Một ngày xuân năm nọ, tôi cùng hai nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian đi dự lễ hội Nàng Hai ở xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa (Cao Bằng). Sau ba ngày hội, chia tay ra về, đã lên đến đèo Mủng Thiên (Ngắm Trời), ngoái lại nhìn thung lũng Tiên Dao, lòng còn vương vấn với những câu hát Lượn Sương giã bạn mượt mà êm ái, dịu ngọt… khi gà gáy dồn gọi mặt trời lên: Gà gáy ra nhìn đông lại tây / Tiếng gà giục giã lệ tràn đầy / Còn thấy lúc này duyên trước mặt / Lát sau li biệt làm sao đây? / Tiếng gà giờ Sửu trời mờ sáng/ Nhắn bạn đôi lời kết tóc tơ / Thương nhau giờ phút còn vui thú / Nhớ bạn không thôi sắp lại nhà… (Bài dịch). Ba ngày hội qua đi, niềm vui còn lưu luyến.
Hội Nàng Hai có hai phần: phần lễ và phần hội. Lễ là phần chủ yếu, đây là lễ cầu mùa đầu xuân. Khắp nơi kéo về thung lũng Tiên Dao, nơi mở hội; mang theo góp hương thơm, hoa giấy, vàng mã, chim én, chim ương giấy, thuyền gỗ vông xinh xinh…
Trước nhà lễ dựng ở giữa cánh đồng, khói hương nghi ngút, mở đầu bằng Khúc hát lễ hội, lúc hát một, lúc hát đôi, lúc lại tụng ca tập thể, nhịp nhàng hòa trong tiếng nhạc trầm bổng của một tập đoàn nam thanh nữ tú dưới sự chỉ đạo của một bà then Nàng Cả. Khúc hát lễ hội diễn tả hành trình từ thung lũng lên mường trời rồi trở về hát hội ở trần gian.

Thiếu nữ Tày.
Có hai cô gái xinh đẹp đóng vai Gường (Gường Hai Há) và Sở (Sở Hai Tàng) đứng đầu đoàn nam thanh nữ tú trần gian lên mường trời mời Nàng Hai (Hằng Nga) ở trên cung Quảng. Họ trình bày công việc của mình trước bàn thờ, nhờ khói hương làm sứ hương, nhờ én ương làm sứ én ương… tiếp theo hát những bài hát giải uế, cảm tạ, gọi nhau lên đường, qua cánh đồng, vượt non ngàn, hú gọi vía, tới mường trời, họ gặp các Mẹ Nàng Hằng Nga.
Trước tiên đoàn người đẹp gặp Mẹ Nàng Lạn Ba kêu xin Mẹ Nàng ngừng vỗ sóng, mở cửa trời cho đoàn đi lễ. Đoàn xin áo mường trời để thay và tiếp tục hành trình. Họ gọi đò vượt sông nước rồi vào trình diện Mẹ Nàng Khắc Cơ chuyên giữ thóc giống. Mẹ Nàng cho thóc. Họ phải trình diện Mẹ Nàng Bích Vân, xin thêm thuyền và quân phu (suông) giúp chở thuyền thóc giống qua Ngân Hà. Họ lại gặp Mẹ Nàng Bích Lan xin giống vải và cây dâu tằm; gặp Mẹ Nàng Dượng Tàm để xin con giống tằm; gặp Mẹ Nàng Mạ Mì để xin Mẹ nhốt kĩ sâu bọ, chớ thả chúng xuống dương gian ra đồng phá lúa, vào rừng cắn hoa.
Sáu Mẹ Nàng là sáu Nàng Hai (Nàng Tiên - Hằng Nga) ở cung Quảng Hàn đến giúp đỡ thỏa mãn mọi yêu cầu của đoàn trai gái trần gian. Gường Hai Há và Sở Hai Tàng cùng đoàn người lênh đênh chèo thuyền trên sông Ngân Hán trở về. Họ mở hội cảm ơn các Mẹ Nàng Hằng Nga ở mường trời, ngỏ lời mời các nàng tiên (Nàng Hai) xuống trần gian dự hội.
Tới trần gian, họ mở hội múa hát, dựng thành trì, lập lâu đài các trạm dâng hương khao hoa khao nụ, bày cỗ cùng các lễ vật… từ các xóm bản trong thung lũng mang về cúng bái, họ giải uế cầu nguyện… Tiếp đó họ hát những khúc hát chia tay, tiễn đưa các Mẹ Nàng Hằng Nga… Gường Hai Há và Sở Hai Tàng phân phát thóc giống cây con cho bản mường. Đoạn, hai nàng đặt ngón chân cái lên hai con thuyền nhỏ (bằng gỗ vông) trên mặt suối, đẩy nhẹ thuyền trôi về xa. Trai gái dự hội cùng thả thuyền của mình xuống dòng suối tiễn các Mẹ Nàng Hằng Nga về trời. Nàng Cả (Bà Then) gọi vía cho Gường Hai Há và Sở Hai Tàng. Hai nàng như tỉnh lại.
Đêm đó bản mường cùng nhau dự đêm Hát hội Hằng Nga, là đêm hát giao duyên trữ tình dành cho trai gái về hội sau hai năm xa cách, xuân này mới có dịp gặp lại nhau.
*
Khúc hát lễ hội Hằng Nga phản ánh nguyện vọng, ước mơ, tình cảm lãng mạn của dân tộc Tày. Dù hoàn cảnh, điều kiện sản xuất miền núi khó khăn nhưng họ vẫn có những ước mơ táo bạo: xin trời (đại diện là Nàng Hai - Hằng Nga) giúp đỡ.
Đường đi lại mường trời khó khăn, gặp các Mẹ Nàng Hằng Nga không dễ dàng gì, nhưng họ đã vượt qua và đạt kết quả trong chuyến đi. Lạn Ba ngừng dâng sóng, đã mở cửa trời. Khắc Cơ cho nhiều thóc giống, thuyền quá nặng / Cho nhiều cá giống, chở không đi / Bích Vân cử ba mươi con thuyền liền suông quan / Năm mươi cỗ thuyền loan suông trai / giúp Sở Hai Tàng và Gường Hai Há trở về trên đường trời phơi phới.
Dượng Tàm cho đoàn người trần giống tằm với những con ngài béo mập, những cái kén bằng quả mận, hai tay đè không vỡ. Bích Lan cho họ hạt giống vải và cành dâu giống không cần chăm nom, không cần làm cỏ làm ít lại tốt nhiều hơn họ. Mạ Mì nhốt kín sâu bọ, không để xổng xuống trần cho nên gốc lúa bằng cây móc, bông lúa bằng buồng hoa báng, khi gặt hái, Gường Hai Há phải lấy búa lấy rìu đi chặt.
Đó là ước mơ của những nam nữ thanh niên chưa một lần chùn bước vì họ đã xác định được công việc làm sứ giả của mình: Hạ giới họ cầu mùa / Khôi châu họ cầu vụ / Cầu mùa hơn mùa cũ / Cầu vụ hơn vụ xưa / Vụ này càng tốt tươi hơn vụ trước (Lời dịch).
Khúc hát lễ hội Hằng Nga miêu tả đoàn người đẹp của trần gian đi trên mường trời thật khỏe khoắn lạc quan: Vừa nói, Bóng Nguyệt đã tới / Vừa tưởng, Hằng Nga đã lọt; hoặc là Hằng Nga cưỡi ngựa giấy về nhanh / Bóng Nguyệt cưỡi ngựa gió về vội; hoặc là Mười đường dồn một đường để bước / Mười lối dồn một lối đi về.
Khúc hát lễ hội Hằng Nga còn cho ta thấy hành trình của đoàn người dương gian lên mường trời đã gặp bao nhiêu khó khăn mà họ đã phải vượt qua. Họ phải nhờ én và ương lên mường trời báo trước với các Mẹ Nàng Hằng Nga. Họ còn bận tổ chức đoàn người đi cùng chuẩn bị tìm đòn tìm lạt để khiêng nụ khiêng hoa cùng những lễ vật khác.
Khi đi qua vùng các bạn tiên trẻ vui chơi (ở Nà Lại gieo đúm, chốn Nà Đon gieo cầu) họ không để cuộc vui làm lỡ hành trình. Họ từ chối lời mời của các nàng tiên thật khó: Người trần không đánh cù gỗ dâu / Người đời không gieo đúm bọc lụa / Mê đánh cờ lỡ bữa cơm trưa / Mê gieo đúm lỡ làng chiều tối. Với tuổi trẻ vượt qua được những cuộc vui xuân của lứa tuổi, hoặc bỏ qua được những chùm hoa các loại ở mường trời gió thổi về si mê… quả thật là khó khăn.
Đấy là chưa nói tới những khó khăn nguy hiểm khác mà họ đã gặp trên hành trình như yêu tinh, hà bá, thuồng luồng, tê tê, lợn lòi… khiến đoàn người trần rất băn khoăn: Nói sao sẽ vượt qua / Liệu nói sao vượt khỏi? Đoàn người trần gian phải chèo thuyền đi qua vùng thiên nhiên lạ lẫm: Chèo lên lối núi đá Thiên Ô biết nói / Chèo lên lối núi đá Én Nhạn biết cười / …

Thác Bản Dốc - Cao Bằng.
Cuối cùng họ đã vượt qua mọi khó khăn, thấy hiện ra trước mắt khung cảnh: Dòng nước Áng Vài giữa núi Puông / Lối trên đường Bụt, dưới đường trăng / Dơi đàn, bầy én bay phơ phất / Tiên nữ thuyền trăng dạo mấy vòng…
Vì vậy ta có thể thấy, qua những khúc hát Lễ Hội hiện lên một cuộc đời bất công của xã hội có giai cấp, hiện lên những bí ẩn u huyền của thiên nhiên, cùng bao nhiêu trở ngại ngăn cản con đường phải đi tới, người nông dân Tày (thông qua hình tượng đoàn người trần gian lên mường trời cầu xin các Mẹ Nàng Hằng Nga giúp đỡ) chỉ biết đi lên phía trước giành cho được thắng lợi.
Sau phần lễ hội, cuộc vui bước vào hát hội với những khúc hát Lượn sương đầm ấm thiết tha hấp dẫn. Nó làm cho trai gái các bản mường xa gần xích lại gần nhau. Tình thân, tình yêu nẩy nở.
Những bài hát chào mời thổ lộ tình cảm thật mặn mà. Bài hát giã bạn càng làm nỗi lòng đôi bên xao xuyến hơn. Khi ấy gà đã gáy chuyển canh, anh con trai đành nhờ sứ én bay theo đường để tiễn bạn chụ (bạn tình): Gà gáy trời vừa mờ rạng sáng / Bạn về đường bộ hay đường thuyền? / Bạn đi đường thuyền hay đường bộ? / Cắt én thành đôi tiễn bạn lên / … Người con gái không muốn cuộc chia tay quá nhẹ tênh như vậy, tốt hơn hết là có chàng đi tiễn: Gà gáy trời vừa mờ rạng sáng / Đường bộ, em đi em sợ beo / Đường thuyền, em sợ thuồng luồng ghẹo / Anh có thương, đưa tiễn, em theo…
Tình cảm yêu thương lành mạnh nảy nở, cuộc chia tay đầy lưu luyến. Sau này, họ hẹn gặp lại nhau ở những phiên chợ xa, lại cùng hát những bài Lượn sương như đêm Hát hội Nàng Hai, tình yêu thêm mặn mà tha thiết, đi tới ước hẹn hôn nhân hạnh phúc…
Mùa Xuân năm 2010