Làng Việt Tả Thanh Oai, làng khoa bảng, làng văn học

Thanh Trì là vùng đất rất cổ và giàu truyền thống nhân văn của Thăng Long - Hà Nội. Từ thời Lý - Trần, vùng quê này còn được gọi là Long Đàm, đến năm 1407 thì đổi tên là Thanh Đàm. Trong sách Dư địa chí, Nguyễn Trãi chép về huyện Thanh Đàm có 75 xã, 5 thôn và 2 sở. Đến thế kỷ XVI, vì kiêng húy vua Lê Thế Tông là Lê Duy Đàm, nên đổi thành Thanh Trì. Trong các xã của Thanh Trì xưa thì xã Tả Thanh Oai (cũng là làng Tả Thanh Oai) là cổ kính bậc nhất, ít ra hơn ngàn năm trước đã có cư dân trù phú. Đây cũng là làng khoa bảng, làng văn học nổi tiếng ở đất kinh kỳ…

1. Tả Thanh Oai tên Nôm là Kẻ Tó (còn gọi là Tó Tả, bởi đối diện bên kia sông Nhuệ có làng Tó Hữu, tức Hữu Thanh Oai). Tả Thanh Oai là một làng quê có truyền thống khoa bảng và văn chương rất đặc sắc, được ghi chép nhiều trong các thư tịch, sách vở tại những trung tâm lưu trữ quốc gia, và qua nguồn tư liệu Hán-Nôm khá phong phú còn được lưu giữ tại làng như các văn bia, những bản khắc gỗ hay gia phả các dòng họ… Trong đó, rất đáng chú ý là cuốn Lư sử điển yếu điều lệ. Cho đến nay, giới nghiên cứu chưa từng thấy tài liệu nào thuộc loại hình gọi là Lư sử.

Thực thế nghiên cứu cho biết, chỉ ở những vùng quê giàu truyền thống Nho học và khoa bảng, có đội ngũ Nho sĩ đông đảo tâm huyết với đạo Nho và truyền thống của làng mình mới soạn ra những cuốn sách chữ Hán hoặc chữ Nôm để ghi lại lịch sử làng, nói về truyền thống của làng. Ví dụ, làng Quỳnh Đôi ở Nghệ An có sách Quỳnh Đôi hương biên; làng Đông Ngạc ở Từ Liêm, Hà Nội, có sách Đông Ngạc xã chí; làng Hạ Yên Quyết ở Cầu Giấy, Hà Nội có sách Bạch liên khảo ký… Và, có thể nói, những sách đó chỉ là chí hoặc biên, hoặc ký, còn lư sử thì hầu như chỉ thấy ở Tả Thanh Oai.

Sách Lư sử điển yếu điều lệ ghi sự tích Thành hoàng là Lê Hoàn và sự tích Bà Chúa Hến (một cô gái làng Tó Tả trở thành vợ vua Lê Hoàn, được phong là Đô Hồ phu nhân); ghi chép những quy định về các hoạt động hành chính chung; ghi về địa lý, cương giới, sông và gò núi, về đình, miếu, chùa, quán, chợ, cầu, đường xá…; ghi về việc chia tách các giáp, các quy định giữ gìn gò đống thiêng, việc tu bổ, xây dựng các công trình trong làng, việc cắt lính, chia phần biếu, mai táng… Có thể nói, Lư sử điển yếu điều lệ của Tả Thanh Oai là một tác phẩm văn hóa - lịch sử có giá trị nhiều mặt, rất hiếm thấy!

