Có những ngành không những số thí sinh xin dự thi quá ít so với số chỉ tiêu định tuyển mà điểm thi của những ứng viên này lại quá thấp.
Những nguyên nhân dễ thấy:
1. Những học sinh ưu tú nhất của Việt Nam hầu như đều theo học tại các đại học nước ngoài theo diện học bổng.
2. Những học sinh ưu tú hay giỏi khác không được học bổng thì chê các ngành khoa học cơ bản, các ngành khoa học xã hội hướng tới nghiên cứu mà chỉ chọn những ngành học ra dễ kiếm tiền trong xã hội hiện nay như ngân hàng, tài chính, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, một số ngành kỹ sư, ngành y, dược… Đặc biệt chê ngành sư phạm.
3. Những học sinh tuy không giỏi, không học khá nhưng con nhà giàu thì tìm đường đi du học tự túc. Trong số này có rất nhiều con cán bộ cao cấp, con nhiều người có trách nhiệm lớn trong ngành giáo dục đại học.
Những người chịu trách nhiệm cao nhất trong ngành giáo dục mà chê trường học do chính bản thân họ trực tiếp tham gia vận hành thì giáo dục như con tàu mắc cạn là phải thôi! Cho nên nhiều người đã ví von rằng du học hiện nay là “tị nạn giáo dục” để nói lên tình trạng xuống dốc của giáo dục nước ta.
Bản thân việc du học không phải là xấu, thậm chí là tốt đối với từng cá nhân và đất nước, nhưng cái sai lầm trong tầm nhìn chiến lược là ở chỗ là việc du học ấy không do quy hoạch chủ động đào tạo nhân lực của nhà nước cần thiết cho sự phát triển của đất nước, mà lại hoàn toàn bị lệ thuộc vào nhu cầu đào tạo ngành nghề của các đại học nước ngoài và ý muốn riêng của từng du học sinh.
Đương nhiên, trong đó có ý định thu hút tinh hoa chất xám của nước cấp học bổng. Có thể thấy rõ những hiện tượng này qua chính sách cấp học bổng cho học sinh nước ta từ lớp 10 trở lên của Singapore và chính sách cấp học bổng cao học, tiến sĩ tại các đại học ở Mỹ.
Ở đây cũng cần ghi nhận một nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc đề ra và thực hiện đề án 322 cấp tiền để gửi người đi đào tạo nước ngoài: trong 10 năm 2000-2010 đã có 4.590 người được gửi đi học đại học và sau đại học tại 832 cơ sở đào tạo của 34 nước với kinh phí 2.500 tỉ đồng, tính theo tỷ giá từng giai đoạn được cấp, tương đương 152 triệu USD.
Đến nay, có 3.017 du học sinh được cử đi học theo diện trên đã về nước, trong đó có hơn 1.000 tiến sĩ(1). Chỉ tiếc rằng đại đa số những người được gửi đi học đã khá lớn tuổi, có thể đã qua cái thời đỉnh cao trí tuệ để học tập, hơn nữa sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ là về nước, không có điều kiện làm việc theo chương trình hậu tiến sĩ, cho nên khó trở thành những nhà nghiên cứu thật sự có khả năng.
Nước ta phải làm sao có kế hoạch đào tạo những học sinh ưu tú nhất thành tiến sĩ trong độ tuổi 20-30 và qua hậu tiến sĩ.
4. Trình độ học lực của rất nhiều học sinh tốt nghiệp trung học của ta hiện nay quá kém.
5. Sau cùng, rất nguy cho giáo dục đại học là số trường đại học của nước ta tăng lên quá nhanh trong thời gian quá ngắn. Hiện nay nước ta có 440 trường đại học và cao đẳng trong đó có 77 trường tư thục mà tốc độ tăng được thấy như sau: từ năm 1998 đến 2011 số trường mới thành lập là 327 trường, đặc biệt chỉ trong 2 năm 2006-2007 số trường mới là 39 trường, bình quân tăng 20 trường/năm; từ 2008 đến 2010 số trường mới là 45 trường, và từ năm 2006 đến 2011 đã có 51 trường cao đẳng nâng lên thành đại học.
Hiện nay 62/63 tỉnh thành của nước ta đều đã có trường đại học, cao đẳng chỉ còn Đắk Nông là tỉnh duy nhất chưa có trường đại học, cao đẳng. Việc tỉnh tỉnh, thành thành, ngành ngành đua nhau mở nhiều trường đại học, cao đẳng trong thời gian quá ngắn như nấm mọc sau mưa này là hiện tượng “độc nhất” của Việt Nam ta, khiến thiên hạ phải “ngả mũ chào thua, cúi đầu bái phục”.
Điều đặc biệt đáng nói nhất không chỉ là tốc độ tăng số lượng quá nhanh mà các đại học được thành lập trong điều kiện quá kém về chất lượng, còn quy mô tuyển sinh lại quá nhiều: Quá thiếu cơ sở vật chất và quá thiếu cán bộ giảng dạy có trình độ đáng gọi là dạy đại học.
Chỉ cần so sánh với một nước chưa phát triển lắm là Thái Lan thì cũng cho ta hình dung được sự yếu kém của nền đại học nước ta: Thái Lan bắt đầu xây dựng đại học theo hướng hiện đại trước nước ta khá lâu, như đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya University tại Bangkok xây dựng năm 1887, đại học uy tín nhất của Thái Lan là Chulalongkorn University xây dựng năm 1917, và xã hội Thái không bị chiến tranh như ta, dễ có điều kiện xây dựng đại học hơn ta, nhưng tới năm 2011, Thái Lan chỉ có 159 trường đại học và cao đẳng, kể cả những trường quốc tế có uy tín chỉ chuyên đào tạo cấp thạc sĩ và tiến sĩ như Asian Institute of Technology được thành lập từ năm 1957(2).
Như vậy về số lượng trường thì Việt Nam xấp xỉ gấp 3 lần Thái Lan. Còn chất lượng thì sao? Một trong các chỉ số rất quan trọng mà thế giới dựa vào đó để đánh giá trình độ giảng dạy và nghiên cứu của nền đại học một nước là tổng số các công trình nghiên cứu được công bố thành các bài báo trên các tạp chí quốc tế trong các chuyên ngành.

Theo cơ sở dữ liệu Web of Science của ISI (Institute of Scientific Information, tại Philadelphia, Mỹ) mà Giáo sư Phạm Duy Hiển đã trích dẫn(3) thì trong thời gian 10 năm từ 1995 tới 2004, Việt Nam ta có tổng cộng 3.236 bài, trung bình khoảng hơn 300 bài/năm, là quá nhỏ bé so với 300.000 bài/năm của Mỹ, 75.000 bài/năm của Nhật, 66.000 bài của Đức, 59.000 bài của Anh, 57.000 bài của Trung Quốc, 47.000 bài của Pháp.
Ngay đối với các nước Đông Nam Á ta cũng thua, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn đã trích dẫn từ ISI(4), cho thấy trong 10 năm từ 1996 tới 2005, tổng số bài báo của Việt Nam là 3.456, của Thái Lan là 14.594, của Malaysia là 9.742, của Indonesia là 4.389, của Philippines là 3.901, và của Singapore là 45.633.
Như thế, Việt Nam vẫn thua tất cả các nước ấy. Thái Lan là nước chưa phát triển lắm, nhưng tổng số bài báo của họ gấp hơn 4,2 lần của ta mà số trường đại học của ta lại gần gấp 3 lần của họ. Như vậy, có thể nói chất lượng đào tạo và nghiên cứu của đại học Việt Nam ta thua Thái Lan khoảng 15 lần!
Nguy cơ tiềm ẩn kéo dài
Đó là những lý do bên ngoài, trực tiếp, nhưng đều là hệ quả của những lý do “chủ chốt ẩn bên trong” đưa đến nguy cơ cho nền giáo dục nước ta, có thể được nêu ra như sau:
1. Quan niệm rằng giáo dục là dịch vụ mà người học phải trả tiền cho người cung cấp kiến thức, y như đi mua bất cứ món hàng hay dịch vụ khác. Đây là quan điểm sai lầm nhất trong phát triển giáo dục của một nước chậm tiến như nước ta và là quan điểm phi đạo lý về mặt xây dựng xã hội, chứ chưa nói đến “xã hội chủ nghĩa” mà nước ta dương danh.
Bắt nguồn từ việc một nền kinh tế hoàn toàn quốc doanh chuyển qua kinh tế thị trường trong đó mọi cơ quan, mọi người có quyền đầu tư để kiếm lời mà cụm từ “xã hội hóa giáo dục” đã ra đời, được tôn vinh.
Điều đáng tiếc là “xã hội hóa giáo dục” không những đã bị hiểu sai mà còn bị lạm dụng khiến cho nhu cầu học tập chính đáng của thanh thiếu niên và nhân dân bị biến thành một thị trường béo bở, là cơ hội cho mọi thành phần từ cơ quan nhà nước tới tư nhân trong và ngoài nước khai thác để kiếm lợi và danh. Xin nêu lên một vài thí dụ:
a. Một cơ sở giáo dục nhà nước, ngoài chỉ tiêu do bộ giao, được chủ động liên kết đào tạo cho các địa phương, các ngành ở nơi xa, mở rộng quy mô đào tạo, tạo ra thu nhập khá cao, nhiều khi cao hơn hẳn lương ở trường chính.
Thậm chí có các trường cao đẳng, nguyên không có thẩm quyền đào tạo cấp đại học và thạc sĩ lại liên kết đào tạo với một số trường đại học ở xa để mở các khóa “đại học hóa” và “thạc sĩ hóa” tại ngay trường mình hay trong địa phương trường mình. Tất nhiên chất lượng đào tạo thì không thể bằng tại trường mẹ, mà ngay trường mẹ thì chất lượng đào tạo cũng còn nhiều vấn đề.
b. Các địa phương trong kế hoạch phát triển nhân lực, xin nhờ các cơ sở giáo dục ở nơi xa đào tạo riêng cho địa phương mình những người để bổ dụng thành cán bộ tương lai mà không cần qua thi tuyển, chỉ qua cử tuyển.
Lợi cho cả hai bên: cơ sở đào tạo thì thu được tiền, địa phương thì có người có bằng cấp thỏa điều kiện bổ dụng, nhưng chất lượng học tập, trình độ chuyên môn thì không có gì bảo đảm! Đó chính là cơ hội để hợp thức hóa bằng cấp, danh phận cho nhiều người.
c. Các ngành, các bộ mở ra các đại học, cao đẳng mang tên của ngành, và tự quản lý về nhiều mặt kể cả chất lượng chuyên ngành mà Bộ GD-ĐT không thể can thiệp.
d. Các tư nhân trong và ngoài nước mở ra các cơ sở đào tạo từ mẫu giáo đến đại học. Một đại học tư do chủ trong nước mở ra thì trước mắt là một số người được lợi và danh: những người vốn đã về hưu, nay thành hiệu trưởng, hiệu phó, trưởng khoa, trưởng phòng… với lương tháng có thể tới vài chục triệu đồng chưa kể lợi tức trên phần góp vốn đầu tư với các chủ trường.
Do đầu óc cục bộ, địa phương chủ nghĩa, tỉnh thành nào cũng đòi mở đại học cho được tiếng là địa phương mình phát triển bất chấp các điều kiện cần và đủ để đại học ấy lớn mạnh. Ngoài ra, rất nhiều cá nhân và tổ chức nước ngoài, có thể gồm cả những tổ chức tôn giáo đầu tư vào giáo dục ở khắp bậc học và khắp các địa phương nước ta dưới danh nghĩa “trường quốc tế” cho con em người Việt giàu có, mà chương trình học thì Bộ GD-ĐT không kiểm soát được, có thể không hề dạy chút tiếng Việt nào.
Những học sinh người Việt Nam ấy không đọc viết được tiếng Việt, không biết lịch sử Việt, không biết văn hóa Việt thì họ sẽ trở thành con người gì trên chính quê hương Việt Nam này? Làm sao họ có thể yêu tiếng Việt, yêu nước để góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước? Chúng ta không chống đối trường quốc tế, nhưng “quốc tế” làm sao cho có ích lợi cho đất nước.
Thái Lan là nước có trường trung và tiểu học quốc tế dạy bằng Anh ngữ trước nước ta hơn nửa thế kỷ, nhưng họ có cách quản lý khá chặt: Tất cả các hiệu trưởng và nhân viên hành chính chủ chốt của trường trung và tiểu học quốc tế phải là người Thái hay có quốc tịch Thái, chương trình học phải được Bộ Giáo dục Thái duyệt trong đó không hàm chứa những tư tưởng chống báng, bài xích văn hóa truyền thống Thái.
Ngôn ngữ Thái và văn hóa Thái được giảng dạy ít nhất 6 tiết/tuần trong mọi cấp học từ tiểu học đến hết cấp 3 cho học sinh là người Thái. Học sinh người nước ngoài phải học ngôn ngữ và văn hóa Thái ít nhất 1 tiết/tuần(5).
Còn ở ta hiện nay thì sao? Có điều kiện ràng buộc gì không?
“Xã hội hóa giáo dục” theo đúng nghĩa là cả xã hội quan tâm, chăm lo cho giáo dục, góp công, góp sức xây dựng giáo dục, nhà giàu hiến tặng đất đai, tiền bạc cho việc xây dựng nhà trường, cấp học bổng cho sinh viên mà không lấy lợi nhuận, nếu có huy động vốn để xây dựng cơ sở giáo dục thì nhiều lắm là chỉ thu lợi nhuận như lãi suất vay của ngân hàng nhà nước, chứ không phải xã hội hóa giáo dục là mọi người lấy giáo dục làm môi trường kinh doanh, trục lợi.
Giáo dục không thể được quan niệm như một dịch vụ như mọi dịch vụ khác, đặc biệt ở nước còn chậm phát triển như nước ta, mà giáo dục là một sứ mạng mà nhà nước và cả xã hội phải có nhiệm vụ lo cho nhân dân để đào tạo nguồn nhân lực cần thiết cho sự phát triển của đất nước, đồng thời với ý nghĩa cao đẹp là nâng cao dân trí, không thể xem giáo dục là dịch vụ cung cấp kiến thức cho những ai có tiền mua và cung cấp được chăng hay chớ theo khả năng và ý đồ của người chủ dịch vụ.
Nhưng cần nói cho rõ, giáo dục phải là “phi lợi nhuận” theo nghĩa là không lấy giáo dục làm phương tiện kiếm lời qua đầu tư, nhưng những cán bộ làm việc cho cơ sở giáo dục ấy phải được hưởng lương bổng đầy đủ để toàn tâm, toàn ý lo cho sự nghiệp giáo dục.
Tại Thụy Điển, giáo dục công lập miễn phí từ mẫu giáo đến cuối đại học, giáo dục cưỡng bách tới cuối cấp 2, học sinh được xe buýt của trường chở miễn phí để đi học, ăn trưa miễn phí tại trường. Tại Pháp, trường công lập hoàn toàn miễn phí từ cấp 1 tới hết đại học. Như vậy, mặc dù các nước ấy theo kinh tế thị trường từ rất lâu, nhưng xem ra giáo dục và y tế họ đã “xã hội chủ nghĩa” hơn ta gấp nhiều lần.
2. Nhà nước đã không đầu tư đúng hướng cho sự phát triển của giáo dục nói riêng và cho sự phát triển các ngành tạo thành cái nền tảng, cái khung, cái sườn, những máy cái cho sự phát triển của đất nước, mà lại thiên về lớp sơn hào nhoáng bên ngoài. Rõ ràng nhất là lương chính thức của giới giáo chức và cán bộ nghiên cứu quá thấp.
"Xã hội hóa giáo dục" là cả xã hội quan tâm, chăm lo cho giáo dục chứ không phải là mọi người lấy giáo dục làm môi trường kinh doanh, trục lợi. |
Một thí dụ điển hình là Viện Toán học Việt Nam với biên chế khoảng 100 con người, ngoài một số nhân viên hành chính, còn lại tuyệt đại đa số là người đã đỗ tiến sĩ, đã dấn thân vào con đường nghiên cứu và đã có ít nhiều kết quả ở tầm cỡ quốc tế, mà ngân sách nhà nước cấp hiện nay chỉ khoảng 7 tỉ đồng Việt Nam (chưa bằng 350.000 USD) mỗi năm, dùng cho mọi chi phí từ cơ sở vật chất, chi phí hành chính và lương bổng.
Trong khi đó chi phí toàn bộ để thuê một huấn luyện viên bóng đá nước ngoài cho đội tuyển Việt Nam thì mỗi năm cũng mất xấp xỉ 360.000 USD, còn tổng số tiền thuê vận động viên bóng đá ngoại: 6 triệu USD/năm, bóng chuyền 0,5 triệu USD/năm(6).
Tất nhiên nước ta cũng cần phát triển bóng đá và tất cả các bộ môn khác như các nước ngoài, nhưng người ta đã có các cơ sở nghiên cứu lớn mạnh với ngân sách hợp lý cho sự phát triển, trong khi ta còn nghèo, chưa đầu tư đúng mức cho các cơ sở máy cái mà cũng lại chạy đua theo những cái hào nhoáng bên ngoài, là sai lầm lớn.
3. Cơ chế quản lý và thăng tiến trong ngành giáo dục và nghiên cứu nặng về chức vụ, về “danh” hơn là về thực học, thực tài. Rất nhiều vị mang danh giáo sư, tiến sĩ nắm giữ những chức vụ quan trọng như phân phối ngân sách nghiên cứu, chọn đề tài, nghiệm thu kết quả, thành viên của Hội đồng phong chức danh giáo sư… mà đã từ lâu không còn nghiên cứu hay có công trình gì được công bố trên tạp chí chuyên ngành quốc tế.
Ai chịu trách nhiệm về những “sai lầm chết người” trên đây? Trong cơ chế của nước ta, không ai trực tiếp đứng ra nhận chịu trách nhiệm cả. Nhưng đúng ra, các ngài Bộ trưởng Giáo dục trong khoảng 30 năm nay phải chịu trách nhiệm, và cao hơn là các Thủ tướng, các vị lãnh đạo cao cấp của đất nước phải chịu trách nhiệm. Nhưng không có ai từ chức hay bị cách chức.
Đề xuất giải pháp
Nếu không có một cải cách mạnh mẽ, toàn diện, cứ để mặc cho tình trạng giáo dục đại học hiện nay tự diễn biến thì sẽ không bao giờ giáo dục đại học nước ta đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Xin đề nghị một giải pháp gồm 4 phần chính như sau:
1. Củng cố các Đại học quốc gia Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các Đại học vùng bằng cách:
a. Tăng cường trang thiết bị hiện đại.
b. Tăng cường số cán bộ giảng dạy có trình độ cao: đang làm nghiên cứu trong chuyên ngành và đã có công trình được công bố trên tạp chí chuyên ngành quốc tế. Các vị không còn nghiên cứu thì xin mời ra khỏi Đại học quốc gia dù mang chức danh gì.
2. Giảm số trường đại học tại các tỉnh:
- Mỗi tỉnh chỉ có thể còn tối đa 2 trường Đại học 4 năm (có thể là công lập hay tư thục) và một Đại học cộng đồng 2-3 năm mà thôi. Nhập nhiều trường yếu kém hiện có trong tỉnh thành một trường lớn, sao cho có ít nhất 30% là cán bộ cơ hữu có trình độ tiến sĩ, và 50% là thạc sĩ (xin miễn kể các tiến sĩ, thạc sĩ theo học các chương trình liên kết đào tạo “dỏm”, học online, từ xa với thời gian từ vài tháng tới chưa đầy 2 năm đã có bằng thạc sĩ, tiến sĩ).
- Tất cả những đại học yếu kém, các trường cao đẳng, các trường dạy nghề, ngành giáo dục thường xuyên trong một tỉnh nhập lại thành một đại học cộng đồng mà thời gian đào tạo từ vài tháng đến 3 năm, với 4 nhiệm vụ: bổ túc văn hóa, giáo dục thường xuyên, dạy nghề, dạy chương trình liên kết 2 năm đầu cho các đại học 4 năm.
Những sinh viên thi không đỗ vào các đại học 4 năm, có thể xin theo học 2 năm tại đại học cộng đồng, sau 2 năm nộp đơn xin tuyển vào một đại học 4 năm, nếu được nhận sẽ tới đại học ấy học tiếp 2 năm cuối, nếu không đại học 4 năm nào nhận thì học một năm nghề tại đại học cộng đồng để ra hành nghề.
Tâm lý của các nhà giáo và cả thanh niên nước ta xem thường đại học cộng đồng, nhưng thật ra, nó sẽ rất phù hợp với hiện tình nước ta. Ngay nước Mỹ, hiện nay các đại học cộng đồng đang phát triển và giữ vai trò quan trọng trong giáo dục địa phương. Nhiều đại học cộng đồng Mỹ có số sinh viên lên tới vài chục nghìn.
