Sực nhớ ra đang ở trên đất Tây Nguyên và đang ngủ trong nhà một mà thườm (già làng) người M’Nông. Tôi nằm trên võng góc bên đây, gần bếp. Bên kia là ông bà già, nghe rõ tiếng thở mạnh đều đều. Tiếng đứa trẻ ọ ẹ rồi chìm đi trong tiếng ru vọng ra từ căn buồng kế đó:
Đồi đứng bóng và đồi thắp nắng - Em hãy ngủ đi! Mặt đất im, mặt trời cúi nhìn - Em hãy ngủ đi! |
Lời mượt mà, nhạc êm dịu như ru người vào cõi mộng mơ hồ thuần khiết là đặc trưng của nhạc Trịnh. Tôi nhẩm hát theo. Nhưng người ru không theo trình tự, chỉ hát những khúc thật buồn, nỉ non như để ru mình:
Đời đã khép và ngày đã tắt - Em hãy ngủ đi! Đời mãi đêm và ngày mãi buồn - Em hãy ngủ đi! |
Lúc chiều mới tới đây, thoáng thấy một thiếu phụ trẻ địu đứa nhỏ đứng ở đầu hồi ngong ngóng nhìn về khóm rừng già phía sau đồi. Cho tới lúc đặt lưng trên võng, tôi thấy nhà này vắng vẻ, chỉ có mấy người thôi. Không thấy bóng một người trai trẻ.
Đêm cao nguyên khuya lạnh, lời hát chìm nặng kéo dài nghe thật não nề...
Thực ra bài hát không là một nỗi đau thực thể, chỉ là lời ru ngọt ngào hãy ngủ đi vẻ đẹp vĩnh hằng thiếu nữ - những đôi môi lửa cháy, mi cong cỏ mượt, đôi vai lụa mát, da thơm quả ngọt... Mà ai đây mượn lời nói ra nỗi lòng day dứt tái tê?
Rừng đã cháy và rừng đã héo - Em hãy ngủ đi! Rừng đã khô và rừng đã tàn - Em hãy ngủ đi! |
Những âm trầm đục như suối dưới thung nghe buồn nẫu ruột... Duyên cớ gì đây?
Trằn trọc mãi rồi ngủ thiếp đi. Lúc thức dậy thì trời đã sáng, chỉ thấy quanh quẩn trong nhà hai ông bà già với một thằng bé chừng 4-5 tuổi. Tôi hỏi mẹ cháu đi đâu, bà già bảo:
- Con gái tôi đi rẫy người ta.
Cao nguyên đang mở mang, nhiều trang trại thu hút nhân lực cả người Kinh và người tộc. Tôi hỏi thêm về cha thằng bé, hai ông bà lặng thinh. Cảm nhận sự khác thường, tôi lảng chỉ ra khóm rừng già:
- Rừng này của ai, sao chưa phá rẫy?
Mà thườm vẻ sợ hãi, lắc đầu quầy quậy:
Nó là của giàng. Đứa nào động tới là không được! Cái pri (rừng) như cái dak (nước), cái un (lửa), cái paơ (lúa), giàng cho mình, vắng một cái, người M’Nông không sống được!
- Thế bao nhiêu là rẫy kia? - Tôi khoát rộng vòng tay chỉ.
Hai ông bà cùng đứng thần người, nhìn ra cánh rừng còn lại chơ vơ, ánh mắt thì tiếc, nét mặt thì buồn. Tôi nhận ra sự ngớ ngẩn của mình và không dám gợi chuyện gì nữa nhưng cảm thấy có một điều gì u uẩn ở đây.
Theo tục người M’Nông, lễ hội cúng lúa một năm ba lần: Lễ xuống lúa vào đầu mùa mưa, lễ mừng cây lúa sắp trổ bông vào dịp giữa năm và lễ mừng đón hạt lúa về nhà vào dịp cuối năm. Ấy là tính theo mùa lúa rẫy cổ truyền.
Trước trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, người lớn bé các bon đứng chen nhau. Khối lửa hồng phần phật mau làm khô đi cái sân ướt át bởi cơn mưa đầu mùa lúc xế chiều. Mấy ché rượu cần lớn đặt rải vòng quanh với những cần tua tủa. Từng tốp con trai, con gái các đội văn nghệ trang phục ngày hội đủ màu sặc sỡ, rộn ràng. Tất cả cùng vỗ nhịp tay, đồng thanh hát vang lên bằng cả tiếng Kinh và tiếng Pu Noong: “Ta không còn du canh, hết nắng mưa hai mùa lang thang - Theo bờ sông Dak RLấp sống nối chung ta làm lúa ruộng...”.
Tôi không biết ghi lời theo tiếng tộc nhưng nghe vui lây. Trong đội cồng chiêng có cả mà thườm và đặc biệt có một thiếu phụ địu con. Tôi nhận ra thằng bé là cháu ngoại ông. Ông già vừa nhịp cồng trên tay vừa nghênh tai nghe như để chỉnh tiếng cồng chiêng hòa điệu. Ánh lửa bập bùng tô những nét hồng đậm nhạt tỏ mờ trên khuôn mặt của thiếu phụ đẹp như một bức tranh sơn dầu mà trong tiềm thức tôi đã thấy ở đâu.
Người mẹ mê mải phả hồn vào tiếng chiêng theo nhịp tay thật dẻo, lúc mềm, lúc mạnh cùng với cái đầu lúc lắc và cặp chân nhún nhảy rất duyên. Đứa con đung đưa trên lưng mẹ như thả hồn bay theo tiếng chiêng ấy chơi vơi. Tôi nhớ lại lời hát ru đêm qua... Nội tâm thiếu phụ có điều gì?
Tôi ngủ lại văn phòng Ủy ban cùng với anh cán bộ văn hóa xã. Anh vốn là bộ đội biên phòng hàng chục năm lăn lóc với dải biên cương nơi đây. Quen người, quen thung thổ rừng rẫy nắng mưa, yêu mảnh đất đỏ tươi mỡ màng này. Anh lấy vợ người tộc và khoe rằng, vào thời điểm đó, cô xinh đẹp nhất vùng. Anh tự hào với vốn ngôn ngữ và văn tự tộc của mình. Nước da ngăm ngăm, mái tóc đen xoăn cứng, giọng nói nặng nặng lơ lớ, nếu không được giới thiệu, khó mà biết anh người dưới xuôi.

Làng văn hóa đồng bào dân tộc M'nông. Ảnh: Internet.
Đêm se lạnh, tỉnh giấc nồng. Chợt nhớ tới thiếu phụ trong đội cồng chiêng với cái dáng thon tròn, nhịp chân uyển chuyển trong ánh lửa hồng hồng phập phừng ma mị. Tuy nhiên, tôi chỉ dám hỏi xa:
- Nhìn mà thườm chỉ huy đội cồng chiêng thấy mê!
Như được khơi trúng mạch, anh giảng thuyết cho tôi liền một hơi:
- Chơi cồng chiêng là không ai chỉ huy ai cả. Mỗi người chơi theo cảm hứng nhưng lại biết tự điều chỉnh để hòa điệu với nhau. Một hội cồng chiêng, nghe thì đồng điệu nhưng chú ý vẫn nhận ra âm điệu riêng của từng người. Thế mới là siêu. Nhưng dù hòa điệu hay đơn điệu, tiếng cồng chiêng phải được nghe nơi phóng khoáng mới thiêng. Nó neo trong nhà dài, vang ra ngoài rẫy, đọng trong các nhà mồ, vương vào gốc cây, khóm lá trên rừng, chảy theo con suối... Từ lễ thổi tai cho đứa bé mới sinh đến lễ bỏ mả cho người chết, tiếng cồng chiêng với người tộc huyền bí lắm. Cả nhà mà thườm là những người chơi cồng chiêng điệu nghệ. Thằng con rể mới siêu.
- Thế nó ở đâu?
Anh không nói ngay vào ý hỏi của tôi:
- Con H’Mi ấy mới thương!
Tôi nín thở chờ...
- Hai đứa đẹp đôi. Con bé hát hay lắm. Mỗi khi thằng Y Duk cầm cái chiêng, nhún người nảy lên một tiếng là lũ con trai con gái dù đang mải làm, mải chơi cũng bỏ đấy chạy đến với nó. Đoàn văn nghệ tỉnh định rút lên nhưng chúng nó không ham sống chỗ đông người, chung chạ, nhốn nháo, ồn ào. Nhờ hai đứa mà đội văn nghệ bon này nhất xã, đội văn nghệ xã nhất huyện, cả tỉnh biết tiếng huyện này. Con vợ mang bầu mà buổi văn nghệ nào hai đứa cũng cặp kè với nhau. Khi con vợ sanh, không văn nghệ được, thằng chồng cũng không chịu cất lên tiếng cồng...
Dừng một lúc như để nhớ lại điều gì, giọng anh nhỏ đi:
- Lúc ấy, vùng này mới khai phá, còn hoang vắng lắm. Bọn lâm tặc kéo lên phá rừng đốn gỗ. Chúng rủ rê lôi kéo lũ con trai mới lớn làm người dẫn đường, làm thợ sơn tràng, làm phu chuyên chở, thậm chí làm người bảo vệ theo xe chở lậu. Cây to bị đốn, rừng tàn héo khô đi rồi lại bị bọn đầu nậu xúi đốt phá đi trơ trụi, bán cho người ta làm trang trại.
Người địa phương thông thuộc cái rừng, con suối, cách phá rẫy làm nương, lỡ có bị bắt, chính quyền cũng nương tay, giao cho xã, bon bảo ban, khuyên nhủ. Trong khi người ta chỉ biết trông vào một vụ lúa rẫy, nương ngô, mưa nắng thất thường, dù no cũng chỉ được đầy gùi bắp, nồi cơm, còn bao nhiêu điều thiếu thốn. Theo bọn người này thì được no say, đuổi đi cái lạnh, lại được cả tiền... Khó mà làm êm cái bụng, cản được cái chân, cái tay người ta. Khu này xưa là rừng đại ngàn, là căn cứ kháng chiến hai thời chống Pháp và chống Mỹ là nhờ có rừng che bộ đội - rừng vây quân thù... Thế mà bây giờ... trống trơn!
