Không phải ngẫu nhiên những dự án sân golf lại vấp phải sự “phản đối” mạnh mẽ của xã hội như vậy, chắc chắn đằng sau sân golf là một sự mù mờ chưa giải mã hết, đặc biệt là lợi ích xã hội…
Ai hưởng lợi?
Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 600 hội viên thuộc hội golf, cộng thêm những người đang tập chơi golf lên khoảng 1.000 người. Số lượng này chỉ chiếm 1/3 so với số người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại thành phố chơi golf. Cũng theo nhận định của hội golf thành phố, về cơ bản số người chơi golf chuyên nghiệp cả nước không nhiều, vì “đi nơi nào cũng thấy mặt quen quen”. Nhưng điều bất hợp lý chính từ đây: sân golf chỉ phục vụ cho một nhúm người nhưng ăn rất nhiều loại đất, lẽ ra phải dành cho hàng loạt nhu cầu bức thiết của xã hội.

Sân golf Thủ Đức
Có lẽ dư luận phản ứng mạnh nhất là lấy đất nông nghiệp, đất trồng lúa làm sân golf vì ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia. Mặt khác, đất trồng lúa “bờ xôi ruộng mật” sẽ vĩnh viễn không trở lại sau khi đã làm sân golf. Qua thống kê, cả nước có 123 sân golf, nhưng hầu hết sân golf tại các tỉnh chủ yếu là chiếm đất nông nghiệp. Có nơi sân golf lại nằm lên hoàn toàn ruộng lúa, chẳng hạn như Long An khi quy hoạch có đến 13 sân golf, thuộc các vùng Long Hậu, Cần Giuộc, Thủ Thừa, Bến Lức, Đức Hòa. Chính vì vậy, khi dư luận lên tiếng sân golf ăn mất đất nông dân, tỉnh này đã điều chỉnh lại còn… 1 sân golf!
Thứ hai, sân golf ăn luôn phần đất của đô thị, cụ thể là TPHCM. Theo quy hoạch mạng lưới sân golf trên địa bàn thành phố của Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM vào năm 2007, toàn thành phố sẽ có 13 sân golf, bao gồm cả sân golf Thủ Đức hiện hữu, riêng nội thành sẽ có một sân golf tại sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình). Các sân golf còn lại nằm ở ngoại thành, phân bổ theo bốn hướng: sân golf Rạch Chiếc – quận 2; sân golf Sài Gòn – phường Long Trường, sân golf Long Phước quận 9; quận Thủ Đức có một sân golf tại phường Hiệp Bình Phước; tại huyện Bình Chánh có hai sân golf: Sing – Việt tại Láng Le, sân golf tại xã Tân Nhựt; huyện Nhà Bè có 2 sân golf: một sân tại xã Phước Kiển, kế đó là sân golf thuộc xã Long Thới, đi qua phà là huyện Cần Giờ sẽ có một sân golf tại xã Bình Khánh; phía Bắc sẽ có 2 sân thuộc huyện Củ Chi, tại xã Tân Thông Hội và một tại xã Tân Phú Trung. Đó là con số quy hoạch, nhưng sân golf đã có chủ thì tính đến tháng 8/2008, thành phố có 6 dự án đầu tư sân golf đã được cấp giấy phép đầu tư hoặc quyết định giao đất, hay văn bản chấp thuận chủ trương cho phép đầu tư với tổng diện tích đất 1.262 ha. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng còn giấu giếm khi “quên” đưa vào “sổ sách” các sân golf khác như sân golf nằm trên bãi rác khổng lồ Đa Phước, hoặc sân golf tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh…
Từ đây, vấn đề đặt ra tại sao TPHCM đất hẹp người đông mà lắm sân golf như vậy? Bởi lẽ, tất cả những căn bệnh trầm kha hiện nay đều xuất phát từ sự quá tải, thiếu đất cho giao thông, thiếu đất cho bệnh viện, thiếu đất cho trường học. Như vậy phải chăng việc quy hoạch sân golf chỉ dành cho một nhúm người mà quên đi “đại cuộc”, đó là thiếu đất trầm trọng cho phát triển đô thị? Một minh chứng cụ thể: theo Công ty Công viên Cây xanh, tổng diện tích công viên hiện hữu tại thành phố khoảng 659 ha – trừ diện tích sân golf Thủ Đức. Chỉ tiêu đất công viên bình quân trên đầu người không tăng, hiện khu vực nội thành cũ (13 quận) vẫn khoảng 0,7m²/người. Con số này ngược với diện tích đất sân golf: 6 sân golf đã có văn bản pháp lý lên đến 1.262 ha! Như vậy có sòng phẳng hay không khi cầm gậy bước vào cửa sân golf chỉ dành cho thiểu số người có thu nhập hàng đầu trong xã hội, mà lại bảo nơi đó là đất công viên cây xanh dành cho cả xã hội?
