Lễ tế Nam Giao

Dưới thời phong kiến, ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, lễ tế Nam Giao được coi là lễ tế của quốc gia. Lễ tế Nam Giao cuối cùng của triều Nguyễn được cử hành vào lúc nửa đêm rạng ngày 23 tháng 3 năm 1945 (ngày 10 tháng 2 năm Ất Dậu, Bảo Đại năm 20), không lâu trước Cách mạng Tháng Tám. Gần 60 năm trôi qua, lễ tế Nam Giao phai mờ dần trong trí nhớ của lớp người lớn tuổi từng được xem lễ tế này, và tưởng chừng như vĩnh viễn chìm vào quá khứ…

Nhưng nay, lễ tế Nam Giao sẽ được cử hành như một phần trong các lễ hội của Festival Huế. Nhân dịp này, hẳn nhiều người cũng muốn biết tế Nam Giao là tế gì, nguồn gốc từ đâu, nghi thức như thế nào.

TẾ NAM GIAO LÀ TẾ GÌ?

Tế Nam Giao hay gọi tắt tế Giao là tế Trời. Xưa kia người Việt Nam và Trung Quốc coi Trời hay Thượng Đế là vị chúa tể sinh hóa muôn vật, ban phúc giáng họa, thưởng công phạt tội, chủ trì vận mệnh của loài người nói chung, của quốc gia nói riêng.

Trời thương dân, muốn giúp đỡ dân mà lập ra vua. Vua chịu mệnh Trời mà trị nước, giáo hóa dân. Vua, tức thiên tử, là người được Trời ủy cho cái thiên chức trị dân, nên chỉ có vua mới được tế Trời để cáo với Trời về nhiệm vụ của mình đối với dân và cầu xin Trời giáng phúc cho dân. Thế nên tế Nam Giao hay tế Giao là lễ tế quan trọng nhất đối với các triều đại phong kiến ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc.

Giao là chỗ đất ở ngoài kinh thành. Lễ tế Trời được tổ chức ở chỗ đất phía nam ngoài kinh thành nên gọi là tế Nam Giao.


Đám rước qua Ngọ môn.

NGUỒN GỐC LỄ TẾ NAM GIAO

Lễ tế Nam Giao ở nước ta có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tại Trung Quốc, từ thời Vô Hoài, Phục Hy thời thượng cổ, vua cho xây đàn ở núi Thái Sơn để làm lễ tế Trời, gọi là tế Phong. Về sau người ta mới xây đàn tế Trời ở phía nam ngoài kinh thành, nên gọi là Nam Giao. Mỗi năm vào ngày đông chí (trong tháng 11 âm lịch, nhằm ngày 20 hoặc 21 tháng 12 dương lịch), thiên tử đến làm lễ tế Trời ở đấy gọi là Nam Giao đại tự (lễ đại tế Nam Giao).

Hiện nay ở Bắc Kinh, ngoài cửa Chánh Dương của Cố Cung, phía nam Đại Tự Điện, có cái đàn hình tròn (viên khâu) để tế Trời, được xây từ năm Gia Tĩnh thứ 9 (1530) đời Minh, gọi là Thiên đàn (đàn tế Trời). Nơi đây thu hút nhiều du khách đến tham quan.

Ở Việt Nam, năm Đại Định thứ 15 (1154) đời Lý Anh Tông mới cho đắp đàn Viên Khâu (đàn hình tròn) để tế Trời. Đời Lý, lễ tế Giao theo lệ 3 năm một lễ lớn, 2 năm một lễ trung, một năm một lễ nhỏ.

Đời Trần không thấy nói đến việc tế Giao.

Đời Lê tế Giao mỗi năm một lần, thường cử hành vào ngày mồng ba tết tại một cánh đồng. Sau khi tế Trời xong, nhà vua làm lễ tịch điền, đích thân cày mấy đường cày, ngụ ý khuyến khích nhân dân chăm lo cày cấy.

Thời các chúa Nguyễn, từ chúa Nguyễn Phúc Lan, còn gọi là chúa Thượng (1635-1648) về sau mới có tế Giao, lễ tế được cử hành vào những ngày đầu năm tại một cánh đồng.

ĐÀN NAM GIAO Ở HUẾ

Vua Gia Long lên ngôi năm 1802. Qua năm sau, 1803, nhà vua cho lập đàn ở làng An Ninh phía tây kinh thành để hợp tế Trời Đất. Gia Long năm 5 (1806), xây đàn tế Giao ở phía nam kinh thành, tại địa phận làng An Cựu, huyện Hương Thủy. Đó là đàn Nam Giao ngày nay, nằm trên đường đi lăng Thiệu Trị và lăng Tự Đức, cách kinh thành 4 kilômét.

Đàn Nam Giao được xây trên một đám đất hình vuông, chu vi 152 trượng 9 thước (611m60), chung quanh có tường bao bọc, cao 4 thước 1 tấc (1m64). Bốn mặt đều trổ cửa theo bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Cửa nam là cửa chính, trước cửa có xây bình phong. Bên ngoài trồng toàn thông. Ngoài tường, ở góc đông bắc có nhà Thần trù (1)Thần khố (2) là nơi sửa soạn lễ vật để tế. Phía tây nam có Trai cung là nơi nhà vua nghỉ để trai giới trước khi hành lễ, chung quanh có tường bao bọc, mặt bắc có một cái cửa lớn, mặt nam có một cửa nhỏ hơn.

Bên trong, Giao đàn gồm có ba tầng xây bằng gạch, tất cả cao 4m70.

Tầng dưới hình vuông, tức Phương đàn (3) thứ nhất, mỗi mặt 32 trượng 7 thước (130m80), cao 2 thước 1 tấc (0m84). Mặt trước có xây hai hàng đá tảng, mỗi hàng 6 tảng để cắm tàn. Góc đông nam có xây một cái bệ (lò) gọi là Phần sài (4), là nơi đốt một con nghé để tế. Ở góc tây bắc đào một cái lỗ để chôn lông và huyết của con nghé, gọi là Ế khảm (5), cũng gọi là Ế mao huyết. Mặt nam có nhà Đại thứ (6) lợp tranh, chung quanh vây vải vàng, là nơi vua dừng lại để rửa tay. Tầng Phương đàn này sơn đỏ.

Tầng giữa cũng hình vuông, gọi Phương đàn thứ nhì, còn gọi là Tùng đàn (7), sơn vàng, mỗi mặt 19 trượng (76m), cao 2 thước 6 tấc 5 phân (1m06). Ở tầng này có dựng một ngôi nhà sơn vàng gọi là Hoàng ốc, bên trong đặt các án thờ. Hai tầng dưới hình vuông là tượng đất.

Tầng ba hình tròn, gọi là Viên đàn (viên: tròn), sơn xanh, tượng trời. Theo vũ trụ quan của người xưa thì trời tròn đất vuông (Thiên viên địa phương). Tầng này có đường kính 6 trượng 6 thước (38m40), cao 7 thước (2m8).

Bốn mặt giáp Giao đàn hướng về bốn phương, đều có tam cấp để lên xuống.

CÁCH TRẦN THIẾT

Ở tầng giữa (tầng hai), tại Hoàng ốc, những tàn lọng về hướng đông thì màu xanh, hướng tây thì màu vàng. Tám án thờ đặt nằm tả hữu, mỗi bên bốn án, đối diện nhau.

- Án tả nhất thờ Đại minh chi thần (thần mặt trời).

- Án hữu nhất thờ Dạ Minh chi thần (thần mặt trăng).

- Án tả nhị thờ Chu thiên tinh tú chi thần (thần coi các sao trên trời).

- Án hữu nhị thờ Sơn, Hải, Giang, Trạch chi thần (thần núi, biển, sông, đầm) và thần núi các lăng của vua chúa triều Nguyễn: Triệu Tường sơn chi thần (thần núi Triệu Tường, lăng Triệu Tổ Nguyễn Kim), Khải vận sơn chi thần (thần núi Khải Vận, lăng Thái Tổ Nguyễn Hoàng), Hưng Nghiệp sơn chi thần (thần núi Hưng Nghiệp, lăng Hưng Tổ, thân sinh vua Gia Long), Thiên Thụ sơn chi thần (thần núi Thiên Thụ, lăng vua Gia Long), Hiếu Sơn chi thần (thần núi Hiếu Sơn, lăng vua Minh Mạng), Thuận Đạo sơn chi thần (thần núi Thuận Đạo, lăng vua Thiệu Trị), Khiêm Sơn chi thần (thần núi Khiêm Sơn, lăng vua Tự Đức).

- Án tả tam thờ Vân, Vũ, Phong, Lôi chi thần (thần mây, mưa, gió, sấm).

- Án hữu tam thờ Khâu, Lăng, Phần, Diễn chi thần (thần coi về đồi, gò, đồng bằng).

- Án tả tứ thờ Thái tuế nguyệt tướng chi thần (thần coi về năm, tháng).

- Án hữu tứ thờ Thiên hạ thần kỳ chi thần (các vị thần trong trời đất).

Ở tầng cao nhất (tầng ba), một cái lều lợp vải xanh chóp tròn, chung quanh giăng màn xanh được dựng lên, gọi là Thanh ốc (nhà màu xanh), bên trong có các án thờ:

- Án tả chính thờ Hiệu Thiên thượng đế (Trời), màu xanh. Thần vị, lụa, ngọc, đĩa hình tròn để đựng thức ăn ở án thờ này cũng đều màu xanh.

- Án hữu chính thờ Hoàng Địa kỳ (Đất), màu vàng. Thần vị, lụa, ngọc, đĩa hình vuông để đựng thức ăn ở án thờ này đều màu vàng.

Hai bên hai dãy án thờ vua chúa triều Nguyễn kê đối diện với nhau:

- Án tả nhất thờ Thái Tổ Gia Dụ Hoàng đế (Nguyễn Hoàng)

- Án hữu nhất thờ Thế Tổ Cao Hoàng đế (vua Gia Long).

- Án tả nhị thờ Thánh Tổ Nhân Hoàng đế (vua Minh Mạng).

- Án hữu nhị thờ Hiến Tổ Chương Hoàng đế (vua Thiệu Trị).

- Án tả tam thờ Dực Tông Anh Hoàng đế (vua Tự Đức).

- Án hữu tam thờ Giản Tông Nghị Hoàng đế (vua Kiến Phúc).

- Án tả tứ thờ Cảnh Tông Thuần Hoàng đế (vua Đồng Khánh).

- Án hữu tứ thờ Hoằng Tông Tuyên Hoàng đế (vua Khải Định).

Ở giữa Thanh ốc có hai nội án, một án đặt rượu thịt, một án đặt ngọc, lụa.

Trên Viên đàn có dựng một cái nhà nhỏ gọi là Tiểu thứ để nhà vua ngồi nghỉ sau mỗi lễ.

Chung quanh Viên đàn treo hai mươi tám đèn tượng cho Nhị thập bát tú.

NGÀY TẾ NAM GIAO

Theo lệ xưa ở Trung Quốc, ngày đông chí thiên tử tế Trời ở Nam Giao, ngày hạ chí tế Đất ở Bắc Giao. Theo sách Chu Lễ, mỗi năm đến ngày mồng mười tháng giêng thì cử hành lễ.

Ở nước ta, đời nhà Nguyễn, ngày tế Nam Giao thay đổi theo triều vua. Trước kia, nhà vua chỉ định một quan đại thần “xin keo” để chọn ngày tế Giao, về sau giao cho Khâm thiên giám (cơ quan xem thiên văn và lịch pháp) coi ngày.

Gia Long năm 6 (1807), đặt lệ Bốc Giao (bói ngày tế Giao). Vào tháng giêng, Khâm thiên giám chọn ba ngày tốt trong tháng hai mà tâu lên. Nhà vua truyền bói lại để chọn ngày tốt nhất. Trước lễ tế Giao ba ngày, cấm các nha môn không được tra khảo tù nhân, cấm không được làm thịt súc vật. Năm Đinh Mão (1807), lần đầu tế Giao vào tháng hai.

Dưới triều Minh Mạng, trước lễ tế Giao ba ngày, nhà vua hội các quan ở điện Thái Hòa để tuyên thệ về việc tế Giao. Trước hai ngày, nhà vua đến cáo Thái Miếu; trước một ngày, ngự giá đến Trai cung.


Vua ngồi trong Ngự liễn đi tế Nam Giao.

Minh Mạng năm 20 (1839), lấy ba ngày tốt trước ngày rằm tháng quí xuân (tháng ba) để chọn ngày tế.

Tự Đức năm thứ nhất (1848), đồi lấy tháng trọng xuân (tháng hai), lại hạ chỉ cho các quan ở những tỉnh gần về hầu tế.

Đồng Khánh năm 3 (1888), ấn định ba năm tế Giao một lần, vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu. Khâm thiên giám lựa trong ba ngày Tân (thí dụ ngày Tân Mùi, Tân Tỵ, Tân Mão) của tháng trọng xuân, coi ngày nào tốt nhất thì chọn làm ngày tế.

Ba ngày trước ngày tế Giao, bộ Lễ đưa một đồng nhân vào Đại Nội, dâng lên vua để làm lễ trai giới.

Đồng nhân là cái tượng nhỏ hình người bằng đồng, hai tay chắp trước ngực, cầm một cái hốt khắc hai chữ Hán “Trai giới”. Tương truyền ngày xưa ở Trung Quốc người ta bắt được trên mặt biển một pho tượng hình người bằng đồng, bên trong trống rỗng. Nước biển chảy vào trong pho tượng, rồi trào ra đằng miệng và mũi một thứ nước trong xanh. Vì thế tượng đồng nhân này được dùng để biểu hiện sự thanh tịnh.

Đồng nhân được đặt trước mặt vua trong ba ngày, tại Đại Nội cũng như ở Trai cung, để vui trông thấy và luôn giữ sự chay tịnh trước khi làm lễ tế Giao.

Buổi chiều, bộ Lễ dâng lên vua các bản chúc văn, cáo miếu để vua tự tay điền ngự danh vào. Chúc văn được đọc tại Giao đàn khi các quan đại thần làm lễ Kỳ cáo tại miếu ở Đại Nội, do một hoàng thân hoặc quan đại thần thay vua cáo với các đấng tiên vương về ngày tháng tế Giao. Ngoài ra, một tờ Dụ đặt trong Long đình (8) có lọng che, có lính mang nghi trượng, nhã nhạc đi theo, rước ra Phu Văn Lâu niêm yết để dân chúng biết ngày tháng sẽ cử hành lễ tế Giao và các quan chấp sự và bồi tự phải trai giới trước ba ngày.

ĐÁM RƯỚC

Đám rước nhà vua lên Giao đàn còn gọi là đạo ngự. Trước chính lễ một ngày, vào khoảng 7 hoặc 8 giờ sáng, nhà vua ngự đại giá từ Đại Nội lên Trai cung ở đàn Nam Giao. Khi nhà vua đi qua Đại Cung môn (9), chín tiếng súng lệnh cùng tiếng chuông trống ở Ngọ môn vang lên. Nhà vua đi qua bên trái điện Thái Hòa, theo đường Dũng đạo (10), qua cầu Trung đạo (11) và ra cửa Ngọ môn. Khi nhà vua ra khỏi cửa, chuông trống trên lầu Ngọ môn không đánh nữa. Từ Ngọ môn đến Trai cung, đám rước chỉ đánh chiêng và trống, không cử nhạc, mặc dù có đội nhạc công, vì tế Giao chưa cử hành nên vua chưa dám dùng đến nhạc.

Đám rước chia làm ba đạo: tiền đạo, trung đạo và hậu đạo.

Tiền đạo bắt đầu với hai con voi đi hai bên, được trang sức đẹp đẽ, trên lưng có bành và lọng che. Giữa hai con voi có lính cầm cờ và mao tiết (12). Tiếp theo là các quan võ, đứng đầu là một Thống Chưởng đi giữa. Hai bên là lính mang trống (bên hữu) và chiêng (bên tả), có lọng che. Rồi đến một quan võ cầm cái loa bằng đồng gọi là truyền đồng thanh, hai bên có lính mang cờ Ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ).

Theo sau là các nhạc công mang cái xập xỏa gọi là ngũ lôi cổ đồng bạt, một toán tính cầm tràng phan, cờ long lân qui phụng, cờ Nhị thập bát tú. Tiếp nữa là một lộ xa (13) do voi kéo, hai bên có lính cầm đại phiến (14). Theo hầu lộ xa là hai hàng quan võ cỡi ngựa và lính, rồi đến lính cầm cờ và nhạc công. Sau cùng là toán lính gánh Long liễn (cái kiệu) và cái án để Phúc tửu (15), kiệu và án đều có lính cầm lọng che.

Trung đạo cũng do một Thống Chưởng cỡi ngựa dẫn đầu, hai bên có hai con ngựa của vua với lọng che và lính hầu. Kế đến là lính gánh chiêng (bên tả), trống (bên hữu), nhạc công và thị vệ. Rồi đến một Long đình có hai lọng che và lính gánh, trên để các vật quí, ngọc, lụa để tế. Theo sau là hàng cờ xí đủ loại, màu sắc khác nhau (cờ Ngũ hành, cò mang chữ Nhật, Nguyệt, vẽ bát quái). Lại đến một Long đình với hai lọng che, trên để mũ miện, áo cổn và đôi hia để vua mang lúc tế Giao, có một thị vệ theo hầu, hai hàng lính mang trường kiếm và đại phiến.

Tiếp theo, một Ngự liễn với bốn lọng che và hai mươi lính hầu, có quan Phù liễn và Thái giám đi theo bên cạnh. Hai hàng lính nhạc bát âm. Bên ngoài là quân lính mang các loại khí giới như gươm, rìu, búa. Tiếp nữa, một Long đình trên để ngự dụng của vua, có bến lọng che, hai con ngựa đi kèm hai bên. Sau cùng là Ngữ liễn trên có nhà vua ngồi, hai bên che bốn lọng vàng, có các vị hoàng thân và các quan đại thần theo hầu.

Hậu đạo do một Thống Chế dẫn đầu, theo sau là các đội, quản, lính mang cờ Ngũ hành, chiêng trống. Rồi đến một Long đình trên để đồng nhân, có hai lọng che. Tiếp nữa là các quan văn từ ngũ phẩm, các quan võ từ tứ phẩm trở xuống, và toán lính cầm cờ. Đi cuối đám rước là hai con voi.

Đám rước thời Bảo Đại đông khoảng một ngàn người (dưới triều Khải Định khoảng hai ngàn người, dưới các triều trước khoảng năm ngàn người).


Long tượng dẫn đầu đám rước.

Rời Ngọ môn, đám rước đi ra cửa Đông nam (của Thượng Tứ), qua cầu Trường Tiền, theo đường Jules Ferry (nay là đường Lê Lợi), đến tòa Công sứ Pháp thì rẽ sang tay trái, qua cầu Phú Cam, rồi thẳng đến Nam Giao. Hai bên đường đám rước đi ngang qua có cắm cờ, các làng tổng tỉnh Thừa Thiên cứ cách một quãng lại đặt một hương án bái vọng, dân chúng tụ tập đứng xem. Nơi tốt nhất để xem đám rước đi qua là khúc quanh cầu Trường Tiền và khách sạn Morin.

Sau khi nhà vua ngự đến Trai cung, vào khoảng 12 giờ trưa, bộ Lễ hội đồng với quan Thái thường dân bản chúc văn tế Giao để vua tự tay điền ngự danh, rồi các quan đệ lên tôn trí ở Giao đàn.

LỄ TẬP

Buổi chiều, vào khoảng 4 giờ, có kỳ lễ tập để các quan dự sự diễn tập trước khi cử hành lễ tế chính thức. Thời Pháp thuộc, những người muốn xem lễ này phải có giấy phép. Người Pháp thì xin giấy phép ở phòng Du lịch (Bureau du Tourisme) tại tòa Khâm sứ, người Việt thì xin ở bộ Lễ. Phóng viên các báo và nhiếp ảnh viên thì xin giấy phép tại sở Liêm phóng (như sở Công an). Người xem lễ tập phải ăn mặc chỉnh tề. Đàn ông, đàn bà đều được xem. Giấy phép xem lễ tập không được dùng để xem đại tế.

Đại tế ở Viên đàn do vua chủ tế, chỉ một số ít người do vua mời mới được dự. Tại Phường đàn, những người có giấy mời của phòng Bí thư (Secrétariat Particulier) tòa Khâm sứ mới được xem. Theo qui định, phụ nữ không được xem đại tế, người xem đại tế phải mặc phẩm phục hoặc lễ phục.

ĐẠI TẾ

Theo lệ, nhà vua phải đích thân chủ tế. Trong trường hợp nhà vua se mình, không thể hành lễ mới ủy cho một vị hoàng thân thay mặt.

Đến hôm đại tế, tức chính lễ, gần giờ Tý (từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng), quan Khâm thiên giám báo sắp đến giờ hành lễ Nhà vua mặc áo cổn, đội mũ miện, tay cầm ngọc trấn khuê (16) lên kiệu rời Trai cung để sang Giao đàn. Hai bên kiệu có quan Quản vệ loan giá và quan Phù Liễn theo hầu, một đội lính nhạc đi theo nhưng không cử nhạc. Đi trước và sau đạo ngư là lính cầm đuốc soi gương. Chuông ở Trai cung bắt đầu đánh từ lúc nhà vua rời nơi đây cho tới khi nhà vua vào đến đàn Nam Giao mới thôi.

Kiệu vua đi qua cửa tây Giao đàn, rồi quành sang mặt hướng nam. Nhà vua do tam cấp bước lên tầng nhất (Phương đàn thứ nhất). Lối đi lên tầng nhất chia làm ba: chính giữa và bên tả, bên hữu. Nhà vua đi một bên, gọi là ngự lộ (đường dành cho vua đi); chính giữa gọi là thần ngự lộ (đường thần linh đi), vua nhường cho các vị thần và các tiên đế đi để tỏ lòng tôn kính.

Lên đến tầng nhất, vua tạm nghỉ ở nhà Đại thứ, còn các quan văn võ thì theo phẩm trật đứng dàn hai bên. Đoạn thị vệ rót nước ra cái thau, quan Cung đạo mời vua làm lễ quán tẩy (rửa tay) để chuẩn bị hành lễ.

Rồi quan Cung đạo đưa vua lên tầng hai, đến ngự lập vị (chỗ vua đứng để đợi các quan xướng) ở ngoại hương án trong Hoàng ốc. Các quan dự sự đứng vào vị trí đã định. Vua vào đứng tại bái vị (chỗ đứng để hành lễ). Nội tán xuống để vua và các quan cử hành lễ Phần sàiẾ mao huyết. Khi ấy người ta đốt một con nghé tại Phần sài, rồi đem đặt tại án thờ Hoàng Địa kỳ. Lông và huyết của nó để trên một cái mâm có nắp đậy và lọng che, được đem đến Ế khảm để chôn.

Tiếp theo là lễ Thượng hương (dâng trầm). Một quan chấp sự mang một hộp trầm và một quan chấp sự mang một lư hương dấn quì hai bên tả hữu cạnh vua. Vua cũng quì, lấy một gói trầm, xá ba xá, bỏ vào lư hương, hai tay cung kính nâng lư hương lên ngang trán (gọi là gia ngạch), xá tiếp ba xá. Quan chấp sự mang lư hương ấy đặt lên án thờ, rồi lui xuống để vua làm lễ. Vua phủ phục (quì mọp xuống) rồi đứng lên.

Sau lễ Thượng hương là lễ Nghinh thần (rước chư thần). Nhạc tấu bài An Thành chi chương . Bài này có tám câu, hát câu 1 thì vua và các quan lạy xuống, hát câu 2 thì đứng lên, hát xong bài thì lạy đủ bốn lạy.

Khi Nội tán xướng: “Tấu đăng đàn...”, quan Cung đạo mời vua đi lên Thanh ốc ở tầng ba. Các quan văn võ do hai tam cấp bên tả và bên hữu cũng bước theo lên Viên đàn, lưu lại tám hoàng thân để đứng hầu tám án thờ ở Phương đàn.

Tại Viên đàn, nội hương án đặt trước án tả chính và án hữu chính. Trước nội hương án trải hai chiếc chiếu cạp vàng. Chiếc chiếu ngoài gọi là bái vị, nơi vua đứng đợi hành lễ và lạy Chiếc chiếu trong gọi là hiến vị, nơi vua dâng lễ vật.

Mỗi khi dâng một lễ vật, vua từ chiếu ngoài bước lên chiếu trong. Lễ xong, vua đi giật lùi trở về chiếu ngoài.

Trước khi tế, các quan thị lập theo thứ tự cất khăn lụa phủ trên các thần bài. Chuông trống nổi lên.

Tiếp đến là lễ Điện ngọc bạch (lễ dâng ngọc và lụa, cũng gọi là Hiến ngọc bạch). Khi Nội tán xướng: "Hành điện ngọc bạch lễ" và "Tấu Triệu thành chi chương" , vua bước lên chiếu hiến vị (chiếu trong), quì xuống. Các quan chấp sự mang các tráp đựng ngọc và các tráp đựng lụa quì hai bên. Vua nhận lấy tráp đựng ngọc, gia ngạch và xá ba xá. Với các tráp lụa vua cũng hành lễ như thế. Sau khi vua làm lễ gia ngạch xong, các quan chấp sự mang các tráp ngọc và lụa đặt lên các án thờ.

Tiếp theo là lễ Tiến phẩm nghi (lễ dâng đồ cúng), cũng gọi là Tiến trở (trở là cái kỷ để đồ tế). Nội tán xướng "Tiến trở". Vua quì xuống. Vì cái trở nặng, vua chỉ đưa hai tay lên gia ngạch, trong khi những cái trở trên để một con sinh, mỗi cái do sáu người bưng, được đặt lên các án thờ. Vua xá ba xá, phủ phục, rồi đứng lên và trở về bái vị. Trong khi cử hành lễ này, nhạc tấu bài Tiến thành chi chương .


Bệ thờ ở đàn Nam Giao.

Sau lễ Tiến phẩm nghi đến lễ Hiến tửu (dâng rượu), gồm ba lần, túc ba tuần rượu. Lễ dâng tuần rượu thứ nhất gọi là lễ Sơ hiến. Vua bước lên hiến vị. Nhạc tấu bài Mỹ thành chi chương . Các vũ sinh múa Bát dật (17) . Nội tán xướng “Tiến tửu”. Vua quì xuống rót rượu để tế. Các hoàng thân và đại thần quì hai bên vua, bưng bình rượu và chén rượu để vua cầm rót.

Lễ dâng rượu chia làm năm đợt: hai án thờ Trời, Đất rót làm một đợt, án tả nhất và hữu nhất làm một, tả nhị và hữu nhị làm một, cứ thế cho hết mười án thờ ở Viên đàn. Mỗi lần vua rót xong một đợt, hai hoàng thân lại đứng lên đem hai chén rượu đến hai án thờ để các quan bồi tự đúng sẵn ở đấy đặt vào án thờ.

Trong khi vua làm lễ ở Viên đàn thì ở Phương đàn tầng nhì, các quan đều cùng hành lễ tại tám án thờ.

Sau năm đợt rót rượu, vua phủ phục, rồi đứng lên. Nhạc và múa cũng chấm dứt. Đến lễ Tuyên chúc (đọc chúc văn). Vua và các quan đều quì xuống. Quan Tuyên chúc đi đến chúc án (cái bàn để tờ chúc), quì xuống để đọc chúc. Nội dung chúc văn, ngoài niên hiệu, ngày tháng cử hành lễ tế Giao, tên vị vua đứng chủ tế, là lời cáo với Trời Đất về lễ tế, các phẩm vật tiến cúng và thỉnh các vị tiên đế về dự.

Khi tờ chúc được đọc xong, vua lạy hai lạy rồi đứng lên, đến tạm nghỉ ở Tiểu thứ. Trong khi ấy, lễ Phân hiến (chia phẩm vật tế) được cử hành. Phân hiến là lễ chia một phần phẩm vật đã tế ở Viên đàn cho các vị thần ở Phương đàn. Lễ thức này chỉ có tính cách tượng trưng, chứ phẩm vật vẫn để ở Viên đàn, không đem xuống các án thờ ở Phương đàn. Mỗi quan Phân hiến quì xuống trước một án thờ. Quan thị lập quì, bưng tráp lụa trao cho quan Phân hiến gia ngạch, rồi trả lại để đặt lên án thờ. Tiếp sau lễ dâng lụa là lễ dâng rượu, cũng cùng một thể thức.

Kế tiếp là lễ dâng tuần rượu thứ hai, gọi là Á hiến. Vua từ Tiểu thứ trở ra hiến vị để làm lễ. Nhạc tấu bài Thụy thành chi chương . Rồi đến lễ dâng tuần rượu thứ ba, gọi là Chung hiến. Nhạc tấu bài Vĩnh thành chi chương.

Sau lễ chung hiến đến lễ Tứ phúc tộ, là lễ ban phúc tửu và thịt tế cho nhà vua. (Tứ: ban cho. Phúc: phúc tửu. Tộ: thịt đã tế thần linh rồi đem chia phần). Một viên quan có nhiệm vụ thay Thần xướng: “Tứ phúc tộ”. Vua đến Ẩm phúc vị trước cái bàn đặt giữa Giao đàn, gần hai án chính. Cái bàn này gọi là Phúc án. Vua quì xuống để nhận lãnh rượu thịt thần linh ban. Hai viên quan bưng khay thịt quì bên hữu, hai viên quan bưng khay rượu quì bên tả. Khi nghe xướng: “Ẩm phúc tửu” hai quan bưng rượu dâng lên vua. Vua nhận lấy, gia ngạch rồi trả lại. Lại xướng: "Thọ tộ". Hai quan quì bên hữu dâng khay thịt. Vua nhận lấy, gia ngạch, trả lại, rồi lạy tạ. Các quan đặt khay rượu và khay thịt trên ghế chấp sự.

Đoạn đến lễ Triệt soạn (triệt lễ vật). Nội tán xướng: “Triệt soạn”. Nhạc tấu bài Doãn thành chi chương . Các quan chấp sự mang các tráp đựng ngọc, lụa và hào soạn, quan Tuyên chúc mang tờ chúc ra ngoài. Các hào soạn (thức ăn), lụa và tờ chúc được đem đốt ở Phần sài.

