Lan - vương giả hoa

Trong bài “Hoa thảo” (Vũ trung tuỳ bút), Phạm Đình Hổ viết về lan như sau: “Đời xưa gọi lan là vương giả hương (loài hoa có hương vương giả) vì hoa lan thanh nhã, bất phàm. Những thứ hoa kỳ quái làm người ta say mê không thể ví với nó được. Đời xưa, còn có những tên cửu uyển lan, song nay không thể biết hết. Hãy cứ sở kiến mà bàn, thì những thứ thạch lan, thanh lan cũng hiếm có, mà thứ tố lan cũng không dễ mua. Đông lan là một thứ giống huệ ngày xưa, cái thứ ta thường gọi là hoa huệ, tức là thứ cỏ huệ ở ngoài đồng vậy. Còn thứ kiến lan thì cánh hoa ngoài xanh trong trắng, hơi điểm sắc đỏ, lại có bốn lưỡi gà như lông gà gô, giống này gọi là giống ngọc quế, trồng nó phải để ý, giữ gìn, trân trọng…”

Tục ngữ có câu: “Vua chơi lan, quan chơi trà”, lan được coi là vương giả hoa là thế. Thật ra chẳng cứ gì vua, các nhà nho vẫn thường yêu lan và chơi lan. Ông thân sinh của Phạm Đình Hổ là một ông quan to đời Lê, chắc cũng chơi lan và từng nói nhiều về hoa lan. Họ Phạm lại là người say mê tìm hiểu những thú vui văn hoá, nên mới có những trang viết về lan thăng hoa như thế…

Phạm Đình Hổ còn có lời bình về hoa lan khá tinh tế và xác đáng, khi ông dẫn sách người chơi lan, vì quý nó mà chăm bón rất cầu kỳ như: "Trồng bằng chậu sứ Trung Hoa, bón bằng thứ bùn phơi khô đốt ủ hoặc lấy những sừng hươu, bã chè khô phủ lên trên gốc, rồi lấy nước ngâm cá ươn tưới cho nó; mỗi ngày phải ngắt lá úa, rửa lá tươi vài lần. Nó đâm lá ra xanh tốt, có khi dài đến hai thước, mỗi giò có đến vài mươi cái hoa; lúc thưởng hoa thì đốt hương tùng chi mà thưởng ngoạn…”

Họ Phạm phê phán lối chơi trần tục ấy như sau: “Ôi, như thế có phải là bản sắc của hoa đâu! Đó chỉ là lấy cái màu sắc rực rỡ để thưởng lan, chứ không biết lấy cái phẩm cách của lan mà thưởng lan…

Xưa kia, ông Khuất Nguyên đi bên bờ đầm mà hát: “Kết hoa lan mà đeo”. Đức Khổng Phu Tử dừng xe trước một hẻm núi, cũng đàn hát thương cho cây lan có vẻ đẹp hương thơm mà đời không ai biết, từ đó hoa lan mới nổi tiếng là quốc hương.

Ta xem như trên bờ sông Tương, sông Nguyên (nơi Khuất Nguyên bị đày - NVP), trong hang núi Quy, Mông (núi quê Khổng Tử - NVP), lan mọc ra vẫn tự nhiên, nó ở lẩn với cỏ dại thì lấy đâu người bón tưới cho hậu, mà cái vẻ thanh hương vẫn kết tri với đại nhã, bậc triết nhân? Huống chi chất thối, mùi nồng là kẻ thù của hương vị thanh đạm, thế thì những mùi xú uế của đất bùn cá thối, dẫu đến các thứ hoa nhàm, cỏ dại cũng không chịu được, mà bảo lan là thứ danh hoa tuyệt phẩm, lại nhờ vào những thứ ấy mà tốt thì ta không dám tin…”

Bình phẩm về lan như thế thì quả là tri âm, tri kỷ với lan đến chừng nào!

Lý Bạch cũng rất yêu lan. Ông hay đến những nơi núi non để tìm lan và chỉ ở đó mới có những người chán cảnh đời lắm nỗi buồn phiền, tách mình ra ngoài mà sống thanh cao. Thơ ông viết về lan, là những câu rất trang trọng về tình bạn ấy:

Nhĩ năng chiết phương quế,
Ngô diệc thái lan nhược.

(Anh hãy bẻ quế thơm,
Còn tôi hái lan ngát).

Bây giờ ai chơi lan, có được tâm hồn của lan như Lý Bạch?

Một số loại lan còn có tác dụng làm thuốc chữa bệnh. Đó là lan thảo hay còn gọi là trạch lan, trồng nhiều năm bộ rễ rất rậm, toàn thân cây lan này được dùng làm thuốc… Nghề Đông y các thứ, quý như sâm, kỳ, quy, truật, các vị thông dụng có đỗ trọng, sinh, thục, đại táo (táo Tàu), khởi tử,… nhưng nếu thấy đơn thuốc mà có vị lan thảo, thì cứ đọc đến tên xem ra người cũng nhẹ đi được chút ít bệnh tật rồi!

