LÁ THƯ BẠN ĐỌC, 83

Dơi hay rươi?

Sau khi đọc bài Phó sứ Nghệ An Ogeier muốn tìm hiểu những gì về đất nước ta qua Nghệ An tỉnh khai sách? của tác giả Phạm Tú Châu đăng trong tạp chí Hồn Việt số 78 (tháng 2-2014), tôi thấy có đôi điều muốn trao đổi với tác giả.

Tôi không rành chữ Nôm lắm nên không biết trong chữ Nôm, chữ “dơi” và chữ “rươi” có khác nhau không hay cùng một chữ mà đọc khác nhau, nhưng trong ngữ cảnh của bài viết (tr.61): “… Như tháng Chín thời dơi ra cho nên tháng Chín có mưa, gọi là mưa dơi” thì theo tôi chữ “dơi” ở đây phải là “rươi” mới đúng.

Rươi theo các nhà khoa học là một loại sinh vật biển thuộc họ giun sống ở bùn đất vùng nước lợ gần biển. Ở ngoài Bắc thì vùng Hải Phòng là nơi có nhiều rươi; ở Nghệ An, vùng cửa sông Lam gần biển cũng có rươi nên các vị chức sắc, hào lý Nghệ An thời ấy mới trả lời thế. Hằng năm cứ đến con nước thủy triều cuối tháng chín Âm lịch, trời oi bức, dân gian gọi là bức rươi và cho rằng rươi không chịu được nên mới chui lên. Rươi ngoi trên mặt nước, người ta dùng một dụng cụ gọi là cái “xăm” bẳng the mỏng giống như lưới bóng bàn chắn ngang mặt nước dồn rươi lại và lấy vợt hớt lên. Do lúc này thường có áp thấp nhiệt đới kèm theo mưa nên dân gian mới gọi là mưa rươi. Đến con nước sau vào đầu tháng mười, rươi lại xuất hiện một đợt nữa vài hôm rồi thôi cả năm không ngoi lên nữa, cho đến tận tháng chín năm sau.

Lúc này, trời cũng có mưa và rươi không ra nữa nên dân gian bảo là mưa lấp lỗ rươi.
Trong bài viết nói “tháng Chín thời dơi ra…” xem ra không logic, vì dơi thì tối nào chẳng ra kiếm mồi (trừ thời gian ngủ đông), cho nên cũng nên hiểu là “rươi ra”. Cũng như vậy, bài viết nói là lấp lỗ dơi thì không logic, dơi ở hang chứ đâu có ở lỗ?

Do rươi xuất hiện vào cuối tháng chín đầu tháng mười nên dân gian mới có câu: “Tháng Chín đôi mươi tháng Mười mồng năm” là để chỉ thời vụ rươi.

Mấy điều xin gửi tới Ban biên tập tạp chí và chia sẻ với tác giả bài viết.

NGUYỄN BÁ THÍNH
(Số nhà 4/39, ngõ 190, đường Hoàng Mai, P.Tương Mai,
 Q.Hoàng Mai, Hà Nội)

(Hồn Việt số 83, 7/2014, tr. 65)