Lai lịch một bài ca được toàn thế giới hát: Chiều ngoại ô Mátxcơva

Bài hát Chiều ngoại ô Mátxcơva Подмосковные Вечера (tiếng Việt thường dùng là Chiều Mátxcơva) ngày nay được toàn thế giới hát. Nó đã trở nên quá quen thuộc không chỉ đối với các ca sĩ, nghệ sĩ, mà cả đối với những người dân thường: thanh niên, sinh viên, học sinh, công nhân, bộ đội...

Người ta hát mà không nhớ (mà cũng có thể là không biết) tác giả của nó là ai và nó ra đời trong hoàn cảnh như thế nào, cứ ngỡ đó là một bài dân ca Nga nào đó. Bài hát có sức sống mãnh liệt như thế, có sức lôi cuốn đặc biệt như thế, nhưng lại sinh ra trong một hoàn cảnh rất bình thường, không có gì đặc biệt.

Chuyện là thế này. Đang lúc xưởng phim Mátxcơva chuẩn bị cho ra đời bộ phim về thể thao Hội thao các dân tộc Nga, những nhà làm phim lo lắng liệu khán giả có đến xem phim này không. Số là vào năm 1955, tại các sân vận động, nơi diễn ra những cuộc thi điền kinh nhẹ, trên khán đài thường là chẳng có ai thèm đến xem. Để thu hút khán giả, những người làm phim quyết định phải lồng vào trong phim một bài hát nào đó. Không phải bài hành khúc thể thao, mà phải là một bài ca trữ tình.

Nhà thơ Mikhail Lvovich Matusovsky. Sinh ngày 23/7/1915 tại Lugansk. Mất ngày 16/7/1990 tại Moscow.

Với ý tưởng đó, các đạo diễn phim đặt hàng cho nhà thơ Mikhain Matuxốpski và nhạc sĩ Vaxili Xôlôviốp Xêđôi viết một bài hát diễn tả buổi chiều mùa hè êm ả với đôi trai gái yêu nhau trong khung cảnh thanh bình, xa lạ với những cơn bão táp của thế kỷ. Vaxili Xôlôviốp Xêđôi là tác giả của nhiều bài hát dành cho nhiều loại phim, ông luôn nhiệt tình hưởng ứng những sự kiện sốt dẻo. Nhưng trong trường hợp này, nhạc sĩ không cho sự kiện này có ý nghĩa gì đặc biệt, đó chỉ là những thước phim thời sự - tài liệu.

Tuy vậy, nhạc sĩ Vaxili Xôlôviốp Xêđôi cũng cứ bắt tay vào sáng tác nhạc trên lời của nhà thơ Mikhain Matuxốpski. Nhạc sĩ vừa đàn piano vừa hát. Đột nhiên ông dừng lại. Một cảm giác chán ngán: ông không hài lòng với giai điệu bài hát ông vừa sáng tác. Ông liền cầm lấy bản thảo, vo tròn và vứt vào sọt rác, rồi đi vào phòng ngủ với hy vọng sáng hôm sau ông sẽ nghĩ ra một giai điệu mới.

Sáng sớm hôm sau, bà Tachiana Riabôva – vợ của nhạc sĩ – như thường lệ quét dọn phòng làm việc của chồng. Bà nhấc sọt rác định đem đi đổ, bỗng bà nhìn thấy trong đó một tờ giấy bị vò nhàu, bà nhặt lên và tò mò mở ra xem: một bài hát mới của chồng bà. Lần theo những nốt nhạc bà hát khe khẽ, sợ làm mất giấc ngủ của chồng.

Ông Vaxili đang mơ màng trong giấc ngủ buổi sáng, bỗng nghe thấy văng vẳng xa xa một làn điệu quen quen, hình như ông đã nghe thấy nó ở đâu rồi, sao mà du dương, sao mà êm đềm quá vậy! Lát sau, ông nhận ra giọng hát của vợ ông! Ông ngồi bật dậy và nhẹ nhàng đi ra phòng ngoài, đến đứng sau lưng vợ.

Bà Riabôva vẫn say sưa hát: “Dòng sông nhỏ lững lờ trôi/ Cả dòng sông nhuốm ánh trăng bạc/ Bài ca thoảng nghe đâu đây/ Trong những buổi chiều êm ả này”. Tự nhiên bà nghe thấy có tiếng dương cầm đệm theo giọng hát của bà. Bà giật mình quay lại thì thấy chồng bà đang ngồi bên chiếc đàn piano say sưa đệm cho bà hát.

Hai vợ chồng, ông đàn, bà hát, hát đi rồi hát lại quên hết cả thời gian: “Và bình minh đã rạng/ Xin em yêu đừng quên/ Những buổi chiều êm đềm/ Của ngoại ô Mátxcơva…

Bài hát Chiều ngoại ô Mátxcơva ra đời như thế đấy.

Nhạc sĩ Vasily Soloviev-Sedoy. Sinh ngày 24/4/1907 tại Saint-Peterburg. Mất ngày 02/12/1979 tại Leningrad

Ở xưởng phim, mọi người đều thừa nhận bài hát hay thật, nhưng với phim tài liệu về hội thao thì nó không ăn nhập chút nào, hoàn toàn không đúng chỗ. Rõ ràng bài hát không có liên quan trực tiếp đến những sự kiện mà vì nó khán giả sẽ đến rạp chiếu bóng.

Vì vậy, các nhà làm phim rất ái ngại: với sự sôi nổi, ồn ào, náo nhiệt của hội thao, bài hát sẽ bị lạc lõng và sẽ bị chìm đi trong phim. Nhưng may thay, lúc này có đài phát thanh đến cứu trợ. Một nghệ sĩ của nhà hát nghệ thuật Mátxcơva là Vlađimia Trôsin đã hát bài hát này trên đài vào những buổi chiều. Bài hát đã gây ấn tượng mạnh. Từ đó, các nhân viên bưu điện đã mang đến cho Ban phát thanh những túi thư nặng trĩu với những lời yêu cầu của thính giả: hãy hát lại đi, hãy phát thanh lại đi cái bài hát về dòng sông lững lờ trôi, cả dòng sông nhuốm ánh trăng bạc, về bình minh đã rạng trên sông Mátxcơva…

Mấy năm liền không một buổi ca nhạc nào, không một buổi phát thanh theo yêu cầu của thính giả nghe đài nào có thể thiếu được bài hát Chiều ngoại ô Mátxcơva. Bài hát tuy không trở thành quán quân của hội thao, nhưng đã lập một kỷ lục độc đáo, khó có ai phá được – theo số lượng những yêu cầu của thính giả nghe đài.

Bài hát được phổ biến trong nhân dân, nó thoát khỏi quyền kiểm soát của các tác giả. Nó hình như không còn thuộc về họ nữa, nó trở thành tài sản chung của mọi người…

Ngày nay, bài hát Chiều ngoại ô Mátxcơva đã phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi dân tộc hát bài này bằng thứ tiếng mẹ đẻ của mình, đôi khi thay đổi tên bài hát, thay đổi cả nội dung. Như người Pháp chẳng hạn, gọi bài hát này là Mùa hoa linh lan. Ở Anh, năm 1961, Kenny Ball và ban nhạc Jazz của ông đã trình diễn bài hát này dưới nhan đề Midnight in Moscow.

Ở Nga, cứ 15 phút trong ngày, giai điệu của bài hát này vang lên trên Đài Phát thanh Tin tức và Âm nhạc Mayak (Hải đăng) như nhạc hiệu của đài.
Xin dẫn ra đây nguyên tác bài hát Chiều ngoại ô Mátxcơva bằng tiếng Nga và lời dịch bằng tiếng Việt (dịch ý).

Подмосковные вечера


сл. М. Матусовский
муз.В.Соловьев-Седой

Не слышны в саду даже шорохи,
Все здесь замерло до утра.
Если б знали вы, как мне дороги
Подмосковные вечера.

Речка движется и не движется,
Вся из лунного серебра.
Песня слышится и не слышится
В эти тихие вечера.

Что ж ты милая, смотришь искоса,
Низко голову наклоня?
Трудно высказать и не высказать
Все, что на сердце у меня.

А рассвет уже все заметнее...
Так, пожалуйста, будь добра,
Не забудь и ты эти летние
Подмосковные вечера!

Chiều ngoại ô Mátxcơva


Lời: Mikhain Matuxốpski và
Mhạc: Vaxili Xôlôviốp Xêđôi

Trong vườn thậm chí không nghe thấy tiếng xào xạc,
Tất cả ở đây đều lắng xuống cho đến sáng.
Giá như các bạn biết tôi yêu quý biết chừng nào
Những buổi chiều ngoại ô Mátxcơva.

Dòng sông nhỏ lững lờ trôi,
Cả dòng sông nhuốm ánh trăng bạc.
Bài ca thoảng nghe đâu đây
Trong những buổi chiều êm ả này.

Em yêu ơi, em liếc nhìn ai
Mà đầu cúi thấp?
Thật khó nói nên lời
Tất cả những gì trong tim tôi.

Và bình minh đã rạng…
Xin em yêu đừng quên
Những buổi chiều êm đềm
Của ngoại ô Mátxcơva!

Bài hát Chiều ngoại ô Mátxcơva được sáng tác trên eo đất Karen ở Kômarôva trong phòng làm việc tại một nhà nghỉ của nhạc sĩ Vaxili Xôlôviốp Xêđôi ở ngoại ô Mátxcơva. Bản thân tác giả lúc đầu cũng không hiểu hết giá trị của kiệt tác của mình.

Vì vậy, ông không tham dự cuộc thi quốc tế những bài hát tiến hành tại Đại hội Liên hoan thanh niên toàn thế giới ở Mátxcơva vào mùa hè năm 1957. Vì thế mà ông hoàn toàn bị bất ngờ khi bài hát Chiều ngoại ô Mátxcơva của mình đoạt giải nhất và được thưởng huy chương vàng!

Sau liên hoan, bài hát này bắt đầu được nhiều người hát. Đặc biệt lúc bấy giờ có một nhạc sĩ piano người Mỹ được giải nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế P.I. Tchaicốpski là Van Cliburn đến Nga. Trong một buổi hòa nhạc tại Mátxcơva ông đã đàn bài Chiều ngoại ô Mátxcơva trên piano.

Khán phòng im lặng lắng nghe, rồi đột nhiên vỡ òa tiếng vỗ tay kéo dài không ngớt. Bản nhạc được ghi băng, và Cliburn đã đem đoạn băng về Mỹ. Tại quê hương mình, ông tiếp tục biểu diễn bài hát đó và được dân chúng Mỹ hoan nghênh nhiệt liệt. Xôlôviốp Xêđôi cho rằng, chính nhờ người nhạc sĩ Mỹ này mà bài hát của ông được phổ biến nhanh ra nước ngoài.

Trần Văn Cơ