Khi tôi còn nhỏ, thường nghe bà ngoại tôi kể hoài về vùng quê ấy. Vùng quê có cà Phù Lai, nưa Quảng Thọ, thúng mủng Bao La, bột gạo La Khê… “Thúng mủng Bao La đem ra đựng bột. Chiếu Quảng Ngãi thiệt tốt anh ơi… Thương nhau chí quyết một lời. Phải như áo mặc cái ngoài cái trong?”. Câu hò ấy, bà ru tôi khi còn nhỏ. Lớn lên một chút, ăn kẹo mè xửng, tôi nhớ bà bảo kẹo mè xửng sở dĩ ngon là vì làm bằng bột gạo La Khê, vừa trắng vừa thơm. Miếng kẹo trong ký ức ngon đến thần tiên, nhớ bột gạo quê ngoại hay là nhớ những khúc xạ muôn màu của dĩ vãng tuổi thơ?
Năm sáu tuổi tôi theo bà về quê. Giờ đây tôi nhớ lắm con đường dẫn đến đình làng, hai bên là ruộng xanh như nhung. Trước đình cắm những lá cờ đủ màu bay trong gió. Tôi nhớ chợ Sịa, nơi mà những sản vật trong ca dao tục ngữ, những cà, những nưa, những bột bánh, thúng mủng, vải lụa tơ tằm… kéo nhau về quần tụ, bởi Sịa không phải là một chợ làng, mà là trung tâm của một vùng đất. Người tới đây mua bán đa số là đàn bà con gái.
Làng Phong Chương giàu, thường bán vải, lụa, hàng tạp hóa, phụ nữ ăn trắng mặc trơn. Còn làng Phong Lai thì thường bán củi. Có lẽ vì thế mà có câu hát: “Ghét thay con gái Phong Chương. Đầu thời kẹp tóc, ra đường ghẹo trai. Thương thay con gái Phong Lai. Đầu cột chạc chuối, hai vai gánh rều”. Giờ đây nhớ lại, thương các cô gái ngày ấy biết bao. Bởi thời ấy chỉ có cái kẹp tóc (đây là cái kẹp ba lá bằng nhôm) đã đủ được liệt vào hàng ăn diện.
Cũng nhớ lại những bài vè của ông xẩm ven chợ, đủ làm tái hiện cả một cuộc sống xa xưa. Vè con cá, vè nước lụt, vè con gái ăn quà (lại chuyện con gái!) “Vè vẻ vè ve, nghe vè con gái, tay chân mềm mại, khác thể bông ta. Chờ mẹ đi ra, cắp tiền thu giấu. Muốn ăn khoai nướng, muốn ăn khoai nấu…”.
Hồi đó, tụi con nít chúng tôi nghe hát chỉ cười. Giờ nhớ lại thì thương, bởi bài hát nhắc lại một thời nghèo, phải nghiêm khắc với nhau từng miếng ăn nhỏ nhặt. Khi còn nhỏ làm sao tôi hiểu được điều đó, bởi mỗi lần theo ngoại về quê là mỗi lần làng tế, thịt heo xôi nấu đầy mâm. Ăn rồi xúm xít ngoài sân chơi trăng, hát đố.
Con nít quê tôi thuộc nhiều câu đố, nhiều đến nỗi có thể chép thành pho. Chơi đùa sáng đêm rồi lăn ra ngủ trên tấm phản dày, mãi trưa mới thức dậy, ngơ ngác trong tiếng lá tre, trong gió nồm nam bắt đầu thổi. Làm sao không nhớ tiếng lá tre khua xào xạc, một thứ âm thanh bất tận như sóng biển xa, liên miên không dứt, như bài hát ru êm êm, buồn buồn qua bao nhiêu năm tháng…
Tôi đi lang thang qua những con đường làng quanh co, trong tiếng lá ru hời hỡi…
Ra khỏi lũy tre là ruộng, là trời xanh trải dài tiếp nối vào đất. Tôi cứ ngỡ như chỉ qua khỏi khoảnh ruộng kia là với tay đến những đám mây trắng nõn. “Ngoại ơi, mình cứ đi hoài, tới đó trời có chặng ngang mình không ngoại?” Bà thủng thỉnh bảo tôi: “Ngoại cháu mình qua khỏi lũy tre là tới nhà, đi làm chi tới đó mà sợ đụng trời”. Nghe nói thế tôi buông tay bà chạy về phía trước, nhưng càng chạy, trời càng xa, xa mãi.
Bà tôi mất. Làng xưa cũng lùi vào cổ tích, vẫn có đấy mà như xa vời. Bom đạn, chiến tranh. Rồi hòa bình, rồi ngày tháng mới và cuộc sống như dòng sông cuốn đi, không ngoái lại. Chợ Sịa bây giờ lớn và đông lắm. Nhà cửa xây xúm xít trên đường qua ngã ba. Chợt lòng tôi thương nhớ tiếng tre xào xạc năm xưa, khúc hòa âm vô tận của lá đã ru tôi vào bao nhiêu giấc mơ. Bỗng mong sống lại một ngày tuổi thơ… Giờ đây tôi không chạy đuổi chân trời nữa, nhưng sẽ hoài nghĩ đến bầu trời xanh thuở ấy.