Vĩnh Tế là tên của một xã, tên một con kinh đào, tên một trái núi (núi Sam).
Kinh Vĩnh Tế được làm lễ khởi công đào vào ngày 15/12/1819. Trong quyển “Chế độ công điền thổ” của Nguyễn Đình Đầu có ghi năm 1819, đào kinh Vĩnh Tế. “Vét đào đường sông Châu Đốc thông đến Hà Tiên… Sai Trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại và Chưởng cơ Phan Văn Tuyên đốc xuất…”

Đời Gia Long quyết định đào, Minh Mạng thực hiện. Công việc quá lớn lao của thời bấy giờ, mỗi khi đến mùa cày cấy hay gặt hái phải trả dân phu về làm ruộng, nên kéo dài gần 5 năm. Trong “Quốc triều chính biên toát yếu” có nhận xét giá trị kinh tế - xã hội của công trình này: “Đường sông hết sức thuận lợi, hai bên bờ làng mạc mọc lên để khai hoang ruộng đất các vùng lân cận”.
Cũng sách trên có đoạn viết: “Ngài (Minh Mạng) khiến Duyệt (Lê Văn Duyệt) sắp đặt trước, đem binh dân hơn 39.000 người; binh dân nước Chân Lạp hơn 16.000 người, chia làm ba phiên. Ngài dụ rằng: “Đường sông Vĩnh Tế liền với Tân Cương (biên giới mới), xe thuyền qua lại lợi lắm; đức Cao Hoàng đế ta mưu sâu nghĩ xa, chú ý việc ngoài biên…” Lại một đoạn khác: “Đào sông Vĩnh Tế (năm ngoái còn lại 1.700 trượng, nay lại đào đến tháng 5 mới xong, dựng bia làm ghi” (tháng 5 - Giáp Thân - 1824). Kinh dài 205 dặm rưỡi, rộng 7 trượng 5 thước, sâu 6 thước”.
Con kinh Vĩnh Tế của chúng ta hiện nay là 66,5 kilômét, đầu tỉnh Kiên Giang là 22 kilômét, mặt rộng cắt đáy 20-30 mét, lưu lượng cực đại 90m³/giây. Con kinh rất có tác dụng về kinh tế lẫn quốc phòng. Ngày 15/3/1824 lễ khai thông kinh Vĩnh Tế được tổ chức tại bờ kinh về phía đồn Oai Viễn. Trong quá trình làm, người phu xâu được cấp mỗi tháng 6 quan tiền và một vuông gạo. Đã có trên 8.000 người chết trong công cuộc đào kinh Vĩnh Tế, được quan địa phương làm lễ tế long trọng và dựng bia trên bờ kinh. Năm Minh Mạng thứ 17 (1837), vua cho khắc hình kinh Vĩnh Tế đoạn chỗ ngã ba Giang Thành vào một trong 9 chiếc đỉnh lớn đặt tại Đại nội Huế.

Một góc kinh Vĩnh Tế.
Con kinh, trái núi và tên xã ở thượng nguồn kinh mang tên Vĩnh Tế là bởi nhà vua lấy tên của Nhân Tĩnh Phu Nhân, vợ ông Nguyễn Văn Thoại, tên Châu Thị Tế mà đặt cho. Vĩnh là chữ “thụy” do vua ban.
Bà Châu Thị Tế đã có công rất lớn trong công cuộc đào con kinh này. Bà thường xuyên giúp chồng trong việc đôn đốc, cung cấp thức ăn, nước uống, thuốc men, uỷ lạo và an ủi… binh dân đang làm công việc tại hiện trường, bà được mọi người rất mến phục. Bà Châu Thị Tế được vua Minh Mạng phong “Nhất phẩm Phu nhân”.