Vịnh Hạ Long những ngày đầu xuân lất phất mưa, những hòn đảo mờ trong màn mưa vẫn khêu gợi vẻ đẹp huyền bí của mình. Trên một khách sạn tiện nghi và sang trọng, gần 100 nhà thơ của gần 28 quốc gia đã đến, nồng nhiệt, cởi mở, chân tình… để bàn về thơ, đọc thơ, tỏ tình hữu nghị, ủng hộ Việt Nam…
Họ đến sân bay Nội Bài trong đêm và đến thẳng Hạ Long. Có đoàn Trung Quốc từ Vân Nam sang thì đi đường bộ, nhưng đoàn từ Bắc Kinh đi máy bay, đông hơn, vì máy bay khó lấy vé, đã đến chậm một chút. Họ tự bỏ tiền túi để đi dự Liên hoan, vì không có kế hoạch để Nhà nước tài trợ…
Họ đã đọc thơ và tôi đã nghe thơ. Đã nghe những lời nói chí tình ủng hộ hòa bình, hữu nghị của tất cả các nhà thơ đến đây. Một tình yêu Việt Nam kỳ lạ. Một nữ nhà thơ, nhà giáo người Hoa Kỳ, bà Mary E. Croy (tên Việt: Nguyễn Hương Lâm Thủy), mua một chiếc áo dài Việt Nam ngay trong cửa hàng của khách sạn, lúng túng diện vào để đọc một bài thơ yêu Việt Nam.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, đã đọc một bài diễn văn với nhan đề Vẻ đẹp thơ ca và hơi ấm tình hữu nghị, xứng tầm Liên hoan thơ quốc tế, trong đó nhiều câu nhiều ý đã được suy tư, trải nghiệm lâu dài, được hoan nghênh nhiệt liệt…
Ai ai cũng bảo, các nước nên nối tiếp tổ chức các Liên hoan Thơ quốc tế thế này để các nhà thơ gặp nhau, và qua họ, các dân tộc gặp nhau để cùng cất lên qua thơ và qua lời, những nguyện vọng cháy bỏng của nhân loại. Israel sang năm sẽ tổ chức liên hoan và họ đã mời Việt Nam… Trung Quốc cũng ngỏ ý tổ chức.
|
Nhà thơ Hữu Thỉnh (đứng) phát biểu tại Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương Lần thứ nhất |
Tôi gặp lại Chúc Ngưỡng Tu, người đã dịch nhiều tác phẩm Việt Nam ra tiếng Hoa, ông rất chú ý đến mạng Hồn Việt – Quốc học (http://honvietquochoc.com.vn) mà ông thường xuyên theo dõi. Điền Tiểu Hoa ở Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc sắp phát hành một tập truyện ngắn dịch từ tiếng Việt. Bà bảo cũng phải vất vả xin tài trợ. An Ky Kwang với tôi là chỗ thân tình, “thầy trò”, anh đã dịch Hồ Chí Minh, dịch Truyện Kiều và dịch Võ Nguyên Giáp ra tiếng Hàn… Thiên sơn vạn thủy, một ngày xuân đẹp được gặp nhau trên bờ Hạ Long, gặp nhau, nhìn vào mắt nhau, thưởng thức “hơi ấm của tình hữu nghị”, tình đồng nghiệp… thế chả là một hạnh phúc lớn lao ư?
Theo đây, chúng tôi trích đăng như tình cờ một vài bài thơ đọc trong Liên hoan để bạn đọc thưởng thức: "nếm một miếng, biết cả nồi".
Xin đừng mách với mẹ tôi
GOMPILDOOGYN MUNKHTSETSEG
(Mông Cổ)
Xin đừng mách với mẹ: rằng tôi đang phải lòng một
chàng trai nào đó
Mẹ đáng thương sẽ vô cùng lo lắng
Và cảm thấy bất an vì sắc đẹp của tôi
Hoặc có thể khóc thầm lặng lẽ lúc vắng người
Xin đừng mách với mẹ tôi
Rằng tôi rất nhớ anh
Và luôn nghĩ về anh
Và đôi mắt tôi long lanh màu nâu đỏ
Rồi tôi đã tạo lên những vần thơ
Xin đừng mách với mẹ tôi
Rằng trái tim tôi rung động
Khi mơ tưởng đến anh
Cố thoát khỏi vòng tay anh
Như một con chuột nhỏ
Nhưng hết sức sức tinh ranh
Rằng đôi lông mày đen nhánh của tôi
Dựng lên đan chéo vào nhau giận dữ
Xin đừng mách với mẹ tôi
Rằng anh ấy đã làm tôi tức giận
Đừng tránh xa tôi và làm điệu bộ hôn tôi một cách
dối gian
Xin đừng mách với mẹ tôi
Rằng tôi đã có một mối tình
Nhưng lại không thuộc về tôi nữa
Tôi đã tìm lại chính mình
Như con bướm đi hút mật ngọt
Mẹ tôi sẽ vô cùng ân hận vì con gái
Xin đừng mách với mẹ tôi về chuyện này.
(Đào Kim Hoa dịch từ bản tiếng Anh của Nymjavyn Dorjgotov)
***
Lá thư tình gửi Hà Nội
MARY E. CROY (Mỹ)
Tôi không quan tâm đến việc bạn làm tôi khó chịu tấn công
tai tôi bằng ầm ĩ tiếng còi
tiếng hô vang của những người bán hàng rong
tiếng chát chúa ong ong của tin tức mà tôi không thể
hiểu vào sáu giờ sáng
tại sao mỗi khi tôi rời khỏi bạn
lòng tôi tràn ngập nỗi buồn?
Tôi không quan tâm
đến những sự phiền toái
bạn dành cho tôi mỗi khi xuống phố
tôi bị kẹp giữa những chiếc xe lách qua
và những chiếc SUV cáu cạnh
những tia nhìn khó xử mà bạn trao tôi
mỗi khi tôi thốt nên lời
tại sao trái tim tôi hát lên
mỗi lần tôi trở lại?
tôi thấy những người chị đằng xa
họ tên là Tam Đảo
và tôi biết mình đã trở về nhà.
(Nguyễn Phan Quế Mai dịch)
***
Những cô dâu nông thôn được mua qua bưu điện
DINAH ROMA SIANTURI
(Philippines)
Trong những chiếc cột ngay ngắn của bảng kê
họ hiện ra, những thân hình đã được chọn lọc
Từ việc phân mục chính xác
của những sự lựa chọn và những tai ương
những người phụ nữ măng non
những câu chuyện của làn da trắng mịn
những dịu dàng bộ ngực mở ra
Trong cuộc điều tra
về ước mơ của họ
ngôn ngữ đã bị thế chấp để trốn thoát
khỏi ngôi làng, nó gần biển đến mức không chịu nổi
màu xanh của nó làm lụn bại
để họ vươn đến tới sự bí ẩn đáng ghen tị của giàu sang
Những người đàn ông
biết gì về sự khổ đau trên lưỡi họ
Một người câm đi qua biết bao nhiệm vụ của một ngày
xa lạ với những từ như: lạnh, đĩa, tay
hoặc tình yêu. Sự than van đòi tương lai tươi sáng hơn
mất hút ở khung trời lạ. Buổi sáng lặng lẽ
khao khát mặt trời quê hương
Màn sương
trải rộng
mịt mờ tương lai dài trước mặt.
Đây là nền kinh tế của nỗi đau được làm màu mỡ thêm trên những cánh đồng. Sự thống khổ
của kẻ di dân tan chảy trong mảnh đất bỏ hoang
tử cung gieo hạt
những mùa xuân lụi tàn, héo úa.
(Nguyễn Phan Quế Mai dịch)