Những ồn ào thời gian qua xung quanh các bộ phim phát sóng trên VTV không còn được coi như dư luận trái chiều vốn vẫn xảy ra khi một số phim truyền hình (PTH) lên sóng. Việc “nhà đài” phải ngưng phát sóng một bộ phim khi nó mới đi được già nửa chặng đường có lẽ đó cũng là đỉnh điểm của việc khán giả bị phim... tra tấn bởi những bộ phim “được” gắn mác “giờ vàng”.
Bài viết dưới đây không mổ xẻ thực trạng đáng buồn này nữa mà đi vào những lỗ hổng trong kiểm duyệt phim truyền hình hiện nay. Đây được coi như nguyên nhân chính của thực trạng PTH đang bị thả nổi về chất lượng hiện nay.
• Quy trình thẩm định kịch bản và thẩm định ra sao?
Theo Quy chế Đặt hàng, hợp tác sản xuất phim truyện truyền hình phát trên các kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) ban hành kèm theo Quyết định số 918/QĐ - THVN ngày 4/8/2008 của Tổng giám đốc VTV, sau khi nhận được tóm tắt kịch bản và kịch bản chi tiết (toàn bộ các kịch bản nếu phim dưới 10 tập và ít nhất 10 tập nếu phim trên 10 tập), hai thành viên Hội đồng Thẩm định kịch bản phim xã hội hóa được phân công đọc cùng với bản thuyết minh về phương án sản xuất. Sau 15 ngày, hai vị này gửi bản đánh giá kịch bản và năng lực sản xuất, đưa ra đề xuất kịch bản đó có thể đưa vào sản xuất hay không. Sau khi kịch bản được thẩm định và chấp thuận, bước tiếp theo, nhà sản xuất trình bày với hội đồng phương án sản xuất: diễn viên, đạo diễn, quay phim, bối cảnh... cùng với những nét cơ bản nhất của phim và thuyết trình về năng lực tài chính…
Cái lỏng lẻo của quy chế trên, trước hết thể hiện ở việc: một dự án 30-40 tập, thậm chí cả trăm tập nhưng chỉ xem đề cương kịch bản và ít nhất 10 tập kịch bản. Dẫu sau đó nhà sản xuất có thuyết trình về phương án thì việc từ khoảng 10 tập để suy ra cả trăm tập thì chẳng khác nào… thầy bói xem voi, nhất là trong tình trạng phim Việt Nam thường “đầu voi đuôi chuột”- càng về sau càng đuối. “Thường thì những tập đầu họ làm rất hay và những cái dở lại lòi ra ở đằng sau” - nhà biên kịch Thùy Linh, Phó giám đốc Trung tâm Sản xuất PTH-Đài THVN (VFC), Ủy viên Hội đồng Thẩm định kịch bản phim xã hội hóa của VTV, nói với báo giới.
Về quy trình này, một nhà biên kịch kỳ cựu từng ngồi ghế Hội đồng Thẩm định kịch bản phim xã hội hóa của VTV nhận định: “Từ kịch bản đến hiện thực (sản xuất phim) là một bước dài còn hơn từ ý tưởng đến kịch bản, vì phim là sản phẩm của tập thể sáng tác. Đài Truyền hình Việt Nam không có nghề, không biết cách làm (phim) nên mới làm như thế”.
Bất cập nữa chính ở việc sau khi ký hợp đồng với “nhà đài”, nhà sản xuất tự “vác” kịch bản đi làm phim, chẳng có ai là người của đài giám sát.

Anh chàng vượt thời gian bị coi là thảm họa phim Việt.
Về bản quyền phim, “nhà đài” và “nhà sản xuất” đồng đứng tên nhưng lúc ra trường quay thì chẳng thấy mặt mũi “nhà đài” đâu. Thế mới có chuyện nhà sản xuất phim Anh chàng vượt thời gian khi phát hiện đạo diễn quay phim bằng máy chụp ảnh liền bỏ không nghiệm thu những phần phim đã quay, thay ê kíp mới và quay lại từ đầu. Hay khi ê kíp tỏ thái độ bất hợp tác với nhà sản xuất bằng cách không giao bản phim gốc, nhà sản xuất phải dùng bản phim khác dựng vội gửi ra đài để kịp phát sóng. Thế mới có chuyện khi nhà tài trợ rút, nhà sản xuất cắt bớt chi phí cho bối cảnh, đến mức một đĩa hoa quả trong lễ hội lớn của cung đình chỉ bày biện lèo tèo vài thứ quả và nghi lễ của nhà vua với các quan không diễn ra trong triều mà cứ chỏng chơ ngoài trời…
Những chuyện đó có lẽ “nhà đài” chỉ biết khi lùm xùm hậu trường làm phim bị chính những người làm phim vạch tội nhau trên báo chí vì không thể giữ kín được nữa, khi quyền và lợi ích của bên này cho là do phía bên kia xâm hại…
Cũng theo quy chế nói trên, sau khi đọc đề cương và kịch bản, trường hợp kịch bản có thể sử dụng được nhưng phải sửa chữa và bổ sung chi tiết, thư ký hội đồng thông báo cho đơn vị sản xuất biết, cần thiết có thể yêu cầu tác giả làm việc với thành viên hội đồng, rồi các thành viên này gửi phiếu đánh giá kịch bản đã sửa cho thường trực hội đồng trong quá trình đọc kịch bản, nếu có yêu cầu nhà sản xuất chỉnh sửa… Nhưng trên thực tế, một số thành viên hội đồng không được biết kịch bản đã chỉnh sửa ra sao, những góp ý của họ có được nhà sản xuất tiếp thu hay không, vì hợp đồng phát sóng nhà sản xuất ký với “nhà đài”, chẳng cần các thành viên hội đồng phải ký vào biên bản nghiệm thu kịch bản (bản cuối cùng). Vậy nên có vị ủy viên hội đồng nói thẳng, ý kiến của họ bị nhà sản xuất bỏ ngoài tai, thậm chí có kịch bản không được tất cả thành viên hội đồng đồng thuận nhưng vẫn được đưa vào sản xuất. Sự tréo ngoe này khiến một ủy viên Hội đồng Thẩm định kịch bản phim xã hội hóa than thở: “Chúng tôi ngồi làm bia để (nhà sản xuất) chạy cửa sau”.
• Những ai duyệt phim và họ đã duyệt như thế nào?
Theo thông tư số 08/2010/TT-BVHTTDL ngày 18/8/2010 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về “Quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồngThẩm định phim của đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình”, hội đồng từ 5 thành viên trở lên gồm: chủ tịch, phó chủ tịch, các ủy viên là người đại diện cơ quan quyết định thành lập, người có chuyên môn về quản lý và hoạt động điện ảnh, có uy tín và do người đứng đầu đài ký quyết định ban hành.
Kết luận của hội đồng do chủ tịch hoặc phó chủ tịch được chủ tịch ủy quyền ký phải được 2/3 thành viên trở lên có mặt tán thành hoặc từ 2/3 trở lên số thành viên đã gửi phiếu thẩm định trong trường hợp hội đồng không họp. Từ thực tế những dự án phim trên VTV “giữa đường đứt gánh” (gần đây là Anh chàng vượt thời gian) hay mới phát sóng một tập cũng bị tạm dừng (Hãy cùng em điệu Sarikakeo) do có ý kiến đề nghị của Ủy ban Dân tộc và miền núi, có thể đặt dấu hỏi về trách nhiệm của các thành viên của hội đồng này đến đâu, hội đồng chưa được thành lập đủ thành phần hay thành viên chưa đảm bảo yêu cầu (?!).

Chủ tịch tỉnh - bộ phim chính luận của VFC đang được chờ đợi.
“Với số lượng phim làm để phát sóng trên các kênh truyền hình hiện nay, phim truyền hình đang bị thả nổi về nhiều khâu: Từ thẩm định, tiến hành sản xuất đến đánh giá nghiệm thu” - đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC, chia sẻ với báo giới cũng là nỗi buồn về thực trạng PTH hiện nay. Một trong những cách hữu hiệu để ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi việc thả nổi là phải xây dựng được hệ thống các quy định quản lý chặt chẽ, hợp lý và được thực thi nghiêm túc. Quy chế Đặt hàng, hợp tác sản xuất phim truyện truyền hình phát trên các kênh sóng của Đài Truyền hình VN chắc chắn sẽ được sửa đổi và bổ sung để hoàn thiện hơn. Hội đồng duyệt phim cũng cần được rà soát và bổ sung để đáp ứng được yêu cầu. Có lẽ qua rồi cái thời những người gác cửa sóng ở các đài truyền hình coi việc duyệt phim là chỉ duyệt đúng sai về tư tưởng chứ không quan tâm đến chất lượng hay dở…
Trong cuộc trò chuyện trực tuyến với độc giả báo Tuổi Trẻ Online, ông Lê Ngọc Minh - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh - chia sẻ: “Nếu thực hiện nghiêm túc sự lựa chọn kịch bản, lựa chọn ê kíp làm phim, đầu tư kinh phí hợp lý và thẩm định tác phẩm trước khi phát sóng đúng quy định, chắc chắn rằng chúng ta sẽ biến số lượng đang tăng trưởng trên thành những chất lượng như mong muốn”.

Vi Cầm và Phan Anh trong phim Chủ tịch tỉnh.
Nhà biên kịch Thùy Linh đề xuất việc cần phải thay đổi cơ chế làm việc với các đối tác tham gia sản xuất phim truyền hình. Thay cho việc đặt hàng hiện nay là việc nhà sản xuất chịu trách nhiệm hoàn toàn với sản phẩm họ làm ra và đem chào bán cho các đài truyền hình. Theo bà, như vậy mới có thể loại khỏi “sân chơi” những nhà sản xuất nhỏ lẻ, thiếu nghề, thiếu nhân sự, thiếu kinh nghiệm và vô trách nhiệm. Việc này có thể góp phần tiến tới xây dựng được một nền công nghệ phim truyền hình giải trí như chúng ta mong muốn.
“Màn hình nhỏ chính là một thước đo chuẩn mực cả về nghề và tư cách người làm nghề” - tâm sự của bà Thùy Linh có lẽ cũng là mong mỏi của khán giả gửi tới những người làm truyền hình, không riêng với VTV hay với PTH.