Tấm bình phong địa ốc
Bài toán lợi nhuận từ sân golf được tính như sau. Nguồn thu đầu tiên của sân golf là phí thành viên, khi có thẻ này hội viên sẽ được giảm giá tiền chơi. Vị trí sân golf càng đắc địa càng thu được phí cao. Nhưng “sức chứa” của sân golf có hạn, người chơi đông nên thẻ này được chuyển nhượng qua lại như cổ phiếu, tất nhiên sẽ phải đóng phí, khoảng 5%. Nguồn thu tiếp theo là các dịch vụ từ sân golf như sân tập, hồ bơi, nhà hàng, tiền mỗi lần chơi golf…
Tuy nhiên, tất cả nguồn lợi trên không nhằm nhò gì so với câu chuyện địa ốc trong sân golf, đó chính là đích nhắm của chủ đầu tư. Sân golf Thủ Đức có diện tích 300 ha, vốn đầu tư 70 triệu USD, hoạt động từ năm 1994. Một lãnh đạo Công ty Liên doanh TNHH Hoa – Việt, chủ đầu tư sân golf cho biết đã thu hồi vốn được 40%. Các nguồn thu như sau: riêng về sân golf, hiện nay có khoảng 1.000 hội viên, mỗi thẻ hội viên là 41.000 USD, có giá trị đến hết thời hạn thuê đất theo quy định của giấy phép đầu tư. Đối với địa ốc, đang có 59 căn biệt thự, tùy theo diện tích mà giá cho thuê từ 2.000 – 4.000 USD/căn/tháng, độ “lấp kín” bình quân cả năm khoảng 90%, chủ yếu là khách nước ngoài thuê dài hạn. Cũng theo vị lãnh đạo của công ty trên, tùy theo nhu cầu khách thuê mà số lượng biệt thự có thể xây nhiều hơn, vì cơ quan chức năng cho phép xây 250 biệt thự. Rõ ràng, nguồn thu từ việc cho thuê biệt thự chiếm tỷ lệ cực lớn trong hoạt động kinh doanh của sân golf Thủ Đức.
Đối với các dự án sân golf đang triển khai, diện tích dành cho địa ốc cũng chiếm số lượng tương đối lớn. Tại sân golf Vườn Dừa, đất dành cho biệt thự cho thuê là 23,69 ha, chiếm 15,16% trong tổng số khu đất hơn 103 ha! Với lợi thế vàng là ngay sân bay, sân golf Tân Sơn Nhất chắc chắn sẽ là địa điểm lý tưởng cho chủ đầu tư khai thác địa ốc. Sân golf này có tổng diện tích hơn 162 ha, có quyết định giao đất từ tháng 5/2007. Trên bản phê quy hoạch 1/500 thể hiện rất rõ: đằng sau sân golf 36 lỗ là hàng loạt khu công trình dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, trung tâm đào tạo, trường học quốc tế… Đặc biệt khu căn hộ cao cấp và biệt thự gồm có: 7 tòa nhà với 1.166 căn hộ; khu biệt thự với 70 căn, chắc chắn đây là khối vàng ròng sẽ mang lại cho chủ đầu tư khi khai thác!
Nhắm mắt duyệt sân golf!
