Sau đó thì được tin thuyền đánh cá của bà con ta vào tránh bão ở đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), bị người có vũ trang phía Trung Quốc xua đuổi, đánh đập tàn bạo. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta đã tuyên bố: Bộ Ngoại giao đã gửi công hàm đến Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam phản đối việc đó; đòi chấm dứt việc đó. Sau đó thì một mạng đưa tin: trên tờ Hoàn Cầu (Trung Quốc) đăng nhiều ý kiến của bạn đọc phía Trung Quốc khiêu khích Việt Nam nói những lời sai trái, thô bạo… Đây chẳng qua chỉ là một trong hàng vạn sự việc phức tạp trong quan hệ Việt - Trung.
Vấn đề không đơn giản, không thể chỉ nói trong mấy câu. Hiện tại thì Trung Quốc, theo lời di huấn của Đặng Tiểu Bình, đang ra sức xây dựng hạm đội, máy bay, tên lửa… “chuẩn bị chiến tranh trên biển”. Biển ở đây có biển liên quan đến Nhật, Hàn, Đài Loan, các nước Đông Nam Á, và dĩ nhiên, Việt Nam cũng nằm trong số đó. Một số người thuộc phái “diều hâu” của Trung Quốc thường viết bài, nói ra muốn phải đánh Trường Sa trong sớm tối để giành lại “chủ quyền” của Trung Quốc bị Việt Nam xâm phạm. Một số báo, đài địa phương của Trung Quốc từng có lúc tuyên truyền Việt Nam chiếm lãnh thổ của họ, khai thác tài nguyên, “vong ơn bội nghĩa”… Người dân bình thường ở nước Trung Hoa, rất dễ bị kích động vì sự tuyên truyền xuyên tạc này.
Quá trình quan hệ Việt – Trung trong 60 năm nay rất nhiều trang tốt đẹp. Ta dựa vào Trung Quốc, Liên Xô, cả phe XHCN, cả nhân loại tiến bộ, cả nhân dân Mỹ… để chiến đấu chống xâm lược, thống nhất Tổ quốc. Trung Quốc đã giúp ta cả trong kháng Pháp và chống Mỹ, giúp đỡ to lớn, tích cực. Nhưng bên cạnh đó, hai bên cũng có những bất đồng. Những toan tính của phía Trung Quốc vì quyền lợi quốc gia, vì quan điểm riêng của họ, ta có thể hiểu. Nhưng mưu toan chiếm đảo, chiếm biển, đầu tiên là bằng “bản đồ” từ tận những năm 50 của thế kỷ trước, là thể hiện một toan tính hoàn toàn không thể chấp nhận.
Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa khi ta đang dồn sức đánh Mỹ, giải phóng miền Nam, lúc đó Hoàng Sa do chính quyền Sài Gòn quản lý. Ta không phản đối mạnh không có nghĩa là ta “chịu”. Kịp đến khi giải phóng miền Nam, ta nhanh chóng giải phóng các đảo thuộc Trường Sa. Hoàng Sa, Trường Sa… từ mấy thế kỷ nay thuộc chủ quyền Việt Nam, do Việt Nam quản lý, khai thác (dưới thời thuộc Pháp, thời chính quyền Sài Gòn…), nơi Trung Quốc chưa hề đặt chân đến đó. Nay nếu vì muốn bá chiếm biển Đông, để mở đường xuống tận Đông Nam Á, tranh chấp với Mỹ, Nhật, Ấn Độ… về con đường vận chuyển huyết mạch đó, hay còn có ý đồ khống chế cả Nam Thái Bình Dương… như một số người ở Trung Quốc nói ra, thì dù tăng cường sức mạnh quân sự bao nhiêu cũng khó mà làm, khó mà nuốt trong thời hiện đại, đa cực, đa phương, cả thế giới liên lập, dựa vào nhau.
Việt Nam là một nước nhỏ hơn Trung Quốc nhiều lần, chắc chắn không bao giờ đi khiêu khích Trung Quốc, mà luôn luôn biết điều, tôn trọng hòa bình, ổn định, hợp tác, cùng có lợi… Những cái đầu lớn, những người có tầm chiến lược và cả một nhân dân lương thiện ở Trung Hoa chắc chắn cũng sẽ hành động như vậy. Do đó, ta cũng không nên mắc mưu kích động của bất cứ ai có động cơ, toan tính riêng. Ta tin vào đường lối đối ngoại có cân nhắc cẩn trọng của Đảng ta, Nhà nước ta, một đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, nhằm giữ vững môi trường hòa bình, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, tranh thủ các nguồn lực quốc tế cho việc xây dựng đất nước ta.
Bài liên quan: