Lily - Mai Lê*

Ngày 24 tháng 4 năm 1946

Chân bị thương không khỏi lại nặng thêm. Sợ bị nhiễm trùng, y tá đại đội đưa tôi vào bệnh viện để chạy chữa. Bệnh viện Phan Thiết đầy ắp bệnh nhân. Mặc dầu phải nằm ngoài hành lang, tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác đang chen chúc nhau chờ được nhập viện. Những ngày sống trong bệnh viện Phan Thiết, tôi đã được nghe nhiều binh lính ở các đơn vị khác kể lại những nỗi gian truân khi phải dấn thân vào vùng rừng rậm nhiệt đới này và những cuộc cướp bóc, bắn giết mà họ đã gây ra cho những người dân lương thiện. Giống như tâm sự của tôi, họ ít nhiều đều có mặc cảm tội lỗi và nể trọng tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí của những chiến sĩ Việt Nam yêu nước ở bên kia trận tuyến.

Ngày lại ngày trôi qua, chân tôi đã gần khỏi. Thương binh chuyển đến bệnh viện nhiều, không còn đủ giường để đáp ứng yêu cầu. Bác sĩ cho tôi giấy xuất viện, và giấy phép nghỉ dưỡng bệnh 10 ngày.

Rời bệnh viện, tôi phải ra trình diện tiểu đoàn trước khi trở về nơi đóng quân. Trong thời gian tôi vắng mặt, thiếu úy Christianis đã kết hôn với một cô gái Việt Nam bé nhỏ, xinh đẹp. Cô ta đỏm dáng và tinh tế, như khiêu khích tất cả mọi người đàn ông trong đại đội. Tại sao và làm thế nào Christianis, một người đã có vợ, mua được cô ta? Cô ta có vẻ để ý đến tôi và tôi cũng mong có dịp để được gần gũi cô ấy.

Một hôm, trong khi đơn vị đang hội họp sau nhà thờ, tôi lần đến chuồng ngựa ở gần buồng của cô gái. Khi cô ta vừa đi ra, tôi đánh bạo ôm cô và hôn lấy hôn để. Cô ta không kêu la mà nhẹ nhàng đẩy tôi ra, cười mỉm. Và chỉ có thế thôi, với sự bồng bột của tuổi trẻ tôi cho đó là một thắng lợi lớn. Tôi chạy về khoe ngay với anh bạn Merinos:

- Merinos, mình có chuyện muốn tâm sự, nhưng cậu có nghe thì giữ kín nhé.

- Tất nhiên, Grêco. Mình chỉ có cậu là bạn.

- Mình biết chứ. Nhưng chuyện sắp nói thì hơi nguy hiểm. Cậu biết không? Nàng thuộc về ông ta theo danh nghĩa. Ông ấy mua nàng, đưa nàng từ Sài Gòn về đây và nàng thuộc về ông ấy.

- Này Grêco, cậu nói nhảm gì thế? Mình không hiểu.

- Về vợ ông thiếu úy chứ còn ai.

- Thế thì được, nhưng để làm gì? Như cô ta thì thiếu gì, rồi cậu xem, từ ba người phụ nữ bản xứ, không lâu nữa sẽ lên đến 13. Grêco, nếu cậu muốn làm gì với cô ta thì làm đi, cũng chẳng có tội lỗi gì; cô ta quả là đẹp như một con búp bê, nhưng phải cẩn thận.

- Cậu biết không? Cô ta nhỏ nhắn lắm.

- Mình không hiểu tại sao những người như thế lại có thể bán mình.

- Chiến tranh, đói rét, mồ côi, đau khổ và bao nhiêu lý do khác. Ở Hy Lạp cũng có bao nhiêu bà mẹ, thiếu nữ phải bán mình trong thời gian Đức chiếm đóng, chỉ để kiếm miếng ăn.

- Đáng tiếc là, Grêco, những cảnh đau khổ ấy cũng đã giáng lên bao nhiêu nước khác.

- Merinos, mình có một bà hàng xóm chỉ vì đời sống mà phải đi lại với bọn Đức. Chiến tranh đẩy bà ta vào việc đó, chiến tranh đã làm người nghèo càng nghèo, người giàu có càng giàu có. Chiến tranh đã đem lại những nguồn lợi lớn cho bọn lái súng.

- Cô ta có biết tiếng Pháp không?

- Không, nhưng vốn tiếng Việt của mình kết hợp với điệu bộ là đủ để nói chuyện với nhau. Mình cần có tiền, cậu có 100 đồng không?

- Có, nhưng cậu cần tiền làm gì?

- Lily là tên con nhỏ. Mình muốn đưa cho Lily.