Không chỉ ăn mất đất, những cảnh báo của các nhà khoa học gần đây cho thấy sân golf chính là hiểm họa về môi trường. Muốn duy trì màu xanh thẫm của cỏ cây sân golf sẽ ngốn một cơ số thuốc trừ sâu cực lớn, tương đương với chất độc dioxin, về lâu dài sẽ ngấm sâu trong lòng đất trở thành hiểm họa cho nhiều thế hệ. Vậy mà, khi truy lại những dự án sân golf đã và đang triển khai, câu chuyện môi trường không có cơ quan chức năng nào quan tâm!?
Với diện tích 300 ha, sân golf Thủ Đức có quy mô 36 lỗ, là tiên phong của TPHCM, vì lẽ đó tất cả những bài học ở đây sẽ trở thành mô hình áp dụng cho những nơi khác. Câu chuyện môi trường cũng không nằm ngoài cuộc, nhưng cũng thật bất ngờ khi một văn bản của UBND TPHCM ký ngày 18/8/2008 “tiết lộ” như thế này: “Theo báo cáo của Sở Kế hoạch – Đầu tư (…), chủ đầu tư không thực hiện đánh giá quan trắc hàng năm theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 nên không có cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước về môi trường giám sát, đánh giá nguy cơ tổn hại môi trường, ảnh hưởng đến đời sống cư dân trong vùng do hoạt động của sân golf gây ra”. Chưa hết, sau đó Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM đã có văn bản nhờ Bộ Tài nguyên – Môi trường cho biết về cách đánh giá môi trường, câu trả lời cho đến nay rơi vào quên lãng!?
Vấn đề môi trường chỉ là câu chuyện rất nhỏ nếu nhìn theo trên bề mặt tổng thể. Thường khi thực hiện chủ trương của lĩnh vực nào đó, chắc chắn chính quyền phải có đánh giá toàn bộ trước và sau, lợi và hại, cuối cùng là xem xã hội sẽ được gì? Nhưng sân golf đã không phải đi theo quy trình đó, bởi vì nó đã được duyệt và đưa vào hoạt động trước khi thành phố có những nhận định chuẩn xác về những tác hại của nó đối với môi trường. Những dòng sau đây trong văn bản trên đã minh chứng cho điều đó: “Do chưa có quy hoạch tổng thể về phát triển sân golf trên địa bàn thành phố, mặt khác tiêu chí về cấp phép đầu tư đối với các dự án sân golf chưa được xây dựng cụ thể nên việc phối hợp giữa các sở – ngành liên quan trong công tác thẩm định, cấp phép chưa thật chặt chẽ. Hơn nữa, các dự án đầu tư sân golf thường chiếm diện tích lớn, nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm và ảnh hưởng xấu đến môi trường do sử dụng nhiều nước sạch, thuốc trừ sâu, phân hóa học trong khi đó hiệu quả kinh tế mang lại không cao, chủ yếu kinh doanh các dịch vụ nhà hàng, bán thẻ hội viên và cho thuê biệt thự, hiệu quả không đáng kể”.
Tóm lại, sự tự nhìn nhận trên của lãnh đạo TPHCM sau khi sân golf được duyệt tràn lan đã cho ta thấy quá rõ ràng rằng chính quyền đã bị chủ đầu tư dắt đi đâu thì đi, phê duyệt dự án mà không có cơ sở khoa học, không dựa trên nguyên tắc nào cả! Vì sao sân golf lại được duyệt tràn lan như thế? Quốc Hội vừa họp, có đại biểu chất vấn và có trả lời chất vấn về vấn đề này. Nhân dân vẫn chưa thể nào thông được vì sao một đất nước nghèo như Việt Nam lại cần hơn trăm sân golf chỉ để phục vụ cho hơn 5000 người?! Đây không phải là chuyện nhỏ. Nó còn ẩn đằng sau nhiều chuyện không phải chỉ về kinh tế, mà còn là chính trị, là định hướng, là chệch hướng, cái mà ta có nói trên giấy, nhưng trên thực tế thì lại có nhiều việc làm ngược lại.