Làng Giang Mâu, cư dân sống với kinh tế trồng trọt – chăn nuôi làm sinh kế, những phong tục truyền thống luôn được bảo tồn. Đám cưới chủ yếu là giữa trai gái trong làng với nhau, họ tự nhiên thuần khiết và rất đáng yêu, nụ cười tươi rói và đầy lòng mến khách, làn da nâu rám nắng của vùng đất này cũng không thể làm phai nét duyên của người dân nơi đây.

Hoa Thanh Long
Đêm về, tiết trời Giang Mâu chuyển lạnh để bù bớt cái nắng gắt, bỏng rát ban ngày. Trong làng có đám cưới làm không khí càng thêm nhộn nhịp, vui tươi. Tiếng đàn, hát thâu đêm, những bài hát của dân tộc Chăm vang lên cùng với tiếng đàn Paranưng sôi động, réo rắt lòng người… bất chợt tôi nhớ đến lời bài hát “Pa ra pa ra nưng, ôi tiếng trống ru lòng tôi… Pa ra pa ra nưng, ôi tiếng trống những chàng trai, thương ai thương ai đợi chờ…” khiến chúng tôi không thể rời bước, rồi cùng theo nhịp đàn, tiếng hát, điệu múa của các thiếu nữ Chăm.
Theo lời kể của các vị chức sắc trong làng thì trai gái Chăm Bàni muốn cưới nhau phải có ông mai bà mối nhưng trên thực tế thì họ có quyền tìm hiểu, ngỏ lời trước khi đến lễ chạm ngõ. Ông mai bên nhà gái (kamei) mang lễ vật đến nhà trai (kakey) thăm dò rồi mới làm lễ hỏi, sau đó xin ý kiến các thầy Cả để định ngày cưới.

Cô dâu, chú rể và mẹ cô dâu trong ngày rước rể
Ngày tháng tổ chức lễ cưới phải do đạo giáo Chăm quy định, là tháng 3, 6, 10 và 11 theo lịch Chăm. Ngày cưới phải là ngày thứ tư trong những tuần không trăng. Giờ đưa rể và đưa họ về nhà cô dâu phải thuộc giờ âm, khoảng mặt trời đứng bóng xế chiều, người đi đưa họ phải đủ vợ chồng và có đời sống hôn nhân tốt.
Lúc hành lễ, cô dâu và chú rể lạy sư Cả, sau đó, đổi vòng tay cho nhau với quan niệm sẽ là vật gắn kết họ suốt đời; hai người cùng ăn trầu (theo quan niệm, ai nhanh hơn thì người đó sẽ nắm trụ cột trong gia đình) hoặc cô dâu và chú rể cùng ăn một mâm cơm để thể hiện tình vợ chồng gắn bó son sắt, thủy chung trước sự chứng kiến của gia đình, tộc họ…

Sư cả và khách trong rạp lễ
Sau hôm rước rể, gia đình nhà trai đưa con trai đến giao trực tiếp cho nhà gái kèm theo của hồi môn… và từ đó chàng trai ở rể luôn bên nhà vợ. Sau đó, nhà gái tổ chức tiệc mừng thết đãi bạn bè, gia đình, tộc họ và xóm làng. Vì người Chăm theo chế độ mẫu hệ nên trong việc cưới xin thì con gái, nhà gái đi hỏi chồng, con cái tính theo dòng mẹ nhưng ngày nay người Chăm Bàni ở Giang Mâu con cái lấy họ cha, có lẽ họ bị ảnh hưởng đạo Islam? Phụ nữ Chăm nắm quyền trong gia đình, giữ tài sản, quyết định mọi hình thức, mức độ cưới hỏi, việc tang lễ… riêng người Chăm Islam thì đàn ông có quyền cưới 4 vợ nhưng vẫn phải ở rể suốt đời và chỉ cưới vợ tiếp theo khi được vợ cả đồng ý.
Điều làm chúng tôi luôn thấy vui - ấm áp là sự mến khách, nồng hậu của gia đình và cộng đồng Giang Mâu. Họ rất đoàn kết và yêu thương nhau, trong những ngày trước và trong đám cưới… người thân, bạn bè, hàng xóm mỗi người một tay góp vui, góp việc nào là gói bánh, cất rạp… tạo nên sự gắn kết cộng đồng đầy tính nhân văn.
Vùng Ninh Thuận – Bình Thuận ngày nay với sự định cư của bốn nhóm Chăm: Chăm Jat, Chăm Bàni, Chăm Ahier (Bàlamôn) và Chăm Islam (Asulam)… mỗi nhóm theo mỗi phong tục, tập quán và quy tắc khác nhau về ẩm thực, trang phục, lễ hội, về tổ chức hiếu, hỉ nhưng cùng sử dụng ngôn ngữ Malayo-Polynesian và khá thống nhất về ý thức tộc người… Về Giang Mâu, cùng vui với cộng đồng trong lễ cưới của trai gái làng, hiểu và yêu thêm văn hóa dân tộc Chăm.