Có nhà văn cho lan quý ở nước ta là do trạng Mạc Đĩnh Chi sang sứ Trung Quốc rồi đem được về nước. Đâu phải thế nhỉ?! Đâu có núi là có lan. Chẳng cứ phương Đông, phương Tây cũng có. Vì thế tiếng Anh (orchid), tiếng Pháp (orchidee) đều có từ này cả!

Nhưng các nhà nghiên cứu đều cho rằng họ lan (orchidacées) đều có gốc ở miền nhiệt đới. Lan gắn liền với núi, do đó gọi là sơn lan. Và lan hay nở về mùa xuân nên cũng gọi là xuân lan (Xuân lan, thu cúc mặn mà cả hai - Truyện Kiều). Bây giờ người chơi lan có ở khắp thế giới, ai mà có được giống lan hiếm, đều được các nhà chơi lan, qua e-mail, lùng xin ảnh bổ sung cho bộ ảnh sưu tập của mình.

Người ta còn cấy phôi để nhân những giống quý để tránh bị tuyệt chủng. Ở nước ta, rừng thấp như Cúc Phương, cũng đã có lan, huống chi những ngọn núi nổi tiếng như Tam Đảo, Ba Vì, Hoàng Liên Sơn, Bạch Mã v.v… Lan có địa lan và phong lan. Địa lan thời Phạm Đình Hổ mới kể được mấy giống lan quý như: mặc lan, kiến lan, chứ bây giờ lên Đà Lạt mà xem, đã có nhiều giống mới rất đẹp.

Tôi cũng có nhiều kỉ niệm về hoa lan. Lần đi Quảng Trị năm 1972, thật bất ngờ, ở giữa một cánh đồng ở Triệu Phong, tôi phát hiện trên một cây bị bom vặt hết cả tán có một cây phong lan rất đẹp. Quên cả nguy hiểm, tôi trèo lên cây lấy xuống, đếm được đến cả bảy giò.

Về Quảng Bình ngủ qua đêm, hôm sau, không biết một tên “đạo chích” nào, hắn cũng là kẻ mê lan, lấy béng mất ba giò! Cũng may kẻ trộm còn có lương tâm, để lại bốn giò. Về Hà Nội, tôi chia hai giò cho Hữu Nhuận, người đứng dưới gốc nhìn tôi trèo cây nhẹ nhàng tách cả cụm lan ra khỏi cây… Năm ấy, trời trả công, giò phong lan trổ hoa rất đẹp… Nhà nhiếp ảnh báo Văn Nghệ, mê quá, nháy luôn đưa vào báo Tết.

Dạo ấy, cả Hà Nội chơi phong lan. Nhà thơ Huyền Kiêu có cả một giàn phong lan, khách đến đều được chủ dẫn ra khoe. Nhà văn Kim Lân thỉnh thoảng cũng xách về toà soạn một giò hoàng thảo hay phi điệp. Tôi khen rằng, ai đặt tên cho loài phi điệp này thật hay: hoa trắng điểm tím, nhành dài, khi hoa nở, đúng như một đàn bướm cất mình bay lên thật. Ông Kim Lân cười bảo: “Tớ đặt tên chứ ai!”

Một lần khác, cô bạn ở Sa Pa về cho một giò lan núi. Cô bảo: “Mấy nhà sinh vật đi rừng rẽ qua cho, đây là giò hài vệ nữ!”.

Cái tên đẹp quá, tết ấy hẳn có lộc. Mồng hai tết hoa nở… Những bông hoa thật xinh xắn, cánh trắng như màu sữa đông, phía dưới cánh là màu tím như nhung, nhị vừa nở, thơm nhẹ nhàng và kín đáo, sang trọng.

Khi bất ngờ thấy hoa nở, tôi thốt lên đến kinh ngạc, ngắm kĩ mỗi hoa, đúng là nó đẹp như một chiếc hài sang. Tôi thốt lên: “Tên đẹp thế. Quả nhiên hoa thật tuyệt vời, không biết ai đặt, chẳng lẽ lại là ông Kim Lân?” Sau này, đọc sách, mới biết cái tên hài vệ nữ là của Tây đặt, tôi cũng rất phục, thấy đúng quá, hay quá!

Bây giờ thiên hạ chơi lan càng nhiều. Tết đến, ngoài đào, quất, mai, cúc, lay ơn…, nhiều nhà còn chơi lan nữa. Hoa làm cho người ta dịu lòng, thơ thới thanh thản, nhất là lan, người xưa chơi lan phải là dạng tao nhã mới chơi… thưởng lan như là một thú tìm hoa, tìm người tri kỷ… Người chơi lan hiện đại, liệu có được như thế chăng?

NGÔ VĂN PHÚ