Tả Thanh Oai là một làng quê mang những nét đặc thù của các làng quê ở châu thổ Bắc Bộ, biểu hiện rõ qua hệ thống các di tích đình, đền, chùa, miếu và nhà thờ họ. Đình Hoa Xá thờ vua Lê Hoàn và Đô Hồ phu nhân, hiện còn lưu giữ 16 đạo sắc phong. Tương truyền, năm 981, vua Lê Hoàn chuẩn bị đánh giặc Tống xâm lược, đã kéo quân về Kẻ Tó. Dân chúng đã theo Ngài rất đông, Toa Tả thì góp lương thảo, Tó Hữu thì đóng thuyền chiến, giúp quân sĩ đánh giặc. Về sau, dân chúng lập đình thờ Ngài và Đô Hồ phu nhân làm Thành Hoàng. Tòa Minh Ngự lâu, tương truyền là ngôi nhà Bà Chúa Hến sinh trưởng. Khi bà trở thành Đô Hồ phu nhân, dân làng Tó sửa sang thành Minh Ngự lâu; rồi khi Bà qua đời, được dùng làm nơi thờ cúng Bà. Đình Tổ Thị và đền Chúa Bà tọa lạc ở gần chợ Tó, là nơi thờ Ngô phu nhân cùng chồng là ông Trần Phổ Hóa, người có công nuôi công chúa, con của Lê Hoàn và Đô Hồ phu nhân. Do có công ấy, Ngô phu nhân được phong là Thượng Ban nhũ mẫu, thường được gọi là Ngô Thượng Ban. Hiện di tích này còn lưu giữ được 13 đạo sắc phong.

Thời xưa, Tả Thanh Oai có đến 5 ngôi chùa, trải nhiều biến thiên, nay chỉ còn lại ba ngôi, là Bùi Linh Tự (chùa Bùi), Tiên Linh Tự (chùa Phe) và Linh Am Tự (chùa Thắm). Một di tích khá nổi tiếng của Tả Thanh Oai là Văn Chỉ, do Thượng thư Bộ Binh, Phương Quận công Ngô Thì Nhậm cho lập dựng. Như Lư sử điển yếu điều lệ ghi là: Văn chỉ ở hướng Đinh, rồng nhập cước (rồng đặt chân tới), gần thì có Thổ tinh miếu địa án tiền, xa thì Tam thai xuyên châu án ngự. Sông Nhuệ quanh co uốn chầu… Xưa, tư văn hàng huyện đều về Văn Chỉ hàng huyện ở làng Đơ để tế lễ, nhưng khi có Văn Chỉ Tả Thanh Oai thì họ đều đặn xuân, thu nhị kỳ về đây tế tiên hiền. Ngoài Văn Chỉ, Tả Thanh Oai có một số nhà thờ họ của những họ tộc lớn, nổi tiếng về khoa bảng, tiêu biểu là nhà thờ họ Ngô Thì, còn được gọi là đền Sùng Đức hay là Nhà thờ Ngô Thì Nhậm.

Theo Sùng Đức bi ký dựng năm 1794 thì đền do Ngọ Phong công Ngô Thì Sĩ, thân phụ của Ngô Thì Nhậm, xây năm Bính Tuất đời Lê Cảnh Hưng, năm 1766, sau khi ông đỗ Hoàng giáp. Hiện nay, trong nhà thờ họ Ngô Thì còn lưu giữ được chân dung danh nhân Ngô Thì Sĩ, chân dung cùng một số di vật của danh nhân Ngô Thì Nhậm.


Đình Hoa Xá - Minh Ngự Lâu, xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội-
Khu di tích thờ vua Lê Đại Hành và Đô Hồ phu nhân.
Nguồn: wikipedia.org/Kien 1980.

2. Tả Thanh Oai từ xưa đã nổi tiếng là một làng khoa bảng với 12 Tiến sĩ và nhiều Cử nhân, Hương cống… Họ, tên, năm đỗ, chức quan của các Tiến sĩ đó được ghi trên tấm bia Lịch triều đại khoa, dựng vào ngày tốt, tháng năm, năm Kỷ Sửu (1889), trước kia đặt tại Văn Chỉ, gần đây chuyển về sau đình làng. Người khai khoa là Nguyễn Chỉ, đỗ khoa Quý Dậu niên hiệu Thái Hoà đời Lê Nhân Tông (1453).

Tiếp theo là Tiến sĩ Nguyễn Khánh Dung, còn chưa xác định được là con hay cháu nội Nguyễn Chỉ, đỗ khoa Mậu Tuất (1478), đời Lê Thánh Tông, sau làm quan đến chức Quốc Tử giám Tế tửu. Người thứ ba là Ngô Tuấn Dị, Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1688), đời Lê Hy Tông, làm quan Hàn lâm viện Hiệu thảo. Vị Tiến sĩ thứ tư là Ngô Vi Thực, đỗ khoa Tân Mùi (1691), đời Lê Hy Tông, làm qua Lễ khoa Cấp sự trung, sau được cử đi đốc chiến ở Cao Bằng, tử trận, được phong tặng Lễ khoa Đô cấp sự trung.

Tiếp đến là Ngô Vi Nho, Tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1694), đời Lê Hy Tông, làm quan Giám sát Ngự sử. Vị Tiến sĩ thứ sáu là Ngô Đình Thạc, đỗ khoa Canh Thìn (1700), đời Lê Hy Tông, từng giữ nhiều trọng trách: Phó sứ sang nhà Thanh, rồi Thượng thư bộ Binh, Nhập thị Kinh diên, tước Quận công; khoảng năm 1739 giữ chức Tham tụng kiêm Thượng thư Bộ Hộ, đặc phái lên trấn thủ Lạng Sơn, không may bị sa vào tay giặc, như Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi: “Đình Thạc giữ tiết tháo, không chịu khuất phục, để chết”. Tiếp nữa là Ngô Đình Chất, em Ngô Đình Thạc, Tiến sĩ khoa Tân Sửu (1721), đời Lê Dụ Tông. Ông làm quan, trải nhiều bước thăng trầm, rồi cũng làm tới Thượng thư Bộ Binh. Tiến sĩ thứ tám của Tả Thanh Oai là Nguyễn Tông Trình, hiệu Song Ngạc, nổi tiếng văn hay và đức độ, đỗ khoa Giáp Tuất (1754), đời Lê Hiển Tông, làm quan đến Đông các Hiệu thư, Phó Đốc thị Nghệ An.

Vị Tiến sĩ thứ chín là Ngô Thì Sĩ (1725-1780), tự Thế Lộc, hiệu Ngọ Phong. Sau khi đỗ Hương tiến, ông đỗ đầu khoa chọn người giỏi, được chọn làm tuỳ giảng cho Thế tử Trịnh Sâm. Mãi đến khoa Bính Tuất (1766), đời Lê Hiển Tông, ông mới đỗ Hoàng giáp, rồi làm quan trải nhiều chức trọng. Khi làm Đốc trấn Lạng Sơn, Ngô Thì Sĩ cho dời Đoàn thành (thành Lạng Sơn) ở nơi trũng lên núi Lộc Mã, cao và bằng phẳng, rất tốt cho việc binh; và ông cho mở mang động Nhị Thanh trở thành một thắng tích nổi tiếng.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã ghi nhận Ngô Thì Sĩ là danh nhân kiệt xuất, học vấn sâu rộng, văn chương hùng vĩ, làm rạng rỡ tông phái Nho gia, là một đại gia của nước ta, để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Đại Việt sử ký tiền biên, Việt sử tiêu án, Ngọ Phong văn tập, Hải Đông chí lược… Người thứ mười đỗ Tiến sĩ là Ngô Thì Nhậm (1746-1803), con trai trưởng của Ngô Thì Sĩ, hiệu Đạt Hiên, đỗ khoa Ất Mùi (1755), đời Lê Hiển Tông. Ông từng làm thầy dạy Trịnh Khải, làm quan trải nhiều chức trọng. Năm 1782, quân Tam phủ làm chuyện lập phế, ông phải lánh về quê vợ.

Đến năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, Ngô Thì Nhậm cùng nhiều kẻ sĩ Bắc Hà theo Tây Sơn, được Nguyễn Huệ cho cùng Ngô Văn Sở cai quản Bắc Hà. Chính Ngô Thì Nhậm là người đề ra chủ trương rút lui chiến lược về Tam Điệp, tạo điều kiện cho Quang Trung nhanh chóng tiêu diệt 29 vạn quân Thanh, giải phóng Thăng Long. Ông làm quan cho nhà Tây Sơn đến chức Thượng thư Bộ Binh, tước Phương Quận công. Với làng quê Tả Thanh Oai, ông đã cho mở chợ Tổ Thị, cho nắn sửa đường xá và xây Văn Chỉ.

