháng 11 năm 1989.

Hoàng đế Ted Turner.
Sự mất đi người em gái bị bệnh lâu năm và cha ông tự tử đã ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời ông, nên ông nói: “Một lá thư từ chối của đại học không nghĩa lý gì, không thể sánh bằng sự mất những người thân trong gia đình bạn. Đó là cái thứ khó khăn để sống còn”. Và ông đã khẳng định một cách chắc chắn rằng: “Tôi đã làm mọi cái mà tôi đã phải làm mặc dầu không có một bằng đại học. Tất nhiên, tốt hơn là nên có một văn bằng, nhưng bạn vẫn có thể thành công mà không có văn bằng”.
Tóm lại, đại học bạn mơ ước nhất, hay văn bằng đại học cũng mới là những cơ bản ban đầu, sự thành công trong cuộc đời bạn phụ thuộc vào ý chí và khả năng riêng của chính bản thân bạn. Vì vậy không có lý do gì để những bạn trẻ của Việt Nam ta quá chán nản, buông xuôi không phấn đấu học tập hay làm việc, thậm chí có khi tìm đến cái chết khi không đậu vào đại học mình mong muốn nhất hay rớt đại học.