Suốt cuộc đời bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là một cuộc chiến đấu không ngừng cho sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc. Tuy vậy, chân dung của ông còn một mặt nữa mà nhiều người chưa biết. Đó là chuyện tình cảm riêng tư…
Cuộc đời và sự nghiệp của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (BSNKV) (1913-1997) có nhiều mùa xuân đáng nhớ. Mùa xuân cuối cùng của ông là xuân Bính Tý 1996, ông còn đủ sức vào TP.Hồ Chí Minh đón Tết và ở đây, ông đã viết một lúc 3 bài “Khai bút” – một bài là lời chúc mọi người “đổi mới cuộc đời”, bài thứ hai là lời nhắn cuối cùng về “các o” bên dòng sông Phố với giọng điệu bùi ngùi của người con sắp vĩnh biệt quê hương (“Các o ơi! Xin dành một thoáng tâm tình/ Cho một con người đã vời vợi đi xa…”) và bài thứ ba Mừng bà nhà tôi lên tuổi 70 – tức bà Nguyễn Thị Nhất – người vợ “70 không già/ Hai vai gánh vác/ Việc nước việc nhà/ Việc dòng việc họ/ Chuyện phố chuyện phường/ Thêm một ông chồng/ Kiệt sức hết hơi/ Vẫn lắm trò chơi/ Sách sách vở vở/ Hết văn lại võ/ Khách khứa sớm chiều/ Chỉ được một điều/ Trải bao năm qua/ Từ nơi đất khách/ Về đến quê nhà/ Khi gần khi xa/ Ngày sướng ngày khổ/ Tơ lòng gắn bó/ Không bao giờ dứt…”. Xa hơn một chút là xuân Tân Mùi 1991, BSNKV viết lá thư gửi Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, một lần nữa, nêu những ý kiến nóng bỏng với Đại hội 7, khiến dư luận quy cho ông như là tên “phản động” thêm ồn ào, mãi đến lúc Tổng Bí thư Đỗ Mười mời đến “đối thoại” (tháng 9-1991), vấn đề mới được giải tỏa. Xa nữa, là xuân Quý Sửu 1973, ông sang Pháp ở 40 ngày, đúng vào lúc ký Hiệp định Paris, cùng với các bạn Pháp làm cuốn phim về Việt Nam và trả lời phỏng vấn các tờ báo lớn quốc tế về tình hình Việt Nam. Các bài này được xuất bản với tên Vietnam: Bilan d’une victoire ou Pour comprendre le Vietnam (Việt Nam - Tổng kết một chiến thắng hay Để hiểu Việt Nam). Xa hơn nữa, mùa xuân Quý Mão 1963, sau 26 năm xa quê hương ông được trở về Tổ quốc…
Nhắc đến những năm ở Pháp thì không thể quên hai mùa xuân năm Ngọ đáng nhớ trong đời ông: Mùa xuân Nhâm Ngọ 1942, BSNKV bất chợt ho ra máu và từ đó – vì chưa có thuốc chữa bệnh lao – ông đã phải nằm bệnh viện gần chục năm, lên bàn mổ nhiều lần, cắt 6 xương sườn và hơn 1 lá phổi… (việc ông vượt qua “cửa tử” được xem như một kỳ tích, và “phương pháp dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện” ngày nay được phổ biến rộng rãi). Mùa xuân Giáp Ngọ 1954 lại là những ngày vui nhất của ông trong mấy chục năm hoạt động ở Pháp. Lúc đó, sau khi ông Phạm Huy Thông bị cảnh sát Pháp bắt và trục xuất về Sài Gòn, BSNKV tuy sức khỏe chưa bình phục nhưng với cương vị phụ trách phong trào Việt kiều hoạt động bí mật ở Pháp, đã đi đến nhiều địa phương, thúc đẩy mọi hoạt động ủng hộ cuộc kháng chiến, chuyển những thông tin cần thiết về nước, tuyên truyền với thế giới phương Tây về chiến dịch Điện Biên Phủ, cho đến ngày 7-5-1954, như BSNKV đã viết trong hồi ký: “… tin ta thắng ở Điện Biên Phủ đã làm náo động cả thủ đô nước Pháp… bạn bè Pháp gặp người Việt Nam thì mời đến hoan hô, cho uống sâm banh… Các bạn châu Phi, Algérie… mang những tờ báo to đề lên “Điện Biên Phủ đã thất thủ” dán trước ngực rồi đi đi lại lại trên các đường phố rất vui vẻ. Có một sinh viên Việt Nam đi chữa giày, người thợ Pháp không quen biết nói: “Thôi thôi, Việt Nam… Điện Biên Phủ thì không lấy tiền!”…”. Và ngay sau đó, BSNKV đã bí mật vượt biên giới Pháp - Thụy Sĩ để gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đoàn Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Genève báo cáo nội tình nước Pháp.
Chỉ nhắc lại sơ qua mấy mùa xuân kể trên đã thấy suốt cuộc đời BSNKV là một cuộc chiến đấu không ngừng cho sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc. Hầu như ai cũng nghĩ vậy và khi ông qua đời (10-5-1997), nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cũng như các trí thức văn nghệ sĩ, đã “lưu bút” những dòng chữ đẹp đẽ như thế. Tuy vậy, chân dung BSNKV còn một mặt nữa mà nhiều người chưa biết, kể cả anh em trong gia đình. Đó là chuyện tình cảm riêng tư…