Làm báo và vui Tết ở ngục Sơn La

L.T.S: Ngục Sơn La trước kia là nơi thực dân Pháp giam hãm hàng nghìn tù chính trị Việt Nam. Hàng trăm người đã bị đày đọa đến chết. Có sự lãnh đạo của chi bộ nhà ngục, với những đồng chí dũng cảm như Sao Đỏ, Tô Hiệu… anh em tù đã tổ chức hàng chục cuộc đấu tranh chống sự hà khắc trong tù; khéo léo tổ chức cuộc sống tinh thần, vật chất để đỡ khổ cực…

Mùa thu năm 1941, Trần Huy Liệu cùng Xuân Thủy làm tờ báo “Suối Reo”. Báo viết tay trên mấy tờ giấy học trò, khổ kép, đóng tập mỏng, Xuân Thủy có lời tựa:

Thu sang, hoa cỏ già rồi
Suối Reo lên để cho đời trẻ trung
Thu sang non nước lạnh lùng
“Suối Reo” lên để cho lòng ta reo

Báo đăng thơ “Quan thăm Gốc ổi” của Trần Huy Liệu, viết về những người nằm dưới mồ chung: “Tha ma Gốc ổi”.

Bao người chiến sĩ lạ và quen
Còn để lại tên và không tên
Đã từng tranh đấu bao oanh liệt
Cho đến hơi cùng chịu ngủ yên…

Báo nhắc nhủ tình thương yêu trong anh em tù. Đăng bài của Hồng Việt (Nguyễn Văn Từ) vạch tội Cutsô… Báo có cả mục bình luận và truyện ngắn…

Anh em đòi giấy bút viết thư cho gia đình, nhưng góp vào làm báo. Tối xuống, anh em ngủ, những người viết báo thắp đèn dầu làm việc. Mỗi tháng báo ra một kỳ, hai bản. Những ngày kỷ niệm thành lập Đảng, Quốc tế Lao động, Cách mạng tháng Mười… báo ra thêm trang, vẽ màu. Báo lưu hành trong ngục rồi ra với cơ sở cách mạng bên ngoài, quần chúng truyền tay đọc.

Ban Văn nghệ còn chép được một số bài ca cách mạng, theo điệu chèo và dân ca, dần dần có cả nhạc mới. Anh em dạy nhau hát khi mưa gió trong buồng giam.

Cuối năm 1942, chi uỷ chủ trương tổ chức tết vui, mừng thắng lợi đấu tranh với Cutsô. Từ chỗ Cutsô áp đảo tù đến chỗ Cutsô phải lui dần từng bước. Mừng phong trào cách mạng của ta ở phía Cao Bằng mở rộng. Mừng Hồng quân Liên Xô đang trên đà phản công phát xít Đức.

Ta bí mật chuẩn bị mọi thứ cho Tết. Tập hát ca, ngâm thơ, diễn kịch. Người được phép ra phố thì mua giấy ngũ sắc, kẹo, mứt và rượu… Người ở nhà mài dao, sửa thớt, ngâm gạo, đỗ…

Ngày ba mươi Tết thì giết lợn và bò. Mỗi người được chia một gà hoặc vịt và một bánh chưng. Lá dong, lá chuối lấy trong rừng gói giò, gói bánh…

Mấy hôm giáp Tết, anh em làm êm gọn, tránh để bọn quan chức sợ phiền mà cấm cách. Mồng một Tết, anh em đưa mọi thứ ra sân. Nơi bày trò tổ tôm điếm, nơi chơi cờ tướng. Tiếng trống “tom chát” hát ả đào. Tiếng nhị “cò cưa” điệu trống quân “Tháng giêng ăn tết ở nhà/ Tháng hai chùa cảnh, tháng ba hội hè /… Lại có cả mấy gánh hàng xuân, bán hoa quả, sáo, trúc, mõ tre, diêm, thuốc lào… Kẻ bán người mua rộn ràng, nhộn nhịp”.

Anh em còn trang trí một buồng, làm như một câu lạc bộ. Trên tường dán đàn chim nhạn tung bay, cánh liền cánh. Những chòm mây xanh, mây vàng nhởn nhơ. Những chiếc mắc áo ngày thường biến thành nơi treo lẵng hoa. Lẵng tre nứa tự đan, miệng cúp, miệng loe đủ kiểu. Hoa rừng rực rỡ, đẹp sắc thơm hương…

Sáng mồng một, giám thị Thêm bước vào “câu lạc bộ” trố mắt ngạc nhiên kêu: “Chà chà… các ông làm đẹp thế… Nhưng các ông làm mà không xin phép, chúng tôi nói thế nào với các sếp đây?”.

Sao Đỏ mủm mỉm đáp:

- Anh em xa nhà, buồn nhớ vợ con, nhân ngày Tết bày ra vui tí chút… Chúng tôi muốn mời các sếp, các đầm đến xem diễn kịch Pháp. Vở “Kẻ thủ phạm”, phỏng theo tiểu thuyết của Phơrăngxoa Cốppê.

Giám thị Thêm vội vã lên gặp công sứ Cutsô, báo tin tù chơi Tết, và chuyển lời mời của họ. Cutsô cùng vợ tò mò đến xem. Đám viên chức toà sứ cũng đưa vợ con đến. Cai đội, binh lính cũng vào xem.

Cutsô biết tiếng Việt, chăm chú nghe và hiểu, đôi chỗ cũng biểu lộ xúc cảm cười vui. Người phóng tác kịch bản cố ý để lại một vài lớp đối thoại ngắn, cho diễn viên phát âm bằng tiếng Pháp, khiến Cutsô thấy tù cộng sản có văn hoá cao. Cutsô còn để ý một nữ diễn viên trẻ, môi son má phấn khá ưa nhìn. Váy xếp nếp, áo hở vai, thoạt trông như gái Paris. Sau mới biết là một anh tù hoá trang. Râu tóc làm giả, quần áo mượn của dân phố, anh em biểu diễn khó, vở kịch thu hút nhiều người xem.

Cutsô tỏ ra hài lòng. Ngay sau đó, đứng trước sân khấu, Cutsô nói với Sao Đỏ: “Chúng tôi tạo hoàn cảnh để các anh vui Tết. Đó là sự rộng lượng. Người của các anh diễn kịch được… Tôi mong các anh năm mới vui vẻ, giữ trật tự, chờ ngày hết hạn về với gia đình”.

Từ quan chức tòa sứ tới nhân viên, binh lính nhà ngục, sau ngày vui xuân và xem văn nghệ, tỏ ra có thiện cảm với tù nhân hơn. Họ bàn tán: “Tù chính trị nhiều tài, biết nhiều nghề, Tây, đầm cũng phải nể”.

BÚT NGỮ