Nhà tôi ở phía Đông Bắc núi Nghĩa Lĩnh, nghĩa là gần nơi phát tích triều đại Hùng Vương dựng nên nước Việt ta bây giờ, nghiệm thấy năm nào hết Hội mồng 10 tháng ba âm lịch thì thế nào trời cũng đổ một cơn mưa, theo dân gian đó là mưa rửa đền. Cơn mưa rửa đền nặng hạt về đêm, thâu rửa những bụi bặm từ giọt mồ hôi đến vết chân lấm bụi đường xa của cả vạn con cháu thập phương hành hương về chiêm bái vua Tổ và cầu xin phúc lộc để sáng mai nơi thờ tự triều đại vua Hùng và đồi núi lại thanh sạch, yên ả và thiêng liêng như bao đời vẫn thế.
Ở Chùa Hương, nơi trác tích Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành, Diệu Thiên hóa Phật, lại có cả đền thờ Sơn Thần, Thượng Đẳng thần, bà Chúa Thượng Ngàn rồi Ngũ Hổ… là chốn thiêng của cả Đạo, cả Phật, cả Nho, nên sau những ngày hội kéo dài chừng hai tháng, từ 6 tháng giêng đến đầu tháng ba âm lịch vừa kết thúc, trời cũng đổ như ở đền Hùng, một trận mưa rào tẩy rửa bụi bặm trả lại cho chùa, cho đền, cho những con đường núi hành lễ và cầu treo, bến nước ở nơi Nam thiên đệ nhất động này cảnh tinh khiết và tĩnh lặng chốn hương ngàn.
Tôi mới đi lễ chùa cầu phúc hồi đầu tháng Giêng, chợt nhận ra, cách đi lễ chùa, đi hội của phật tử thời nay khác xa những năm ngoái, năm xưa. Ấy là, thay vì đi hành lễ thanh thản, tâm thiện, hòa vào cảnh quan thiên nhiên và hương hoa thanh thiền của chốn Phật, dâng một đĩa hoa, một nén tâm hương, khiêm kiệm lời cầu xin ban phúc lành thì nay đã biến tướng.
Người hành lễ thực dụng hơn, chen chúc cầu lợi, cầu danh, cầu tiền, cầu chức, cầu tình duyên, cầu đen đỏ, sát phạt, lợi mình, hại người, mua Thần bán Thánh, văng tục, chửi thề, ăn uống xô bồ, vứt rác vô tội vạ, thậm chí còn đang tâm khắc tên lên cây, lên đá để lưu danh nơi cửa thiền…
Tất cả đã làm méo mó, tha hóa văn hóa đi lễ chùa vốn tinh tế thanh lịch, hướng thiện. Văn hóa ứng xử trong lễ hội truyền thống thường trang trọng hướng về cội nguồn vốn giàu tình thân ái và chia sẻ, là vẻ dẹp tinh thần, là bản sắc văn hóa dân tộc nay cũng nhốn nháo, mua bán, cướp giật.

Người hành lễ chen chúc cầu lợi. Nguồn: Internet.
Nước ta từ Bắc tới Nam một năm có chừng 500 lễ hội truyền thống lớn, nhỏ trải suốt bốn mùa, phần nhiều là hội xuân, diễn ra ở đình, ở chùa, ở các danh thắng, các địa danh lịch sử.
Lễ hội nhỏ nơi làng xã thì vài trăm người vui chơi hành lễ. Lễ Hội lớn như hội đền Hùng, hội chùa Hương, hội Gióng, hội Yên Tử, hội Bà Đen mừng cơm mới... thu hút hàng chục vạn du khách.
Ở những nơi tụ tập công chúng đông đảo này nếu cứ để diễn ra những việc làm phi văn hóa là điều rất đáng cần quan tâm, trước hết là các cơ quan văn hóa và chính quyền sở tại...
Với tư cách một Phật tử lẫn trong đoàn người hành hương về miền đất Phật Hương Sơn cầu thiện, tôi trộm nghĩ, các bạn đến với đền chùa là đến với không gian thiêng liêng thì phải có hành động, việc làm và phong cách tưng ứng.
Chốn thiêng đến trời xa thẳm còn làm mưa sau khi hội tan để giữ cho đền chùa, cảnh quan thanh sạch, mà người hành lễ nỡ lòng nào làm ngược ý trời, đến mưa cũng không gột rửa, cuốn trôi hết được những rác rưởi của người hành hương nén lại, thì làm sao cầu được phúc lành đây? Ấy là chưa kể, mưa có thể tẩy rửa bụi trần, nhưng liệu có tẩy rửa được những việc làm cố tình cầu lợi mà hóa ra là phỉ báng đến đức Phật như gài tiền vào bụng tượng chẳng hạn...
Đi lễ chùa, đi hội cần một tâm thế văn hóa.
Bài liên quan: