Lê Văn Thiêm nhà toán học đỉnh cao

Ông là người Việt Nam đầu tiên thi đỗ vào Trường École Normale Supérieure de Paris; người Việt Nam đầu tiên có bằng Tiến sĩ tại Đại học Gottingen, nước Đức; người Việt Nam đầu tiên nhận học vị Tiến sĩ quốc gia, học vị cao nhất của Pháp; người Việt Nam đầu tiên trở thành Giáo sư toán học của Trường đại học Zurich, Thụy Sĩ. Ông là Chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học Việt Nam, là Tổng biên tập đầu tiên của hai tờ báo toán học Việt Nam (Vietnam Journal of Mathematics và Acta Mathematica Vietnamica)…

Hai quyết định quan trọng quãng đầu đời

Lê Văn Thiêm sinh ngày 20-3-1918 trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, tại xã Trung Lễ - huyện Đức Thọ - tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1939, do đỗ tú tài xuất sắc về Lý, Hóa, Sinh, Lê Văn Thiêm được học bổng sang du học ở Pháp, rồi thi được vào trường đại học danh tiếng École Normale Supérieure de Paris, nơi đào tạo nhân tài của nước Pháp, ngay cả người Pháp cũng rất khó khăn mới thi đỗ vào trường này. Năm 1943, Lê Văn Thiêm tốt nghiệp Thạc sĩ tại Paris. Trong quãng thời gian này, ông là người đầu tiên trên thế giới giải được bài toán ngược trong Lý thuyết các hàm phân hình mà nhà toán học vĩ đại Nevalina, người Phần Lan, đã đặt ra. Chắc còn nhiều kỷ lục đầu tiên nữa của Lê Văn Thiêm mà ngày nay ta chưa được biết, bởi ông là người không bao giờ nói về thành công của mình! Chẳng hạn, mãi rất nhiều năm sau này, do hai giáo sư H.Esnault và E.Viehweg từ Đại học tổng hợp Essen, nước Đức, chúng ta mới biết vào những năm đang có thế chiến thứ 2, Lê Văn Thiêm đã sang Đức. Khi đó, với học bổng của của Quỹ Alexander von Humboldt, ông sang làm luận án Tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Gottingen, một trung tâm toán học nổi tiếng nhất thế giới lúc bấy giờ. Và tại đây, ngày 4-4-1945, ông đã bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ Toán học về đề tài Giải tích phức với điểm cao tuyệt đối. Lê Văn Thiêm quay lại Paris ngay để học tập và nghiên cứu, đến năm 1948, ông trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận được học vị Tiến sĩ quốc gia, học vị cao nhất của nước Pháp. Năm 1949, ông lại là người Việt Nam đầu tiên trở thành Giáo sư Toán học và Cơ học tại Đại học tổng hợp Zurich danh tiếng của nước Bỉ và của thế giới.

Những năm đó, ở châu Âu, nhiều người nhìn Lê Văn Thiêm như là một tài năng xuất chúng mà nhiều nhân tài khác mong ước thành đạt được như ông. Nhưng không mấy ai hiểu rằng, ông luôn luôn thương nhớ về quê nhà, nhất là sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Tổ quốc Việt Nam. Năm 1946, cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp bùng nổ, Lê Văn Thiêm càng theo dõi tình hình của đất nước với lòng thương yêu da diết. Do vậy, nghe theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, GS Lê Văn Thiêm ở Đại học Zurich lừng danh đã đột ngột đi đến một quyết định đặc biệt, khiến cuộc đời ông rẽ ngoặt sang một hướng khác. Đó là quyết định trở về Tổ quốc để cùng tham gia vào sự nghiệp kháng chiến giành độc lập tự do cho dân tộc. Ngày trai trẻ, lòng say mê khoa học đã dẫn dắt Lê Văn Thiêm đi du học và đạt nhiều thành tích. Còn vào năm 1949, lòng yêu nước khiến ông từ bỏ địa vị khoa học và danh vọng ở châu Âu, trở về với Tổ quốc đang chiến đấu!... Những năm cuối đời, đôi khi ông thổ lộ với người thân rằng, đời ông chỉ có hai quyết định cho cuộc sống bản thân, là đi du học và trở về nước, rồi càng sống càng thấy làm vậy thật đúng!

Làm toán để đóng góp sức mình cho đời

Lê Văn Thiêm đã theo đường hàng không từ Paris về Bangkok, Thái Lan. Sau đó, ông theo đường bộ qua Campuchia, về vùng rừng U Minh thuộc Khu 9, Nam Bộ, và tham gia kháng chiến tại Sở Giáo dục Nam Bộ từ ngày 19-12-1949. Là một giáo sư từ Tây Âu về, ông đã hòa mình vào cuộc sống kháng chiến rất nhanh chóng, đến mức, chỉ sau 4 tháng, cấp ủy cơ quan Sở Giáo dục Nam Bộ đã xét và kết nạp Lê Văn Thiêm vào Đảng!

Sau thắng lợi chiến dịch Biên giới, 1950, Chính phủ Việt Nam ta bắt đầu tiến hành công tác chuẩn bị lực lượng khoa học cho việc kiến thiết đất nước sau ngày toàn thắng. Trên cả nước hình thành ba trung tâm đại học. Trung tâm Việt Bắc có Đại học Y, Ban Quân dược, Cao đẳng Công chính và Cao đẳng Mỹ thuật. Trung tâm Thanh - Nghệ với hai phân hiệu Khoa học Xã hội và Khoa học Nhân văn. Khu học xá Trung ương (đặt nhờ tại Nam Ninh, Trung Quốc) thì đào tạo các cán bộ khoa học và giáo viên trung học. Năm 1951, chính phủ điều động GS Lê Văn Thiêm từ Nam Bộ ra Bắc. Ông đeo ba lô đi bộ sáu tháng đường rừng thì tới Việt Bắc, và được giao nhiệm vụ xây dựng Trường Khoa học cơ bản và Trường Sư phạm cao cấp. Cùng một số giáo sư hàng đầu và nhiều cán bộ khác, ông tiến hành tạo dựng từ cơ sở vật chất cho đến chương trình giảng dạy, phương thức tuyển sinh viên… Khi hình thành hai trường với tên gọi Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội Đại học Sư phạm Khoa học, chính phủ cử Lê Văn Thiêm làm Hiệu trưởng cả hai trường.

Để tạo dựng nền khoa học giáo dục đại học cho nước Việt Nam độc lập và tự chủ, tiến hành ngay từ chiến khu Việt Bắc, trong tay những nhà giáo kháng chiến, tiêu biểu là các giáo sư Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Lê Văn Thiêm, Hồ Đắc Di… hầu như ngoài một số sách mang được từ Pháp về, chẳng có cuốn giáo trình đại học nào. Vậy mà họ đã lập nên kỳ tích: Ngay sau khi hòa bình lập lại, những trường đại học của Việt Nam đều có giáo sư và cán bộ người Việt Nam giảng dạy, và các giáo trình đều bằng tiếng Việt! Kỳ tích khiến giới khoa học giáo dục quốc tế phải kinh ngạc đó, có sự đóng góp đáng kể của Hiệu trưởng hai trường Khoa học và Sư phạm từ chiến khu Việt Bắc!

Là một giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực Toán học lý thuyết, Lê Văn Thiêm đã chuyển sang nghiên cứu những bài toán đáp ứng thực tiễn cuộc sống. Những năm này, chỉ nửa nước - miền Bắc có hòa bình, và phải vừa kiến thiết vừa chuẩn bị cho cuộc chiến đánh giặc xâm lược giải phóng toàn vẹn đất nước. Từ năm 1963, ông nghiên cứu công trình Hàm biến thức trong lý thuyết nổ. Ông đưa cả những học trò vào nghiên cứu khoa học. Kết quả công trình nghiên cứu này đã tham gia giải quyết rất hiệu quả một số vấn đề trong thực tiễn cuộc sống. Đó là tính toán nổ mìn hiệu quả cao ở mỏ đá Núi Voi, năm 1964, lấy đá phục vụ xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên. Năm 1966, lập bản tính toán giúp Bộ Quốc phòng nổ mìn làm đường hiệu quả rất cao. Đáng kể nhất là giải bài toán về nổ mìn định hướng, tạo nên hiệu quả rất lớn cho Thanh niên xung phong chống Mỹ trong việc nạo vét dòng kênh Nhà Lê từ Thanh Hóa vào Hà Tĩnh, tuyến đường thủy quan trọng vận chuyển hàng hóa, vũ khí vào chiến trường. Phương pháp này còn được áp dụng để làm đường chiến lược ở Trường Sơn. GS Lê Văn Thiêm đã biên soạn thành một giáo trình hoàn chỉnh cho Thanh niên xung phong và Bội đội công binh, những người không có chuyên môn toán học, sử dụng rất thành công nổ mìn định hướng. Người ta nói rằng, bài toán nổ mìn định hướng đã giúp bộ đội và Thanh niên xung phong bớt đi rất nhiều mồ hôi và xương máu trên những tuyến đường tiền phương. Còn học trò của GS Lê Văn Thiêm, cũng đã là những nhà toán học, thì nói rằng, thầy của họ đã làm toán, luôn luôn giải những bài toán lớn, không phải để làm giàu, không phải vì danh vọng, mà là để đóng góp phần mình cho đời…

Trong đời thường…

GS Lê Văn Thiêm qua đời ngày 3-7-1991. Nhà toán học nổi tiếng Nguyễn Xuân Tấn, một học trò của GS Lê Văn Thiêm, nói rằng, rồi người đời sẽ còn mãi nhắc về thầy mình trong sáng tạo khoa học, và trong cả những chuyện đời thường với cái tật “đãng trí bác học” của ông.

Một chuyện, thời chiến tranh chống Mỹ, các học trò ông còn nhớ và kể cho thế hệ sau nghe: Phương pháp nổ mìn định hướng của GS Lê Văn Thiêm là dùng mìn nổ dưới lòng kênh để hắt hầu hết đất đá lên bờ kênh mà không rơi xuống lòng kênh. Một hôm, nhóm bốn sinh viên năm thứ ba của Đại học Tổng hợp lên đường vào tuyến lửa Khu 4 để cùng đơn vị Thanh niên xung phong nạo vét kênh Nhà Lê theo phương pháp nổ mìn định hướng. Lúc xe sắp chuyển bánh thì GS Thiêm hớt hải đạp xe đến, gọi mấy học trò xuống dặn dò, rồi rút ra 72 đồng đưa cho họ. Thời đó 72 đồng là số tiền lớn, bằng lương tháng của kỹ sư bậc hai. Học trò của ông hết sức cảm động, và biết, thầy của họ chỉ giữ lại một món nhỏ để chi dùng cho đến kỳ lương tháng sau! Một trong số sinh viên ấy là Hà Huy Khoái sau này là nhà toán học danh tiếng, mỗi khi nhớ lại, đều cho rằng, chuyến đi đó kết đọng một bài học lớn trong đời làm toán của mình cùng hình ảnh người thầy vô cùng thân yêu.

Một chuyện, thời bao cấp: Có lần, GS Lê Văn Thiêm cùng vợ đi xem phim ở rạp Tháng 8. Bà đi gửi xe đạp, ông mải suy nghĩ nên cầm cả hai vé đi vào rạp. Buổi chiếu được một lúc, nhìn ghế bên cạnh, ông lẩm bẩm một mình: “Phim hay thế mà có người bỏ vé không đi”. Nhưng, ông nhớ ra, bà còn đang ở ngoài, nên liền đi ra năn nỉ người gác cổng cho bà vào xem phim. Xem hết phim, ông tình nguyện đi lấy xe đạp, nhưng lại… đạp thẳng xe về nhà, và cứ phân vân, tự hỏi rằng, bà ấy đi đâu mà bây giờ vẫn chưa về? Nghĩ một lúc mới hiểu ra, ông liền vội vã đạp xe quay lại, thì gặp bà đang lững thững đi bộ về nhà!

Một chuyện về hút thuốc: Có học trò của GS Lê Văn Thiêm đã hỏi thầy của mình rằng, sao thầy lại có thói quen cứ hút sáu điếu thuốc lào liền một lúc? Giáo sư giải thích rằng, vì có lần đi bộ lâu trong rừng buồn quá, chẳng có thú gì hơn. Hóa ra, hồi 1951, từ Nam Bộ, suốt sáu tháng lặn lội qua những chặng đường rừng mới tới Việt Bắc, ông đã có thói quen mỗi lần hút thuốc lào là làm sáu điếu liền…