Tôi đã đợi lúc thuận tiện để chạy đi tìm cô gái. Tôi bảo cô lại chuồng ngựa để nói chuyện. Khi cô ta đến, tôi đưa tiền cho cô.

pic

- Cầm lấy số tiền này, cô Lily. Không phải là nhiều rồi sẽ đưa thêm – Cô nhìn tôi ngạc nhiên không nói. Tôi đặt tiền vào tay cô và nói tôi mong đợi gì ở cô rồi về. Tôi chắc mẩm đã thành công, nhưng ngay tối hôm đó, khi viên thiếu úy còn đang ở bàn giấy để đợi thông báo về chương trình làm việc ngày hôm sau, Lily đến gặp tôi, tay cầm số tiền mà tôi đã đưa:

- Kostas, anh cầm lại tiền đi. Tôi không thể làm điều anh yêu cầu.

Cô hôn tôi dịu dàng như một người em gái rồi đi thẳng. Khi cô đã đi xa, tôi chạy tìm Merinos và kể lại cho anh nghe chuyện vừa xảy ra. Anh ta chế nhạo tôi và nói:

- Này, Grêco. Đừng có mê một con điếm!

- Không, Merinos, cậu nhầm. Nàng hoàn toàn không phải con người như cậu tưởng. Cầu trời những nghi ngờ của mình là không đúng.

Ngày 28 tháng 4 năm 1946

Vào một buổi trưa sau ngày tôi gặp Lily, nhóm tuần tra đã dẫn về một người đàn bà và hai người đàn ông bị tình nghi. Họ nom có vẻ rất chất phác.

Hạ sĩ Casseli bắt ba con người khốn khổ đó đào một hố sâu và buộc họ phải đứng trước hố để họ bị phơi nắng đến kiệt sức, rồi mới tiến hành hỏi cung. Vừa  hỏi cung, hắn vừa đánh đập họ rất dã man. Bị nhiều cú đấm tàn nhẫn của Casseli vào ngực và bụng, họ ngắc ngoải sắp chết.

Phải chứng kiến cảnh tra tấn hung bạo đó, tôi cảm thấy đau đớn như bản thân mình bị hành hạ. Lựa lúc thích hợp, tôi thuyết phục hạ sĩ quan Casseli để cho tôi thả họ ra, vì họ chỉ là thường dân, biết gì đâu mà khai báo. Được sếp đồng ý, tôi đã trực tiếp chăm sóc cho mấy người dân khốn khổ trước khi phóng thích họ.

Hành động nói trên của tôi cũng đã không thoát khỏi cặp mắt sắc sảo của Lily. Cô nhìn tôi đầy thiện cảm. Tôi rất muốn nói chuyện với cô và một dịp đã đến.

Chiều ngày 26 tháng 4 năm 1946, thiếu úy Christianis được lệnh đưa đơn vị đi áp tải đoàn xe về Sài Gòn lấy hàng tiếp tế cho Phan Thiết. Ở lại bảo vệ đồn có 15 lính Lê dương (phần lớn là những người ốm yếu) và có một số lính Pa-ti-gian do viên trung sĩ người Corse chỉ huy. Tôi cũng được Christianis tin cậy giao nhiệm vụ ở lại trông nom bà thiếu úy và trực tiếp phụ trách tốp Pa-ti-gian vì tôi võ vẽ biết một ít tiếng Việt.

Mọi người đều nơm nớp lo sợ nhân cơ hội này Việt Minh tấn công nên đã đóng chặt cổng đồn. Đêm đến, tốp Pa-ti-gian do tôi phụ trách đảm nhiệm việc canh gác từ 6 giờ tối đến nửa đêm, còn việc canh gác từ nửa đêm đến sáng do lính Lê dương phụ trách. Trời về khuya, sau khi kiểm tra hết lượt cả bốn trạm gác, tôi đi đến nhà của thiếu úy Christianis. Trong buồng đèn vẫn còn sáng và Lily ngồi cắm cúi đọc cái gì đó trên bàn làm việc của đức ông chồng. Để trêu đùa làm cho cô ấy phải giật mình, không một tiếng động, tôi nhẹ nhàng lách qua tấm phên cửa, luồn vào đứng ngay ở đằng sau lưng Lily.

Cái gì thế này, tại sao lại toàn là những tài liệu quân sự bằng tiếng Pháp? Cô ta là tình báo Việt Minh, đang lợi dụng lúc ông chồng hờ đi vắng, tìm kiếm những tài liệu bí mật cho lực lượng kháng chiến chăng? Để tìm lời giải đáp cho biết bao câu hỏi đang ập đến trong đầu, tôi nắm lấy vai cô lắc mạnh và hỏi bằng tiếng Pháp:

- Lily, cô làm gì thế?

