Luận án Tiến sĩ Y Khoa của một tù nhân Côn Đảo

Từ sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất (30/4/1975), nhà tù Côn Đảo đã trở thành đối tượng nghiên cứu của một số luận án Tiến sĩ Lịch sử, tái hiện cuộc đấu tranh chính trị kiên cường của các chiến sĩ cách mạng tại nhà tù Côn Đảo, tố cáo trước dư luận thế giới về tội ác của thực dân, đế quốc và tay sai đối với nhân dân ta.

Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu luận án Tiến sĩ Y khoa nhan đề Nhận xét về bệnh lý tại một nhà lao(1) được bảo vệ thành công trước năm 1975 (29/1/1972) tại Trường Đại học Y khoa Huế mà tác giả là một sinh viên yêu nước bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu bắt giam tại Côn Đảo trong hơn 3 năm. Sinh viên ấy là Nguyễn Minh Triết.

*
* *

Nguyễn Minh Triết, người Đà Nẵng, là sinh viên khóa I (1961-1967) Trường Đại học Y khoa Huế, tham gia cách mạng khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bị địch bắt tháng 2/1968 và bị đày ra Côn Đảo từ tháng 7 năm đó. Trong suốt thời gian ở tại “địa ngục trần gian” này, anh vừa tham gia chữa bệnh cho anh em tù nhân vừa thu thập tư liệu về các bệnh lý ở đây. Nhờ vậy, sau khi được trả tự do (tháng 11/1971), trở lại trường, anh đã nhanh chóng hoàn thành luận án và bảo vệ trước Hội đồng giám khảo ngày 29/1/1972.

Khi được hỏi: trong điều kiện địch không cho đem bất cứ một tờ giấy nào ra khỏi nhà tù, làm sao anh có được số liệu?, anh cho biết: “Tất cả đều phải chứa vào bộ não hết, nói cách khác, tôi phải thuộc lòng tất cả số liệu nêu trong luận án”. Anh nói thêm: “Tôi thuộc lòng các số liệu, không chỉ để thực hiện luận án, mà còn nhằm sử dụng nó như một vũ khí để tố cáo tội ác của Mỹ và tay sai” (trả lời phỏng vấn ngày 12/7/2012).

pic
Nhà lao Côn Đảo, "trường đại học thứ hai" của Nguyễn Minh Triết

Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi chỉ giới thiệu một số nội dung cơ bản của luận án(2), như nguyên nhân gây bệnh đối với tù nhân và một số loại bệnh chỉ có ở nhà tù Côn Đảo; rút ra một số nhận định, giúp hiểu đầy đủ hơn về nhà tù Côn Đảo dưới chế độ thực dân, đế quốc và chính quyền Sài Gòn.

- Về nguyên nhân gây bệnh

Trong 40 tháng bị giam giữ tại nhà lao Côn Đảo (từ 17/7/1968 đến 26/11/1971), tác giả đã khảo sát có hệ thống và cụ thể về nguyên nhân gây bệnh đối với tù nhân Côn Đảo. Ngoài sự khắc nghiệt của khí hậu nhiệt đới, luận án khẳng định nguyên nhân gây bệnh (căn bệnh học) là do chế độ nhà tù “dinh dưỡng thiếu sinh tố, thiếu protein; vệ sinh thiếu sót; trạng thái tinh thần đặc biệt sau thời gian thẩm vấn”.

Về chế độ dinh dưỡng, theo sự khảo sát của tác giả luận án thì về thịt, “kể từ tháng 7/1968 đến tháng 11/1971 được ăn thịt có 6 lần (các sở ngoài); tình trạng lao cấm cố còn tệ hại hơn nhiều”; về rau, “ở các lao cấm cố trước đây không được ăn rau và chuyện bứt cỏ (cỏ thỏ, sam đất, màng chầu) hay hái lá cây (lá bàng, lá phượng) để ăn là chuyện thường”.

