Ngày 8 tháng Chạp Canh Thìn (1760), đoàn sứ An Nam tới Bắc Kinh. Triều đình nhà Thanh sai các quan Lễ bộ họ Chu, họ Sư ra ngoại thành, xa ba mươi dặm đón tiếp. Sau đó, quan Đề đốc họ Tô đến công quán chào hỏi các vị sứ An Nam. Quan Chủ khách ti họ Thư đến bảo kê khai họ tên quan chức trong đoàn sứ bộ.
Tại công quán, đoàn sứ bộ nghỉ ngơi. Chánh sứ Trần, phó sứ Trịnh muốn yên tĩnh sau chuyến hành trình mệt mỏi. Quý Đôn cùng Sư Muống(1) ra ngoạn cảnh phố xá Bắc Kinh. Sư Muống nói: “Từ lâu, người nước ngoài thường truyền tụng nhau: chưa đến Thiên An Môn thì coi như chưa đến Bắc Kinh.
Đấy là cửa vào cung điện nhà vua, một công trình kiến trúc kỳ vĩ, một biểu tượng uy nghi của Trung Hoa. Đấy còn là nơi báo trước những hoạt động lễ nghi quan trọng…
Đoàn sứ ta sang đây gặp Tết nguyên đán. Xuân này, vua Càn Long trị vì được 55 năm, hẳn là triều đình phải làm lễ khánh hỉ. Ta vi hành tới đấy để quan sát và đoán trước tình hình, nhằm dự liệu hành xử của ta”.

Thiên An Môn
Quý Đôn khen phải. Hai ông đi bộ tới Thiên An Môn. Từ ngoài nhìn vào đã thấy cảnh sắc hội hè lễ tết. Cờ long phượng bay phất phới; đèn lồng đèn xếp treo cao. Nổi bật là ở mặt tường phía trước, cạnh cửa Đại môn, có bức lụa hồng rất dài và rộng, viết chữ lớn:
Long phi cửu ngũ, ngũ thập ngũ niên, ngũ số hợp thiên, ngũ số hợp địa, ngũ đức tu, ngũ hành dụng, ngũ phúc lung linh hàm phượng liễn.
Phía bên kia Đại môn cũng treo một bức lụa đối xứng nhưng chưa có chữ.
Sư Muống cùng Quý Đôn đọc chữ rồi nói: “Đây là họ ra câu đối cho đoàn sứ ta. Ta phải đối để họ viết vào bức lụa bên kia”. Quý Đôn gật đầu ngẫm ngợi. Đây là vế đối khó. Cả câu 29 chữ mà có tám chữ “ngũ” và có những hợp từ, thành ngữ rút từ sách cổ.
Sư Muống phân tích từng ý: “cửu ngũ” là ngôi vua, “ngũ thập niên” là 55 năm, số năm của vua Càn Long trị vì. Còn những hợp từ khác là lời chúc tụng. Quý Đôn tiếp: “Ông nói đúng. Vế ra này chủ ý mừng vua Càn Long tại vị lâu dài. Ta cần tìm một ý khác để làm vế đối.
Nói thế rồi ông nhẩm tìm một số khác để đối với số năm hóc búa: song tinh, song long, song phượng… tam quang, tam tài, tam đa… Sư Muống cũng ngẫm nghĩ. Ông nói: “Năm nay Càn Long 80 tuổi, là cái ý nên khai thác”. Mắt Quý Đôn vụt sáng lên, vỗ tay đánh bộp: “Hay! Ý hay!… Bát tuần, bát tiên, bát nguyên, bát khái…”
Hôm sau có một chương trình làm việc và hành lễ, quan nhà Thanh trình báo cho đoàn sứ bộ Việt Nam. Việc đầu tiên là quan bộ Lễ hướng dẫn đoàn sứ đi ngoạn cảnh Thiên An Môn… Quý Đôn đọc bản chương trình rồi nói nhỏ với Sư Muống: “Cuộc vi hành hôm qua thật có ích. Chính ông lái tôi đến Thiên An Môn, không thì tôi chỉ dạo phố xá, giải trí mà không giúp ích cho công việc. Biết trước và chuẩn bị sớm tốt hơn là bị đột ngột”. Rồi ông cho Sư Muống xem vế đối của mình.
Nhà sư xem vế đối. Ông không ngờ chỉ một gợi ý mà Quý Đôn làm vế đối khá hay:
Thánh thọ bát tuần, bát phùng bát nguyệt, bát thiên vi xuân, bát thiên vi thu, bát nguyên tiến, bát khải đăng, bát tiên cổ vũ hạ nghê thường.
Đủ tám chữ “bát” rút ra từ sách “Tả truyện” nước Tàu, đối lại với tám chữ “ngũ”. Đại ý nói về vua Càn Long 80 tuổi, ngày sinh là mồng 8 tháng 8, còn lại là những hợp từ chúc mừng. Câu đối rất sát về ý, hay về lời. Quý Đôn mừng thấy bậc cao thủ về câu đối đã chấp nhận. Ông soát lại hai vế đối chữ Hán, rồi soát lại theo nghĩa Nôm:
Trên ngôi cửu ngũ, Ngài trị vì 55 năm, số 5 hợp với trời, số 5 hợp với đất, Ngài sửa mình theo năm đức (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), vận dụng phép trị nước theo ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), năm con Phúc chầu vào liễn phượng.
Mừng thánh thọ 80, sinh ngày 8 tháng 8, tám nghìn mùa xuân, tám nghìn mùa thu, tám bậc hiền triết, tám bậc tài năng đăng tiến bên Ngài, tám vị tiên múa điệu nghê thường mừng thọ.
Hôm sau, đầu giờ Mão, ba vị Chánh sứ, Phó sứ nước Nam du ngoạn Thiên An Môn. Quan Lễ bộ mời các vị sứ bước tới cửa đại môn thì ngừng lại bên bức lụa hồng, đọc những hàng chữ to, Chánh sứ Trần đọc và hiểu ngay là người ta ra câu đối cho sứ Nam. Phó sứ Trịnh bỗng thấy lo, nhìn quanh khéo léo đẩy việc cho Quý Đôn. Ông nheo mắt cười cười nhìn Đôn, nói để Chánh sứ Trần cùng nghe: “Xin mời Phó sứ Lê văn hay chữ tốt, đại diện cho đoàn ta làm vế đối”.

Lê Quý Đôn
Quý Đôn không ngạc nhiên mà tươi tỉnh gật đầu. Viên thư lại mời Đôn vào thư án. Giấy hoa tiên, bút ô long vĩ được đưa đến ngay. Chánh sứ Trần ngồi cách Quý Đôn không xa. Ông hồi hộp sợ người đồng sự không đối được. Rồi ông bỗng thương Đôn vừa chân ướt chân ráo tới nước người đã gặp ngay việc khó. Ông cảm phục Đôn đã nhanh chóng nhận cái việc mà đáng lẽ ông phải gánh vác. Quý Đôn ngồi ung dung trước án, cầm bút, viết ngay vào giấy trên hoa tiên, không cần phác thảo.
Phó sứ Trịnh thấy Đôn viết chính thức, chân phương. Ông bỗng lo cho người đồng sự có tài nhưng tuổi trẻ, dễ bốc đồng khoa trương, không may lầm vài nét thì phải bỏ cả tờ hoa tiên, xin tờ mới và viết lại tất cả.
Quý Đôn biết người ta có chủ ý, để gần tới cuối giờ mới bắt mình đối. Mình ít thì giờ không kịp đối là mình thua. Nhưng ông thầm cười: “Vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn”. Một lúc sau tờ hoa tiên đã hiện đủ 29 chữ, một vế đối hoàn chỉnh. Viên thư lại lễ phép nâng hai tay nhận tờ giấy do Phó sứ nước Nam trao cho.
Ra về, Chánh sứ khen ngợi Phó sứ Lê: “Hôm nay đoàn ta đến Thiên An Môn không chỉ để ngoạn cảnh mà còn mở cửa để vào bằng vế đối của quan Phó sứ. Nếu không, chưa chắc được vào. Phó sứ Trịnh vui cười, nhất trí với lời khen của ông Trần. Ngay chiều hôm đó, quan thư pháp triều Thanh viết vế đối của sứ nước Nam lên bức lụa hồng trước cửa Thiên An.
(1) | Sư Muống tên thật là Hoàng Công Đóa, con trai tiến sĩ Hoàng Công Lạc ở Tiên Hưng, Thái Bình. Ông đi tu nhưng có tài đối đáp, được Lê Quý Đôn đưa vào đoàn sứ bộ. |