Ngày 27/3/1973, tên lính Mỹ cuối cùng trong đội quân viễn chinh xếp lá cờ Mỹ bước lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất rời khỏi miền Nam Việt Nam đúng theo tinh thần Hiệp định Paris được ký giữa bốn bên là đế quốc Mỹ, Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Trong cuộc chiến tranh giải phóng, mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất là phải chiếm cho bằng được thành phố Sài Gòn, nơi tập trung các cơ quan đầu não của Mỹ - Ngụy. Rút kinh nghiệm từ trận tổng tấn công Mậu Thân năm 1968, Lực lượng Vũ trang giải phóng cũng có cho những đơn vị biệt động đặc công đánh trước vào một số mục tiêu quan trọng nhằm khuấy đảo Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chủ lực tiến vào giải quyết chiến trường. Nhưng lúc đó, quân Mỹ còn đông, đối phương còn quá mạnh, quân chủ lực ta không chiếm được thành phố. Lần này ta phải xây dựng một lực lượng biệt động đặc công mạnh.
Vào tháng 10/1973, Bộ Tham mưu Quân Giải phóng miền Nam (B2) tiến hành thành lập Lữ đoàn biệt động đặc công lấy phiên hiệu là Lữ đoàn 316. Phần đông cán bộ chiến sĩ của lữ đoàn được điều động từ Phòng tình báo Miền (Đoàn 22) và từ các đơn vị biệt động đặc công đã từng chiến đấu nhiều năm trong Sài Gòn.
Cấp trên đề ra cho lữ đoàn 3 nhiệm vụ: dẫn đường cho các cánh đại quân tiến nhanh đến các mục tiêu được chỉ định; đánh chiếm và giữ các cây cầu xung quanh Sài Gòn không cho giặc phá; đột nhập vào Sài Gòn đánh trước một số mục tiêu quan trọng như Bộ Tổng tham mưu, căn cứ thiết giáp và pháo binh ở Gò Vấp (căn cứ Cổ Loa, Phù Đổng).
Tình hình chiến trường diễn biến rất khẩn trương. Lữ đoàn phải gấp rút xây dựng các đơn vị vũ trang thích ứng với lối đánh biệt động đặc công trong thành phố, xây dựng lực lượng chính trị bên trong, nhất là dọc hành lang các cửa ngõ tiến vào thành phố, xây dựng các cơ sở mật chôn giấu vũ khí chuẩn bị cho ngày hành động.

Đại tá Nguyễn Văn Tào - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
- Nguyên Chánh ủy Lữ đoàn 316.
Thực tế diễn biến trong chiến dịch Hồ Chí Minh: Tiểu đoàn 81 thuộc Lữ đoàn 316 và hai phân đội Z22, Z23 từ khuya ngày 27/4/1975 đã bất ngờ xông lên đánh chiếm cầu Rạch Chiếc và giữ cầu đến sáng 30/4/1975 cho Lữ đoàn xe tăng của Quân đoàn 2 tiến qua để vào chiếm Dinh Độc Lập bắt giữ toàn thể nội các của Tổng thống Dương Văn Minh. Vì là trận nổ súng đầu tiên để chiếm giữ một cây cầu gần Sài Gòn và phải bám trụ giữ cầu với một lực lượng nhỏ nên phải chịu hy sinh hết 52 đồng chí. Phân đội Z23 đặc công nước do Đại úy Trần Kim Thinh chỉ huy gần như bị tan rã, quân số trên 50, cuối trận đánh chỉ còn 3 đồng chí.
Một phân đội khác do đồng chí Tống Viết Dương chỉ huy đã cùng ngồi trên những chiếc xe tăng đi đầu của Lữ đoàn 203 xe tăng, sau khi vượt qua cầu Đồng Nai đã tiến qua cầu Rạch Chiếc và cầu Sài Gòn. Đến ngã tư xa lộ, đồng chí Tống Viết Dương, người chỉ huy cánh Đông của Lữ đoàn 316 đã hướng dẫn đoàn xe quẹo trái theo đường Hồng Thập Tự (nay là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) qua cầu Thị Nghè tiến về Dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của chế độ do Mỹ dựng lên và yểm trợ từ 20 năm nay (1955-1975). Sau ngày giải phóng, đồng chí Tống Viết Dương được đề bạt Đại tá và tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Cánh Bắc do đồng chí Nguyễn Văn Tăng, Lữ đoàn phó và đồng chí Nguyễn Thành Nam, Tham mưu trưởng chỉ huy Tiểu đoàn 80 cùng với hai phân đội Z20 và Z30 đánh vào trại thiết giáp Phù Đổng và thành Cổ Loa pháo binh. Nổ súng chiều ngày 28/4, giằng co đến 8 giờ sáng 30/4, quân ta chiếm lĩnh hai căn cứ này, 15 đồng chí thương vong.
Đặc biệt là trận đánh chiếm dinh Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên. Địch bố trí phòng ngự dày đặc bên ngoài Bộ Tổng tham mưu nhưng một tiểu đội biệt động do đồng chí Lê Văn Vĩnh chỉ huy đã cải trang thành một tiểu đội lính Ngụy bất ngờ nhảy lên chiếm xe tăng địch chạy nhanh vào chiếm dinh Tổng tham mưu trưởng lúc 9 giờ 30 phút sáng 30/4. Sau ngày giải phóng, đồng chí Lê Văn Vĩnh được đề bạt cấp Đại tá và tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Còn nhiều thành tích của các phân đội thuộc Lữ đoàn 316 trên các hướng tiến quân vào chiếm Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, không thể kể hết. Được thành lập, xây dựng gấp rút trong tình hình vô cùng khẩn trương nhưng nhờ sự giúp đỡ của nhân dân, sự theo dõi chỉ đạo sát của Bộ Tham mưu Miền (B2) nên Lữ đoàn 316, một lữ đoàn đặc công biệt động mạnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao, góp phần xứng đáng vào trận quyết chiến cuối cùng giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam.