Kết hợp Đông - Tây y trong điều trị ung thư

ThS-BS QUAN VÂN HÙNG (*)

Phương pháp điều trị khối U (bệnh ung thư) của y học hiện đại (Tây y) và y học cổ truyền dân tộc (Đông y) khác nhau hoàn toàn về mục tiêu và chiến lược thực hiện. Có thể xem khối u như một băng cướp xuất hiện trong thành phố và chân rết của nó có thể đã lan đi khắp các tỉnh.

Mục tiêu - chiến lược của Tây y là dùng ngoại lực (can thiệp từ ngoài cơ thể) để tấn công và tiêu diệt khối u. Đó là mổ (áp dụng những phương pháp mổ tiên tiến của quốc tế, là bứng khối u đi nhưng cũng khó lấy hết u và có nguy cơ làm tế bào ung thư phân tán nhanh hơn, giống như chọc vào ổ kiến lửa); là hoá trị (dùng độc chất - dược phẩm quốc tế, là một phương pháp đánh thuốc độc toàn thân, địch chết nhiều nhưng lực lượng ta, nội lực cũng bị thương tổn nghiêm trọng); là xạ trị (máy xạ trị quốc tế, dùng tia phóng xạ để tiêu diệt ung thư, có nguy cơ làm tổn thương tế bào lành, tạo đột biến gây một loại ung thư khác).

Bằng phẫu hóa xạ, băng cướp có thể bị tiêu diệt đại quân nhưng chắc chắn vẫn còn tàn quân lẩn trốn vào hẻm hóc, rừng rú, bưng biền, về các tỉnh lẻ. Tàn quân đợi thời cơ thuận lợi sẽ tái xuất hiện tại chỗ (ung thư tái phát) hay ở các tỉnh xa (ung thư di căn), lúc này Tây y lại sử dụng ngoại lực và cứ thế nguy cơ tái phát di căn tồn tại mãi mãi và Tây y cứ tiếp tục tấn công tiêu diệt cho đến hết đời người.

Mục tiêu - Chiến lược của Đông y là dùng nội lực (sức đề kháng - hệ miễn dịch có sẵn bên trong cơ thể) để kiềm chế và ngăn chặn khối u. Mục tiêu - chiến lược của Đông y chính là củng cố phát huy nội lực, thúc đẩy lực lượng quốc gia tấn công ngăn chặn tội phạm. Hệ miễn dịch này nếu đủ mạnh có thể ngăn chặn phòng ngừa mọi bệnh tật, kể cả bệnh ung thư.

Thực tế là nguyên nhân gây ung thư (theo Tây y) luôn luôn bao vây rình rập tất cả chúng ta (độc chất, tia xạ, virus…) nhưng không phải tất cả chúng ta đều bị ung thư, tại sao vậy? Chính hệ miễn dịch đủ mạnh đã chống trả thành công mọi xâm nhập của kẻ thù (ung thư là kẻ địch dữ dội nhất), làm cách nào để tăng cường hệ miễn dịch (nội lực) đó chính là nội dung bài “Giảm nguy cơ ung thư bằng liệu pháp 4T của Y học cổ truyền” (sẽ đăng sau).

 

Về mặt lý thuyết: điều trị ung thư theo Tây y, là dùng ngoại lực rất mạnh, có thể tiêu diệt ung thư trước mắt, nhưng vẫn luôn luôn tiềm ẩn nguy cơ tái phát di căn suốt đời, còn Đông y chủ trương phát huy nội lực, nhằm ngăn chặn kiềm chế ung thư, tiến tới sống chung hòa bình với ung thư cho đến cuối đời.

Về thực tiễn: nên kết hợp Đông - Tây y để điều trị ung thư:

1/ Nếu bệnh nhân đang điều trị bằng Tây y (mổ xong hay đang hoá trị, đang xạ trị): Đông y có vai trò hỗ trợ điều trị, nghĩa là sao? Sau khi mổ hay đang hoá - xạ trị đều có ít nhiều tác dụng phụ (mệt mỏi, đau nhức, tê bại, ăn không được, mất ngủ,…). Đông y có khả năng hỗ trợ, tức là giúp giải quyết hậu quả sau khi hóa - xạ trị, giúp cải thiện chất lượng sức khỏe tốt hơn, giúp sức bệnh nhân chịu đựng được cuộc chiến tàn khốc (xem chi tiết trong bài Vai trò Y học cổ truyền trong điều trị bệnh ung thư, sẽ đăng sau).

2/ Sau khi điều trị Tây y thì Đông y có thể giúp bệnh nhân:

- Giải quyết các hậu quả do cuộc chiến để lại (tác dụng phụ của phẫu hóa xạ).

- Góp phần giảm nguy cơ tái phát - di căn: sau cuộc chiến (Tây y), thực sự bệnh ung thư chắc chắn vẫn còn tồn tại ít nhiều hay tiềm ẩn, do phẫu hóa xạ, nội lực bị tổn thương do hóa xạ trị, khả năng phòng vệ càng suy yếu, sức chống trả ung thư càng kiệt quệ, cho nên ung thư tái phát - di căn là điều tất nhiên. Vì vậy, phải vực dậy hệ miễn dịch, bồi bổ sức đề kháng để ngăn chặn, hạn chế sự tái phát - di căn của ung thư và Đông y hoàn toàn có khả năng phục hồi, kiện toàn hệ miễn dịch này.

3/ Bệnh nhân ung thư không thể điều trị bằng Tây y (do khối u to quá vượt chỉ định mổ, do già yếu, còn trẻ nhưng sức khỏe kém không chịu đựng nổi phẫu hoá xạ, do dùng với hóa chất, do các tác dụng phụ của hậu phẫu - hóa - xạ, do thiếu khả năng tài chính để theo đuổi cuộc chiến lâu dài…). Đông y có thể kiềm chế và ngăn chặn khối u, tiến tới sống chung hoà bình lâu dài với khối u.