Ngô Thì Nhậm là một danh tài đương thời, sự nghiệp trứ tác thật lớn với hơn 20 tác phẩm có giá trị, tiêu biểu là Hàn các anh hoa, Bang giao hảo thoại, Xuân thu quản kiến, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh… Ông còn là Tổng tài Quốc sử quán, tổ chức biên soạn và khắc in sách Đại Việt sử ký tiền biên mà thân phụ ông khởi soạn. Sau, Ngô Thì Nhậm ở Tả Thanh Oai có Nguyễn Nha, hiệu Tả Khê, đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1775), đời Lê Hiển Tông, làm quan đến chức Thừa chính sứ, tước Tả Khê bá. Ông là một văn nhân có tiếng đương thời, để lại tác phẩm Tả Khê thi văn tập. Tiến sĩ thứ mười hai là Ngô Điền, đỗ khoa Tân Sửu (1841), đời Thiệu Trị, làm quan Tri phủ.

3. Tả Thanh Oai là làng quê ít đất ruộng, mà ruộng lại xấu, nên có câu “Ruộng làng Tó chó chạy hở đuôi”. Nhưng tại đây có Đường thiên lý tây đạo chạy qua, lại là nơi sông Tô nhập vào sông Nhuệ thành đầu mối giao thông thuỷ lớn, trên bến dưới thuyền giao thương tấp nập. Do vậy từ xưa, người kẻ Tó đã quen với buôn bán, và có nhiều nghề phụ như làm bánh đúc, bún, xôi chè và nấu rượu…Và, việc đi học đi thi cũng là một chí hướng hành nghề, lập nghiệp quan trọng. Có kinh tế, đi học để thi đỗ, đó là yếu tố cơ bản khiến Tả Thanh Oai trở thành làng khoa bảng lớn của Thăng Long- Hà Nội. Đặc biệt hơn, Tả Thanh Oai là một làng văn chương lớn bậc nhất của Thăng Long- Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Hầu hết các nhà khoa bảng của kẻ Tó đều có trứ tác văn chương, nhưng đặc sắc nhất là Ngô gia văn phái (Môn phái văn học nhà họ Ngô). Tác giả đầu tiên của Ngô gia văn phái là Ngô Thì Ức, hiệu Tuyết Trai, thân sinh Ngô Thì Sĩ; tác giả cuối cùng là Ngô Thì Giai; tổng cộng có mười lăm tác giả, trong đó nổi lên những tài năng lớn như Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Hương, Ngô Thì Du, Ngô Thì Chiến, Ngô Thì Điển. Ngô Thì Điển là con trưởng của Ngô Thì Nhậm, đã có sáng kiến biên soạn, tập hợp toàn bộ các tác phẩm của tác giả trong họ Ngô Thì ở Tả Thanh Oai. Ông đã bàn với người chú là Ngô Thì Tri đặt tên cho hệ thống các tác giả của các tác phẩm đó là Ngô gia văn phái. Đầu tiên, là tất cả các tác phẩm của từ Ngô Thì Ức đến Ngô Thì Điển. Về sau, được bổ sung thêm các tác phẩm của các tác giả sau Ngô Thì Điển.

Tổng số các tác phẩm của Ngô gia văn phái lên đến 36 bộ sách (con số chính thức được lưu giữ tại Thư viện thông tin khoa học xã hội). Hệ thống các tác phẩm của Ngô gia văn phái đã phản ánh được nhiều mặt đời sống xã hội, chính trị, văn hoá của nước ta từ giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX. Đó là giai đoạn có biết bao biến động to lớn trên đất nước ta, dưới các triều Lê- Trịnh, Tây Sơn và Nguyễn. Trong hệ thống các tác phẩm của Ngô gia văn phái, nhiều tác phẩm có giá trị đóng góp cho lịch sử văn học nước nhà, đặc biệt là Hoàng Lê nhất thống chí, bộ tiểu thuyết ký sự lịch sử danh tiếng bậc nhất của văn chương Việt Nam. Có thể nói, Tả Thanh Oai là một làng khoa bảng lớn, một làng văn chương lớn bậc nhất không chỉ của Thăng Long- Hà Nội, mà của cả nước Việt ta!

ANH CHI