Lãng phí đầu tư: “của công không xót”?

LƯƠNG THIỆN

Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, nhưng tiến độ triển khai ì ạch, không có ngày hoàn thành, thế nhưng vốn đầu tư cứ tiếp tục đội lên, trở thành gánh nặng cho xã hội. Câu chuyện xảy ra tại TP.HCM cho thấy, sự lãng phí đầu tư công đang xảy ra từng ngày, số tiền lên đến hàng ngàn tỉ đồng…

BỖNG DƯNG MẤT… TIỀN TỈ

Khu tái định cư cảng sông Phú Định rộng 4ha do Công ty trách nhiệm hữu hạn Một Thành Viên Cảng sông Thành phố làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1, xây dựng hạ tầng nền đất trên diện tích 2,2ha để bố trí tái định cư tại chỗ của dự án; giai đoạn 2, xây dựng chung cư phục vụ tái định cư cho các dự án hạ tầng giao thông khác của thành phố.

Thực tế giai đoạn 1 của dự án được khởi công vào tháng 10/2007, do vướng mắc việc xây dựng đường vào khu tái định cư, nên dự án dậm chân tại chỗ. Ông Nguyễn Minh Hoàng, nguyên Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.HCM đã thốt lên: Dự án này chậm, gây lãng phí ngân sách rất lớn; người dân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến dự án cũng điêu đứng theo!

Cuối tháng 11 vừa qua, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 8 đã tiến hành bố trí nền đất ở cho người dân. Tuy nhiên, hàng chục hộ dân thuộc diện tái định cư không chịu nhận nền với lý do cơ sở hạ tầng của dự án chưa hoàn chỉnh. Theo đó, đường, điện, nước vẫn chưa hoàn chỉnh; cao độ san lấp nền đất quá thấp so với bản thiết kế quy hoạch dự án; con đường chính đi vào khu dân cư chưa đúng thiết kế theo bản đồ quy hoạch…

Chưa hết, kể từ khi khởi công xây dựng công trình đến gần một năm sau, tức là tháng 12/2008, các cơ quan chức năng mới phát hiện công trình tuyến đường vào khu tái định cư vi phạm hành lang an toàn đường dây 500KV Nhà Bè - Phú Lâm, thế là phải tạm ngưng để xử lý hướng tuyến! Vì dự án chậm chạp, nên người dân phải tạm cư, tiền lãi ngân hàng cứ dồn từ năm này sang năm khác, tất nhiên tiền ngân sách phải trả toàn bộ.

Trong bảng báo cáo kết quả giám sát việc tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách vào tháng 6/2009, Ban Kinh tế - Ngân sách thuộc HĐND Thành phố đưa ra con số đáng kinh ngạc: Dự án khu tái định cư cảng sông Phú Định đã phải chi tiền tạm cư cho các hộ dân 6,174 tỷ đồng và tiếp tục phát sinh 120 triệu đồng/tháng tiền tạm cư; trả lãi vay vốn thi công 830,4 triệu đồng và phát sinh lãi vay 99,2 triệu đồng/tháng!?

Một dự án khác cũng ngốn tiền ngân sách như “túi không đáy”, đó là cầu Hoàng Hoa Thám (cầu Bông 2) bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Năm 1998, UBND TP.HCM phê duyệt dự án cầu với quy mô năm nhịp, rộng 14m, dài 100m với tổng mức đầu tư 19 tỉ đồng, trong đó chi phí đền bù giải tỏa tạm tính khoảng 5,4 tỉ đồng, xây lắp 11 tỉ đồng. Việc xây dựng cầu Hoàng Hoa Thám nhằm mục đích giải tỏa bớt áp lực xe lưu thông trên cầu Bông cũng như cầu tạm Trần Khánh Dư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông giữa quận Bình Thạnh và quận 1. Tuy nhiên, đến nay đã 11 năm trôi qua, cây cầu vẫn còn hai nhịp mới tiếp đất, còn vốn đầu tư đã vọt lên 155,5 tỉ đồng!


Công trình cầu Hoàng Hoa Thám
(dài hơn 100m, bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) thi công đã tám năm. Ảnh: T.T.D.

Theo hồ sơ chúng tôi có được, nguyên nhân đầu tiên là dự án phải ngưng lại để chờ điều chỉnh. Từ năm 1998-2002, Công ty Xây dựng số 8 thuộc Tổng công ty Xây dựng số 1 thi công được một mố và ba trụ cầu. Sau đó, Sở Giao thông vận tải thành phố yêu cầu Công ty Đầu tư phát triển đô thị thực hiện điều chỉnh dự án để đảm bảo hành lang an toàn cầu tối thiểu 7m mỗi bên, đồng thời kết nối đường dọc kênh ra đường Trần Quang Khải, nâng tĩnh không cầu vượt lên 2,5m cho thông suốt tuyến đường dọc kênh phía bên dưới. Đến năm 2003, công trình phải ngưng lại chờ điều chỉnh. Nguyên nhân thứ hai là do vướng giải phóng mặt bằng. Theo chủ đầu tư, phía quận 1 có 129 hộ dân nhưng chỉ giải tỏa được 106 hộ.

Tháng 3/2009, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 thông báo chuyển tiền vào ngân hàng đã đền bù cho các hộ thuộc diện giải tỏa toàn phần và yêu cầu ngày 9/4 các hộ phải bàn giao mặt bằng, nếu không sau 30 ngày sẽ cưỡng chế. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, quận 1 vẫn chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công vì các hộ dân không chịu giá bồi thường. Bởi vì giá đền bù được phê duyệt tháng 8/2005 là 14,4-16,8 triệu đồng/m2, đã trở nên quá lạc hậu nếu so với giá thị trường hiện nay!? Như vậy đến khi nào dự án hoàn thành cũng không ai biết, liệu cây cầu dài 100m này “ngốn” tiếp bao nhiêu tiền nữa đây?

GẦN 3000 TỈ NÉM QUA CỬA SỔ???

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Kế hoạch - Đầu tư, tính đến tháng 6/2009, Thành phố có 88 dự án thực hiện chậm tiến độ so với quy định (chưa kể các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị thực hiện dự án); 69 dự án thực hiện chậm làm tăng tổng vốn đầu tư thêm 2855,8 tỷ đồng!

Những dự án lãng phí “hợp pháp”

1/ Dự án sửa chữa, nâng cấp đường Tỉnh lộ 9 do Ban quản lý dự án huyện Củ Chi bàn giao Khu quản lý giao thông đô thị số 3 làm chủ đầu tư: duyệt năm 2004, sau ba năm không thực hiện, nay dự kiến điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 72,653 tỷ đồng lên đến 548,959 tỷ đồng.

2/ Dự án đầu tư xây dựng trường THPT Nguyễn Thị Định (giai đoạn 2): do thực hiện chậm tiến độ đã điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 42,849 tỷ đồng lên 83,689 tỷ đồng.

3/ Dự án Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc: Dự án thành phần “Khu tưởng niệm các Vua Hùng- giai đoạn 1” do vướng mắc công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, qui mô và tính chất phức tạp của dự án nên chậm tiến độ gần 3 năm, tổng vốn đầu tư được điều chỉnh từ 108 tỷ đồng lên 233,849 tỷ đồng. Đối với 135 ha đất còn lại phải thu hồi của dự án, dự kiến, nếu tiến hành bồi thường theo chính sách mới hiện hành, kinh phí bồi thường lên đến 2.900 tỷ đồng.

4/ Dự án Khu sinh thái văn hoá Vĩnh Lộc: UBND TP phê duyệt năm 1996 với tổng vốn đầu tư giai đoạn I là 41,748 tỷ đồng. Do dự án kéo dài, 4 lần thay đổi chủ đầu tư, nay tổng vốn đầu tư dự án dự kiến 2.500 tỷ đồng (giai đoạn I là 1.500 tỷ đồng).

5/ Dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho huyện Cần Giờ: chậm tiến độ gần 6 năm do vướng mắc công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chậm bàn giao đất cho dự án, điều chỉnh thiết kế đường ống, tổng vốn đầu tư được điều chỉnh từ 208 tỷ đồng lên đến 941,711 tỷ đồng.

6/ Dự án xây dựng Trường trung học phổ thông Hiệp Bình (quận Thủ Đức): do yếu kém năng lực của đơn vị chủ đầu tư dự án, đơn vị thầu thi công và do điều chỉnh dự án, dự án đã kéo dài gần 5 năm và tăng vốn đầu tư từ 23,761 tỷ đồng lên 56,40 tỷ đồng…

Qua phân tích có rất nhiều nguyên nhân, nhưng “rào cản” đầu tiên - giống như nhiều lĩnh vực khác đó chính là thủ tục hành chính. Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, thời gian hoàn tất thủ tục kể từ khi có chủ trương đầu tư đến khi khởi công công trình kéo dài hơn 18 tháng đối với dự án nhóm C và hơn 28 tháng đối với dự án nhóm B.

Ví dụ, dự án đầu tư xây dựng Trường trung học phổ thông chuyên năng khiếu thể dục thể thao Nguyễn Thị Định (giai đoạn 2), kể từ khi được UBND Thành phố phê duyệt, quá trình thực hiện các thủ tục thẩm định thiết kế kỹ thuật thi công công trình và tổng dự toán, thủ tục đấu thầu, điều chỉnh dự án, đã có khoảng 40 văn bản kiến nghị và trả lời giữa chủ đầu tư và các sở ngành chức năng trong thời gian gần 5 năm. Còn riêng dự án khu tái định cư Cảng sông Phú Định, thủ tục đầu tư mất trên 2 năm và 108 văn bản gửi cho các ngành, các cấp.

Nguyên nhân khác là yếu kém “hệ thống”, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, hướng dẫn quản lý thống nhất, dẫn tới tình trạng lãng phí, như câu chuyện vỉa hè. Theo dư luận, việc bê tông hoá vỉa hè làm cho cây xanh không tiếp nhận được nguồn nước mưa, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây; gây thất thoát lớn nguồn nước ngầm của thành phố và dễ dẫn đến sụt lún đất.

Đặc biệt, nhiều tuyến vỉa hè còn tốt, nếu đào lên làm mới sẽ rất lãng phí. Thế nhưng, trong năm 2008 và 2009, các quận, huyện đã tiến hành chỉnh trang, nâng cấp vỉa hè với tổng kinh phí khoảng 175,53 tỷ đồng, kết cấu vỉa hè được nâng cấp hầu hết là kết cấu vỉa hè loại 1 (gạch terrazzo) và kết cấu vỉa hè loại 2 (bê tông xi măng đá)!!!

Một trong những khâu vướng mắc làm đau đầu nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Các hộ dân bị giải tỏa không thống nhất đơn giá đền bù, dự án càng kéo dài thì tiền đền bù càng trở nên lạc hậu, do đó việc di dời rất khó khăn. Tuy nhiên, theo Ban Kinh tế Ngân sách, trên thực tế có nảy sinh bất hợp lý: khi người dân đồng ý phương án đền bù nhưng lại không có kinh phí để chi trả!?


Được khởi công từ năm 2003 nhưng đến nay
trường THPT Hiệp Bình (Thủ Đức) mới chỉ là dãy phòng trống hoác.
Ảnh: Minh Giang.

Nói chung, có rất nhiều nguyên nhân để giải thích lãng phí đầu tư công. Trớ trêu nhất là thất thoát cả “núi tiền” lên đến hàng ngàn tỉ đồng, mà lý giải theo kiểu nào cũng đúng!? Phải chăng đó là hệ lụy của sự trì trệ, thiếu người chịu trách nhiệm rõ ràng, dẫn tới tình trạng của công, việc công không ai xót? Nếu không giải phóng được rào cản thì chắc chắn việc phát triển của thành phố sẽ còn lắm ì ạch, lãng phí “hợp pháp” vẫn còn đầy rẫy…