Quan Cung đạo đưa vua theo thềm hướng nam xuống Phương đàn, đến trước ngoại hương án, đứng ở bái vị. Nội tán xướng: “Tống thần” (tiễn đưa thần linh). Nhạc tấu bài Hi thành chi chương. Vua lạy tạ. Nội tán lại xướng: “Tống liệu” (đốt các thứ đã tế). Nhạc tấu bài Hựu thành chi chương. Đoạn xướng: “Nghệ vọng liệu vị” (đi đến chỗ xem tống liệu). Vua đi đến Phần sài. Lại xướng: “Vọng liệu” (xem tống liệu). Vua đứng xem đốt lụa và hào soạn. Khi cháy được một nửa, Nội tán xướng: “Phục bái vị” (trở lại bái vị). Vua trở lại đứng trước ngoại hương án, lạy bốn lạy. Nội tán xướng: “Lễ tất” (lễ xong). Lễ tế giao chấm dứt. Lễ tế kéo dài đến tảng sáng mới xong.

Các thục phẩm tế xong đều chia cho các quan.theo phẩm tước. Phần rượu thịt của vua được đem về Đại Nội để vua dùng.

VUA RỜI GIAO ĐÀN

Quan Cung đạo mời vua do thềm hướng nam rời tầng nhì. Đoạn vua lên kiệu trở về Trai cung. Quân lính theo hầu cũng như lúc vua sang Giao đàn, nhưng lần này có cử nhạc. Khi vua ra khỏi cửa tây của Giao đàn thì nhạc tấu bài Khánh thành chi chương.

Đến sáng ngày ấy, vua mặc long bào, đội khăn vàng, tay cầm ngọc khuê, ngồi trên ngai. Các vị hoàng thân cùng các quan văn võ đại thần mặc triều phục đến làm lễ khánh hạ. Hoàng thân và các quan lạy năm lạy mừng nhà vua hoàn tất tốt đẹp đại lễ Nam Giao. Đoạn vua lên kiệu ngự đại giá về

Đại Nội, nghi trượng cũng như khi rước đi, nhưng có cử nhạc. Khi ngự giá đến Ngọ môn, chuông trống lại nổi lên. Đến Đại Cung môn thì có chín tiếng súng mừng. Vua ngự đến điện Cần Chánh, ngồi lên ngai để cho các quan Lưu kinh đại thần (18) phục mệnh. Các quan này ra giữa sân chầu, lạy năm lạy, trao lại lá cờ lưu kinh rồi rút lui.


Toàn cảnh đám rước.

Năm 1933, sau khi tế Giao xong, nhà vua ban Kỷ niệm chương cho các hoàng thân, đại thần và những người có công trong việc tổ chức lễ tế Nam Giao. Kỷ niệm chương làm bằng bạc, hình tròn.

Mặt chữ Pháp:

- Chung quanh ở trên: EMPIRE D’ANNAM (Vương quốc An Nam).

- Chung quanh ở dưới: MÉDAILLE COMMÉMORATIVE (Kỷ niệm chương).

- Ở giữa dòng 1 và 2: Fête du NAM GIAO (Lễ tế Nam Giao).

- Ở giữa, dòng 3 và 4: 8e Année du Règne de S.M BAO ĐAI (Năm thứ 8 triều Hoàng đế Bảo Đại).

- Ở giữa dòng 5: 1933.

Mặt chữ Hán.

- Chung quanh ở trên (từ phải sang trái) (Bảo Đại bát niên: Bảo Đại năm thứ 8).

- Ở giữa có hình cái đỉnh, trên đỉnh có bốn chữ (Nam Giao đại tự: Đại lễ Nam Giao).

Sau đây là những lễ tế Nam Giao mà chúng tôi biết rõ ngày tháng:

Lễ tế Nam Giao năm 1939 (Kỷ Mão, Bảo Đại năm 14), cử hành lúc nửa đêm ngày 13 rạng ngày 14 tháng 1 dương lịch.

Lễ tế Nam Giao năm 1942 (Nhâm Ngọ, Bảo Đại năm 17), cử hành lúc nửa đêm ngày 28 rạng ngày 29 tháng 3 dương lịch.

Cứ ba năm tế một lần. Và lễ tế Nam Giao cuối cùng cảu triều Nguyễn, như đã nói ở phần mở đầu bài viết này, được cử hành lúc nửa đêm rạng ngày 23 tháng 3 năm 1945. Vì lý do thời cuộc lúc bấy giờ (19), lễ tế Nam Giao được tổ chức đơn giản. Không có đám rước như thường lệ. Lúc 5 giờ chiều ngày 22 tháng 3, nhà vua ngự lên Trai cung bằng xe hơi cùng với các cơ quan Cơ mật, Tôn nhơn và các đại thần nghi lễ.

Sau 1945, trải qua chiến tranh, đàn Nam Giao bị đổ nát, hoang tàn, nay mới được tu tạo lại như một di tích trong quần thể lịch sử - văn hóa Phú Xuân.

Như trên đã nói, chỉ bậc thiên tử mới tế Giao. Các vị vua Việt Nam cử hành lễ tế Giao với đầy đủ nghi thức của một thiên tử, không chỉ để dâng lên Trời Đất và các vị thần linh những phẩm vật (ngọc, lụa, rượu, thịt, bánh trái, hào soạn) tốt đẹp, thơm ngon, là kết quả của quốc thái dân an, đồng thời cầu xin Trời Đất và thần linh giáng phúc; mà còn chứng tỏ Việt Nam là nước văn hiến, vua Việt Nam cũng có tư thế thiên tử như vua Trung Quốc, biểu lộ cái tinh thần “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”.


(1)

Thần trù: (Thần: thần linh. Trù: nhà bếp) nới làm trâu, làm heo, nấu nướng các hào soạn để cúng tế.

(2)

Thần khố: (Thần: thần linh. Khố: kho) kho cất các đồ thờ.

(3)

Phương đàn: (Phương: hình vuông. Đàn: chỗ đất phẳng đắp cao để cúng tế) khoảnh đất hình vuông đắp cao để cúng tế. Hình vuông là tượng cho đất.

(4)

Phần sài: (Phần: đốt. Sài: củi) nơi đốt một con nghé để tế thần linh. Đây cũng là nơi đốt tờ chúc và những thứ đã đặt cúng tại án thờ Trời và án thờ Đất như lụa và các thức ăn, nên còn gọi là liệu sở (liệu: đốt cháy; sở: nơi, chỗ).

(5)

Ế khảm: (Ế: chôn. Khảm: cái lỗ) lỗ để chôn lông và huyết của con nghé đặt tại án thờ Hoàng Địa kỳ, cũng gọi là ế sở. Ế mao huyết: chôn lông và huyết.

(6)

Đại thứ: (Đại: lớn. Thứ: chỗ nghỉ ngơi) nơi vua vào để nghỉ ngơi và làm lễ quán tẩy (rửa tay). Vua nghỉ ở đây lâu hơn ở tiểu thứ, nên gọi là đại tiểu (nhỏ) để phân biệt.

(7)

Tùng đàn: (Tùng: theo) tầng nhì còn gọi là tùng đàn vì ở tầng này thờ các vị thần thèo chầu Trời và Đất.

(8)

Long đình: (Long: con rồng. Đình: cái nhà nhỏ) cái bàn sơn son thếp vàng, trên có nóc bằng gỗ chạm rồng, bốn mặt chung quanh hoặc dựng kính hoặc treo sáo có vẽ rồng, bên trong để những vật của vua, do bốn người lính gánh mà đem đi.

(9)

Đại Cung môn: cửa Đại Cung, là cửa nam của Tử cấm thành. Lớp thành ngoài là Kinh thành, lớp thành trong là Hoàng thành, trong nữa là Tử cấm thành. Cung điện của vua đều ở trong thành này. Đại Cung môn ở sau điện Thái Hòa, cách một cái sân lát đá.

(10)

Dũng đạo: con đường ở giữa sân điện Thái Hòa đến chính giữa Ngọ môn.

(11)

Cầu Trung đạo (Trung đạo kiều): cái cầu đá bắc qua hồ sen tên là hồ Thái Dịch, ở khoảng giữa sân điện Thái Hòa và Ngọ môn.

(12)

Mao tiết: (Mao: một loại cờ dùng làm nghi vệ, lấy lông đuôi con trâu kết thành. Tiết: đốt tre, vật để làm tin) vật tượng trưng cho uy quyền của vua. Ngày xưa sứ giả cầm mao tiết để làm tin.

(13)

Lộ xa: (Lộ: bày ra ngoài. Xa: xe) xe trần không mui.

(14)

Đại phiến: (Đại: lớn. Phiến: cái quạt) cái quạt lớn có cán dài, lính hầu cầm quạt này để che nắng.

(15)

Phúc tửu: (Phúc: phước, những sự tốt lành. Tửu: rượu) rượu để thần linh ban cho vua, ngụ ý ban phúc. Trên án Phúc tửu để một cái mâm đựng bình rượu và chén rượu bằng vàng. Án này sẽ được đặt tại án thờ Hiệu Thiên thượng đế. Sau lễ Chung hiến, đến lễ Tứ phúc tộ, nhà vua được thần linh ban cho rượu phúc và thịt tế.

(16)

Trấn khuê: (Trấn: làm cho bốn phương được yên ổn. Khuê: ngọc khuê) cũng gọi là trân khuê (trân: quí báu), là cái hốt bằng ngọc của vua.

(17)

Bát dật: (Bát: tám. Dật: hàng ngang hàng dọc trong khi múa có số người bằng nhau) lễ thức ca múa ở miếu đình dành cho thiên tử, gồm có 8 hàng vũ sinh (người múa, cũng gọi là dật sinh), mỗi hàng 8 người là 64 người. Vua chư hầu chỉ được phép dùng lục dật (lục: sáu), gồm 6 hàng người múa, mỗi hàng 6 người là 36 người.

(18)

Lưu kinh đại thần: Quan trông nom Kinh thành khi vua đi tế Nam giao.

(19)

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương.

NGUYỄN KHUÊ