Anh thở dài thườn thượt, cảm như xót cái gì đã mất:
- Thằng Y Duk thành đầu đám trong bon. Nó như phải bùa mê, thường bỏ nhà đi, quên luôn tiếng cồng, tiếng chiêng, thích uống rượu đế hơn rượu cần. Lời nói của già làng cũng không lọt vào cái tai của nó. Con H’Mi buồn lắm, nhiều lúc để con ở nhà, đi theo chồng để dụ nó về với con, với cái rẫy, cái cồng, để hai đứa lại đi văn nghệ. Nhưng thằng Y Duk bị con ma bắt rồi!
Giọng anh buồn hẳn:
- Một lần, con H’Mi lên rừng tìm chồng. Nó nói dối là đứa con bệnh. Thằng Y Duk bảo vợ về đi và đưa cho một mớ tiền. Con H’Mi khóc nhiều lắm thằng Y Duk mới chịu cài cây rìu bên mình, rời cái lán mà về. Con vợ nắm tay chồng kéo đi thật nhanh. Tới khoảnh rừng kia là gần đến nhà rồi, nhìn cây bằng lăng to, nó thấy ngứa tay. Nó không thương cái cây, không thương những chùm hoa tím đầu rừng. Nó chỉ nghĩ một điều là nếu không đốn sẽ bị người khác đốn mất phần thôi! Nó bảo vợ cứ về trước đi, nồi cơm chín nó sẽ có ở nhà.
Con H’Mi vui lắm, chạy về tìm trái cà đắng, chùm ớt, mớ rau làm món canh thụt cho chồng. Ở rừng, chỉ uống cái thứ rượu trắng cay xè, đau cái ruột lắm!... Nồi cơm chín rồi. Ống canh thụt như cháo quánh bốc hơi lên cay mắt và ngon cái miệng lắm. Cả nhà chờ mãi... Con H’Mi thấy cái bụng bồn chồn, nó địu thằng con chạy ra đón cha... Cán bộ có biết chuyện gì không?...
Anh ngồi lên khiến tôi cũng bật dậy theo vì cảm thấy có chuyện gì hệ trọng lắm đây. Giọng anh lạc hẳn:
- Cái cây đổ xuống nhưng nửa thân nó bị tước bật lên... Những dây leo cuốn chặt vào cổ, vào người, treo toòng teng thằng Y Duk trên cao!... Con H’Mi ngất xỉu đi!... Mấy người từ rẫy về muộn, nghe tiếng trẻ khóc ngằn ngặt bên bìa rừng mới vạch lối tìm vào... Lúc ấy trời sẩm tối rồi...
Tôi như nghẹt thở. Trời đã lờ mờ sáng. Anh chỉ ra cái khoảnh rừng thoi loi giữa chung quanh là rẫy:
- Vì chuyện đó mà khoảnh rừng này không ai dám động tới nữa. Nó là sự trừng phạt nhãn tiền của giàng pri đấy!
Anh vươn vai đứng dậy:
- Thấy nó buồn, thương lắm! Mấy đứa rủ đi văn nghệ, nó đến mà chỉ ngồi nghe thôi. Nó bảo muốn hát mà không há được cái miệng ra!...
Nó mang ra bộ cồng chiêng của chồng. Mà thườm dạy nó... Trời phú cho người tộc vốn nhạc cảm đặc biệt lắm, họ cảm nhận và ghi nhớ rất nhanh mọi thanh âm của tự nhiên, của đời sống và phát lại như là của chính mình... Bây giờ trong đội cồng chiêng, con H’Mi đứng vào chỗ của thằng Y Duk ngày trước. Những buổi trình diễn đặc biệt, trên tỉnh lại cho xe về rước đi.
Sáng sớm, phải tạm biệt bon này. Anh cán bộ văn hóa chở tôi ghé qua nhà mà thườm. Chỉ mấy lời chào vội vã mà tôi muốn được chia sẻ nỗi đau của những đời người dù chỉ qua một ngày đêm ngắn ngủi ở đây. Lúc trở ra, tôi giật mình thấy ở đầu hồi, vẫn bóng thiếu phụ địu con đăm đăm hướng về khoảnh rừng thiêng. Anh cán bộ xã quen đường, phóng xe băng băng. Lòng tôi man mác cảm giác buồn thương... Không biết thiếu phụ nhìn vào khoảnh rừng kia nặng nỗi nhớ chồng, nhớ tiếng cồng, hay nhớ cái rừng? Anh cán bộ nói gì tôi không nghe rõ nhưng bên tai tôi văng vẳng điệu ru buồn:
Rừng đã cháy và rừng đã héo Em hãy ngủ đi! Rừng đã khô và rừng đã tàn Em hãy ngủ đi! |