Thầy giáo ở đại học cộng đồng không cần phải có bằng tiến sĩ, chỉ thạc sĩ hay cử nhân(7). Rất nhiều du học sinh Việt Nam ta tới Mỹ vào học đại học cộng đồng rồi mới đủ căn bản để xin vào năm thứ 3 của đại học 4 năm.
Đây là một quyết định khó khăn mà Bộ GD-ĐT và chính phủ phải làm. Một đại học 4 năm muốn được tồn tại phải có được 90% cán bộ giảng dạy cơ hữu (không phải là thỉnh giảng từ cơ sở khác), có đủ trình độ giảng dạy đại học trong đó gồm 3 loại:
- Ít nhất 15% có bằng tiến sĩ.
- Ít nhất 50% có bằng thạc sĩ.
- Các nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn tuy không có bằng cấp nhưng đã có nhiều công trình, tác phẩm đã công bố và được xã hội thừa nhận.
3. Giảm quy mô tuyển sinh để tăng cường chất lượng đào tạo:
- Các đại học quốc gia cần có tỷ lệ sinh viên-thầy dạy không quá 10:1
- Các đại học vùng có tỷ lệ sinh viên-thầy không quá 20:1
- Các đại học 4 năm có tỷ lệ sinh viên-thầy không quá 30:1
- Các đại học cộng đồng có tỷ lệ sinh viên-thầy không quá 50:1
Điều nên biết là hầu hết 376 trường đại học hàng đầu của Mỹ có tỷ lệ trong khoảng 10:1 tới 20:1. Các trường nổi tiếng nhất như Harvard College: 7:1; Massachusetts Institute of Technology: 8:1; Princeton University: 6:1; Stanford University: 6:1; Yale University: 6:1; và đặc biệt nhất là California Institute of Technology: 2,7:1(8).
4. Để đào tạo được nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước, thì:
a. Nhà nước phải cấp học bổng toàn phần cho các sinh viên giỏi, ưu tú vào các ngành khoa học cơ bản: Toán, Lý, Hóa, Sinh… và các ngành khoa học xã hội như Sử, Địa, Văn học, Văn hóa dân tộc, Hán-Nôm…
Những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, giỏi trong các ngành này cần được tạo điều kiện thuận lợi để học chuyển tiếp lên cấp cao học-tiến sĩ để họ sớm trở thành những nhà nghiên cứu trong độ tuổi 20-30, và cần phải được sử dụng đúng chuyên ngành với mức lương đủ sống để làm nghiên cứu.
b. Các bộ, các ngành, các doanh nghiệp không nên mở đại học để tự quản mà dành ngân sách cấp học bổng cho các sinh viên giỏi, xuất sắc để gởi họ đi đào tạo tại các đại học chuyên ngành có uy tín trong và ngoài nước và ràng buộc điều kiện trở về làm việc cho cơ quan chủ quản đã cấp học bổng với thời gian 1 năm học - 3 năm làm việc. Tất nhiên là có lương bổng và đãi ngộ xứng đáng trong thời gian làm việc.
Những ý kiến đóng góp trên đây có thể không làm vừa lòng nhiều vị đang điều hành các đại học nước ta. Nhưng có cách nào hữu hiệu hơn?
__________________
(1) Đào tạo mỗi cán bộ ở nước ngoài tốn 33.000USD,
http://tuoitre.vn/Giao-duc/468678/Dao-tao-moi-can-bo-o-nuoc-ngoai-ton-33000-USD.html
(2) List of universities and colleges in Thailand,
http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_universities_in_Thailand
(3) Việt Nam ít ấn phẩm trên các tạp chí khoahọc quốc tế,
http://vietbao.vn/Khoa-hoc/VN-it-an-pham-tren-cac-tap-chi-khoa-hoc-quoc-te/20532815/193/
(4) Chất lượng nghiên cứu khoa học ở Việt Nam qua chỉ sốtrích dẫn,
http://sohoavn.com/index.php?site=news&mod=viewdetail&detail_id=798
(5) Education in Thailand, International Schools,
http://en.wikipedia.org/wiki/Education_in_Thailand
(6) Báo Tuổi Trẻ 2/4/2011, trang 14
(7) Community colleges in the United States,
http://en.wikipedia.org/wiki/Community_colleges_in_the_United_States
(8) The best Colleges: The new 2012 Best 376Colleges,
http://www.princetonreview.com/rankingsbest.aspx