Môn Văn với tuyển sinh ngành Y
Ngành Y là một ngành học về cơ thể con người, các bệnh tật mà con người có thể sẽ phải bị và cách thức chữa trị. Đó là ngành khoa học thực nghiệm và có thời gian học tập dài nhất trong mọi ngành. Nó đòi hỏi người học phải có khả năng tiếp thu cao về Sinh học, Hóa học, Sinh lý học, Sinh hóa học,… và Toán học trong nghiên cứu khoa học thực nghiệm, chứ không cần giỏi Văn. Sinh viên vào ngành Y phải có trình độ thông minh ít nhất là trên mức trung bình các môn ấy, đồng thời phải có tính kiên trì (chưa kể phải yêu nghề) mới kham nổi việc học, việc thực tập nặng nhọc liên tục trong nhiều năm. Công việc của họ phải dựa vào các con số thống kê, các kết quả xét nghiệm, các biểu đồ theo Toán học, kết quả các quá trình mô phỏng (simulation), các chẩn đoán hình ảnh, chẩn đoán âm thanh… để suy đoán ra bệnh, mới cho đơn thuốc, mới làm nghiên cứu. Những đầu óc làm được tốt công việc này không phải cần phải giỏi Văn, mà là đầu óc minh mẫn và lòng kiên trì của một nhà khoa học thực nghiệm!
Một người đã đỗ tú tài thì phải đạt trình độ đọc hiểu, viết được một đoạn về một vấn đề thông thường có mở đầu, có thân bài với dẫn chứng và có kết luận. Đó là yêu cầu về Văn của sinh viên trong mọi hành khoa học lý thuyết và khoa học thực nghiệm (trừ ngành Văn, và một số ngành khoa học nhân văn). Nhiệm vụ dạy học sinh đạt yêu cầu này là nhiệm vụ của trường cấp 2 và chậm lắm là cuối lớp 11 ở cấp 3, không phải là nhiệm vụ của các các trường đại học về khoa học tự nhiên và khoa học thực nghiệm, trong đó có ngành Y.
Tuy trường Y không dạy Văn, nhưng sinh viên đã vào được trường Y, thì trong quá trình học tập nhiều năm họ đã phải đọc, nghiền ngẫm đến hàng vạn trang sách của các bậc thầy viết một cách rõ ràng theo tinh thần khoa học. Và trước khi làm khóa luận hay làm luận văn tốt nghiệp họ còn được giao cho một tài liệu hướng dẫn cách viết theo tinh thần khoa học, câu văn cần trong sáng, rõ nghĩa, lập luận phải dựa trên chứng cứ khoa học. Cho nên, nếu họ đã trải qua việc học nghiêm túc để trở thành bác sĩ thì bản thân họ đã thừa khả năng viết rõ các vấn đề chuyên môn của họ. Còn việc nói và viết sai chính tả thì sao? Trong những Y lệnh thông thường, với các thuật ngữ Y học, các bác sĩ không thể viết sai, họ có thể viết tắt mà người thường không khó đọc ra, chỉ những người trong ngành mới đọc ra. Còn trong các bản văn dài, gặp các từ thông thường mà không phải là thuật ngữ Y học thì việc nói và viết sai chính tả là chuyện của hầu hết các người sinh ra, lớn lên tại các tỉnh phía Nam, nếu cẩn thận, muốn viết chính xác họ phải tra tự điển.
Như vậy, bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nói với ý rằng ngay cả các chuyên viên của bà mà còn viết lúng túng và sai chính tả thì xin bà hãy xem lại các chuyên viên ấy họ viết về cái gì? Nếu họ viết về một vấn đề chuyên môn trong ngành Y mà viết lúng túng, diễn tả lùng nhùng, không rõ ràng khiến bà đọc có khi “lên cơn nhồi máu” (Tuổi trẻ Online, ngày 14-10-2014) thì xin lỗi bà, họ là chuyên viên mà không có kiến thức chuyên môn, chứ không phải do họ dốt văn vì trường Y không đưa môn Văn thành môn tuyển sinh!
Còn nói rằng, vì không đưa Văn vào tuyển sinh ngành Y khiến bác sĩ dễ kém Y đức thì lại càng sai! Không phải tất cả bác sĩ Việt Nam ta hiện nay đều kém Y đức, một số nhỏ nào đó bác sĩ kém Y đức hiện nay là biến tướng của cái cơ chế vận hành, của những chính sách, chế độ làm việc, chính sách đãi ngộ bác sĩ của ngành Y tế mà ra. Xã hội ta hiện nay không phải chỉ riêng ngành Y mới có những người kém đạo đức, mà hầu như ngành nào cũng có, mà lại có nhiều nữa! Tập thể khoảng 80% nông dân Việt Nam hiện nay không thể giỏi Văn hơn tập thể những người làm nghề viết lách, nhưng không thể nói rằng đạo đức của nông dân ta kém hơn đạo đức của tập thể người làm nghề viết lách. Không từng có những người viết lách đi dọa tống tiền sao? Đi đêm với giang hồ sao? Viết những bài thuộc loại “đâm thuê chém mướn” sao? Không phải chỉ riêng nước ta mới tuyển sinh ngành Y chỉ dựa trên kết quả của Toán, Sinh, Hóa từ trước đến nay, mà hầu hết các nước trên thế giới cũng vậy.