Về vấn đề vệ sinh và phòng ngừa bệnh quá thiếu sót, như về “phòng giam xây cất theo lối cổ, mái thấp che tận ngoài hành lang, cửa sổ cao và nhỏ, trong phòng ngay lúc ban trưa trời nắng vẫn tối lờ mờ khó đọc chữ được. Còn lúc mưa hay buổi sáng thì tối om. Không khí trong phòng rất ngột ngạt, khó thở vì thiếu thoáng khí...”, các phòng trại biệt lập, tức chuồng cọp (trại II và trại III) “bên trên là bê tông có một khoảng thông hơi nhỏ có rào song sắt khoảng 5 tấc vuông. Các phòng đó có khi nhốt đến 5 người, như vậy mỗi người có khoảng 1,5 đến 2 mét khối không khí”.

Về cầu tiêu, “trong các phòng giam thì đi tiêu, tiểu ngay trong phòng ở góc. Thùng cầu đầy được tù nhân gánh đổ vào các cống rãnh cạnh đấy để đổ ra bể hay đem đi tưới phân trồng rau”. Với các phòng biệt lập thì “tiêu, tiểu trong một thùng cây để dưới chân, nên phòng luôn luôn hôi thối. Lúc đầy đem đi đổ vào những hố lộ thiên, lúc nhúc những dòi, ruồi, nhặng… thật khủng khiếp, chúng sinh sôi nẩy nở trong các đống phân, đống rác hay những ụ ủ dòi cho gà vịt ăn”. Về giếng nước, “thường xây giữa trại, nơi đây vừa gánh nước uống, vừa tắm, giặt các đồ dơ, áo quần mền chiếu bệnh nhân v.v... Chung quanh giếng có cống rãnh để dẫn nước vào ống cống lớn đổ ra bể hay ngấm xuống đất sâu. Về mùa mưa, nước các cống đầy ứ chảy ngược vào giếng, làm nước ở giếng dâng cao lên”.

Về vệ sinh cá nhân, “thường tù nhân được tắm mỗi tuần một hoặc hai lần, trại khổ sai tương đối dễ dãi về tắm giặt hơn; trái lại các lao cấm cố (trại I, II, IV, V) có giai đoạn đóng hẳn cửa phòng nên không tắm ở giếng được. Trại nữ ở những phòng bị kỷ luật, có khi hàng tháng không tắm rửa”, trong lúc đó, “áo quần rách rưới... phải vá hàng chục mảnh. Hầu hết đều bận quần đùi”.

pic
Mô hình tù nhân trong nhà tù Côn Đảo

Về trạng thái tinh thần đặc biệt sau thời gian thẩm vấn, nói cụ thể là bệnh do địch tra tấn, đánh đập tù nhân, do chế độ lao tù của đối phương. Bọn cai ngục (bao gồm lính bảo an, công an, lính cộng hòa, cải huấn, giám thị...) không từ một thủ đoạn dã man nào để giết hại thể xác và sinh mạng chính trị tù nhân. Có vô số hình thức tra khảo dã man. Kể sao cho hết những cực hình tra tấn ở trong nhà tù. Địch tìm đủ mọi cách để đánh đập, tra tấn tù nhân.

- Về số loại bệnh chỉ có ở nhà tù Côn Đảo

Do những nguyên nhân như đã nêu, số bệnh ở Côn Đảo so với nhiều địa phương khác thật khủng khiếp, những tù nhân ở đảo ít ai thoát khỏi bệnh tật.

Ngoài các bệnh thông thường, bệnh lý ở Côn Đảo mang một sắc thái đặc biệt so với các địa phương khác. Trong thời gian 40 tháng, tác giả luận án đã lần lượt khám cho khoảng 14.000 tù nhân, mỗi người khám ít nhất một lần và đã tìm ra một số bệnh đặc biệt sau:

1. Bệnh hoại huyết có 120 người mắc bệnh. Nguyên nhân của bệnh là do thiếu sinh tố C. Luận án khẳng định: “Trong lúc thế giới ngày nay, theo các báo cáo ngay cả đến những nước kém mở mang nhất, bệnh thiếu sinh tố C gần như không còn thấy nữa... thì tại Côn Đảo trong suốt 40 tháng, đã có 120 người mắc bệnh này với triệu chứng sưng nướu răng, rụng răng, xuất huyết dưới da với trạng thái suy nhược nặng và thiếu máu”.

