Marguerite Duras và người tình Sa Đéc

Quyển tiểu thuyết L’Amant (Người tình) của nữ sĩ Pháp Marguerite Duras (1914-1996) ra mắt độc giả năm 1984 và có sức cuốn hút mạnh mẽ. Cùng năm ấy, tác phẩm của bà Duras chiếm giải thưởng Goncourt của Pháp.


Với những thành công ban đầu như thế, nữ sĩ nhớ nhiều về người tình Sa Đéc và muốn thực hiện thành phim. Bà giao trọn vẹn cho hãng phim Renn-Productions (Pháp).

Marguerite Duras lúc 16 tuổi

Bộ phim L’Amant (Người tình) do Jean-Jacques Annaud (người Pháp) làm đạo diễn được trình chiếu vào năm 1992. Khán giả Việt Nam và thế giới được thưởng thức một cuốn phim màu của Pháp khá hấp dẫn từ nội dung đến hình thức, lấy bối cảnh Sài Gòn, Sa Đéc, Hà Tiên vào những năm 1927, 1928 trở đi.

Huỳnh Thủy Lê, người tình của Marguerite Duras

Chiếc ô tô Limousine màu đen bóng nhoáng, kiểu xưa (ra đời khoảng 1930) mua từ Philippines, xuất hiện tại TP.Hồ Chí Minh trong năm 1990-1991 đã tạo sự tò mò của dân thành phố về phim Người tình. Rồi ngôi trường nổi tiếng thời xưa, Chasseloup-Laubat, cũng được tái hiện (nay là trường THPT Lê Quý Đôn).

Hình ảnh những chiếc xe kéo, xe ngựa cùng những trụ đèn của Sài Gòn năm xưa được dàn dựng công phu cho những đại cảnh của phim. Đã xem phim Người tình, khán giả không thể quên được những cảnh Sài Gòn về đêm của thuở nào xa xưa. Hình ảnh cô đầm nhỏ ngồi trên chiếc xe kéo giữa đêm khuya đi tìm người yêu nhưng không gặp v.v…

Truyện phim do đạo diễn biên soạn, sát với tiểu thuyết, gồm 161 cảnh.

Mở đầu: Nữ sĩ đã già, nhớ lại những ngày của tuổi thơ tại Sa Đéc. Ở đó có ngôi trường mang tên “École de Sadec” mà mẹ của nữ sĩ, bà Marie Donnadieu, làm hiệu trưởng. Gia đình bà hiệu trưởng túng thiếu sau nhiều năm dài làm ăn thất bại của người cha. Marguerite Duras mồ côi cha từ lúc cô lên bốn. Duras có 3 anh em. Người anh lớn, lúc ở Sa Đéc đã biết ăn cắp tiền để hút á phiện nên bà mẹ tính chuyện đưa con trở về Pháp.

Ngôi trường Nữ học đường Sa Đéc, nơi mẹ của Marguerite Duras làm hiệu trưởng

Năm 1922, Marguerite Duras 8 tuổi đã có mặt ở Sa Đéc. Năm 1930, Duras 16 tuổi, học ở trường Chasseloup-Laubat, Sài Gòn. Ngày tựu trường năm đó, cô đầm nghèo ở Sa Đéc lên Sài Gòn nhập học. Cô phải đi xe đò, chen chúc với những người An Nam bản xứ, trong khi công chức Pháp có xe hơi riêng. Quần áo cô xấu xí, giày cũ, đội nón đàn ông, trong khi cô là con gái mới lớn, nhan sắc chẳng kém ai.

Chiếc xe đò chở đầy hành khách và heo gà trên mui đến bến phà Mỹ Thuận (nằm giữa Vĩnh Long và Sa Đéc ), chờ qua sông Cửu Long. Trên phà, có chiếc xe hơi của chàng trai người Hoa quá lộng lẫy. Chàng tên Huỳnh Thủy Lê, con một gia đình giàu có ở Sa Đéc. Chàng ngỏ lời mời, cho nàng quá giang đi Sài Gòn. Nàng nhận lời và hai người ngồi cạnh nhau từ Mỹ Thuận đến Sài Gòn. Chàng tự giới thiệu, đã từng du học bên Pháp, học hành không khá, nay hồi hương.

Chuyến quá giang đã mở đầu một trang tình sử.

Tony Lenung (Lương Gia Huy) và Jean March trong phim Người tình

Xe đến Sài Gòn - “Hòn ngọc Viễn Đông” - đưa Duras đến thẳng nhà nội trú dành cho nữ sinh. Sau đó, chiếc xe hơi lộng lẫy ấy thường đến đón cô nữ sinh. Chàng cùng nàng ngoạn cảnh Sài Gòn và đưa nàng ăn tối trong Chợ Lớn. Từ đó, nàng xao lãng chuyện học hành. Tình cảm yêu đương ngày càng gắn bó. Chàng trai Sa Đéc, từ lâu có mướn riêng một căn phòng nhỏ trong con hẻm ở Chợ Lớn để làm “tổ uyên ương”. Chính cái “tổ uyên ương” này là nguyên nhân khiến cho nhà trường phải báo cáo về Sa Đéc cho bà hiệu trưởng biết: Duras thường xuyên vắng mặt.

Phần chàng trai thì cầu khẩn xin cha cho cưới cô gái Pháp. Nhưng gia đình cương quyết từ chối, đồng thời báo tin cho chàng biết, gia đình chuẩn bị cưới vợ cho chàng - một cô gái người Hoa, giàu có, đã hứa hôn từ lâu.

Trước khi chia tay, chàng và nàng có đi chơi vùng biển Hà Tiên. Nàng kể về công cuộc làm ăn của cha ở nơi này. Thất bại to tát, gia đình kể như phá sản, khiến ông buồn rầu mà chết.

Có lần, cả gia đình bà hiệu trưởng được chàng trai mời lên Sài Gòn, ăn ở tại khách sạn rất sang trọng.

Rồi một ngày…đám cưới linh đình tại Sa Đéc. Chàng trai cưới vợ theo nghi thức cổ truyền của người Hoa. Cô gái Pháp nghèo, đứng bên cạnh xe đạp thẫn thờ nhìn buổi lễ cưới.

Huỳnh Thủy Lê và vợ

Lần gặp gỡ sau cùng, cô gái có cho chàng biết, gia đình nàng quá túng bấn, đành phải trở về Pháp tìm sinh kế khác. Chàng tặng nàng chiếc nhẫn kim cương.

Đêm nọ, cô gái vào Chợ Lớn, tìm đến “điểm hẹn” ngày xưa, mở của vào, chờ mãi nhưng không gặp chàng trai người Hoa. Nàng trở về khách sạn, mẹ và đứa em chuẩn bị hành lý chờ ngày xuống tàu, vĩnh biệt xứ Nam Kỳ thuộc địa.

Cảnh chót, khá cảm động của phim là chàng trai âm thầm đến bến cảng Sài Gòn để tiễn đưa người tình, trong khi cô gái đứng trên boong tàu, chợt nhận ra chiếc xe hơi đen bóng của chàng đang đậu trên bờ…

***

Sự thành công của cuốn phim Người tình do đạo diễn J.J.Annaud thực hiện làm cho tên tuổi của nữ sĩ Marguerite Duras càng gắn bó hơn với thị xã Sa Đéc. Ngôi nhà cổ của Huỳnh Thủy Lê (ông đã qua đời năm 1972) tại số 225A đường Nguyễn Huệ - phường 2 - thị xã Sa Đéc - tỉnh Đồng Tháp ngày nay được Nhà nước Việt Nam xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ngôi nhà gia đình ông Huỳnh Thủy Lê từng sống ở Sa Đéc

Là điểm tham quan trong tour “Theo dấu chân người tình” của Công ty cổ phần Du lịch Đồng Tháp, ngôi nhà cổ mỗi ngày có trung bình 1.000 lượt khách quốc tế đến tham quan, trong đó 50% là người Pháp, còn lại là Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Úc…

 



LIỄU SA ĐÉC

MAI QUỐC LIÊN

Sa Đéc bất ngờ gặp liễu

Liễu xanh xanh tơ liễu thơ Đường.

"Người tình"* bặt dấu, vô tình liễu

Có giận hờn ai, có nhớ thương


(*)

Người tình (tên tiếng Pháp: L'Amant), tác phẩm của Marguerite Duras, kể về mối tình của bà ở Sa Đéc - Sài Gòn.

Đinh Công Thanh