… và trong khoa học đỉnh cao

Bảy năm sau khi GS Lê Văn Thiêm qua đời, có một cuộc hội thảo Toán học quốc tế Giải tích phức và ứng dụng, tại Việt Nam từ ngày 24 đến 26-9-1998, để tưởng nhớ và ghi nhận những đóng góp to lớn của cố GS Lê Văn Thiêm đối với nền toán học thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nhân dịp ông tròn 80 tuổi. Rất nhiều đồng nghiệp, trong đó có nhiều học trò của ông từ các trường đại học, từ các trung tâm nghiên cứu khoa học trong cả nước tham dự; đặc biệt, hơn 20 nhà toán học danh tiếng từ hơn 10 nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc… và các nhà toán học Việt kiều có uy tín khoa học cao như Lê Dũng Tráng, Nguyễn Thanh Vân, Fridrich Phạm… tới dự. GS Hoàng Tụy mở đầu hội thảo, nói tới những công lao của GS Lê Văn Thiêm trong kháng chiến chống Mỹ đã từ nhà toán học lý thuyết hàng đầu chuyển sang giải quyết những vấn đề thực tiễn của đất nước, đạt thành công lớn…

Tham luận của Viện sĩ Hàn lâm Hoàng gia Anh, W.K.Hayman, nói về ý nghĩa của công trình cố GS Lê Văn Thiêm công bố nửa thế kỷ trước: Lý thuyết các hàm phân hình mà ngày nay người ta hay gọi là Lý thuyết Nevalina. Các nhà khoa học thế giới đánh giá rằng, Lý thuyết các hàm phân hình là một trong những lý thuyết đẹp nhất của toán học thế kỷ 20! Tham luận của Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Pháp, B. Malgrange, nói về những ấn tượng tốt đẹp qua những lần làm việc với GS Lê Văn Thiêm tại Pháp cũng như tại Việt Nam. Ông nói, do uy tín của GS Lê Văn Thiêm và thành tựu của toán học Việt Nam, ngay từ những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, ông và các nhà toán học Pháp nổi tiếng thế giới như L.Schwartz, E.Gothendichk, S.Verdier… đã tới Việt Nam giảng bài, trao đổi khoa học.

Các nhà toán học đều hiểu, không ít người đã công bố hàng trăm công trình trên các tạp chí mà không mấy ai biết đến. Ngược lại, có người cả đời chỉ làm một, hai công trình mà là đóng góp lớn cho khoa học nhân loại. Đơn cử trường hợp Nash, nhà toán học Mỹ với công trình Điểm cân bằng trong kinh tế mới công bố trong luận văn tiến sĩ. Sau khi nhận bằng tiến sĩ, ông bị bệnh tâm thần, không làm việc được nữa. Nhưng công trình đó được nhiều nhà toán học viện dẫn trong công trình của mình, nhiều nhà kinh tế áp dụng đạt hiệu quả lớn, và Nash được trao Giải Nobel về Kinh tế năm 1994. Còn GS Lê Văn Thiêm, lúc sinh thời chỉ công bố dăm công trình, nhưng đã luôn được các nhà toán học khác viện dẫn trong các công trình của họ. Tại cuộc hội thảo, nhiều giáo sư nổi tiếng thế giới như S.P.Ramis (Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Pháp), X.H.Hua (Trung Quốc), M.Oka và M.Yosida (Nhật Bản)… đã trình bày tham luận. Họ nói về những kết quả nghiên cứu của mình có viện dẫn những kết quả các công trình của cố GS Lê Văn Thiêm!...

Nhiều thế hệ các nhà toán học Việt Nam dự cuộc hội thảo thật lớn này, và cũng như các đồng nghiệp quốc tế, đã nêu bật những cống hiến mà người thầy tuyệt vời của mình đã tặng cho đời. Riêng Hà Huy Khoái bỗng chạnh lòng nhớ lại, khi thầy mình tròn 70 tuổi, năm 1988, đời sống còn chưa thoát khỏi những khó khăn của thời bao cấp, Viện Toán học tổ chức một buổi lễ đơn sơ, giản dị mừng thọ. Sau buổi lễ, ông được nghe thầy nói: “Mình không ngờ lại tổ chức to đến thế!”… Lê Văn Thiêm là người như vậy đấy. Ông đâu biết có một cuộc hội thảo tầm cỡ thế giới, là để chúc mừng 80 năm ngày sinh của mình!

ANH CHI