2. Bệnh thiếu sinh tố B1 (bệnh beriberi) có 309 người mắc bệnh.

3. Bệnh đen chân hay thiếu sinh tố PP có 14 người mắc bệnh. Bệnh phát khởi với chứng thâm đen và nhức nhối hai chân, chân căng cứng. Luận án cho biết bệnh đen chân là một tai họa khủng khiếp cho những người tù trong những năm 1957 đến 1960. “Theo lời thuật của một số đông tù nhân đã ở Lao 1 và Chuồng Cọp thì riêng năm 1957, 1958 lần phát bệnh thứ nhất có mấy trăm tù nhân bị thiệt mạng và lần thứ nhì năm 1960 có 50 người chết”. Đây là những người bị cấm cố lâu ngày, thường là 14, 15 năm với tình trạng dinh dưỡng quá kém, quá nhiều chất bột (cơm) mà gần như không có thịt, cá tươi, rau quả.

4. Bệnh bặt kinh có 31 người mắc bệnh. Bệnh phát sinh do yếu tố dinh dưỡng quá kém, gây cho nữ tù nhân những tình trạng thiếu ăn, thiếu sinh tố nặng. Luận án cho biết: “Bản tính phụ nữ vốn e lệ, trong vấn đề thay áo quần, tiêu, tiểu hay kinh nguyệt thường ở phòng kín, không muốn để người khác nhìn thấy, nhưng trong điều kiện ở Côn Đảo không có cách nào khác là phải bày ra trước mắt những người đồng bạn, và cũng phải luôn luôn đề phòng một số trật tự (tù nhân phạm các tội thường án) thường đi qua lại trên các song sắt bên trên Chuồng Cọp để kiểm soát”, và “trong số 250 người ở tuổi có kinh, có 31 người đã ghi nhận là bặt kinh từ ba tháng trở lên”.

5. Bệnh cơ suy nhược có 425 người mắc bệnh. Đây là loại bệnh rất phổ biến ở Côn Đảo. Qua khảo sát, luận án khẳng định: “Bệnh cơ suy nhược là một bệnh rất phổ biến ở Côn Đảo, đây là một bệnh cơ suy nhược tiếp thụ do thiếu ăn, thiếu sinh tố, đó là điểm khác biệt với bệnh cơ suy nhược nặng di truyền hoặc do bướu của hung tuyến”.

6. Bệnh nộ kinh có 112 người gồm 95 nam và 17 nữ. Theo luận án: “Chữ nộ kinh là một chữ mới đặt. Nộ có nghĩa là giận giữ, phẫn nộ. Kinh là để nói đến một bệnh kinh giật, như vậy để diễn tả một bệnh kinh giật mà bệnh nhân trong lúc lên cơn tỏ ra giận dữ, chống trả quyết liệt với một địch thủ tưởng tượng”. Qua nghiên cứu, tác giả luận án cho biết 80% (90 người) gồm 78 nam và 12 nữ, trong thời gian thẩm vấn đã bị quay bằng điện nhiều lần, đặc biệt là điện nhà (loại 110 volt và 220 volt), có khi quay hằng chục lần; 20% khác là do lựu đạn cay, đèn 500 watt, tổn thương ở đầu...

Phần kết luận, luận án đã khẳng định có 6 bệnh đặc biệt phát sinh ở nhà tù Côn Đảo, trong đó bệnh đen chân và bệnh nộ kinh được xem là hai bệnh đặc biệt nhất. “Bệnh đen chân, với điều kiện đặc biệt về dinh dưỡng, cách ăn mặc, tắm nắng với một khí hậu nhiệt đới, đã theo dõi và chứng minh bệnh đen chân chính là do thiếu sinh tố PP mà ra.

Bệnh nộ kinh là một thể ý bệnh, nhưng sự dồn ép do phẫn nộ gây ra chớ không do một mặc cảm về tình dục như ý của bệnh”.

Như vậy, từ phương diện y học, luận án đã đưa độc giả đến chỗ tiếp cận, nắm bắt tính chất dã man của nhà tù Côn Đảo. Trên thực tế, luận án đã tố cáo một cách đanh thép trước dư luận trong nước và quốc tế về tội ác của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở nhà tù Côn Đảo. Điều này góp một phần rất quan trọng cho phong trào đấu tranh chính trị ở các đô thị miền Nam vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Đặt trong bối cảnh lịch sử đó, sự thành công về mặt này của luận án là điều rất đáng được trân trọng. Phải chăng luận án đã góp một phần rất quan trọng cho sự ra đời của Ủy ban vận động cải thiện chế độ lao tù miền Nam Việt Nam trước năm 1975?

Luận án đã bảo vệ ngày 29/1/1972 trước một Hội đồng giám khảo gồm 7 thành viên do Giáo sư bác sĩ Bùi Duy Tâm, Khoa trưởng Trường Đại học Y khoa Huế, làm chủ tịch(3). Phát biểu tại buổi lễ bảo vệ, GS. Bùi Duy Tâm cho rằng: “Sự thành công của luận án đã đền đáp một phần xương máu của người tù”. Điều này cho thấy Hội đồng giám khảo đã khách quan trong đánh giá luận án dù rằng việc làm này có thể dẫn đến những hiểm nguy đối với chính bản thân họ. Rõ ràng, chế độ lao tù tàn bạo của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở Côn Đảo khiến bệnh tật phát sinh, đưa đến chết chóc là một thực tế không thể chối cãi được:

“Côn Nôn đi dễ khó về

Già đi bỏ xác, trai về nắm xương” (4).

“Trai về nắm xương”, điều này có nghĩa là nếu không bỏ mạng nơi chốn Hàng Dương (bãi tha ma của tù nhân, xương trắng đầy đồng) thì cũng mang bệnh tật lúc trở về.

Luận án không chỉ được chấm đậu mà còn được xếp loại xuất sắc, vị thứ thủ khoa. Nó trở thành một cáo trạng khoa học đối với chế độ nhà tù dã man của Mỹ và chính quyền Sài Gòn nói chung, nhà tù Côn Đảo nói riêng. Việc tạp chí Đối Diện xuất bản ở Sài Gòn cho đăng toàn bộ phần thứ nhất của luận án gồm ba chương (Chương I, Chương II và Chương III) với tiêu đề: “Côn Đảo: Tổ bệnh đặc biệt”(5) minh chứng về sự góp sức của tác giả trong cuộc đấu tranh nhằm cải thiện chế độ lao tù miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Trên một ý nghĩa khác, việc luận án bảo vệ thành công có thể được xem như là một sự kiện trong chuỗi sự kiện của lịch sử phong trào đô thị miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ giai đoạn 1971-1975.

_________

(1) Nhà lao ở đây là nhà tù Côn Đảo. Lẽ ra, tên luận án phải là Nhận xét bệnh lý tại nhà tù Côn Đảo, song để tránh những khó khăn từ phía chính quyền Sài Gòn gây ra, được sự đồng ý của Giáo sư hướng dẫn Bùi Duy Tâm, tên luận án được đổi thành Nhận xét về bệnh lý tại một nhà lao.

(2) Nguyễn Minh Triết. Nhận xét về bệnh lý tại một nhà lao (Luận án Tiến sĩ Y khoa quốc gia). Viện Đại học Huế, Trường Đại học Y khoa, 1972.

(3) Sáu thành viên khác của Hội đồng giám khảo gồm: GS.Nguyễn Văn Ba, GS.Lê Văn Bách, GS.Nguyễn Văn Hồng, GS.Nguyễn Mạnh Hùng, GS.Lê Văn Tích, GS.Lê Bá Vận.

(4) Nguyễn Minh Triết. Luận án đã dẫn, tr.18.

(5) Đối Diện, số 6, tháng 5/1973

PGS.TS Lê Cung