Mùa Vu Lan…

Một đêm mùa đông miền Bắc, giữa lúc tình hình chiến trường trong Nam đang vào giai đoạn căng thẳng, khốc liệt nhất, người ta trông thấy một chiếc tàu bí ẩn đậu tại cảng Đồ Sơn chuẩn bị nhổ neo.

Trong đoàn người hối hả lên chuyến tàu đêm đó, có một người phụ nữ 39 tuổi nhỏ thó, gầy gò, xé lòng chia tay 3 đứa con còn bé dại để quay về miền Nam chiến đấu. Sau này, trong cuốn hồi ký, bà viết: “Bỏ 3 đứa con lại ra đi, tôi như cầm dao cùn cắt rời 3 khúc ruột của mình. Nỗi đau này của tôi ai thấu được?”.

Đó là mùa đông năm 1964.

Chuyến tàu đi vào màn đêm mịt mùng hôm ấy không mang số hiệu.

Và người phụ nữ đó chính là mẹ tôi.

Khi mẹ đi rồi, chị em tôi không khác gì bầy chim non rã đàn, mất tổ. Chị Vũ Anh 14 tuổi, đang giai đoạn dậy thì, lứa tuổi đó người con gái cần mẹ biết bao. Có nhiều hôm chị tôi vì quá nhớ thương mẹ, lao ra đường chạy như mất trí, vừa chạy vừa la khóc, các chú bảo vệ phải chia nhau đi tìm về. Tôi 9 tuổi, em Kiên Trung lên 6, cái tuổi còn quá bé bỏng để hiểu chuyện gì đang thực sự diễn ra. Mẹ đi rồi, bao nhớ thương tôi chỉ biết gửi theo những cánh thư vào Nam cho mẹ:

“Mẹ ạ! Mẹ đi rồi lắm lúc con thấy con bơ vơ quá! Những khi ốm đau, những lúc gặp việc gì khó là con muốn có mẹ ở gần bên con, giúp con vượt qua. Có lần con làm mất số tiền của cả lớp góp lại là 2,5 đồng. Con là lớp trưởng, con phải giữ. Mất rồi con không biết xin ai. Con ngồi ở cầu thang con khóc. Chị Ngọc Minh đi ngang qua, chị thấy con khóc chị hỏi. Sau đó chị cho con số tiền để con trả đủ cho lớp, con mới yên tâm đi học.

Đến kỳ thi con thấy mẹ các bạn lo cho các bạn từ cây bút đến cuốn vở, cái áo mới để đi thi. Con nhớ mẹ lắm mẹ ơi”…

Khi mẹ tôi đưa lá thư cho các cô ở Hội phụ nữ khu 9 cùng đọc, mọi người khóc ròng. Các chú trong ban văn nghệ khu trích thư đó để nói lên nỗi đau của mẹ và con trong hoàn cảnh đất nước cắt chia 2 miền Nam - Bắc.

Mẹ tôi chiến đấu ở rừng U Minh. Địch in hình bà to như người thật kèm theo tên tuổi, bí danh dán khắp miền Tây để truy nã. Vừa trốn chạy sự truy lùng gắt gao, vừa vật lộn với những cơn sốt rét rừng cùng điều kiện chiến khu vô cùng khó khăn, thiếu thốn, mẹ tôi ngã bệnh, tóc bạc nhiều. Sức khoẻ yếu đi nhưng ý chí của bà vẫn vẹn nguyên như ngày chia tay bà nói với ba tôi trước khi bước lên con tàu không số: “Thôi cuộc đời chúng mình đã như vậy rồi, chúng mình lấy lý tưởng, sự nghiệp làm chính, như vậy chúng mình vẫn gần nhau”. Mỗi khi nghĩ về ba mẹ, nghĩ đến thế hệ cha, ông, thế hệ các cô, các chú và lớp anh, chị sau này, những người đã chiến đấu và ngã xuống cho nền độc lập tự do của tổ quốc, tôi hiểu rằng không có động lực nào thôi thúc họ mạnh mẽ hơn một lý tưởng cách mạng sáng trong và một tình yêu sắt son dành cho gia đình, đất nước.

Lúc xa ba, mẹ tôi làm cho ông một bài thơ nhưng không gửi. Mãi tới tận bây giờ, mỗi lần đọc lại trái tim tôi vẫn không thôi thổn thức, nhói đau:

“Ra đi trăm đắng ngàn cay

Thương mình, thương trẻ ngày ngày nhớ mong

Mười lăm năm nghĩa vợ chồng

Ái ân chưa trọn, sáu lần chia phôi

Sông kia bên lở, bên bồi

Trái duyên nên đã chia đôi chữ “đồng”

Phải chăng nước chảy ngược dòng

Cho nên nhiều đục, ít trong thế này

Bao năm cay đắng, đắng cay

Biết bao giờ mới có ngày bên nhau?”

Cả cuộc đời hai người đã yêu nhau bằng một thứ tình yêu kỳ lạ: vừa ngọt ngào, vừa chua xót; vừa bền chặt, vừa mỏng manh; vừa ước ao, vừa vô vọng. Tình yêu ấy muôn vàn đẹp đẽ, lãng mạn, nhưng tình yêu ấy cũng muôn vàn ngang trái, đớn đau.

Sau khi đất nước thống nhất, những năm cuối đời, ba tôi nói sẽ vào miền Nam sống bên mẹ. Tuy nhiên vì nhiều lý do, lời hứa đó đã không thành cho tới ngày ba tôi ra đi mãi mãi. Mẹ tôi vẫn chờ, nhưng ba tôi đã vĩnh viễn không bao giờ trở lại.

Tháng Vu Lan, khi đi qua các ngôi chùa, nhìn những người con còn mẹ được cài lên ngực mình bông hoa hồng đỏ, tự nhiên nước mắt tôi ứa ra, tủi thân và nhớ mẹ vô cùng. 9 năm chống Pháp, 21 năm chống Mỹ, người phụ nữ ấy đã dành hầu hết cuộc đời mình cho lý tưởng đấu tranh bảo vệ tổ quốc. Người phụ nữ ấy cũng là người dám yêu, dám hi sinh, dám đánh đổi, dám thiệt thòi, chỉ để mãi giữ trong tim mình bóng hình của một người đàn ông duy nhất.

Người phụ nữ ấy với tôi chưa bao giờ xa khuất. Trong giấc mơ hàng đêm bà vẫn ở bên tôi, vẫn bế bồng tôi nhỏ xíu trên tay và nựng nịu: “Bé ơi, bé Thành ơi, bé Thành của mẹ”….

(Bà Nguyễn Thụy Nga cùng con gái Vũ Anh, con trai Lê Kiên Thành, Lê Kiên Trung chụp ảnh kỷ niệm trước khi bà chia tay các con vào Nam năm 1964 - Ảnh tư liệu gia đình)

 

- Lê Kiên Thành -