- Không, chẳng làm gì cả!

Bị bất ngờ, cô trả lời bằng tiếng Pháp chính hiệu và điều đó càng khiến tôi vô cùng ngạc nhiên.

- Hãy nói cho tôi biết, cô lục lọi đống giấy tờ công tác của ông thiếu úy để tìm cái gì? Tại sao cô lại giấu diếm, không cho mọi người biết là cô nói được tiếng Pháp?

Lily nhìn vào mắt tôi, không giải thích một lời, làm tôi thấy rất khó xử. Phải chăng cô đang thăm dò xem tôi đã phát hiện được việc làm của cô chưa và cân nhắc đánh giá phản ứng của tôi trước sự việc này? Tôi nói rõ hơn để cô có thể yên tâm về tôi:

- Lily, tôi muốn biết cô thực sự là ai. Lúc nãy, đứng đằng sau cô, tôi đã thấy cô giấu một số giấy tờ vào trong áo. Tôi rất có cảm tình với những người kháng chiến và yêu quý cô. Cô đừng ngại, cần gì thì cứ cho tôi biết và như thế là hơn, kẻo khi mà ông thiếu úy phát hiện ra sự việc thì tôi muốn giúp cũng đã quá muộn…

Khi Lily hiểu rằng không thể giấu được tôi nữa, cô từ từ rút ra những tờ giấy ghi chi tiết về tất cả những gì có liên quan đến hoạt động của đội quân chiếm đóng ở trong vùng: quân số, vũ khí, các bốt gác, phiên hiệu các đơn vị, mật mã T.S.F cho bí mật của hoạt động thông tin liên lạc, ngày giờ liên lạc với tiểu đoàn, trung đoàn, sơ đồ của vị trí chúng tôi đang chiếm đóng, kế hoạch các cuộc hành quân. Trong tài liệu còn có danh sách những người bản xứ ở các làng lân cận đang bí mật cộng tác với quân đội Pháp… Sự khôn ngoan của người phụ nữ nhỏ nhắn này làm tôi khâm phục. Hoạt động của cô ta thật đáng kể và ghê gớm.

Qua nửa giờ trao đổi cùng Lily, tôi trả lại những tài liệu mà cô đã thu thập được. Tôi khuyên cô phải cẩn thận hơn và một lần nữa cố gắng thuyết phục để cô tin tưởng vào tôi. Bây giờ thì tôi hiểu cô là ai, tôi đã rất sai lầm khi tưởng cô ta chỉ là một cô gái mua vui, một ả điếm không có mục đích gì khác là bòn rút tiền bạc của viên thiếu úy và binh lính trong đơn vị. Thực ra cô là một con người rất cao quý, một anh hùng thực sự của phong trào kháng chiến cứu nước. Cũng như biết bao người con gái Hy Lạp, Nga, Pháp, Tây Ban Nha dũng cảm tham gia hoạt động tình báo chống phát xít, Lily đã quên mình vì sự nghiệp độc lập tự do cho đất nước và đồng bào của cô.

Ngày hôm sau chúng tôi lại tiếp tục trò chuyện. Tôi là người đầu tiên trong đồn biết Lily là tình báo viên của Việt Minh. Tôi đã nói với cô về lòng mong muốn của Merinos, Rossi và tôi là đã từ lâu muốn chạy sang hàng ngũ Việt Minh và đang cố gắng tìm một đường dây đưa chúng tôi về với lực lượng kháng chiến. Cô cũng cho tôi hay rằng nhiều bà con nông dân ở các làng xóm quanh vùng khen tôi là “chàng Lê dương nhỏ - chàng Hy Lạp tốt bụng” và cô rất tin tưởng ở nơi tôi. Còn về chuyện riêng tư của cô, theo như lời cô kể thì tên thật là Mai Lê (Lily chỉ là bí danh). Gia đình cô trước đây làm nghề buôn bán vải vóc ở Sài Gòn và có cuộc sống khá giả, cô được học hành tử tế. Bố mẹ cô là những người yêu nước, nên đã tham gia kháng chiến và đã hy sinh. Mặc dù tuổi còn rất trẻ, cô và một số bạn bè cùng học rời thành phố, lên núi tham gia kháng chiến, quyết đền nợ nước, trả thù nhà. Làm tình báo là cái chết luôn gần kề, nhưng cô không hề run sợ. Cô sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập tự do của Tổ quốc Việt Nam, vì thắng lợi của cuộc kháng chiến cứu nước.

 

--------------------

* Trích hồi ký của Kostas Sarantidis trong sách Chiến sĩ quốc tế - Bộ đội Cụ Hồ Kostas Sarantidis-Nguyễn Văn Lập (NXB Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2011)

Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập