Lưu Khánh Đàm là hậu sinh làm gì có chuyện xướng xuất việc dời đô

Tạp chí Hồn Việt số 37 (tháng 7/2010) đăng bài Có hay không sự kiện Lưu Khánh Đàm xướng xuất việc Lý Công Uẩn dời đô của tác giả Đào Xuân Ánh, để phản biện lại bài Lưu Khánh Đàm (989-1058), người xướng xuất việc dời đô của hai ông Nguyễn Tiến Đoàn và Phạm Minh Đức, được đăng trong Hồn Việt số 31 (tháng 01/2010) và có đưa lên mạng (http://honvietquochoc.com.vn).

Bài đọc hết sức lý thú mà cũng cực kỳ bổ ích, có thể nói đây là một đóa hoa mỹ lệ ngào ngạt sắc hương, hơn cả trăm lần xem truyện và phim kiếm hiệp hoang tưởng, chào mừng ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, thật là sáng giá:

Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam
.

(Hồ Chí Minh)

Việc ông Lưu Khánh Đàm (989-1058) người xướng xuất việc dời đô cần phải đắn đo, cân nhắc cẩn thận. Xét trong các sách chính sử, năm sinh và năm mất của nhân vật này không đúng với khách quan lịch sử, thì làm gì có việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi và góp ý dời đô từ Hoa Lư về Đại La!

Với đoạn văn sau đây: “Ngày Lê Ngọa Triều băng hà, quan Chi hậu Đào Cam Mộc bàn với Lưu Đàm, Lưu Điều lập Lý Công Uẩn lên làm vua, các quần thần cũng bằng lòng nhưng Lý Công Uẩn cố chối từ. Lưu Đàm tiến đến thưa rằng:

Nay Ngọa Triều thất đức, giết anh, ngược đãi mọi người, nay đã chết. Minh công uy đức hơn người, nơi nơi đều rõ, chúng tôi nguyện theo lời thỉnh cầu của mọi người cùng nhau hiệp lực làm cho điềm lành chấn động, ứng với trời và người, xin minh công chớ do dự”.

Lưu Đàm nói chưa dứt lời thì Lưu Điều vung kiếm chém đứt đôi chiếc án (tráp án) nghiêm giọng nói rằng:

“Triều đình không thể một ngày vô chủ, nay Ngọa Triều vô đạo, trời oán, người giận, Lý Công Uẩn uy đức hơn người, vốn được trọng vọng. Thiên hạ đồng lòng theo về cùng lập lên ngôi đế, kẻ nào dám càn rỡ, sinh chuyện dị nghị sẽ giống như chiếc án này!”. Cả triều đình nghe lời nói ấy, không ai không sợ hãi bèn phò Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, triều đình bái lạy, tung hô vạn tuế” (N.T.Đ-P.M.Đ).

Nếu đúng thế thì Nhị Lưu và Đào Cam Mộc là những đệ nhất khai quốc công thần, được khen thưởng vô cùng trọng hậu, thế mà trong ngày mừng công hai ông họ Lưu lại biệt vô âm tính.

Đại Việt sử ký toàn thư (tập 1) ghi: “…Lấy con gái trưởng là công chúa An Quốc gả cho Đào Cam Mộc, phong Cam Mộc là Nghĩa Tín hầu, Phong hoàng huynh (anh vua) là Vũ Uy Vương, hoàng thúc (chú vua) làm Vũ Đạo Vương, con Vũ Uy Vương là Trưng Hiển làm Thái úy, con Đức Thánh Vương làm Phó làm Tổng quản, Trần Cảo làm tướng công, Ngô Đinh làm khu mật sứ, Đào Thạc Phụ làm Thái Bảo, Đặng Văn Hiếu làm Thái phó, Phí Xa Lỗi làm Tả kim ngô, Vệ Trúc làm Hữu kim ngô, Đàm Thản làm Tả vũ vệ, Đỗ Giản làm Hữu vũ vệ, các người khác đều như cũ cả” (Nxb VH-TT. 2004, tr.255).

Qua đời vua thứ 2 là Lý Thái Tông (1028-1054) trong cuộc khen thưởng đầu tiên để mừng công, cũng không có tên anh em họ Lưu, minh chứng, Đại Việt sử ký toàn thư (tập 1) chép:

“…Cho Lương Nhậm Văn làm Thái sư, Ngô Thượng Đinh làm Thái phó, Đào Xử Trung làm Thái Bảo, Lý Đạo Kỷ làm Tả khu mật, Lý Triệt làm Thiếu sư, Xung Tân làm Hữu khu mật, Lý Mật làm Tả tham tri chính sự, Kiểu Bồng làm Tham tri chính sự, Liêu Gia Trinh làm Trung thư thị lang, Hà Viễn làm Tả gián nghị đại phu, Đỗ Sấm làm Hữu gián nghị đại phu, Nguyễn Quang Lợi làm Thái úy, Đàm Toái Trạng Đô thống, Vũ Ba Tư làm Uy vệ Thượng tướng, Nguyễn Khánh làm Định thắng Đại tướng, Đào Văn Lôi làm Tả phúc tâm, Lý Nhân Nghĩa làm Hữu phúc tâm, Phan Đường Liệt làm Thị nội” (tr.280).

Để minh chứng, Tác giả Đào Xuân Ánh viết như vầy thì hơi quá sơ lược: “Sự thực thì, theo Đại Việt sử ký toàn thư khi chép về sự kiện triều thần phò Lý Công Uẩn lên ngôi không hề nhắc tới, dù chỉ một lần, tên hai ông Lưu Đàm, Lưu Điều. Tôi đọc rất kỹ cả Kỷ nhà Lý chỉ có một câu nói đến Lưu Khánh Đàm, đó là vào năm Bính Thìn, niên hiệu Thiên Chương Bảo, Tự thứ hai (1136), đời Lý Thần Tông có ghi: “Tháng 3, Thái úy Lưu Khánh Đàm chết” (Sđd. Nxb VH-TT. 2004, tập 1, tr.376)”.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư không phải nói về anh em họ Lưu, một lần (như dẫn chứng trên) mà còn nhiều lần khác, xin đơn cử: “… Vua không khỏe. Gọi Thái úy Lưu Khánh Đàm vào nhận chiếu rằng:

“Trẫm nghe phàm giống sinh vật không giống nào là không chết. Chết là số lớn của trời đất, lẽ của vạn vật đều thế. Thế mà người đời không ai không thích sống mà ghét chết, chôn cất cho hậu để mất sinh nghiệp, trọng để tang đến tổn hại tính mệnh, trẫm không cho là phải, ta đã ít đức không lấy gì làm cho trăm họ được yên, đến khi chết đi, lại để cho nhân dân mình mặc sô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, tuyệt cúng tế, làm cho lỗi ta nặng thêm, thì thiên hạ bảo ta là người thế nào!...” (tr.356).

“Năm Mậu Thân (1128)… Ngày Tân Sửu, cho Nội vũ vệ Lê Bá Ngọc làm Thái úy, thăng tước hầu, Nội nhân hỏa đầu Lưu Ba và Dương Anh Nhĩ làm Thái phó, tước đại Liêu ban, Trung thừa Mâu Du Đô làm Gián nghị đại phu, thăng trật Chư Vệ, Nội nhân hỏa đầu Lý Khánh, Nguyễn Phúc, Cao Y làm Thái bảo, tước nội thượng chế; Nội chi hậu quản giáp Lý Sơn làm Điện tiền chỉ huy sứ, tước hiệu Liêu ban, kép hát Ngô Toái làm Thượng chế, Ngự khố thư gia Từ Đình làm Viên ngoại lang, lại ban tiền lụa cho Bá Ngọc, Ba (tức Lưu Ba) và Du Đô cùng các quan chức đô theo thứ bậc khác nhau, đó là đền công phù tá khi vua lên ngôi.

Ngày Nhâm Dần, sai Thái phó Lưu Ba và Gián nghị đại phu Mâu Du Đô đem lễ vật của Nhân Tông ban cho Sùng Hiền hầu đến tận nhà (tr.361).

“Năm Mậu Thân (1128)… Tháng 8, xuống chiếu cho Lưu Khánh Đàm và Mâu Đô Du chọn các quan chức đô” (tr.365).

“Kỷ Dậu (1129)… Tháng 3, Lý Tự Khắc dâng tấu rằng, rừng ở sông Đáy có hươu trắng. Vua sai Thái úy Lưu Khánh Đàm đến bắt được, thăng Tử Khắc làm Khu mật sứ theo trật minh tự, đội mũ bảy cầu” (tr.367).

Từ những tư liệu của Đại Việt sử ký toàn thư trên đây, cho người đọc biết Nhị Lưu làm quan trong hai đời vua Lý Nhân Tông (1072-1127) và Lý Thần Tông (1128-1138) vì ông Lưu Khánh Đàm chết năm 1136 và thọ 69 tuổi thì ông sinh năm 1067 gần cuối đời Lý Thánh Tông (1054-1072). Nếu ông ra làm quan lúc 18 tuổi trở lên (tức vào năm 1085 trở về sau) thì vào đời vua Lý Nhân Tông.

