Làng quê với Bùi Hiển - Ba tôi

Từ những năm 1939-1940, ba tôi làm công chức cho tòa sứ ở Vinh, người ta gọi là ông phán Hiển, cuộc sống “sáng vác ô đi tối vác về” cũng chẳng thú vị gì, điều làm ba tôi thích thú hơn cả là cặm cụi viết văn vào buổi tối. Tác phẩm đầu tay được xuất bản là tập truyện ngắn Nằm vạ do Nhà xuất bản Đời Nay ấn hành năm 1941.

Tập truyện đã gây một tiếng vang lớn trong làng văn lúc bấy giờ. Cả tập truyện tách ra làm hai mảng: Cuộc sống mòn mỏi, buồn tẻ của giới công chức thị dân và cuộc sống của những người dân chài miền biển. Nổi trội hơn cả là mảng viết về người dân chài quê hương. Ba đã trở thành người kể chuyện hay nhất của quê hương.

Quê ba trước đây gọi là làng Phú Nghĩa hạ nay là xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ba tôi đã sinh ra, lớn lên cùng sống với những người dân chài, cùng ra khơi những lúc biển yên, sóng lặng và cả khi phong ba, bão tố.

Ba tôi viết trong hồi ký văn học: “Do sống kề cạnh những người dân chài, tôi nhận thấy tâm sinh lý họ phần nào khác với những người dân đồng ruộng. Nói chung, họ khỏe mạnh, vạm vỡ, nói rất to (ăn sóng, nói gió!) cười rất lớn, cuộc đời vật lộn với sóng gió bão táp tạo cho họ một ý chí kiên cường, khung cảnh sống giữa biển khơi khoáng đạt hình như cũng tạo cho họ tính phóng khoáng vô tư, lạc quan yêu đời (theo kiểu giản đơn thô lậu của họ)”.


Nhà văn Bùi Hiển.

Ngày nay, đọc Nằm vạ người ta muốn đặt lại câu hỏi: Cái gì đã nên sức hấp dẫn của những Nằm vạ, Ma đậu, Thằng Xin, Chiều sương, Kẻ hô hoán

Ở đề tài ư? Sự mới lạ ở đề tài chỉ là một lẽ nhỏ. Đúng là bức tranh về nông thôn và nông dân ở giai đoạn văn học 1930-1945 còn khuyết hẳn một mảng đề tài về nông thôn và nông dân miền Trung.

Nam Cao thì day dứt về cái nghèo cái đói của nông dân. Ngô Tất Tố lên tiếng về chế độ thuế khóa nặng nề đã đẩy nông dân vào con đường cùng cực, bế tắc, đen tối. Nguyễn Công Hoan vạch trần cái nhũng nhiễu của lũ người có chức có quyền ở nông thôn. Tô Hoài vẽ nên bức tranh sinh hoạt với cảnh hội hè đình đám.

Đấy là ở miền Bắc, còn ở miền Nam thì Hồ Biểu Chánh đã vẽ nên hình ảnh người nông dân Nam Bộ cực khổ, phóng khoáng, dũng cảm và cũng đầy ly kỳ. Cho nên, những truyện về làng quê miền biển đã trám vào chỗ khuyết của bức tranh ấy. Nhưng theo tôi, sức hấp dẫn của truyện chính là ở cách nhìn con người và cuộc sống của ba tôi.

Trong những truyện về làng quê của ba tôi không có những tích tụ về nỗi khổ, không phê phán gay gắt, không đấu tranh quyết liệt, không trào phúng giễu cợt mà ba tôi thuộc về khuynh hướng viết về những người bình thường với cái nhìn thiện cảm, thân thiết và cái mỉm cười vui vui.

Những Anh Đỏ, Chị Đỏ rồi Chị Đỏ Câu, Lão Năm Xười, Thằng Xin, Kẻ hô hoán… chính là những con người của làng Phú Nghĩa hạ bước vào trang sách và sống lừng lững cho đến ngày hôm nay.

Nhìn về người dân quê hương, ba tôi thấy được cả mặt tốt và mặt xấu của họ, có cái tốt trở thành nề nếp sống, có cái xấu đã trở thành thói quen. Nhưng rồi trong họ đều có ước ao hướng thiện, muốn làm lành với nhau, muốn vun đắp cho hạnh phúc người khác.

Hai vợ chồng chị Đỏ xích mích nhau vì một chuyện chẳng ra đâu vào đâu, từ bé xé ra to, chị Đỏ nằm vạ trong căn buồng tối tăm, chị bị bỏ đói, may nhờ có con chuột nhắt chị phát hiện ra có ché khoai khô, chị đã cầm cự qua ngày, trong thâm tâm chị đã muốn làm lành với chồng.

Khi ông Lý đến phân xử thì tuy anh Đỏ, chị Đỏ chẳng nói ra nhưng đều liếc nhìn nhau, mỉm cười để đoàn tụ. Nhân vật lão Năm Xười là một con người đáng yêu, dạo ấy làng Phú Nghĩa hạ có dịch đậu mùa làm cho nhiều người chết, lão đã giả làm con ma đậu hù dọa chị Đỏ Câu, khủng bố tinh thần, gieo rắc cái chết để chị Đỏ Câu - vốn chê chồng nằm riêng một mình phải chạy vào giường chồng và… sinh ra một đứa con trai kháu khỉnh.

Sức hấp dẫn của các truyện viết về làng quê còn nằm ở bút pháp của ba tôi. Thật bất ngờ vào độ tuổi hai mươi mà ba tôi đã viết được những truyện ngắn xuất sắc như vậy.

Chỉ một nhân vật thằng ăn trộm cũng đã thấy sự tài tình trong sử dụng tình tiết và phân tích tâm lý nhân vật. Thằng ăn trộm lẩn vào đám đông đuổi bắt kẻ trộm và căng lồng ngực cất tiếng vờ hô hoán thì bỗng dưng hắn cảm thấy con người mình thanh thoát hẳn, đi hòa vào với mọi người lương thiện khác (tất nhiên chỉ trong chốc lát).

Truyện này xuất phát từ một thực tế ở làng Phú Nghĩa hạ. Do cuộc sống khó khăn nên không tránh khỏi chuyện xảy ra là tham lam ăn cắp từ việc nhỏ như hôi cá đến chuyện trộm cướp. Khi in ở báo Chủ nhật (do Đời Nay ấn hành) tháng 10/1940 truyện có tên là Thằng ăn trộm. Năm 1993, ba tôi đổi tên là Kẻ hô hoán.

Truyện được nâng lên một tầm cao mới có ý nghĩa xã hội: có những kẻ vừa ăn cướp vừa la làng làm lẫn lộn thực hư. Trở lại những truyện ngắn viết về làng quê trước Cách mạng Tháng Tám, là một người con của quê hương, ba tôi luôn biết ơn quê hương là nguồn mạch lớn lao đã nuôi dưỡng những trang văn của mình. Và bằng tài năng văn học của mình, ba tôi đã đưa hình ảnh làng quê, tâm hồn và tính cách của người dân chài quê hương để bạn đọc cả nước biết và yêu thích.

Không những bạn đọc lớn tuổi mà bạn đọc trẻ tuổi cũng thích thú. Nhà văn Ma Văn Kháng nhận định: “Vẫn là những truyện ngắn của ngày hôm nay, hiện đại, không hề xưa cũ”.

Năm 1954, một cái mốc quan trọng trong đời viết văn của ba tôi. Ông rời Nghệ An ra Hà Nội sinh sống và làm việc, nhưng trái tim ông vẫn trở về với làng quê yêu dấu, nơi có bàn thờ ông bà tổ tiên, nơi có bà con họ hàng và đặc biệt là những người dân chài mà ông hằng yêu mến.

Cuộc trở về ngoạn mục nhất là vào năm 1963. Sau khi thu xếp nhà cửa ổn định cho vợ con, ba tôi vội vã trở về quê. Lần này, không phải với tư thế của một chàng trai trẻ đi lang thang trong làng, trong nắng sớm hay những buổi chiều sương để quan sát và nghe kể chuyện như khi viết Nằm vạ, ông hòa vào cuộc sống của người dân chài, đi theo một đoàn thuyền đánh cá ra khơi.

Mặc dù biết có bão, nhưng thuyền trưởng Lễ sau khi đưa thuyền cập bến lại quyết tâm nhổ neo ra khơi. Và lần đầu tiên người con của biển là ba tôi đã gặp hiểm nguy.

Bão tố đã dồi dập con thuyền từ vùng biển Nghệ An chạy ngang qua Hà Tĩnh dạt vào Biện Sơn, Thanh Hóa. Ở nhà nghe tin con thuyền bị mất tích, mấy cô tôi òa khóc…

Vài ngày sau, ba tôi trở về cùng với đoàn thuyền đầy ắp tôm cá trong tiếng reo mừng hớn hở của dân làng. Chuyến đi biển ấy, như mạch suối với quê hương đã ấp ủ từ lâu nay được khơi nguồn tuôn chảy ào ạt. Trở về Hà Nội, ba tôi viết ngay bài bút ký Bám biển.

Nhà thơ Hoàng Trung Thông có nhận xét:

“Bình thường Bùi Hiển gây ấn tượng là một con người điềm tĩnh, mực thước hơn là người bốc. Riêng tôi chỉ chứng kiến một lần duy nhất anh có vẻ hưng phấn đặc biệt khi ngồi viết ngay tại trụ sở Hội Nhà văn, ở phố Nguyễn Du.

Trên bàn là vại bia. Anh say sưa, cắm cúi lia bút. Chợt chị Cẩm Thạnh (hình như có cả anh Nguyễn Đình Thi) đi qua, anh liền bắt cóc hào hứng đọc cho nghe đoạn văn vừa thảo xong sốt dẻo, tả cảnh con thuyền đè sóng cưỡi gió trong đêm giông bão mịt mùng. Khi bài bút ký Bám biển đăng báo, tôi có đánh giá: bút ký mà như truyện ngắn.

Thật vậy, sự việc không những giàu tình tiết mà nhân vật cũng được khắc họa sâu, sinh động, quả là anh rất thuộc những người vùng biển quê anh”.

Bài bút ký Bám biển đăng ở trang đầu báo Văn nghệ sau đó được đưa vào sách giáo khoa phổ thông.

Ba tôi thuộc biển, từ màu nước biển, biển trong đêm đen, biển lúc hừng đông, biển khi phẳng lặng và biển trong giông bão, thuộc từng loài tômcá, cua ghẹ. Đây là cảnh con thuyền trong giông bão mịt mùng:

“Trong đêm đen, con thuyền vẫn tiếp tục lao mình tới trước. Bị từng mảng nước lớn đấm vào ngực vào hông, nó không ngăn được cái giật nảy, nhưng vẫn chồm lên, vun vút phóng đi. Sóng sôi sục gầm réo. Nước trong lòng thuyền tát chưa kịp, chao qua chao lại cũng thành tiếng ào ào.

Gió rít đùng đùng, xúi giục biển phải lồng lộn hơn nữa, ném mưa tơi bời té tát, cố tâm chơi ác muốn vặn trái buồm, khiến xương buồm phải kêu lên răng rắc. Tất cả cứ tối tăm mù mịt, ầm ầm, hỗn độn cả lên.

Thế nhưng thật lạ lùng, giữa lúc như vậy tôi lại có ấn tượng hầu như yên chí là trong tất cả những sự hỗn độn này vốn chứa ngầm một điều gì đó rất điều hòa, rất nhịp nhàng, trật tự.

Sóng gió tưởng chừng như muốn phá phách dìm đắm con thuyền, nhưng lại chính là nâng bổng thuyền lên, đẩy thuyền phăng lướt tới, để ý hơn, sẽ cảm thấy cái nhịp rất đều đặn của con thuyền chồm lên hụp xuống khớp vào với nhịp chuyển động bên trong nào đó của sóng nước”.

Ba tôi thuộc nhất là những người dân chài. Thuyền trưởng Lễ quyết tâm, gan lì, dám đương đầu với bão tố để thu hoạch được nhiều tôm cá. Lễ có giọng nói rắn chắc, hơi ngắn cộc, như ngọn sóng bổ xuống. Cụ Tâm hồn hậu, từ tốn, biết rõ tên nhiều vì sao, tính được từng ngọn thủy triều, từng kỳ con nước, hướng đi xuôi ngược của mỗi con nước theo mùa, đoán được sóng gió bão tố qua ráng hừng chớp giật, cánh chim mải miết và tiếng nước xôn xao thầm thì.


Ảnh minh họa.

Và đặc biệt là hình ảnh các bác dân chài coi thường hiểm nguy, lạc quan yêu đời. Nói về cơn bão cấp sáu có bác khôi hài: “Thì cũng coi như nó ghé ăn bát phở rồi đi. Nó mà còn la cà ở lại làm thêm vài cút lúc ấy mới là lôi thôi có chuyện”.

Xin kể một câu chuyện vui. Bài bút ký Bám biển vừa có nhuận bút vừa có món quà bất ngờ. Ngày 28 Tết gia đình chúng tôi đã chuẩn bị xong mọi thứ: Tối đến, khi thành phố đã lên đèn, bỗng nghe tiếng gõ cửa cộc cộc.

Cửa mở, hai người đàn ông bước vào mang theo một bọc ni lông to tướng. Một người nói: - Xin hỏi thăm đây có phải là nhà của nhà văn Bùi Hiển không?

Khi được biết là đúng, họ đặt bọc ni lông lên bàn: - Chúng tôi là người của Bộ Thủy sản xin biếu bác một ít quà Tết là những đặc sản vùng biển. Bài bút ký Bám biển của bác được lãnh đạo Bộ Thủy sản đánh giá tốt, có tác dụng động viên lớn, thay mặt Bộ xin chân thành cám ơn bác.

Khách ra về, gia đình mở món quà ra: hai con cá thu khá lớn, một gói tôm he, một gói mực. Thế là, Tết năm ấy gia đình chúng tôi mời mấy người khách đến ăn cơm: Cá thu xốt cà chua, mực xào dưa, tôm rán. Thật là đón xuân vui nhờ Bám biển.

Ba tôi qua đời ngày 11/3/2009 tại bệnh viện Hữu Nghị. Nghe tin ba tôi mất, lãnh đạo xã Tiến Thủy đã đi từ 10 giờ đêm để kịp viếng vào sáng ngày hôm sau 16/3/2009.

Trong sổ tang, họ ghi: “Vĩnh biệt ông, nhà văn xuất sắc của đất nước, người con ưu tú của quê hương”. Quê hương xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã sinh ra ba tôi và ba tôi đã mang lại niềm tự hào cho quê hương.

BÙI QUANG TÚ