Trong bài viết của mình, Lê Giang viết có đoạn: “… Trong hai bài văn bia này, tuy có sự việc được ghi lại dài ngắn khác nhau, nhưng về các chức tước của Lưu Khánh Đàm đều ghi ông làm quan trải qua 3 triều vua, kể từ Lý Thái Tông (1028-1054); Lý Thánh Tông (1054-1072); Lý Nhân Tông (1072-1128), hưởng thọ 69 tuổi.

Căn cứ vào thời điểm trên, có thể khẳng định Lưu Khánh Đàm sinh vào thời Lý Thái Tông, sau năm 1028 và mất vào thời Lý Nhân Tông, trước năm 1128, niên hiệu Long Phù I đời Lý Nhân Tông, năm mà trong văn bia ghi Hoàng Việt Thái phó Lưu quân mộ chí ghi Lưu Khánh Đàm qua đời.

Vậy có thể biết được năm sinh của Lưu Khánh Đàm là năm Nhâm Thân, niên hiệu Thiên Thành thứ 5 đời Lý Thái Tông năm 1032, đúng với những gì đã khắc trong hai bài văn bia soạn đương thời đã nêu trên” (dẫn theo Đ.X.A). Điều này lại vướng thêm một phần rắc rối, khác xa với chính sử, khó có thể chấp nhận được, có hai tài liệu giá trị cũng khá cao, giúp cho ta biết Lưu Khánh Đàm mất vào thời Lý Thần Tông.

Từ điển Di tích văn hóa Việt Nam, tác giả Ngô Đức Thọ (chủ biên) viết: NHỊ LƯU (đền) - đền thờ anh em Lưu Khánh Đàm và Lưu Ba tại xã Lưu Xá, huyện Hưng Nhân, nay thuộc xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Lưu Khánh Đàm người thôn An Lăng, thuở nhỏ sống ở xã này sau làm quan triều Lý Nhân Tông (1072-1128) giữ chức tiết độ sứ, từng vâng mệnh đi đánh dẹp quân Chiêm Thành và chống quân Tống, lập nhiều công lớn được thăng làm Thái úy.

Khi vua Nhân Tông sắp mất, gọi Lưu Khánh Đàm vào trao di chiếu giao cho ông phò Thái tử Dương Hoán lên ngôi (tức vua Lý Thần Tông), em Khánh Đàm là Lưu Ba cũng làm quan trong triều Lý Thần Tông, giữ chức nội nhân hỏa đầu. Sau khi mất, dân xã nhà lập đền thờ (Nxb Từ điển bách khoa, 2007, tr.423).

Hỏi đáp về những ngôi đền nổi tiếng Việt Nam, Đặng Viết Thủy (biên soạn) viết: “… Toàn thư có chép việc tháng 12 năm Thiên Phù Khánh Thọ thứ 1 (2/1128) vua Lý Nhân Tông sắp mất, gọi Thái úy Lưu Khánh Đàm vào nhận di chiếu để lập Thái tử Lý Dương Hoán nối ngôi (tức vua Lý Thần Tông) và ghi Thái úy Lưu Khánh Đàm mất năm Bính Thìn, niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự thứ 4 (1136), sách khác lại ghi năm mất khác là 1161, chưa rõ đúng là năm nào.

Cũng trong khoảng thời gian này, Đại Việt sử ký toàn thư ghi việc nội nhân hỏa đầu Lưu Ba được thăng chức Thái phó năm Thiên Thuận thứ 1, đời Lý Thần Tông” (Nxb Quân đội nhân dân, 2009, tr.408).

Lịch sử là môn khoa học chuẩn xác cao, thấm đẫm CHÂN, THIỆN, MỸ; tỏa sáng vinh danh dòng tộc, vô tư, khách quan, người nào mà muốn vo tròn, bóp méo, bẻ cong chỉ tổ làm cho mình tiêu hao công sức mà sẽ không được gì cả. Sự việc diễn ra như thế nào phải viết như thế ấy, giá trị lịch sử mới cao và được người sau tin cậy và trân trọng đón nhận. Kìa như cái giản nước Tề/ Ba phen qua sử, nối đề “thí Vua” (Đồ Chiểu).

N.T.V
(Tổ 1, KV Bình Thường B,
P. Long Tuyền, Q.Bình Thủy,
TP. Cần Thơ.)


Bài liên quan:
NGUYỄN TẤN VĨNH